100 năm hoàn thiện bản dịch 'Đông Chu liệt quốc' để hiểu Trung Quốc

Chủ Nhật, 15 Tháng Bảy 20186:19 SA(Xem: 4818)
100 năm hoàn thiện bản dịch 'Đông Chu liệt quốc' để hiểu Trung Quốc


“Đông Chu liệt quốc” với những câu chuyện, điển tích, điển cố đã nằm lòng bao thế hệ bạn đọc, vậy mà, tới nay tác phẩm kinh điển này mới có bản dịch hoàn chỉnh.

Với độc giả Việt Nam và các nước nằm trong vùng từng sử dụng chữ Hán, Đông Chu liệt quốc chí là bộ sách gối đầu giường. Dưới hình thức văn học, tiểu thuyết, các tác giả đã đưa đến những hiểu biết sâu sắc về lịch sử văn hóa Trung Quốc.

Đông Chu quen thuộc tới mức nhiều người nằm lòng các câu, điển tích, chuyện trong tác phẩm này, vậy mà tới nay chưa có bản dịch quốc ngữ hoàn thiện. Ảnh: Tranh minh họa trong sách Đông Chu liệt quốc.

100 năm vẫn chưa có bản dịch hoàn chỉnh

Nhà văn Phạm Lưu Vũ là một người mê Đông Chu liệt quốc. “Tôi không đến mức thuộc lòng Đông Chu, nhưng tôi hiểu tác phẩm này tới mức, đọc một đoạn lên mà thấy thiếu chữ nào là tôi phát hiện ra ngay”.

Phạm Lưu Vũ có thể say sưa nói hết giờ này qua giờ khác về Đông Chu, và còn khuyến khích mọi người hãy đọc Đông Chu, “Trước khi đi chợ, quyết định công việc, hay làm bất cứ gì, chỉ cần mở một trang sách bất kỳ ra đọc, sẽ tìm được ý nghĩa trong đó, còn nếu đọc mà chưa hiểu, hãy gọi điện cho tôi”, Phạm Lưu Vũ nói.

Mê Đông Chu là vậy, đọc Đông Chu mấy chục năm nay, nhưng chưa bao giờ Phạm Lưu Vũ thấy thỏa mãn với các ấn bản tại Việt Nam. Ông cũng như nhiều độc giả yêu thích văn học cổ điển khác cùng chung nỗi niềm.

Bởi, Đông Chu liệt quốc chí đã được dịch sang chữ quốc ngữ ở Việt Nam từ đầu thế kỷ trước, nhưng hầu hết dịch giả trước đây chỉ mới dừng lại ở lược dịch tác phẩm để giới thiệu tới rộng rãi độc giả. Nhiều nội dung, đoạn văn thơ trong nguyên bản bị lược bỏ.

Trong số các ấn bản Đông Chu liệt quốc tại Việt Nam, ấn bản do Nguyễn Đỗ Mục dịch, Tân Việt Nam thư xã xuất bản khoảng năm 1930-1932 được lưu truyền phổ biến và đánh giá cao nhất cho tới nay.

Dù có nhiều bản dịch, nhiều ấn bản ra đời, và thường được gọi ngắn gọn là Đông Chu liệt quốc, với nhiều lần chỉnh lý, bổ sung nhưng các ấn bản vẫn còn nhiều hạn chế, chưa mang tới chân diện mạo tác phẩm.

Với mong muốn mang tới tác phẩm văn học kinh điển một cách hoàn thiện như nguyên tác, công ty sách Đông A đã tìm kiếm những người có thể hợp tác. Quá trình tìm kiếm đó, những người làm sách gặp nhà báo Yên Ba - một người nổi tiếng trong giới sưu tầm, chơi sách cũ.

May mắn thay, nhà báo Yên Ba còn lưu giữ được một bản Đông Chu liệt quốc do Nguyễn Đỗ Mục dịch xuất bản lần đầu. Đó là bản Đông Chu chữ quốc ngữ đầu tiên, chưa qua các lần chỉnh sửa, hiệu đính của những ấn bản như sau này.

Sau này, nhiều bản Đông Chu liệt quốc dạng phổ thông, đặc biệt các bản in ở miền Nam sử dụng nhiều phương ngữ, bớt xén đi do giá giấy, công in…

Bộ Đông Chu liệt quốc gồm 3 tập vừa phát hành, khỏa lấp những khuyết thiếu trong các ấn bản trước đây.

“Bản dịch của Đỗ Mục là một viên ngọc trong kho tàng văn học. Sau này rất nhiều ấn bản in lại bản của Nguyễn Đỗ Mục. Có thể trước kia ta xuất bản truyện Tàu với mục đích khuyến khích dân học chữ quốc ngữ nên mới xuất bản lược đi (truyện Tàu hấp dẫn, in bằng chữ quốc ngữ để dân học chữ mới đọc được truyện). Tôi là người ham mê văn bản, tôi nhận thấy cần có bản toàn vẹn đầy đủ. Bản của Nguyễn Đỗ Mục là giá trị, nhưng cần cho bạn đọc ngày nay biết tác phẩm hoàn chỉnh”, nhà báo Yên Ba nói.

“Đây không chỉ là một tiểu thuyết, một cuốn sử, nó là cuốn bách khoa toàn thư về Trung Hoa”, nhận thức như vậy, nên nhà báo Yên Ba kết nối đơn vị đang muốn làm sách với dịch giả, nhà nghiên cứu Châu Hải Đường.

Hiệu đính, dịch thêm 400 bài thơ, bổ sung 1/4 dung lượng tác phẩm

Sinh năm 1974, dịch giả Châu Hải Đường có vốn hiểu biết sâu sắc về Hán văn cả cổ và hiện đại. Anh có nhiều dịch phẩm gây tiếng vang như Tào Tháo - Thánh nhân đê tiện, Đường Tống truyền kỳ, dịch và biên soạn cuốn An Nam truyện… Nhận lời từ nhà sách, Châu Hải Đường bắt tay vào dịch và hiệu đính lại Đông Chu liệt quốc.

“Trước nay tôi không bao giờ nghĩ mình lại bổ sung, hiệu đính lại bộ sách đã là mẫu mực của các cụ ngày xưa, đã dịch từ 100 năm nay rồi, qua nhiều NXB, nhà sách đã hiệu đính rồi, không ai nghĩ phải làm lại lần nữa làm gì”, Châu Hải Đường kể.

Nhưng khi xem lại các bản Đông Chu trên thị trường hiện nay, dịch giả nhận thấy có nhiều điều cần phải làm lại. Trước khi bắt tay vào việc, tác phẩm Đông Chu hiện nay đã qua nhiều người hiệu đính, phần lớn là hiệu đính mang tính ngữ pháp, cách dùng từ, còn những phần mà Nguyễn Đỗ Mục dịch lược đi trước đây thường không được bổ sung.

Châu Hải Đường quyết định hiệu đính lại từ bản dịch đã in từ năm 1930. Dựa trên bản dịch nền của Nguyễn Đỗ Mục, dịch giả hiệu đính lại theo đúng bản Hán Văn lưu hành tại Trung Quốc hiện nay.

Dịch giả Châu Hải Đường - người hiệu đính, bổ sung 400 bài thơ và những phần lược dịch cho Đông Chu liệt quốc được hoàn chỉnh.

Khi làm hiệu đính, dịch giả Châu Hải Đường phải phiên âm lại địa danh, nhân danh tiếng Hán. Các phiên âm trước đây chưa chính xác, bản dịch gốc nhiều chỗ sắp chữ nhà in in nhầm, hiện tượng “chữ tác đánh sang chữ tộ” tương đối nhiều.

Bản dịch của Nguyễn Đỗ Mục có từ đầu thế kỷ 20, một thế kỷ trôi qua, chữ quốc ngữ, tiếng Việt tới nay đã có nhiều thay đổi. Tác giả phải hiệu định lại những cách dùng từ lẫn lộn như trường hợp “tr-ch”, “s-x”… mà ngữ pháp trước đây chưa hoàn thiện.

Bên cạnh hiệu đính, Châu Hải Đường còn dịch bổ sung những phần trước đây Nguyễn Đỗ Mục lược bỏ. Trong đó, phần bổ sung nhiều nhất là thơ. Có khoảng 400 bài thơ trước đây bị lược đã được dịch giả dịch bổ sung vào. Trong đó có hồi nhiều nhất lên tới 8 bài, hồi ít nhất cũng có 2 bài bị lược. Các bài thơ chủ yếu là thơ tứ tuyệt, có một ít thơ trường thiên và một ít thơ bát cú.

Những bài thơ đó có giá trị, là lời thẩm bình về các nhân vật, sự kiện lịch sử khi đọc vào đó, đôi khi gợi cho độc giả những suy nghĩ theo chiều hướng khác đi, chứ không như khi ta chỉ đọc văn xuôi nữa.

Hầu hết là thơ 4 câu nên 400 bài thơ không quá dài. Phần cắt bỏ lược dịch còn chiếm dung lượng nhiều hơn. Ví dụ ngay phần đầu giới thiệu đời Chu, có một đoạn dài nói về triều đại nhà Chu, hay cuộc đi săn của vua Tuyên Vương, đã bị lược bỏ.

Những đoạn bói toán trước đây khá nhiều cũng thường được bỏ đi. Những trận đánh thường được dịch là “mang quân đi đánh”, nhưng trong bản gốc luôn nói cụ thể mang bao nhiêu quân đi đánh, bao nhiêu cỗ xe, nước kia tham gia bao nhiêu cỗ xe… cho tới bản dịch lần này được Châu Hải Đường bổ sung.

Một số nội dung thư từ, các đoạn đối thoại ở bản dịch trước đã rút gọn, nay được lấy lại đầy đủ.

Bằng việc dịch, bổ sung hơn 400 bài thơ vịnh sử, vịnh nhân vật và bình luận sự kiện cùng rất nhiều tình tiết các trận đánh trong các hồi, các cuộc tranh biện khẩu chiến của các tung hoành gia Trương Nghi, Tô Tần… dung lượng bộ sách tăng thêm khoảng 400 trang, gần 1/4 so với bản dịch cũ của Nguyễn Đỗ Mục.

Bộ sách tranh Đông Chu liệt quốc liên hoàn họa được ấn hành cùng dịp bộ tiểu thuyết Đông Chu liệt quốc bản hoàn chỉnh ra mắt.

Như vậy, tuy Châu Hải Đường khiêm tốn nói mình là người hiệu đính cho bộ sách hoàn chỉnh, nhưng thực chất, tên của anh có thể đứng trong phần dịch giả, bởi đã dịch bổ sung tới 1/4 dung lượng tác phẩm.

Gần 100 năm, Đông Chu liệt quốc bản quốc ngữ lại được bổ sung, làm mới đi vào đời sống của chúng ta hôm nay.

Tiểu thuyết Liệt Quốc chí truyện do Dư Thiệu Ngư viết vào đầu thời Minh miêu tả là giai đoạn loạn ly thời Xuân Thu - Chiến Quốc, tuy nhiên vẫn sơ sài. Cuối đời Minh, nhà văn Phùng Mộng Long mới cải biên, bộ Liệt quốc chí truyện thành bộ tiểu thuyết Tân liệt quốc chí, với 108 hồi, đó là tiền thân của Đông Chu liệt quốc chí. Sau này, Sái Nguyên Phóng đời Thanh dựa trên cơ sở Tân liệt quốc chí của Phùng Mộng Long san cải, sửa chữa thêm.

Tác phẩm phản ánh thời kỳ bão táp của lịch sử Trung Quốc thời Đông Chu (gồm giai đoạn Xuân Thu và Chiến Quốc, từ năm 770 đến năm 221 TCN). Số lượng nhân vật được đề cập đông đảo trong một thời kỳ lịch sử lâu dài, chưa có tác phẩm nào vượt qua được.

Ngoài tính biên niên, bộ sách được thể hiện bằng bút pháp sinh động, qua đó bạn đọc thấy được những quan hệ xã hội, lối ứng xử, các nhân vật thi thố tài năng và nhiều vấn đề phức tạp của xã hội trung Quốc cổ địa trong giai đoạn chuyển mình đến tập quyền.

Theo nhà văn Phạm Lưu Vũ, Đông Chu liệt quốc không chỉ là tác phẩm văn chương kinh điển, mà còn cho chúng ta hiểu sâu hơn về Trung Quốc hơn bất cứ tác phẩm nào, hơn cả Tam Quốc chí.

Thu Hiền

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn