Đức xem xét cấm Huawei lập mạng 5G 'vì rủi ro an ninh'

Thứ Sáu, 18 Tháng Giêng 201911:38 CH(Xem: 6686)
Đức xem xét cấm Huawei lập mạng 5G 'vì rủi ro an ninh'

Đức Bản quyền hình ảnh HOW HWEE YOUNG
Image caption Tổng thống Frank-Walter Steinmeier trong một chuyến thăm đến TQ vào năm 2016. Sau đó, ông lại thăm nước này hồi 2017 và cuối 2018

Chỉ hơn một tháng sau khi Tổng thống Đức thăm Trung Quốc, Berlin xem xét việc cấm Huawei thiết kế mạng 5G ở nước này.


Hồi đầu tháng 12/2018, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier sang thăm Bắc Kinh và được Chủ tịch Tập Cận Bình trải thảm đỏ đón long trọng.

Hai bên nói về quan hệ chiến lược và việc mở đường cho các tập đoàn Trung Quốc đầu tư vào Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Vào lúc đó, chính phủ Đức bác bỏ các lo ngại về hoạt động của Huawei ở châu Âu.

Nhưng hôm 18/01/2019, Bộ Nội vụ Đức cho hay họ đang xem xét việc "cấm hoàn toàn Huawei tham gia thiết kế mạng viễn thông 5G".

Điều này, nếu xảy ra, sẽ đưa Đức vào cùng nhóm các nước Phương Tây và EU "không hoan nghênh" hệ 5G của Huawei.

Trước đó, Ba Lan cũng lên tiếng tương tự, cho rằng Huawei "tạo rủi ro an ninh", và quan chức Cộng hòa Czech cũng chia sẻ quan điểm này.

Cho đến gần đây, Hoa Kỳ, Úc và New Zealand là các nước mạnh mẽ nhất trong việc chỉ trích tập đoàn Huawei của Trung Quốc.

Bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của Huawei bị Canada bắt hồi cuối 2018 theo yêu cầu của Mỹ. Vụ việc đã gây ra căng thẳng quan hệ Canada-Trung Quốc.

Tới nay, có vẻ như chiến dịch nhắm vào Huawei có hai phần.

Một là việc cấm Huawei xây dựng mạng viễn thông vì lo ngại vì Trung Quốc "xâm nhập".

Hai là việc không cung cấp cho Huawei và các công ty Trung Quốc công nghệ cao, nhằm hạn chế sự phát triển của Trung Quốc.

Court sketch of Meng Wanzhou during her bail hearing in Vancouver, British Columbia, Canada 7 December 2018 Bản quyền hình ảnh Reuters
Image caption Bà Mạnh Vãn Chu, GĐ tài chính của Huawei bị Canada bắt hồi cuối 2018 theo yêu cầu của Mỹ. Vụ việc đã gây ra căng thẳng quan hệ Canada-Trung Quốc. Trong hình: bà Mạnh ra tòa ở Vancouver hôm 07/12/2018 để xem có bị dẫn độ về Hoa Kỳ hay không

Hôm 17/01, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đề nghị ra một luật cấm các hãng Hoa Kỳ bán chip cho Huawei, ZTE và các doanh nghiệp Trung Quốc nếu họ "vi phạm lệnh cấm vận" mà Mỹ áp đặt với một số quốc gia.

Chủ nghĩa Marx và thương mại

Dù có thể ra lệnh cấm Huawei xây dựng mạng 5G, Đức vẫn tiếp tục muốn có quan hệ kinh tế tốt với Trung Quốc.

Tuần này, Bộ trưởng Tài chính Đức, Olaf Scholz đang ở thăm Trung Quốc và ký kết một thỏa thuận về hợp tác công nghệ tài chính với Phó Thủ tướng Lưu Hạc.

Trao đổi thương mại Đức với TQ đạt 230 tỷ USD năm 2017.

Tuy thế, hai nước vẫn giữ quan điểm khác nhau về chính trị và hệ giá trị.

Sang thăm Trung Quốc tháng 12/2018, Tổng thống Steinmeier của Đức cũng cảnh báo cử tọa sinh viên tại Tứ Xuyên rằng "tai họa đã diễn ra ở Đức và Đông Âu nhân danh Karl Marx".

Ông cũng công khai nói rằng tuy thế Karl Marx khi còn sống luôn ủng hộ tự do tư tưởng.

Phát biểu của ông Steinmeier được nêu ra không lâu sau khi Chủ tịch Tập ca ngợi chủ nghĩa Marx và con đường cộng sản cho Trung Quốc.


Các diễn tiến về Huawei

  • 10/2012: Một ủy ban quốc hội Mỹ cảnh báo Huawei và đối thủ ZTE là đe dọa an ninh, theo sau một cuộc điều tra
  • 7/2013: Huawei bác bỏ cáo buộc của một cựu lãnh đạo CIA rằng công ty làm gián điệp cho Trung Quốc
  • 10/2014: Huawei nói lệnh cấm đấu thầu hợp đồng với chính phủ Mỹ là "không quan trọng"
  • 19/7/2018: Báo cáo chính phủ Anh nói họ chỉ "có đảm bảo hạn chế" rằng thiết bị Huawei không phải đe dọa an ninh quốc gia
  • 23/8/2018: Australia nói Huawei và ZTE sẽ bị cấm tham gia mạng lưới 5G
  • 28/11/2018: New Zealand loại Huawei khỏi mạng 5G
  • 1/12/2018: Bà Mạnh Vãn Chu bị bắt ở Vancouver, Canada
  • 24/12/2018: Thiết bị Huawei bị đưa ra khỏi một hệ thống dùng cho dịch vụ khẩn cấp ở Anh
  • 12/1/2019: Huawei sa thải một nhân viên bị bắt ở Ba Lan vì nghi làm gián điệp
  • 17/1: Đại học Oxford của Anh cho hay đã tạm ngừng nhận tiền tài trợ của Huawei
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn