Mỹ trừng phạt Iran, Liên Hiệp Châu Âu bất lực

Thứ Ba, 06 Tháng Mười Một 20185:39 SA(Xem: 6601)
Mỹ trừng phạt Iran, Liên Hiệp Châu Âu bất lực

mediaLãnh đạo Ngoại Giao Liên Hiệp Châu Âu Federica Mogherini tại Hội nghị Á-Âu ASEM tại Buxelles, Bỉ ngày 18/10/2018.REUTERS/Piroschka van de Wouw/File Photo

Bruxelles phải ra « tuyên bố chính trị » sau khi Washington thông báo đợt trừng phạt thứ hai chống Iran. Đó là tín hiệu duy nhất của Liên Hiệp Châu Âu mà giới quan sát ghi nhận được hồi tuần trước, vài ngày trước khi các biện pháp nhắm vào lãnh vực dầu khí và ngân hàng của Iran bắt đầu có hiệu lực kể từ thứ Hai 05/11/2018. Phản ứng cho có lệ này phản ảnh thái độ bất lực của 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu trước quyết định của Hoa Kỳ. Vì sao và hệ quả ?

Theo đuổi một chính sách chống chế độ Hồi Giáo Iran từ khi nhậm chức vào tháng 01/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump xem hiệp định hạt nhân ký với Iran vào năm 2015 là một sai lầm thảm hại của người tiền nhiệm, phải hủy bỏ và tái lập trừng phạt để buộc Teheran thương lượng một hiệp định mới theo điều kiện của Mỹ.

Lệnh trừng phạt lãnh vực dầu khí và ngân hàng có hiệu lực vào hôm nay là đợt thứ hai. Đợt trừng phạt kinh tế đầu tiên ban hành vào ngày 07 tháng 08 nhằm vào bốn lãnh vực : Phong tỏa chuyển ngân, nhập khẩu nguyên liệu, nhập khẩu trang thiết bị xe hơi và hàng không.

Phản ứng của châu Âu lúc đó khá mạnh nhưng cũng khá chậm. Phải đến ngày 25/09, Bruxelles mới loan báo thành lập một « hệ thống mậu dịch » SPV cho phép Iran tiếp tục bán dầu hỏa không qua đô la Mỹ. Đổi lại, châu Âu bảo vệ được đầu tư tại Iran và nhất là thuyết phục Teheran tôn trọng hiệp định hạt nhân. Mối lo của châu Âu là tránh cho kinh tế Iran sụp đổ, giúp cho phe được gọi là cải cách tồn tại và tránh cho Trung Đông một cuộc xung đột lan rộng.

Thế nhưng, sáng kiến « hệ thống mậu dịch » của Bruxelles lách né cấm vận của Mỹ không hiệu quả vì cần sự đồng thuận và tham gia của các quốc gia ngoài châu Âu, nhất là Ấn Độ và Trung Quốc cho đến nay không nói rõ ý định.

Phản ứng của Mỹ trái lại rất nhanh chóng. Cố vấn an ninh tổng thống Mỹ, ông John Bolton cảnh báo : "Chúng tôi không để cho châu Âu hay bất kỳ nước nào lách né các biện pháp trừng phạt".

Giới lãnh đạo Iran cũng hoài nghi về hiệu năng của sáng kiến châu Âu. Cho dù Iran không sử dụng đô la để mua bán nhưng việc chuyển ngân, trên thực tế, phải quan trung gian các tập đoàn quốc tế, mà các tập đoàn này rất sợ mất thị trường Hoa Kỳ với 600 tỷ đô la hàng năm.

Do vậy mà ngay từ tháng 8, hàng loạt đại công ty như Total, Engie, PSA, CMA-CGM của Pháp hay Daimler-Mercedes cùng nhiều chi nhánh ngân hàng của Đức thông báo ngưng hoạt động ở Iran.

Trước đợt trừng phạt thứ nhất, bốn nhà ngoại giao hàng đầu của châu Âu, trong đó có bà Helga Schmidt, người Đức, cánh tay mặt của trưởng đại diện ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Federica Mogherini, đã đàm phán gay go với chính quyền Trump suốt 4 tháng. Hai bên đạt được một dự thảo thỏa hiệp, nhưng Donald Trump gạt bỏ. (Le Monde 03/11/2018).

Một tuần trước khi đợt trừng phạt thứ hai có hiệu lực, một nguồn tin từ Ủy Ban Châu Âu cho biết « tổ chức trả đũa Washington cho dù chỉ là hành động biểu tượng và khó thành công, phải chứng tỏ là châu Âu quyết tâm giao thương với Iran và Mỹ không có quyền đơn phương phá hủy hiệp định hạt nhân ».

Trong đợt trừng phạt thứ hai này, Donald Trump bắt châu Âu trả giá nặng. Trong danh sách các nước được đặc miễn, cho phép tiếp tục mua dầu khí của Iran trong một thời gian, trừ bất ngờ, dường như không có Liên Âu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn