Chúng ta bị láng giềng buộc dây cổ như thế nào?

Thứ Ba, 22 Tháng Năm 201811:00 CH(Xem: 7634)
Chúng ta bị láng giềng buộc dây cổ như thế nào?

FB Đào Tuấn

Mao Trạch Đông đón Hồ Chí Minh tại sân bay Bắc Kinh ngày 25/6/1955. Ảnh: Internet

Vào đúng ngày sinh ông cụ, Vietnamnet tung ra một bài phỏng vấn GS.TS Vũ Dương Huân, nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao về “ngoại giao HCM”. Đọc mấy chữ này cccm đừng next. Nó là bom tấn với những sự thật chưa bao giờ chúng ta dám nói thật với nhân dân. Đọc toát mồ hôi luôn với những chi tiết vãi mái, chẳng hạn ông cụ gài cụ Đồng như nào, chẳng hạn “tàu lạ” được phát minh bởi tướng Lê Đức Anh từ năm… 1988.

Tôi “vietsub” lại bài báo trong 4 ý chính: TQ luôn muốn biến VN thành con chó giữ cửa. Cụ Lê Duẩn luôn coi TQ là kẻ thù truyền kiếp để đưa cả vào hiến pháp. Gạc ma: Ai đã ra lệnh cho bộ đội không được bắn? và việc bạn vàng đã can thiệp cả vào nội bộ TƯ ra sao.

Xin nhắc lại, Tuanvietnam khai sinh bởi nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, một trang chính thống cho đến giờ này vẫn ít nhiều giữ đúng tiêu chuẩn complet ẩn sau những cái tít bài có vẻ nhàm chán.

Trung Quốc muốn Việt Nam thành vùng đệm

Tháng 7/1954, Thủ tướng Chu Ân Lai gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Liễu Châu (Nam Ninh, Trung Quốc), có Đại tướng Võ Nguyên Giáp tháp tòng. Ông Chu Ân Lai hỏi Tướng Giáp rằng, nếu đánh tiếp thì bao lâu thống nhất được đất nước, Tướng Giáp nói rằng “cần 3 năm chúng tôi sẽ giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước”.

Nhưng tại hội nghị Geneva, Chu Ân Lai luôn lấy Mỹ ra dọa rằng “nếu các đồng chí đánh tiếp, Mỹ sẽ nhảy vào can thiệp”. Việt Nam không hiểu tình hình nên đành nghe theo Trung Quốc và Liên Xô. Liên Xô muốn có hòa dịu trên thế giới, còn Trung Quốc, sau Chiến tranh Triều Tiên (đình chiến năm 1953) muốn thoát khỏi sự bao vây của Mỹ (Nam Triều Tiên, Đài Loan và Đông Dương) và đẩy Mỹ ra xa hơn. Họ muốn miền Bắc Việt Nam trở thành khu đệm. Ý đồ sâu xa của Trung Quốc, sau này mới được làm rõ, là chia Đông Dương thành những nước nhỏ để trị (Bắc Việt Nam, Nam Việt Nam, Vương quốc Lào và Vương quốc Cămpuchia).

chúng ta đã buộc phải nghe theo, vì thiếu thông tin. Và kết quả là chúng ta đã phải bỏ ra gấp 7 lần thời gian, với bao nhiêu xương máu, để thực hiện cái điều mà Tướng Giáp nói với ông Chu Ân Lai.

Tướng Giáp là tướng thực địa ở Điện Biên Phủ, nên ông nói 3 năm là hoàn toàn có lý. Có điều Tướng Giáp đã không thuyết phục được Bác Hồ.

Cụ Lê Duẩn

Ông Lê Duẩn là người có ý kiến độc lập, tự chủ, ông nhận thức ra được sự phụ thuộc vào Trung Quốc có hại thế nào, và cố gắng tách ra khỏi Trung Quốc. Nhưng, sau này, ông lại quá cực đoan, chống Trung Quốc mạnh quá, và ngả hẳn sang Liên Xô.

Trong thời kỳ chống Mỹ, sau khi Mao Trạch Đông gặp Tổng thống Nixon ở Thượng Hải, Thủ tướng Chu Ân Lai có sang Việt Nam để giải thích rằng Trung Quốc làm thế là vì Trung Quốc muốn thoát khỏi bị cô lập (kẻ thù của cả Liên Xô và Mỹ), và đưa Trung Quốc phát triển lên, chứ không phải phản bội lại Việt Nam. Ông Lê Duẩn không chấp nhận lời giải thích đó, và khi tiễn ông Chu Ân Lai về nước, ông không cho xe ra đưa ông Chu Ân Lai ra máy bay, buộc ông Chu Ân Lai và người phiên dịch phải đi bộ từ sảnh chờ ra cầu thang máy bay

Gạc ma: Ai đã ra lệnh cho bộ đội không được bắn?

Hôm 7/5/1988, sau khi Trung Quốc chiếm Gạc Ma, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh ra Trường Sa, phát biểu trước chiến sĩ hải quân rằng “tàu lạ” đã tấn công và Việt Nam mất 64 chiến sĩ.

Hôm 14/3/1988, Trung Quốc chiếm Gạc Ma, thì 16/3 Bộ Chính trị họp (vì 15/3 bận đám tang cố Thủ tướng Phạm Hùng). Vào cuộc họp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã hỏi luôn: “Ai ra lệnh cho bộ đội không được bắn?” Đại tướng Lê Đức Anh phản bác đầu tiên, rồi đến ông Nguyễn Văn Linh, ông Đào Duy Tùng cũng đế vào. Ý kiến của ông Nguyễn Cơ Thạch hóa ra lại là ý kiến thiểu số, bị gạt ra ngoài.

Đặng Tiểu Bình đã yêu cầu gạt Nguyễn Cơ Thạch

Người thấm nhuần nhất tư tưởng Hồ Chí Minh chính là ông Nguyễn Cơ Thạch, người bảo vệ tốt nhất lợi ích của Việt Nam. Nhưng mà ông Thạch bất đồng quan điểm với nhiều người trong nội bộ. Ông Thạch đã bị gạt ra tại Đại hội VII, theo gợi ý của ông Đặng Tiểu Bình, người cho rằng ông Nguyễn Cơ Thạch là người chống lại bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Ông Đặng Tiểu Bình đã đánh tiếng qua cuộc gặp với Tổng bí thư Lào Kaysone Phomvihane.

Ông Thạch có chống lại bình thường hóa với Trung Quốc không?

Không. Thời ông Lê Duẩn còn làm Tổng Bí thư, chính ông Thạch đã hai lần đề nghị bình thường hóa với Trung Quốc. Nhưng cách bình thường hóa của ông Thạch là phải trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng quyền tự chủ của Việt Nam. Cũng chính vì vậy, Việt Nam tiến hành bình thường hóa với Trung Quốc theo con đường Đảng, qua Ban Đối ngoại TW của ông Hồng Hà, chứ không qua con đường ngoại giao.

_____

VietNamNet

“Cái thời Việt Nam bị khốn đốn về vấn đề Campuchia là thời ngoại giao năng động nhất”

Huỳnh Phan

20-5-2018

TuanVietNam – Ông Lê Duẩn là người có ý kiến độc lập, tự chủ, ông nhận thức ra được sự phụ thuộc vào Trung Quốc có hại thế nào, và cố gắng tách ra khỏi Trung Quốc. Nhưng, sau này, ông lại quá cực đoan, chống Trung Quốc mạnh quá, và ngả hẳn sang Liên Xô.

Phần 1: Câu trả lời sắc bén của Bác Hồ trước câu hỏi của Stalin

Tuần Việt Nam giới thiệu tiếp với quý vị phần 2 cuộc trao đổi với GS-TS Vũ Dương Huân về trường phải ngoại giao Hồ Chí Minh.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vai trò của ngoại giao Hồ Chí Minh được thể hiện như thế nào để tận dụng được sự giúp đỡ to lớn của cả Liên Xô và Trung Quốc, mặc dù hai nước đang có mâu thuẫn về đường lối từ năm 1963 và đỉnh điểm là xung đột quân sự ở biên giới năm 1969?

Ví dụ, khi Việt Nam bắt đầu đàm phán với Mỹ năm 67-68, Trung Quốc không hài lòng. Việc ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam mình có giảm, và gần như không có tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước. Việt Nam không có cơ hội để giải thích tại sao phải làm như vậy.

Bác Hồ mới cử đoàn của Trung ương Cục miền Nam, dẫn đầu là ông Bí thư Nguyễn Văn Linh, sang Trung Quốc để báo cáo với Chủ tịch Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản Trung Quốc về tình hình kháng chiến của nhân dân miền Nam. Trung Quốc đành phải tiếp vì họ giương cao ngọn cờ chống Mỹ. Nhưng Bác Hồ rất khôn khéo, ông đã gài Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào đoàn, và ông Đồng có cơ hội giải thích, trao đổi với họ về việc tại sao Việt Nam tiến hành đàm phán với Mỹ.

Trung Quốc luôn đòi hỏi Việt Nam ủng hộ đường lối cách mạng của Trung Quốc, nhất là Cách mạng Văn hóa, và đề nghị Việt Nam tiếp bước làm cách mạng văn hóa. Bác Hồ, bảo rằng “các đồng chí cứ làm cách mạng văn hóa đi, tôi làm cách mạng vũ hóa”, cho nên Trung Quốc đành chịu.

Trong quan hệ với Trung Quốc, Bác Hồ đã làm gì để dần thoát khỏi sức ép Trung Quốc, như đối với đàm phán và ký Hiệp định Geneva, phân chia tại vĩ tuyến 17, hay cải cách ruộng đất?

Khi mâu thuẫn với Liên Xô, Trung Quốc luôn luôn đòi hỏi Việt Nam phải ủng hộ các quan điểm, đường lối của Trung Quốc. Nghị quyết Trung ương 9 tháng 12/1963 chống xét lại, nhưng thực chất Việt Nam theo quan điểm Trung Quốc nhiều hơn. Việt Nam theo quan điểm của Trung Quốc, từ áp dụng cải cách ruộng đất đến đàm phán và ký kết hiệp định Geneva. Trong quá trình đàm phán, Việt Nam bị Trung Quốc, và phần nào đó là Liên Xô, lèo lái, dẫn đến những hạn chế không nhỏ cho kết quả hiệp định.

Từ Đại hội Đảng II (1951), Đảng Cộng sản đưa tư tưởng của Mao Trạch Đông làm tư tưởng chủ đạo. Về phía Bác Hồ, người chỉ nói đạo đức thôi.

Tháng 7/1954, Thủ tướng Chu Ân Lai gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Liễu Châu (Nam Ninh, Trung Quốc), có Đại tướng Võ Nguyên Giáp tháp tòng. Ông Chu Ân Lai hỏi Tướng Giáp rằng, nếu đánh tiếp thì bao lâu thống nhất được đất nước, Tướng Giáp nói rằng “cần 3 năm chúng tôi sẽ giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước”.

Nhưng tại hội nghị Geneva, Chu Ân Lai luôn lấy Mỹ ra dọa rằng “nếu các đồng chí đánh tiếp, Mỹ sẽ nhảy vào can thiệp”. Việt Nam không hiểu tình hình nên đành nghe theo Trung Quốc và Liên Xô. Liên Xô muốn có hòa dịu trên thế giới, còn Trung Quốc, sau Chiến tranh Triều Tiên (đình chiến năm 1953) muốn thoát khỏi sự bao vây của Mỹ (Nam Triều Tiên, Đài Loan và Đông Dương) và đẩy Mỹ ra xa hơn. Họ muốn miền Bắc Việt Nam trở thành khu đệm. Ý đồ sâu xa của Trung Quốc, sau này mới được làm rõ, là chia Đông Dương thành những nước nhỏ để trị (Bắc Việt Nam, Nam Việt Nam, Vương quốc Lào và Vương quốc Cămpuchia).

Ông Việt Phương, nguyên thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong buổi họp báo giới thiệu sách của các nhà ngoại giao, đã tiết lộ rằng khi đàm phán hiệp định Geneva (1954), Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó là Phạm Văn Đồng đã mắc một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng là nhờ Trung Quốc chuyển các bức điện về nước, và Trung Quốc biết hết các sách lược của Việt Nam và sử dụng chúng để ép Việt Nam ký hiệp định, theo lợi ích của Trung Quốc. Ông có nghe chuyện đó không?

Không những một mà hai. Một như anh vừa nói, vì đoàn đàm phám không mang theo điện đài, hai là trong đàm phán lại sử dụng phiên dịch Trung Quốc tên là Văn Trang, trước đây đã phiên dịch cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi tiếp xúc với cố vấn Trung Quốc. Đoàn đàm phán nói gì, viết gì về nước, Trung Quốc biết hết rồi, biết trước cả những lãnh đạo của Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mình báo cáo bất cứ điều gì về Trung ương, và xin chỉ thị, Trung Quốc biết trước và tìm cách ngăn lại bằng cách báo cho Chủ tịch Mao Trạch Đông, để ông ta nói với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Phạm Văn Đồng sau này cũng thú nhận là Việt Nam quá tin Trung Quốc.

Tại hội nghị đấy, ông Đồng chỉ chủ yếu tiếp xúc với đoàn Liên Xô và đoàn Trung Quốc, trong khi Anh là đồng chủ tịch, quan điểm lại khác với Pháp, đoàn ta lại không tranh thủ, không hề tiếp xúc với phái đoàn Anh. Đó không phải là trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, đoàn đàm phán Việt Nam, có hơn 30 người, mà không có một chuyên gia nghiên cứu phục vụ đoàn. Đến khi Trung Quốc mang Mỹ ra hù dọa rằng Mỹ sẽ can thiệp nếu Việt Nam tiếp tục cuộc chiến, chúng ta đã buộc phải nghe theo, vì thiếu thông tin. Và kết quả là chúng ta đã phải bỏ ra gấp 7 lần thời gian, với bao nhiêu xương máu, để thực hiện cái điều mà Tướng Giáp nói với ông Chu Ân Lai.

Theo ông, nếu Việt Nam tiếp tục cuộc chiến, liệu Mỹ có nhảy vào can thiệp không?

Không! Lúc đó chúng ta không có nhà nghiên cứu nên không biết, nhưng sau này chúng tôi mới nghiên cứu và kết luận rằng lúc đó Mỹ không nhảy vào.

Lý do thứ nhất là vì vừa kết thúc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), trong đó Mỹ thiệt hại mấy trăm nghìn quân đã ảnh hưởng rất nhiều tới dư luận và Quốc hội Mỹ, và Tổng thống Eisenhower đã vận động Quốc hội mấy lần về việc đem quân ra nước ngoài, nhưng Quốc hội bác hết. Lý do thứ hai là sau đó Chính phủ Eisenhower mới ra một chính sách quốc phòng mới là New Look, chỉ cho phép quân Mỹ sử dụng không quân và hải quân, chứ không được đưa lục quân, ra nước ngoài. Như vậy, rõ ràng Mỹ đã không có chính sách, và ý đồ can thiệp vào Đông Dương.

Nếu cứ theo ý Tướng Giáp đánh tiếp, chỉ 3 năm sau chúng ta đã giải phóng được đất nước. Khi đó, Mỹ có thay đổi chính sách cũng không kịp.

Chúng ta sợ lời đe dọa của Trung Quốc cũng do đánh giá sai tình hình. Hội nghị Trung ương 6 (15/7/1954) đã đánh giá lực lượng của ta và Pháp tương đương nhau, nên đánh nhau sẽ rất lâu, và quyết định đường lối đàm phán gửi cho Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng. Chúng ta quên mất rằng chúng ta vừa chiến thắng ở Điện Biên Phủ nên thế của ta vượt trội so với Pháp. Tình báo của ta đã phát hiện ra việc Pháp điện cho Bộ Chỉ huy ở Hà Nội nói rằng “đừng đề Hà Nội trở thành Điện Biên Phủ thứ hai”. Sau này, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai cũng thừa nhận bằng miệng rằng ép Việt Nam ký hiệp định chia cắt đất nước là sai.

Tướng Giáp là tướng thực địa ở Điện Biên Phủ, nên ông nói 3 năm là hoàn toàn có lý. Có điều Tướng Giáp đã không thuyết phục được Bác Hồ, và qua đó là Trung Quốc, Liên Xô.

Sau Hiệp định Geneva và cải cách ruộng đất, khi chúng ta nghe theo Trung Quốc, làm sao Việt Nam lấy lại thế bình đẳng tương đối với Trung Quốc?

Việt Nam, từ Đại hội II chấp nhận nhiều quan điểm của Trung Quốc, nhưng dần dần Việt Nam cũng nhận thức được rằng những thứ đó là không đúng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước chúng ta cũng rút kinh nghiệm từ Geneva, và rất thành công. Kinh nghiệm Geneva đã giúp chúng ta tiến hành chiến tranh thành công, nếu không rút kinh nghiệm từ đàm phán ở Geneva, chúng ta không thể đàm phán hiệp định Paris thành công được. Thứ nhất, chúng ta rút kinh nghiệm ở Paris là đàm phán trực tiếp, chứ không đa phương (9 bên) như ở Geneva, thứ hai, chúng ta tự quyết định đường lối, chính sách, không dựa vào ai cả.

Có phải trong nội bộ Đảng ta, Bí thư Thứ nhất BCH TƯ Lê Duẩn có vai trò quan trọng trong việc lấy lại tính độc lập tự chủ trong các quyết định của Đảng?

Ông Lê Duẩn là người có ý kiến độc lập, tự chủ, ông nhận thức ra được sự phụ thuộc vào Trung Quốc có hại thế nào, và cố gắng tách ra khỏi Trung Quốc. Nhưng, sau này, ông lại quá cực đoan, chống Trung Quốc mạnh quá, và ngả hẳn sang Liên Xô.

Trong thời kỳ chống Mỹ, sau khi Mao Trạch Đông gặp Tổng thống Nixon ở Thượng Hải, Thủ tướng Chu Ân Lai có sang Việt Nam để giải thích rằng Trung Quốc làm thế là vì Trung Quốc muốn thoát khỏi bị cô lập (kẻ thù của cả Liên Xô và Mỹ), và đưa Trung Quốc phát triển lên, chứ không phải phản bội lại Việt Nam. Ông Lê Duẩn không chấp nhận lời giải thích đó, và khi tiễn ông Chu Ân Lai về nước, ông không cho xe ra đưa ông Chu Ân Lai ra máy bay, buộc ông Chu Ân Lai và người phiên dịch phải đi bộ từ sảnh chờ ra cầu thang máy bay.

Tại sao khi Việt Nam đã dần lấy lại thế độc lập tự chủ mà Trung Quốc vẫn đổ tiền đồ của cho chúng ta?

Đó cũng do Việt Nam có chính sách ngoại giao khôn khéo. Trung Quốc cũng đang chống Mỹ, và Trung Quốc muốn dùng ngọn cờ của Việt Nam để nâng vị thế của mình, và tranh giành vị trí bá chủ của Liên Xô trong đối đầu với Mỹ. Lợi ích trùng hợp thì họ phải giúp mình thôi.

Trong cuộc chiến ở Gạc Ma tại sao công binh của mình không được trang bị vũ khí, ngoài mấy khẩu AK tầm thường? Và được lệnh không nổ súng trước?

Sai lầm của ta là không chuẩn bị các phương án. Một là phương án Trung Quốc ứng xử hòa bình, Việt Nam chỉ mang tàu công binh ra thôi, phương án hai là Trung Quốc ứng xử bằng vũ trang thì mình cũng phải chuẩn bị lực lượng vũ trang, Trung Quốc đưa pháo thì mình cũng phải đưa pháo ra chứ.

Bởi vì ta lúc đó chỉ nhăm nhăm muốn tạo môi trường hòa bình để bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc ngay trong nhiệm kỳ của mình (ông Nguyễn Văn Linh hứa chỉ làm Tổng Bí thư một nhiệm kỳ). Trang bị của công binh ở Gạc Ma mới như vậy.

Hôm 7/5/1988, sau khi Trung Quốc chiếm Gạc Ma, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh ra Trường Sa, phát biểu trước chiến sĩ hải quân rằng “tàu lạ” đã tấn công và Việt Nam mất 64 chiến sĩ.

Hôm 14/3/1988, Trung Quốc chiếm Gạc Ma, thì 16/3 Bộ Chính trị họp (vì 15/3 bận đám tang cố Thủ tướng Phạm Hùng). Vào cuộc họp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã hỏi luôn: “Ai ra lệnh cho bộ đội không được bắn?” Đại tướng Lê Đức Anh phản bác đầu tiên, rồi đến ông Nguyễn Văn Linh, ông Đào Duy Tùng cũng đế vào. Ý kiến của ông Nguyễn Cơ Thạch hóa ra lại là ý kiến thiểu số, bị gạt ra ngoài.

Vai trò của Bác Hồ trong đàm phán Paris là gì?

Ý kiến Bác Hồ chỉ là những tư tưởng lớn thôi, nhưng nó được thể hiện rõ ràng trong quá trình đám phán. Một là phải kiên trì độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, hai là những quyền dân tộc cơ bản. Sau này, Bộ Chính trị đã nêu ra 4 điều kiện cơ bản mà đàm phán Paris phải đảm bảo. Hay chỉ đạo của Bác Hồ để giành thắng lợi từng bước : đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Bác Hồ nói “mình phải biết thắng đế quốc to như Mỹ không theo kiểu Liên Xô vật ngửa phát xít Đức đươc, mà phải đánh cho Mỹ rút”. Hay Bác Hồ nói “trải thảm đỏ cho Mỹ rút”, Mỹ rút 500 ngàn quân là cán cân lực lượng đã thay đổi, và chúng ta sẽ thắng.

Bốn chỉ đạo của Bộ Chính trị với đoàn đàm phán là gì?

Một là Mỹ tôn trọng quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, hai là Mỹ chấm dứt can thiệp vào Việt Nam, ba là Mỹ hàn gắn vết thương chiến tranh, và bốn là mình giữ được lực lượng ở miền Nam, điều quan trọng nhất.

Biểu hiện đầu tiên của quan điểm vừa đánh vừa đàm là gì?

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh trong khi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Mông Cổ, ông nâng ly lên và nói rằng “nếu Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, tôi sẽ nói chuyện với Mỹ”.

Vai trò ngoại giao của Hồ Chí Minh trong việc thoát khỏi bao vây cấm vận chính trị và bao vây về chính trị và cấm vận về kinh tế sau khi Việt Nam đưa quân vào Cămpuchia như thế nào?

Tư tưởng của Bác Hồ là ngoại giao phải rất năng động, phải kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại, đoàn kết quốc tế và hội nhập quốc tế.

Ngoại giao phải năng động tức là phải kiên trì nguyên tắc mềm dẻo, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè, tìm kiếm hỗ trợ quốc tế. Việt Nam vận dụng tốt những nguyên tắc này nên mới phá vây, phá cấm vận, bằng ngoại giao. Đây là thời kỳ ngoại giao vô cùng năng động, so với thời kỳ trước.

Ông nói về thế phá bao vây, từ việc đầu tiên là bắt tay với các nước ASEAN, đúng không?

Đầu tiên là tranh thủ các nước ASEAN, xong lại giải quyết vấn đề Campuchia, rồi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Cái chốt ở đây là phải giải quyết vấn đề Campuchia, bởi vì nó mà Việt Nam bị bao vây, cấm vận, bị cô lập hóa. Mình vực dậy lực lượng Campuchia, họ cứng cáp lên thì Việt Nam rút quân về, rút toàn bộ vào tháng 9/1989.

Điều thứ hai Việt Nam phải giải quyết vấn đề với Trung Quốc, vì Trung Quốc vừa là nước lớn, nước láng giềng, vừa là nước có vai trò quan trọng trong vấn đề Cămpuchia, và sau đó thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.

Với ASEAN, Việt Nam có làm trước đó có tiến hành JIM1 và JIM2, vừa để tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á, nhằm mục tiêu hội nhập ASEAN, vừa để giải quyết vấn đề Campuchia.

Trong các bộ trưởng ngoại giao, theo ông người nào thấm nhuần quan điểm ngoại giao Hồ Chí Minh nhất, nói cách khác là thành công nhất?

Theo tôi có 2 bộ trưởng ngoại giao thành công nhất, thể hiện quan điểm ngoại giao Hồ Chí Minh nhiều và rõ nhất, đó là ông Nguyễn Duy Trinh và ông Nguyễn Cơ Thạch.

Ông Nguyễn Duy Trinh là người có đóng góp tốt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông chỉ đạo đàm phán Paris, ông chỉ đạo đấu tranh ngoại giao trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rồi tranh thủ dư luận, tranh thủ sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc, hay nghiên cứu chiến lược, sách lược… đều hết sức thành công, hầu như không có thiếu sót.

Nhưng trong giai đoạn đầu bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ (1977-1978) ông không thành công, khi không tham mưu được cho lãnh đạo cấp cao đừng đền bù chiến tranh là điều kiện tiên quyết, vì chuyện đền bù do Quốc hội Mỹ quyết định, chứ không phải Tổng thống. Hay từ chối bình thường hóa quan hệ với ASEAN. Hay trong Nghị quyết Hội nghị TW 4 (27/7/1978) đã đánh giá tình hình thế giới sai không chuẩn xác. Việt Nam hành động sai, bị Trung Quốc đánh và bị bao vây cấm vận suốt hơn một thập kỷ.

Có thể nhắc đến vai trò của TBT Lê Duẩn, hay ông Lê Đức Thọ trong chuyện này, nhưng người phụ trách đối ngoại Nguyễn Duy Trinh vẫn phải chịu trách nhiệm nào đó. Tất nhiên, tôi chưa kết luận vì không tiếp cận được biên bản ghi quá trình thảo luận để ra được nghị quyết ấy.

Ông Nguyễn Cơ Thạch là người có tư tưởng rất sáng, đánh giá tình hình thế giới rất chuẩn xác, nghiên cứu rất sâu, đánh giá rất là chuẩn xác, mà hành động rất năng động. Ví dụ, cái thời Việt Nam bị khốn đốn về vấn đề Campuchia là thời ngoại giao năng động nhất, luôn có những hoạt động ngoại giao lớn, khi thì chơi với anh này khi thì tập hợp với anh kia, để chống trả anh khác.

Người thấm nhuần nhất tư tưởng Hồ Chí Minh chính là ông Nguyễn Cơ Thạch, người bảo vệ tốt nhất lợi ích của Việt Nam. Nhưng mà ông Thạch bất đồng quan điểm với nhiều người trong nội bộ. Ông Thạch đã bị gạt ra tại Đại hội VII, theo gợi ý của ông Đặng Tiểu Bình, người cho rằng ông Nguyễn Cơ Thạch là người chống lại bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Ông Đặng Tiểu Bình đã đánh tiếng qua cuộc gặp với Tổng bí thư  Lào Kaysone Phomvihane.

Ông Thạch có chống lại bình thường hóa với Trung Quốc không?

Không. Thời ông Lê Duẩn còn làm Tổng Bí thư, chính ông Thạch đã hai lần đề nghị bình thường hóa với Trung Quốc. Nhưng cách bình thường hóa của ông Thạch là phải trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng quyền tự chủ của Việt Nam. Cũng chính vì vậy, Việt Nam tiến hành bình thường hóa với Trung Quốc theo con đường Đảng, qua Ban Đối ngoại TW của ông Hồng Hà, chứ không qua con đường ngoại giao.

Xin cám ơn ông Vũ Dương Huân đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn