Đảng đổi mới theo kiểu… học phong kiến

Thứ Bảy, 12 Tháng Năm 20181:30 SA(Xem: 6907)
Đảng đổi mới theo kiểu… học phong kiến

Bá Tân

Hội nghị BCH trung ương VII (khóa 12) đang diễn ra tại Hà Nội, thảo luận và sẽ quyết định một số vấn đề quan trọng của đảng, của chế độ. Trong đó có vấn đề nhân sự, cán bộ lãnh đạo của đảng, nhất là cán bộ ở tầm chiến lược.

Theo đề án, chắc chắn sẽ được thông qua và trở thành chủ trương của đảng, những người đứng đầu cấp ủy ở tỉnh và huyện (bí thư tỉnh ủy và bí thư huyện ủy), từ khi thực hiện chủ trương này, không phải là người bản xứ.

Đưa người khác huyện về làm bí thư huyện ủy. Tương tự như vậy, bí thư tỉnh A sẽ là người quê ở tỉnh B. Đây là giải pháp mang tính phòng chống tiêu cực, tham nhũng quyền lực. Thực ra, với bọn quan tham, dù có luân chuyển hay đổi địa bàn thì chúng nó vẫn có cách… ăn cướp.

Cái gốc của vấn đề là tư chất, là đạo làm quan. Giải bài toán này khó hơn và cơ bản hơn nhiều. Kẻ đã không tham, rơi vào kho vàng vẫn thanh liêm. Kẻ có máu tham, thấy tiền bạc như mèo thấy mỡ, dù có đào hào đắp lũy ngăn cách, nó vẫn tìm ra mưu kế chiếm đoạt bằng được.

Cách làm ấy, giải pháp đổi mới của đảng, thực ra được thực hiện mang tính phổ biến từ thời phong kiến.

Tri huyện, tri phủ, người đứng đầu tỉnh (tổng đốc) – dưới thời phong kiến – nói chung, đều là người từ địa phương khác. Chế độ phong kiến coi đó như là nguyên tắc, thực thi trong nhiều triều đại. Bây giờ học cách làm của phong kiến, gọi bằng cái tên mỹ miều là luân chuyển.

Chế độ phong kiến coi đó là nguyên tắc. Đến thời ta, học cách làm của phong kiến, gọi là luân chuyển, làm theo phong trào, mang tính đối phó. Để thành quan thời nay, không những chạy chức, còn phải chạy luân chuyển. Dân ví cán bộ luân chuyển như là cá cảnh nuôi trong bể kính, chỉ là lượn lờ cho đẹp, tránh mọi va chạm, chờ hết nhiệm kỳ quay về nơi đã “lót ổ” trước đó.

Thời phong kiến, từ huyện, phủ, cho đến tỉnh, chỉ có duy nhất một người đứng đầu, bộ máy gọn nhẹ, nhưng vô cùng hiệu lực. Đến thời ta, nhất là hiện nay, bộ máy “hành dân” trùng trùng điệp điệp, trên bảo dưới không nghe, không ít kẻ đứng đầu nhúng chàm đầm đìa, cho nên không dám há miệng vì sợ mắc quai.

Ở huyện, ở tỉnh hiện thời, bên cạnh người đứng đầu cấp ủy, còn có người đứng đầu chính quyền. Thời nay, khi mặt trái cơ chế thị trường lũng đoạn trên mọi mặt, người đứng đầu chính quyền thậm chí còn thực quyền hơn, có “giá” cao hơn trong các “sân chơi” sặc mùi tiền bạc.

Với cơ chế lưỡng quyền như hiện nay, thậm chí có những nơi chỉ vì tranh ăn gây ra mâu thuẫn gay gắt, chỉ giải quyết một vế – người đứng đầu cấp ủy – là còn khập khiễng. Vế thứ hai – người đứng đầu chính quyền – vẫn theo cách làm như trước, bệnh cũ vẫn tiếp tục di căn.

Một bài toán có hai vế, khó và quan trọng ngang nhau, nhưng mới giải được một vế. Nói gì thì nói, đó vẫn là bài giải dở dang. Nếu đó là cuộc thi, vì chỉ giải được một nửa yêu cầu, rất khó trúng tuyển, bị trượt là cái chắc.

Không ít người được gọi là có học (trong tay chạy được nhiều bằng) nói đến phong kiến là dè bỉu, miệt thị, quen thói bôi nhọ. Họ không đủ trí khôn để biết, hoặc cố tình giả đui, giả điếc để không biết những cái hay trường tồn, những cái mãi mãi đúng của phong kiến. Trong số những người tử tế hôm nay, ngoài phần vun trồng của xã hội đương thời, có dòng máu, có cốt cách dòng tộc cha ông từ thời phong kiến.

Sau hơn 80 năm thành lập và nắm quyền thống trị tuyệt đối, đảng đưa ra giải pháp gọi là đổi mới công tác cán bộ, thực ra cách làm ấy có từ thời phong kiến. Kẻ nào rắp tâm phủ nhận sạch trơn chế độ phong kiến, loại này không phải cá biệt, thậm chí còn “chạy” được chức to, kẻ đó không chỉ là kẻ thù của đạo đức văn minh, mà còn là đối nghịch với đảng chân chính.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn