Ông Duterte đổi giọng về Biển Đông

Thứ Bảy, 06 Tháng Tư 20195:52 CH(Xem: 8645)
  • Tác giả :
Ông Duterte đổi giọng về Biển Đông

Ông Duterte đổi giọng về Biển Đông - Ảnh 1.

Ông Duterte bất ngờ phản ứng mạnh mẽ trước động thái gần đây của Trung Quốc ở đảo Thị Tứ - Ảnh: Reuters

Mặc dù Tổng thống Duterte đã cẩn thận rào đón để tránh làm phật lòng Trung Quốc khi nói rằng đây chỉ là lời khuyên đối với "một người bạn", ông tuyên bố binh lính Philippines đồn trú sẽ tử thủ nếu Trung Quốc có ý định "đụng" vào hòn đảo thuộc chủ quyền Việt Nam mà Philippines đã chiếm đóng trái phép từ năm 1970 này.

Sức ép chính trị trong nước

Tổng thống Philippines vốn khá mềm mỏng với Trung Quốc kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2016, và có nhiều tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư - thương mại của Trung Quốc đối với nền kinh tế nước này.

Trước đây, ông Duterte cũng thỉnh thoảng cho rằng cuộc chiến tranh với Trung Quốc là vô ích, khi quân đội Trung Quốc quá vượt trội so với Philippines. Ông thậm chí bỏ qua phán quyết có lợi cho Philippines đối với Trung Quốc ở Biển Đông vào tháng 7-2016 để hàn gắn mối quan hệ song phương, vốn bị sứt mẻ dưới thời tổng thống Aquino.

Chính vì vậy, ông Duterte bị nhiều chỉ trích vì quá mềm yếu trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc để đổi lại mối quan hệ kinh tế hữu hảo hơn từ quốc gia này, nhưng trong thực tế lại không mang nhiều hiệu quả.

Tuy nhiên, báo cáo của giới quốc phòng Philippines vào cuối tháng 3 năm nay đã buộc ông Duterte phải suy nghĩ lại. 

Báo cáo này ghi nhận trong hơn 200 tàu cá của Trung Quốc neo đậu gần đảo Thị Tứ, vốn có diện tích chỉ 37ha, có nhiều tàu không di chuyển. Điều này chứng tỏ các tàu này không phải là tàu ngư dân đơn thuần, mà là tàu dân quân cùng hải cảnh của Trung Quốc và đã cản trở ngư dân Philippines đánh bắt ở ngư trường xung quanh.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Philippines ra thông cáo cho rằng sự hiện diện của các tàu Trung Quốc là sự "vi phạm bất hợp pháp chủ quyền Philippines". Rõ ràng sự việc không chỉ đơn giản là sự đụng độ giữa các tàu ngư dân hai nước đánh bắt chung ngư trường.

Ngoài ra, sự thay đổi trong giọng điệu của ông Duterte với Trung Quốc cũng có thể được diễn dịch là ông đang muốn thay đổi hướng của sức ép chính trị trong nước. 

Paolo, vốn là cựu phó thị trưởng thành phố miền nam Davao và là con trai của Tổng thống Duterte, đang bị phe đối lập cáo buộc liên quan đến nhóm buôn ma túy nổi tiếng.

Trong một diễn biến khác, hai cựu viên chức trong chính quyền Philippines, bao gồm cựu ngoại trưởng Albert del Rosario và cựu tổng thanh tra Omopaman Conchita Carpio Morales, hôm 15-3 đã kiện Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên Tòa Hình sự quốc tế (ICC), với cáo buộc việc Trung Quốc cải tạo các đảo phi pháp ở khu vực Biển Đông là "sự hủy diệt gần như vĩnh viễn và tàn phá môi trường lớn nhất trong lịch sử nhân loại".

Vụ kiện này không có hiệu quả khi một trong những lý do quan trọng là Trung Quốc hiện nay không phải thành viên của ICC. Tuy nhiên, nó có tác động gây tiếng vang trong chính trị Philippines, khi vụ kiện này chứng tỏ giới tinh hoa ở Manila ngày càng trở nên không hài lòng với chính sách "quá thân thiện" của ông Duterte với Bắc Kinh.

"Nhất tiễn song điêu"

Phát biểu mạnh mẽ của Tổng thống Duterte có thể được coi là "nhất tiễn song điêu", khi ông vừa có thể làm xoa dịu phần nào các đối thủ chính trị trong nước về chính sách đối ngoại hướng về Trung Quốc của mình, và vừa thể hiện với Mỹ với phương Tây là ông ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở của Tổng thống Trump, chống lại các hành động cải tạo đảo và các hành vi ngăn chặn tự do hàng hải của Trung Quốc.

Phát biểu của ông Duterte trùng với thời gian đang diễn ra cuộc tập trận hằng năm giữa Mỹ và Philippines có tên là Balikatan, vốn mang nghĩa "vai kề vai" trong tiếng địa phương Tagalog. 

Cuộc tập trận này kéo dài từ ngày 1 đến 12-4, đồng thời đây là lần đầu tiên có sự tham gia của tàu đổ bộ tấn công USS Wasp và máy bay chiến đấu F-35B tia chớp II. 

Hơn 7.500 binh sĩ Philippines và Mỹ cùng một nhóm nhỏ khoảng 50 binh sĩ từ Úc tham gia cuộc tập trận năm nay, mà mục tiêu của nó là an ninh hàng hải, khả năng đổ bộ cũng như phối hợp hoạt động đa quốc gia và kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu đối với các đe dọa bên ngoài.

Đầu tháng 3-2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến thăm Philippines đã tuyên bố Mỹ sẽ can thiệp nếu có bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhắm vào máy bay hay tàu thuyền của Philippines trên Biển Đông. 

Ông Pompeo tái khẳng định cam kết của hiệp ước phòng thủ chung mà Washington ký với Manila vào năm 1951.

Sự kiện đảo Thị Tứ nhắc Philippines nhớ lại bài học bãi cạn Scarborough vào năm 2012, khi Trung Quốc cũng dùng tàu dân quân để giành quyền kiểm soát bãi cạn này và phong tỏa ngư dân Philippines quay lại ngư trường này để đánh bắt. 

Lúc đó, phía Mỹ đã không có hành động gì để bảo vệ Philippines và nay Manila đã có cam kết của ông Pompeo.

Chính vì vậy, tuyên bố của ông Duterte có thể mang nhiều mục đích. 

Thứ nhất, ông muốn trấn an phe đối lập và những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Philippines rằng ông kiên quyết bảo vệ tới cùng chủ quyền của Philippines. 

Thứ hai, Washington có thể an tâm rằng mối quan hệ truyền thống Mỹ - Philippines không bị sút giảm và không bị hi sinh bởi sự nồng ấm song phương giữa Philippines và Trung Quốc. 

Thứ ba, tuyên bố của ông Duterte về đảo Thị Tứ cũng là lời nhắc nhở cho phía Trung Quốc đâu là "lằn ranh đỏ" cho mối quan hệ hai nước. 

Philippines sẵn sàng bảo vệ đảo Thị Tứ bằng mọi giá nếu Trung Quốc có các hành động hung hăng, và điều này có thể kéo thêm phía Mỹ vào cuộc chơi. Lúc đó sẽ làm phức tạp thêm tính toán của Trung Quốc.

Bắc Kinh: Biển Đông cần được giải quyết hòa bình

Ngày 4-4 tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đề cập các cuộc đàm phán song phương về Biển Đông được tổ chức tại Philippines ngày 3-4, mô tả bầu không khí là "thẳng thắn, thân thiện và mang tính xây dựng".

Tại cuộc gặp, cả hai bên đều nhắc lại rằng các vấn đề Biển Đông cần được giải quyết hòa bình bởi các bên liên quan trực tiếp.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn