Trung Quốc, đại cường Bắc Cực và Nam Cực ?

Thứ Năm, 12 Tháng Bảy 20184:00 SA(Xem: 6449)
Trung Quốc, đại cường Bắc Cực và Nam Cực ?
media Một nhà hoạt động Greenpeace giơ cao lá cờ mang dòng chữ « Hãy cứu Bắc Cực ». Christian Aslund / GREENPEACE / AFP

Bắc Kinh tự xưng là « quốc gia gần Bắc Cực », trong khi Trung Quốc thực ra ở gần đường xích đạo hơn. Bắc Cực và Nam Cực được xác định là « viễn cảnh chiến lược mới » trong luật an ninh quốc gia năm 2015 của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc là nước chi tiền nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác cho cơ sở hạ tầng ở địa cực.

L’Express tuần này điểm qua ba khuôn mặt nổi bật của cánh hữu Pháp với ba chiến lược khác nhau, đặt câu hỏi « Có ai cứu vãn được cánh hữu hay không ? ». L’Obs đi tìm « Công thức mới của hạnh phúc ».

Le Point chạy tựa « Macron tham gia chiến tranh như thế nào ? » Tờ báo « xâm nhập » vào đại bản doanh Hội đồng Quốc phòng trong một hầm ngầm dưới Phủ Tổng thống Pháp, nơi mỗi sáng thứ Tư hàng tuần, các vấn đề an ninh, quốc phòng, chống khủng bố… được quyết định.

Courrier International nêu bật hiện tượng « Đổ xô về các cực của Trái Đất » : với hiện tượng tan băng, chưa bao giờ Bắc Cực và Nam Cực được thèm muốn như thế. Ảnh bìa tờ báo vẽ tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin ngồi đối diện nhau trước một lỗ thủng để câu cá trên băng. Ông Trump chỉ ngồi nhìn, với những đồng đô la bên cạnh, ông Putin cầm cần câu, nét mặt ranh mãnh, và một đống cá kế bên. Còn Tập Cận Bình đứng giữa, ôm một chiếc thùng lớn chờ đợi.

Trung Quốc, « đại cường địa cực » ?

Trong bài xã luận « Một Hội nghị Yalta cho địa cực ? », Courrier International nhận định chiến tranh lạnh chưa bao giờ được gọi đúng nghĩa như thế. Bởi vì một Hội nghị Yalta của thế kỷ 21 sẽ phải dành cho Bắc Cực và Nam Cực. Điều nghịch lý là chính hiện tượng Trái Đất nóng lên đã khiến nhiều nước dòm ngó : hai cực của hành tinh vẫn giá băng nhưng đã bớt lạnh, và băng ngày càng tan nhanh hơn, mở ra những triển vọng mới về kinh tế và quân sự.

Tác giả Anne-Marie Brady trong cuốn « China as a Polar Great Power » (Trung Quốc như một cường quốc địa cực) nói về tham vọng của Trung Quốc ở địa cực, mô tả : « Bắc Cực là một đại dương được các lục địa bao phủ, còn Nam Cực là một lục địa được đại dương bao quanh ».

Một tài liệu khác, bản đồ thế giới do nhà địa vật lý Trung Quốc Hác Hiểu Quang (Hao Xiaoguang) thực hiện năm 2002 minh họa rất rõ sự kiêu ngạo của Bắc Kinh. Được công bố cách đây bốn năm, bản đồ này khác hẳn với sự trình bày truyền thống : không những Trung Quốc được đặt vào trung tâm thế giới, mà còn nhấn mạnh vị trí chiến lược của Bắc Băng Dương.

Ông Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc là « đại cường địa cực » - một lời cảnh báo cho Nga và Hoa Kỳ ! Từ khi một ê-kíp Nga cắm cờ lên Bắc Cực tháng 8/2007, ông Vladimir Putin liên tục khẳng định chủ quyền tại địa cực, cùng với bảy nước khác. Trong khi đó ở Nam Cực, các trạm nghiên cứu khoa học của Trung Quốc sinh sôi nảy nở, đặt ra nhiều nghi vấn.

Tham vọng kinh tế và địa chính trị

Viện nghiên cứu địa chất Hoa Kỳ ước tính khoảng 30% lượng khí đốt và 13% dầu lửa chưa được phát hiện của thế giới tập trung ở hai cực Trái Đất. Đa số trữ lượng nằm trên lãnh thổ hoặc vùng đặc quyền kinh tế của nước này hay nước khác, nhưng điều này không cản trở Đan Mạch, Canada, Nga yêu sách đáy đại dương Bắc Cực là phần nối dài thềm lục địa của nước mình. Hoa Kỳ với tiểu bang Alaska đương nhiên là một quốc gia liên quan đến địa cực, nhưng không đòi hỏi được vì chưa phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Nga đã cải tạo, mở rộng sáu căn cứ trên các đảo Bắc Cực, và đang bố trí các chiến đấu cơ ; đặt đóng hai tàu phá băng trang bị hỏa tiễn hành trình. Nhưng Bắc Kinh lại càng tham vọng hơn. Tháng 9/2015, năm chiến hạm Trung Quốc đi vào lãnh hải của Mỹ gần Alaska, nhằm gởi đi thông điệp rất rõ. Bắc Kinh tự xưng là « quốc gia gần Bắc Cực » trong khi thực ra ở gần đường xích đạo hơn. Bắc Cực và Nam Cực được xác định là « viễn cảnh chiến lược mới » trong luật an ninh quốc gia năm 2015 của Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Brady viết : « Trong những năm gần đây, Trung Quốc là nước chi tiền nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác cho cơ sở hạ tầng ở địa cực như căn cứ, máy bay, thiết bị vệ tinh, tàu phá băng ». Trong Bạch thư về chính sách Bắc Cực, Bắc Kinh ưu tiên cho vận chuyển hàng hải, khai thác năng lượng, quặng mỏ, ngư nghiệp, du lịch ; nhưng phía sau là tham vọng địa chính trị. Đáng ngại hơn nữa là khả năng Nga-Trung liên kết.

Hoa Kỳ thì suốt 40 năm qua không xây dựng công trình nào đáng kể tại Bắc Cực. Đã đành Mỹ có lực lượng quân sự rất mạnh : các căn cứ Không quân, hệ thống chống hỏa tiễn đạn đạo, hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân ở Thulé (Groenland), Fort Greely (Alaska), các tàu ngầm nguyên tử… nhưng từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ tập trung cho Thái Bình Dương hơn là Bắc Cực.

Còn tại Nam Cực ? Một hiệp ước được 53 quốc gia ký kết giúp duy trì trật tự từ 60 năm qua, nay phải đối mặt với những thách thức địa chính trị mới, ngày càng khó tìm được đồng thuận, từ hồ sơ biến đổi khí hậu cho đến đánh cá. Hiện nay trên vùng đất lạnh giá nhất thế giới có trên 75 căn cứ khoa học thường trực – một kiểu giành đất với danh nghĩa làm khoa học. Riêng Trung Quốc ngay từ khi tham gia năm 1983 đã hăng hái « nghiên cứu », và trong lúc các nước đang chia rẽ về việc có nên đồng ý cho Bắc Kinh lập căn cứ thứ năm ở Nam Cực hay không, thì căn cứ này đã được Trung Quốc xây lên mà không hề bị trừng phạt.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn