1 lãnh đạo TQ bất ngờ thừa nhận tăng trưởng GDP "bốc hơi" 1%: Thảm họa cho Bắc Kinh?

Thứ Hai, 20 Tháng Năm 20196:13 CH(Xem: 5011)
1 lãnh đạo TQ bất ngờ thừa nhận tăng trưởng GDP "bốc hơi" 1%: Thảm họa cho Bắc Kinh?
1 lãnh đạo TQ bất ngờ thừa nhận kịch bản tăng trưởng GDP "bốc hơi" 1%: Thảm họa cho Bắc Kinh?
Ủy viên thường vụ Bộ chính trị, Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Uông Dương (Ảnh: Xinhua)

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể làm sụt giảm 1% tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2019 so với mục tiêu kế hoạch.

Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc dự báo kịch bản xấu nhất trong thương chiến

Trao đổi trong cuộc gặp với các doanh nhân Đài Loan tại Bắc Kinh hôm thứ Năm (16/5), Chủ tịch Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân toàn quốc (Chính hiệp) Trung Quốc, ông Uông Dương cho biết chính phủ Trung Quốc đã đánh giá tác động của cuộc đối đầu thương mại kéo dài gần 1 năm qua với Mỹ và dự báo rằng trong kịch bản tồi tệ nhất, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ thấp hơn 1% so với kỳ vọng.

Ông Uông Dương là một trong số 7 ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc - nhóm lãnh đạo ra quyết sách hàng đầu của nước này.

Tại hội nghị Chính hiệp toàn quốc hồi đầu tháng 3, Trung Quốc công bố dự báo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 từ 6% đến 6.5%, thấp hơn so với mức mục tiêu của năm ngoái (ước chừng khoảng 6.5%).

Với tác động của thương chiến và như dự báo của ông Uông về kịch bản xấu nhất, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2019 có thể lao dốc xuống mức 5 đến 5.5%.

Ông Uông không tiết lộ bất kỳ kế hoạch nào của Bắc Kinh để xử lý tác động của chiến tranh thương mại, song ông là quan chức đầu tiên trong ban lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đề cập trực tiếp ảnh hưởng của thương chiến đối với những mục tiêu phát triển của nước này.

1 lãnh đạo TQ bất ngờ thừa nhận kịch bản tăng trưởng GDP bốc hơi 1%: Thảm họa cho Bắc Kinh? - Ảnh 1.

Ông Uông Dương chủ trì một sự kiện của Chính hiệp Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 14/5/2019 (Ảnh: Xinhua)

Một đại biểu dự sự kiện của ông Uông Dương tại Bắc Kinh, thành viên tại Thượng Hải của Hội hữu nghị doanh nghiệp đầu tư Đài Loan cho hay, mặc dù đánh giá thẳng thắn về rủi ro tăng trưởng kém, ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc không tỏ ra quá lo ngại về ảnh hưởng dài hạn của chiến tranh thương mại.

"Ông Uông nói rằng mặc dù chiến tranh thương mại có tác động đến phát triển kinh tế của Đại lục và gây ra sóng gió đáng kể, nhưng nó sẽ không dẫn đến bất kỳ thay đổi nào về cấu trúc," đại biểu (ẩn danh) nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).

"Ông ấy nói dự báo bi quan nhất là [chiến tranh thương mại] sẽ làm giảm 1% trong tăng trưởng GDP của Đại lục," nguồn tin cho hay. "Ông Uông cho biết nhà chức trách không ngăn cấm doanh nghiệp Đài Loan muốn di chuyển hoạt động khỏi Đại lục, nhưng nhấn mạnh rằng thị trường rộng lớn ở đây mang lại những cơ hội phát triển lớn cho chúng tôi."

Cũng theo đại biểu này, ông Uông Dương nhận định Mỹ đã đánh giá thấp sự ngoan cường của người Trung Quốc khi tưởng rằng có thể dùng chiến tranh thương mại để "mang đau khổ" đến cho Trung Quốc.

Dù vậy, nếu kịch bản xấu nhất mà ông Uông nêu ra trở thành sự thật và Trung Quốc tăng trưởng kinh tế dưới 6% trong năm nay, thì đó sẽ là kịch bản "thảm họa" đối với ban lãnh đạo trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc do ông Tập Cận Bình làm hạt nhân.

Tại các kỳ họp Quốc hội và Chính hiệp toàn quốc (Lưỡng hội) hàng năm, thường diễn ra vào tháng 3, báo cáo công tác chính phủ sẽ được công bố, và gần như chưa từng có tiền lệ ở Trung Quốc về việc ban lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Ban lãnh đạo nước này sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu không thể vượt qua khó khăn do thương chiến gây ra và đạt được mức tăng trưởng 6-6.5% trong năm 2019, như thủ tướng Lý Khắc Cường công bố tại Lưỡng hội hồi tháng 3.

Số liệu của chính phủ cho thấy, trong bối cảnh chiến tranh thương mại được khơi mào và leo thang năm 2018, Trung Quốc vẫn đạt tăng trưởng 6.6% và hoàn thành mục tiêu đặt ra, nhưng đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 28 năm.

Julian Evans-Pritchard, nhà nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, nói rằng nếu chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục áp thuế quan 25% đối với 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc (hiện vẫn chưa bị đánh thuế), thì động thái này có thể thổi bay đến 0.7% giá tị trăng trưởng GDP của Trung Quốc.

"Ngoài ra, sẽ có tác động gián tiếp đến lòng tin và nguồn vốn đầu tư, do đó con số sụt giảm tăng trưởng 1% do thương chiến dường như là một dự báo hợp lý," ông nói. Tuy nhiên, ông Evans-Pritchard dự đoán một phần tác động tiêu cực có thể được giảm nhẹ thông qua những điều chỉnh về chính sách của Bắc Kinh.

1 lãnh đạo TQ bất ngờ thừa nhận kịch bản tăng trưởng GDP bốc hơi 1%: Thảm họa cho Bắc Kinh? - Ảnh 2.

Theo ông Uông Dương, Mỹ đã đánh giá thấp khả năng chống chịu của Trung Quốc trước sức ép thương chiến (Ảnh: Reuters)

Truyền thông nhà nước Trung Quốc khẳng định vai trò của đảng

Trong bài xã luận đăng tải tối 19/5, tờ Thời báo Hoàn Cầu đăng tải bài xã luận của tổng biên tập Hồ Tích Tiến, khẳng định vai trò và vị thế của ĐCSTQ trong những thành tựu chính trị, kinh tế, xã hội mà nước này đạt được.

Theo ông này, các quốc gia khác có thể hoảng sợ khi đối mặt với người khổng lồ kinh tế như Mỹ, và nhiều người Trung Quốc cũng đã hoang mang khi chiến tranh thương mại nổ ra vào năm ngoái. Ông Hồ Tích Tiến chỉ ra, dưới sức ép của Mỹ vào năm 2018, có thể đồng nhân dân tệ đã mất giá 10-15% so với đồng USD, và không ngạc nhiên khi đồng nội tệ giảm đến 20%, nhưng "điều kỳ diệu" là đồng tệ đã nhanh chóng lấy lại ổn định.

"Các nhà kinh tế học đưa ra nhiều cách lý giải, nhưng theo tôi thì lý do cơ bản chính là sự lãnh đạo mạnh mẽ của đảng," tổng biên tập báo Hoàn Cầu viết. 

Ông lập luận, "trung ương ĐCSTQ có hạt nhân mạnh mẽ và quyền lực (tức ông Tập Cận Bình - ND). Các giải pháp chính trị của đảng đã khích lệ người dân Trung Quốc trong thời khắc quan trọng, và thúc đẩy lòng tin của xã hội để vượt qua khó khăn. Nói cách khách, Trung Quốc đã 'sống sót' qua tác động địa chính trị nghiêm trọng nhất và đứng vững vàng, với chỉ một chút 'lắc lư'."

Ông Hồ Tích Tiến nêu, Mỹ đã đánh giá thấp khả năng chịu sức ép của Trung Quốc và không nhìn nhận được sức mạnh của ĐCSTQ trong vận động xã hội cũng như kiểm soát rủi ro.

"Từ năm 1949, Trung Quốc đã khám phá các phương hướng phát triển khác nhau trong khoảng 30 năm, trong đó đất nước đi qua những khúc ngoặt, đạt được thành tựu trong công nghiệp, củng cố sức mạnh quân sự và trở nên độc lập," ông viết. "Sau đó, Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng cao gây sốc cho thế giới và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai. Chất lượng cuộc sống ở Trung Quốc đã được cải thiện cơ bản. Theo tôi, đây là hướng quan trọng để tìm hiểu những điều mà hệ thống do ĐCSTQ dẫn dắt đã mang tới cho Trung Quốc."

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn