Sự kiện chip gián điệp khiến giá cổ phiếu của Lenovo, ZTE giảm mạnh

Thứ Tư, 10 Tháng Mười 20189:22 CH(Xem: 6431)
Sự kiện chip gián điệp khiến giá cổ phiếu của Lenovo, ZTE giảm mạnh

Sau khi vụ việc Quân đội Trung Quốc thông qua nhà máy tại Trung Quốc để cấy chip gián điệp lên hệ thống máy tính của các doanh nghiệp Mỹ bị vạch trần, cổ phiếu của Lenovo và ZTE đã giảm mạnh.

lenovo-zte
Ảnh từ Getty Images

Cổ phiếu của Lenovo và ZTE giảm mạnh

Theo hãng tin AP tại Mỹ, ngày 5/10, cổ phiếu của nhà sản xuất máy tính cá nhân Lenovo đã giảm 15,1%; bên cạnh đó, cổ phiếu của ZTE cũng giảm 11%.

Trong cùng ngày 5/10, truyền thông tại Trung Quốc Đại lục cũng đưa tin cho biết, giá cổ phiếu của Lenovo tại thị trường Hồng Kông cũng giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2014, trong chưa đầy một giờ đồng hồ, đã giảm đến hơn 21%.

Cổ phiếu H của ZTE cũng giảm hơn 10% tại thị trường Hồng Kông, đạt mức giảm kỷ lục từ tháng 9 tới nay. Ngoài ra, các công ty sản xuất chip của Trung Quốc như Công ty sản xuất mạch điện SMIC, công ty sản xuất chất bán dẫn Hoa Hồng (Shanghai Huahong Grace Semiconductor Manufacturing Corporation) đều có giá trị cổ phiếu giảm 4%, công ty ASM Pacific giảm 1%.

Giới quan sát phân tích cho rằng, đợt cổ phiếu giảm giá mạnh này có liên quan đến thông tin về sự kiện chip gián điệp được đăng trên Bloomberg Businessweek hôm 4/10. Bloomberg dẫn lời chuyên gia phân tích Ray KW Kwok thuộc CGS-CIMB Securities Hong Kong cho biết: “Hiển nhiên, giá cổ phiếu của Lenovo giảm mạnh là do thông tin về chip gián điệp được đăng tải trên Bloomberg”.

Về vấn đề này, Lenovo đặc biệt đăng tuyên bố cho biết, công ty SuperMicro trong sự kiện chip gián điệp không phải là nhà cung cấp linh kiện của Lenovo, đồng thời cũng đưa ra nhiều bằng chứng chứng minh chuỗi cung ứng sản phẩm được đảm bảo an toàn. Người phát ngôn của Công ty ZTE có trụ sở tại Thâm Quyến cũng cho biết, không rõ về những thông tin liên quan.

Tuy nhiên, trong một báo cáo nghiên cứu mới nhất của tập đoàn JPMorgan Chase có nói, mặc dù không rõ các thông tin liên quan đến “sự kiện chip gián điệp” có chỉ trực tiếp Lenovo hay không, nhưng trong thời gian ngắn việc nhập khẩu các máy chủ vào Mỹ cũng rất khắt khe. Họ kiến nghị trong vòng 6 tháng nên bán tháo cổ phiếu của Lenovo, Wistron, Wiwynn, Quanta và Inventec.

Sự kiện doanh nghiệp Mỹ bị Trung Quốc cài chip gián điệp

Ngày 4/10, Bloomberg Businessweek đưa tin, năm 2015, một nhà thầu phụ tại Trung Quốc của công ty SuperMicro (Mỹ) đã bị đã bị nhân viên tình báo Trung Quốc thâm nhập, trên các bảng mạch của máy chủ do công ty thầu phụ này sản xuất đã bị cấy con chip có ý đồ xấu do chính quyền Trung Quốc cung cấp.

Nhân viên điều tra của Mỹ phát hiện, chính quyền Trung Quốc đã thông qua người trung gian, mua chuộc giám đốc nhà máy đồng thời đe dọa sẽ đóng cửa nhà máy nếu không phối hợp để ép nhà máy này phải đồng ý hợp tác. Chính quyền Trung Quốc cung cấp một số chip gián điệp do cơ quan chuyên phụ trách tấn công phần cứng của quân đội Trung Quốc thiết kế chế tạo. Con chip gián điệp này có kích thước rất nhỏ, chỉ bằng kích cỡ hạt gạo, nhìn vẻ ngoài thì nó được ngụy trang giống các linh kiện bình thường, do đó rất khó phát hiện.

Thông qua con chip này, các hacker Trung Quốc chỉ cần thiết lập một cứ điểm trong bất cứ máy tính nào đã được cấy con chip này, thì có thể tiến hành trinh sát trong thời gian dài, quét cấu hình của mạng đích, đồng thời truyền dữ liệu về Trung Quốc.

Theo Bloomberg, hiện tại có đến 30 công ty của Mỹ, trong đó có Apple, Amazon và nhà thầu của chính phủ Mỹ đều bị ảnh hưởng bởi chip gián điệp này.

Sau khi thông tin được công bố, Apple và Amazon đều phủ nhận bị ảnh hưởng, SuperMicro cũng phủ nhận việc bị cấy chip gián điệp. Tuy nhiên, Bloomberg cũng cho biết, trải qua hơn một năm điều tra phỏng vấn, “có 17 người chứng thực, phần cứng của SuperMicro đã bị can thiệp”.

Thanh Vân

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn