Thỏa thuận chưa từng thấy: Cuộc chiến "nồi da nấu thịt" ở Yemen sắp vãn hồi? ( Tại sao MBS chưa No Máu, đã buông tay ? )

Chủ Nhật, 16 Tháng Mười Hai 20188:43 CH(Xem: 8836)
Thỏa thuận chưa từng thấy: Cuộc chiến "nồi da nấu thịt" ở Yemen sắp vãn hồi? ( Tại sao MBS chưa No Máu, đã buông tay ? )

Ngày 7/12/2018, sau những cố gắng ngoại giao của Đặc phái viên Liên hợp quốc về Yemen Martin Griffits, các cuộc đàm phán hoà bình giữa chính phủ Yemen và phong trào nổi dậy Houthi đã được nối lại sau hơn 2 năm gián đoạn.

Phái đoàn chính phủ Yemen do Bộ trưởng Ngoại giao Khaled Al-Yamani dẫn đầu đã đàm phán với đoàn của phong trào Houthi do Houthi Mohammed Abdul Salam làm trưởng đoàn.

Khởi đầu tích cực

Sau một tuần đàm phán marathon ở Rimbo, Thụy Điển, ngày 13/12/218, hai bên đã đạt được thỏa thuận bao gồm duy trì lệnh ngừng bắn, trao đổi tù binh, rút các lực lượng Houthi ra khỏi cảng biển Hodeida, thành lập một ủy ban giám sát trung lập dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, mở lại các hành lành lang cho việc vận chuyển các hàng hoá nhân đạo.

Hai bên cũng thỏa thuận sẽ nối lại các cuộc đàm phán vào tháng 1/2019. Trong quan hệ quốc tế chưa có một trường hợp nào các cuộc thương lượng lại đạt được thỏa thuận nhanh chóng như vậy.

Cảng Hodeidah là cửa ngõ chính để nhập khẩu lương thực, thực phẩm thiết yếu cho 30 triệu dân Yemen. Do tầm quan trọng của nó nên thành phố này trở thành chiến trường giành giật ác liệt nhất tại Yemen trong thời gian qua giữa Liên quân Ả Rập do Ả Rập Saudi lãnh đạo và các lực lượng vũ trang Houthi.

Thỏa thuận nhanh chóng chưa từng thấy: Cuộc chiến nồi da nấu thịt ở Yemen sắp vãn hồi? - Ảnh 1.

Phái đoàn 2 bên bắt tay trước sự chứng kiến của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Gutterets. Ảnh: Reuters

Mặc dù đây là những thỏa thuận bước đầu, nhưng những cái bắt tay giữa trưởng đoàn của hai phía với sự chứng kiến của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Gutterets, giữa những tràng pháo tay nồng nhiệt của những người tham dự sau cuộc nội chiến nồi da nấu thịt kéo dài 4 năm nay và được cả cộng đồng quốc tế hoan nghênh là những dấu hiệu tích cực, mở ra hy vọng giải quyết cuộc xung đột Yemen bằng biện pháp hoà bình, chấm dứt đổ máu, chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đất nước chịu nhiều đau khổ này.

Thông điệp của Mỹ

Tại phiên họp bất thường để nghe Đặc phái viên Martin Griffits báo cáo về kết quả đàm phán, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã hoan nghênh thỏa thuận giữa Chính phủ Yemen và phong trào Houthi, coi đây là bước mở đầu quan trọng nhằm giải quyết cuộc xung đột Yemen bằng biện pháp hoà bình.

Các nước thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), các nước Ả Rập và dư luận quốc tế đều tỏ hoan nghênh thỏa thuận này.

Đặc biệt Ả Rập Saudi và Iran là hai đối thủ chính trên chiến trường Yemen, một bên đứng đầu Liên quân Ả Rập ủng hộ chính phủ của Abd Rabbuh Mansur Hadi và bên kia ủng hộ phong trào nổi dậy Houthi đều hoan nghênh thỏa thuận.

Đáng lưu ý, cùng trong ngày 13/12/2018 hai phái Yemen đạt được thỏa thuận, Thượng viện Mỹ với 56 phiếu thuận và 41 phiếu chống đã thông qua dự luật về việc chấm dứt hỗ trợ quân sự của Mỹ cho liên quân do Ả Rập Saudi đứng đầu trong cuộc chiến ở Yemen.

Đây là một sức ép to lớn đối với Ả Rập Saudi và là một hành động thách thức rõ ràng với Tổng thống Donald Trump, người đang bao che cho Thái tử Mohammed bin Salman, phản ánh sự tức giận của các thượng nghị sĩ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà đối với Riyadh trong vụ việc giết hại nhà báo J. Khashoggi.

Đây là sự thay đổi lớn trong quan điểm của Mỹ.

Thông qua kết quả bỏ phiếu này, thượng viện Mỹ muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Ả Rập Saudi rằng Washington sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước các vi phạm nhân quyền, các hành động thanh trừng các nhà bất đồng chính kiến ​​và giết hại người Yemen vô tội.

Đây cũng là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Nhà Trắng sau khi ông Trump bác bỏ kết luận của Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) cáo buộc Thái tử Mohammed bin Salman đứng sau vụ sát hại nhà báo J. Khashoggi trong toà Lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Istanbul ngày 2/10/2018.

Việc thực hiện thỏa thuận và các cuộc đàm phán tiếp theo không dễ dàng

Đây là thỏa thuận tích cực, nhưng việc thực hiện sẽ không dễ dàng.

Một số nhà quan sát chính trị cho rằng, người Houthi được hưởng lợi từ thỏa thuận này do liên minh quân sự của Ả Rập Saudi thất bại trong cuộc chiến ở Yemen và đặc biệt là trong việc để Hodeidah thất thủ rơi vào tay Houthi.

Houthi trước đây được coi là một phong trào bất hợp pháp, không được Chính phủ Abd Rabbuh Mansur Hadi và Ả Rập Saudi công nhận, nay trở thành một lực lượng chính trị, quân sự đối lập không thể thiếu được trong giải pháp cho cuộc xung đột Yemen.

Mặt khác, đây có thể là một sự áp đặt của Mỹ và Ả Rập Saudi đang bị sức ép mạnh mẽ sau vụ sát hại Nhà báo J. Khashoggi. Không phải ngẫu nhiên, Thái tử Mohammed bin Salman đã cám ơn Đặc phái viên Martin Griffith về những cố gắng trung gian hoà giải của ông trong việc đạt được thỏa thuận.

Trong tình hình như vậy, các lực lượng Houthi được Iran hỗ trợ sẽ có thái độ cứng rắn hơn trong thời gian tới. Điều này có thể sẽ là trở ngại lớn trong các cuộc thương lượng được thỏa thuận nối lại vào đầu năm tới về một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng Yemen.

Các cuộc đàm phán sắp tới sẽ hết sức khó khăn, đặc biệt những vấn đề liên quan đến việc thành lập chính phủ mới, sự phân chia quyền lực giữa chính quyền Abd Rabbuh Mansur Hadi, phong trào Houthi và các lực lượng khác. Sự tranh giành ảnh hưởng giữa Ả Rập Saudi và Iran ở Yemen cũng sẽ là một trở ngại lớn cần phải vượt qua.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn