Thế giới hết lo "chảo lửa Idlib" bùng nổ, vì sao Nga bất ngờ quyết dừng tay? ( Dừng tay vì chỉ có...tay không )

Thứ Hai, 17 Tháng Chín 20185:07 SA(Xem: 8822)
Thế giới hết lo "chảo lửa Idlib" bùng nổ, vì sao Nga bất ngờ quyết dừng tay? ( Dừng tay vì chỉ có...tay không )

Thế giới nín thở lo "chảo lửa Idlib" bùng nổ, vì sao Nga bất ngờ quyết dừng tay?
Nga có quyết định bất ngờ

Cuối tháng 8 đầu tháng 9/2018 vừa qua, Syria được Nga và Iran hỗ trợ đã triển khai một lực lượng lớn xung quanh tỉnh Idlib. Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Nga đã dồn dập đưa một lực lượng lớn chưa từng có đến Địa Trung Hải, dàn quân sát bờ biển Syria.

Đặc phái viên của Tổng thống Putin về vấn đề Syria, ông Alexander Lavrentiev, đã làm cho tất cả thế giới ngạc nhiên.

Sau cuộc đàm phán về Idlib với sự tham gia của 3 nước đảm bảo cho lệnh ngừng bắn gồm Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Đặc phái viên Liên hợp quốc De Mistura ngày 11/9/2018 tại Geneva, ông Lavrentiev đã tuyên bố, Nga quyết định hoãn chiến dịch quân sự vào Idlib. Thời gian hoãn này không phải vô thời hạn bởi vì không thể chung sống hòa bình với những kẻ khủng bố. Chủ nghĩa khủng bố cần phải bị tiêu diệt hoàn toàn.

Tiếp theo, ngày 13/9/2018 Ngoại trưởng Nga Lavrov nói: "Các lực lượng Syria không chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Idlib hiện do các nhóm đối lập vũ trang kiểm soát. Các lực lượng Syria và Nga chỉ đáp trả lại những hành động gây hấn của các tổ chức khủng bố bắt nguồn từ Idlib. Moscow sẽ làm hết sức mình để bảo vệ dân thường."

Việc Nga quyết định tạm hoãn cuộc tấn công vào Idlib là do tình hình ở đó hết sức phức tạp và để đáp ứng đề nghị của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về ngừng bắn ở Idlib để tránh một thảm họa nhân đạo.

Nga không muốn lặp những hậu quả của chiến dịch quân sự giải phóng thành phố Mosul (Iraq) do lực lượng an ninh Iraq và Liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu tiến hành năm 2017. Chiến dịch quân sự này đã phải kéo dài 9 tháng và khi Mosul, thành trì cuối cùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq được giải phóng chỉ còn là một đống đổ nát khổng lồ.

85% nhà cửa và hầu hết các cơ sở hạ tầng bị phá hủy, 11.000 dân thường bị thiệt mạng và một nửa dân số, tức khoảng 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa ra đi.

Tình hình Idlib rất giống Mosul. Các lực lượng khủng bố sống xen kẽ với dân thường và cố thủ trong các khu dân cư. Đây cũng là dinh lũy cuối cùng của các tổ chức khủng bố tại Syria nên bất cứ một hành động quân sự nào nhằm giải phóng Idlib cũng sẽ gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ của chúng. Một cuộc chiến tại đây không thể kết thúc sớm và chắc chắn sẽ để lại hậu quả hết sức nặng nề.

Ngày 13/9/2018, Văn phòng các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết, tuy cuộc tấn công tổng lực chưa bắt đầu, nhưng các không kích của quân chính phủ Syria và Nga từ 1-12/9/2018 đã làm 38.500 người phải rời bỏ nhà cửa ra đi.

Trong khi đó, điều phối viên nhân đạo khu vực của Liên hợp quốc về cuộc khủng hoảng Syria Panos Moumtzis tuyên bố tổ chức này đang chuẩn bị giúp đỡ 900.000 người để tránh một cuộc tấn công vào Idlib.

Tránh cuộc chiến tranh toàn diện với Mỹ

Quả bóng hiện nay đang ở bên sân Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thỏa thuận thiết lập các khu vực giảm căng thẳng và các hành động vũ trang đạt được năm 2017 giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran thì Idlib nằm dưới sự giám sát của Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ có trách nhiệm xác định và tách các tổ chức đối lập ôn hòa khỏi các nhóm khủng bố cực đoan, đồng thời tạo một hành lang an toàn cho dân thường.

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không kích các vị trí của quân đội Syria và các đồng minh của Damascus và đang kiếm cớ để khai hỏa cần phải được nhìn nhận là nghiêm trọng. Tuyên bố này hàm ý không loại trừ các căn cứ của Nga và không thể xem thường, bởi vì từ khi lên làm Tổng thống đến nay ông Trump đã nói là làm.

Mặt khác, phía Nga và Syria cũng cáo buộc, tổ chức "Mũ bảo hiểm Trắng" đã hoàn thành việc dàn dựng ít nhất 9 đoạn video làm bằng chứng cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí học chống dân thường ở Idlib để lấy cớ tấn công. Như vậy, cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh vào Syria là khó tránh khỏi.

Mặc dù có sức mạnh vượt trội thế nào đi chăng nữa, Nga cũng phải xem xét hết sức thận trọng trước khi quyết định tấn công vào Idlib. Thiệt hại trong hàng ngũ quân đội Nga ở Syria do sự kháng cự của các tổ chức đối lập vũ trang trong trận chiến đấu cuối cùng này là không thể tránh khỏi.

Hơn nữa, một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và Mỹ trên lãnh thổ Syria lúc này có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Nga và Mỹ, hoàn toàn không có lợi cho Nga.

Kết quả cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên tại Tehran ngày 7/9/2018 vừa qua là tích cực. Các nhà lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã đạt được thỏa thuận về sự cần thiết phải tiêu diệt các tổ chức khủng bố ở tỉnh Idlib.

Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề phức tạp về chiến dịch quân sự ở Idlib, đặc biệt liên quan đến việc tiêu diệt những nhân vật cầm đầu các tổ chức khủng bố tại đây và khởi động tiến trình chính trị tại Syria thông qua đối thoại nghiêm túc giữa các bên xung đột, thông qua Hiến pháp mới và bắt đầu công cuộc tái thiết.

Việc chuẩn bị phát động chiến dịch quân sự vào Idlib cho thấy rõ có sự xung đột lợi ích và tranh giành ảnh hưởng giữa các nước khu vực và thế giới, thể hiện qua những tuyên bố khác nhau của Tổng thống Putin khẳng định Syria hoàn toàn có quyền giải phóng Idlib vì Idlib là lãnh thổ Syria, trong khi đó ông Erdogan lại kêu gọi ngừng bắn.

Các nước có quan điểm khác nhau về giải pháp cuối cùng là do khác nhau về lợi ích và quan niệm về tính chất của nhà nước Syria mới sau chiến tranh và những nước nào sẽ được tham gia vào tái thiết Syria.

Quyết định của Nga tạm hoãn chiến dịch quân sự vào Idlib là một quyết định sáng suốt, tránh được thảm họa cho tất cả các bên. Cuộc gặp cấp chuyên viên của Pháp, Đức, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức tại Istanbul ngày 14/9/2018 vừa qua theo sáng kiến của Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa 5 nước này là một diễn biến tích cực theo chiều hướng giảm căng thẳng và giải quyết vấn đề Idlib bằng con đường ngoại giao.

Tỉnh Idlib nằm ở phía Tây-Bắc Syria giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ có diện tích khoảng 6 ngàn Km2 và dân số khoảng 3 triệu người. Idlib có vị trí chiến lược rất quan trọng, chỉ cách Aleppo 40 km, Hama 121 km và biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 25 km và Latakia 168 km, nơi có căn cứ quân sự hải quân và không quân lớn nhất của Nga ở Syria?

Năm 2011, tại Idlib đã ra các cuộc biểu tình chống chính phủ. Tháng 4/2011, các lực lượng chống chính phủ bắt đầu các cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các các cơ quan của chính quyền Syria.

Năm 2012, cuộc nội chiến bùng nổ, Idlib bị phiến quân chiếm và kiểm soát thành phố trong vài tháng. Ngày 13/3/2012, sau 3 ngày tấn công, quân đội chính phủ đã chiếm lại được thành phố. Tháng 7 cùng năm, quân nổi dậy lại phản công chiếm lại hầu hết tỉnh Idlib, thành phố Idlib một lần nữa lại nằm dưới quyền kiểm soát của phiến quân.

Vào cuối tháng 3/2015, sau các cuộc giao tranh ác liệt, các nhóm Hồi giáo khủng bố, trong đó có Mặt trận Al-Nusra đã chiếm Idlib. Tháng 7/2017, Mặt trận Al-Nusra xông vào thành phố Idlib, và cuộc chiến không phải với các lực lượng chính phủ, mà là với các nhóm khủng bố tranh giành ảnh hưởng với nhau.

Hiện nay, các lực lượng đối lập bao gồm các tổ chức khủng bố cực đoan như IS, Mặt trận Al-Nusra, Tahrir Al-Sham... và các nhóm đối lập ôn hòa như Quân đội Syria tự do (FSA), các nhóm người Kurd đang kiểm soát Idlib. Theo Al-Jazeera, hiện có khoảng 70 ngàn chiến binh đang cố thủ ở các nơi khác nhau trong tỉnh Idlib.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn