Mỹ cho phép 8 nước tiếp tục mua dầu của Iran, không có Trung Quốc

Thứ Tư, 07 Tháng Mười Một 20186:28 CH(Xem: 7604)
Mỹ cho phép 8 nước tiếp tục mua dầu của Iran, không có Trung Quốc

Hôm thứ Sáu (2/11) chính phủ Mỹ đã thông báo rằng họ sẽ tạm thời cho phép 8 nhà nhập khẩu tiếp tục được mua dầu của Iran khi các chế tài mà Washington áp lên ngành năng lượng Tehran có hiệu lực vào thứ Hai (5/11). Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu tên 8 nước được miễn trừ, nhưng các nguồn tin rò rỉ cho thấy Châu Âu và Trung Quốc không có trong danh sách này.

Donald-Trump-and-sanction-Iran
Tổng thống Trump đăng Tweet kèm lời nhắn ‘Các chế tài sắp đến’. (Ảnh: Twitter)

Được biết, vào ngày 5/11 Mỹ sẽ tái áp đặt các chế tài nghiêm khắc lên chế độ Iran mà đã được dỡ bỏ dưới thời Tổng thống Barack Obama chiếu theo thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Các biện pháp trừng phạt này nhắm vào các ngành quan trọng của nền kinh tế Iran, trong đó có tài chính, năng lượng, vận tải và đóng tàu.

Trong thông báo hôm thứ Sáu (2/11), vài ngày trước khi chế tài có hiệu lực – thời hạn đã được Tổng thống Donald Trump đặt ra từ hồi tháng Năm, Nhà Trắng gọi các biện pháp này là “chế tài khắc nghiệt nhất từ trước tới nay” và nói thêm rằng động thái này sẽ cắt đứt dòng tiền đổ về chế độ Iran mà họ đang dùng để tài trợ cho các nhóm khủng bố và các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 2/11 đã đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo chế tài Iran và cho biết Washington sẽ tạm thời cho phép 8 nhà nhập khẩu mà ông gọi là ‘đối tượng tài phán’ (jurisdiction) được tiếp tục nhập khẩu dầu của Iran sau khi các chế tài có hiệu lực.

Ngoại trưởng Pompeo không nêu rõ tên của 8 nhà nhập khẩu được miễn trừ, nhưng theo Reuters với việc đề cập thuật ngữ ‘đối tượng tài phán’, Đài Loan có thể là bên được miễn trừ vì Mỹ chưa coi hòn đảo tự trị này là một quốc gia.

Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) và Nhật Bản là những nước nhập khẩu dầu hàng đầu của Iran. Trong khi, Đài Loan cũng thỉnh thoảng mua dầu của chế độ Tehran nhưng không phải là khách hàng chính.

Ông Pompeo không tiết lộ danh sách các ‘đối tượng tài phán’ được miễn trừ, nhưng lưu ý rằng toàn bộ 28 thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) sẽ không có trong danh sách này.

Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ nói với báo giới rằng họ được thông báo sẽ vẫn tạm thời được phép nhập khẩu dầu của Iran. Ba quan chức Iraq giấu tên nói với Reuters rằng họ cũng tiếp tục được mua dầu của Iran miễn là không trả bằng đồng USD.

Một nguồn tin giấu tên nói với Reuteres rằng cả Ấn Độ và Hàn Quốc cũng có tên trong danh sách miễn trừ. Theo luật Mỹ, thời hạn miễn trừ kéo dài trong 180 ngày.

Ngoại trưởng Pompeo giải thích rằng việc 8 nhà nhập khẩu được miễn trừ “chỉ bởi vì họ đã cho thấy cắt giảm đáng kể việc nhập dầu từ Iran và hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác”. Ông Pompeo nói thêm rằng 2 trong 8 nhà nhập khẩu được quyền miễn trừ đã dừng nhập khẩu dầu của Iran và 6 bên còn lại sẽ tiến hành cắt giảm đáng kể.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng mục tiêu cuối cùng vẫn là ngăn chặn hoàn toàn Iran xuất khẩu dầu. “Chúng tôi cuối cùng sẽ chặn hoàn toàn Iran xuất khẩu dầu thô. Chúng tôi sẽ mất vài tháng để thực hiện điều đó. Chúng tôi có thể làm điều đó theo cách không gây ảnh hưởng lớn đến giá dầu thô thế giới. Đó là điều tốt cho người tiêu dùng Mỹ”, ông Pompeo nói với hãng tin Fox News.

Phản ứng trước thông báo của Mỹ, Iran cho biết họ sẽ không gặp vấn đề gì với các chế tài tái áp đặt từ Washington.

Phát biểu trên truyền hình nhà nước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi cho hay: “Mỹ sẽ không thể thực hiện bất kỳ biện pháp nào chống lại đất nước vĩ đại và dũng cảm của chúng ta… Chúng tôi có kiến thức và khả năng để quản lý các vấn đề kinh tế của đất nước này”.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng nói rằng Washington đã thông báo với cơ quan thông tin tài chính SWIFT có trụ sở tại Brussels về việc Mỹ đã dự định cắt kết nối với tất cả các thể chế tài chính Iran mà họ liệt vào danh sách đen từ ngày 5/11. Ông Mnuchin từ chối nêu tên các thể chế tài chính bị nhắm mục tiêu.

Ngoại trưởng Pompeo khẳng định Mỹ coi Iran là “chế độ ngoài vòng pháp luật” và cáo buộc các lãnh đạo của chế độ này thực hiện các hoạt động tài chính bất hợp pháp, đe dọa tới an ninh hàng hải, mạng trực tuyến, lạm dụng nhân quyền và tàn phá môi trường.

Liên minh Châu Âu, Pháp, Đức và Anh, những bên cùng ký thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và đang cố gắng duy trì thỏa thuận này, đã lên tiếng bày tỏ họ lấy làm tiếc về quyết định tái áp đặt chế tài Iran của Washington. EU được cho là đang tạo cơ chế đặc biệt để vượt qua các chế tài tài chính của Mỹ áp lên Tehran.

Yên Sơn

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn