'Tôi đến từ một quốc gia không còn tồn tại'

Thứ Bảy, 05 Tháng Năm 20185:15 SA(Xem: 6217)
'Tôi đến từ một quốc gia không còn tồn tại'
bbc.com
Anja Mutic BBC Travel

Anja Mutic Bản quyền hình ảnh Anja Mutic

Vào mùa thu 2011, hai thập kỷ sau khi đất nước tan rã hồi đầu những năm 1990, tôi lên đường làm một hành trình đi tìm Nam Tư.

Chuyện quốc gia mà tôi được sinh ra và lớn lên không còn tồn tại trên bản đồ nữa không làm tôi đổi ý.


Tuy nhiên, vào lúc đó, New York là nơi tôi gắn bó. Tôi là một kẻ lãng du chuyên nghiệp và trọn đời, lấy đó là nghề kiếm sống. Bề ngoài, cuộc sống viết lách về những chuyến đi của tôi thật hào nhoáng: một ngày tôi dong buồm đi trên Galapagos, rồi ngay hôm sau tôi đã ngồi tronng một căn nhà gỗ thủy tạ tại Bora Bora.

Tôi có thể đi bộ dọc phố ở Lisbon hay rong ruổi trên con đường bụi bặm ở Bolivia. Cuộc đời tôi là liên tục nối tiếp những trải nghiệm diễn ra chỉ một lần trong đời.

Nhưng điều nằm bên dưới những chuyến đi tiếp nối nhau là sự thiếu gắn bó tới mức khó chịu. Tôi thuộc về nơi nơi, mà lại chẳng thuộc về đâu hết. Và trong lúc tôi biết rằng có sự may mắn khi không bị ràng buộc, nhưng tôi lại không thể sống hòa bình với nó.

Qua những chuyến đi như thế, luôn có hai câu hỏi đọng lại trong tôi:

Đâu là quê nhà?

Đây có phải là nơi chốn không?

Những trăn trở đó thôi thúc tôi phải lên đường. Ở đâu đó nơi xa phải có một Nơi Chốn. Nơi hẳn sẽ là Quê Nhà.

Anja Mutic Bản quyền hình ảnh Anja Mutic

Lớn lên tại Zabreb - trước kia là thành phố lớn thứ hai của Nam Tư, và nay là thủ đô của Croatia - tôi sưu tầm Smurf. Tôi có bảy con búp bê Barbie, tất cả đều có mái tóc dài, vàng óng, trừ một con mà tôi quyết định là không nên tóc vàng, cho nên tôi lấy kéo cắt ngắn, rồi dùng bút tô đen bộ tóc nó. Tôi có một đôi giày Nike màu hồng mà cha tôi mua cho từ một chuyến công tác tới Mexico hồi 1984, một món đồ được yêu quý.


Hồi thiếu niên, tôi xem Beverly Hills 90210 và tôi yêu thích ca sỹ Dylan. Tôi đọc thơ TS Eliot và nghe nhạc The Smiths. Cha mẹ tôi hay cãi nhau, nhưng tôi có một tuổi thơ hoàn toàn bình thường.

Nhưng khi Nam Tư sụp đổ trong cuộc chiến tồi tệ kéo dài trong hầu hết thập niên 1990, thế giới quanh tôi đã bị thu hẹp lại.

Khi cuộc chiến diễn ra, mọi thứ giống như trần nhà đổ sập xuống ngay sát đầu, và một khi tôi lớn lên, tôi sẽ va đầu vào đó mà không thể đi đâu được.

Tôi như cố đập đầu vào đó, cố chọc cho được một lỗ hổng trên trần nhà, nhưng không thành.

Tôi mắc kẹt bên dưới, trong lúc đầu tôi thôi thúc mình phải vươn lên, vượt qua trần nhà. Tôi muốn lớn lên dưới bầu trời rộng mở, vậy là tôi ra đi.

Tôi không phải là người tị nạn. Tôi không bị buộc phải ra đi. Cuộc lưu đày hồi năm 1993 là do tôi tự chọn. Nhưng hơn 15 năm sau đó, sau thời gian sống và đi lại khắp nơi trên thế giới, tôi biết rằng tôi đã không đạt được sự yên bình bằng cách ra đi.

Có một cảm giác rất đột ngột, giống như có ai đó giật phắt tấm thảm dưới chân khiến tôi không có chỗ nào mà đứng nữa. Tôi phải giữ cân bằng nhờ những ký ức hỗn độn về một đất nước tưởng tượng, mà trong đó có những thứ tôi thậm chí còn không chắc là nó có thật như vậy không.

Anja Mutic Bản quyền hình ảnh Anja Mutic

Rồi một ý tưởng hiện lên trong đầu tôi trong một đêm tuyết rơi, khi tôi đang ngồi trong căn hộ của mình tại Brooklyn.

Tôi tìm lại ký ức về những đường biên giới của nơi từng là quê hương mình.


Tôi cố tìm hiểu về những gì xảy ra sau những cuộc chiến, mà khởi đầu là việc Slovenia tuyên bố độc lập vào năm 1991, Croatia đấu tranh đòi độc lập dai dẳng cho đến 1995, cuộc chiến man rợ tại Bosnia vốn chính thức chấm dứt với Thỏa thuận Dayton ký hồi 1995, và rồi chuyện Nato ném bom Serbia vào năm 1999.

Sau bao năm, quốc gia được công nhận về mặt chính trị từng được ghi trong cuốn hộ chiếu của tôi là mất đi từ lâu.

Dẫu sao thì tôi cũng không quan tâm tới việc chia rẽ chính trị trong quá khứ. Tôi muốn ghi lại cảm xúc về một quốc gia đã mất và những gì còn đọng lại trong lòng người dân nước đó, trong lòng tôi.

Tôi có một ngân quỹ hạn hẹp, một kế hoạch to tát và một nỗi sợ hãi về điều mà tôi sẽ tìm thấy. Tôi sợ tôi sẽ mở ra một cái hộp Pandora đầy những đau buồn, mất mát mà cuộc chiến đem lại.

Tôi bay đến Zagreb và lên đường vào một tối tháng Mười lành lạnh. Khi đó là 6 giờ chiều, lúc tôi lên ngồi trên chiếc ghế số 39 cạnh khung cửa sổ chiếc xe bus Cazma-Hisar xọc xạch, đi về phía Skopje, thủ đô của Macedonia.

Tôi bắt đầu hành trình dài 12 giờ đồng hồ để tới một nơi mà không có ai chờ đợi khi tôi đến vào sáng sớm. Nhiều người thấy chuyến đi của tôi đến toàn bộ các vùng đất cũ của Nam Tư là rất kỳ quặc. "Điều gì khiến chị có chuyến đi kỳ quặc vậy?" họ hỏi.

Tôi đi trong sáu tuần, theo đúng kế hoạch, khoảng một tuần cho mỗi nơi từng là Cộng hòa Nam Tư nhưng nay là các quốc gia độc lập: Croatia, Slovenia, Serbia, Montenegro, Bosnia & Herzegovina, và Macedonia.

Tôi mang theo vài quyển sách hướng dẫn du lịch đã hết hạn từ lâu, vốn được xuất bản từ thời ngay trước khi Nam Tư rơi vào cuộc nội chiến.

Suốt dọc đường đi, tôi gặp gỡ những người mà tôi gọi là "những cuộc chuyện trò bên ly cà phê".

Tại Nam Tư, dùng kava (cà phê) với người khác cũng giống như một nghi thức giao tiếp xã hội tối thượng. Trong hành trình của mình, tôi muốn vinh danh truyền thống đó.

Sau một ngày rưỡi, tôi bắt đầu nhanh chóng thích thú với những câu chuyện mà mọi người chia sẻ, và các cuốn sách hướng dẫn du lịch nhanh chóng được xếp xuống đáy ba lô.

Trong suốt hành trình, tôi đã hy vọng rằng rồi sẽ có ai đó nói một điều kết tinh tất cả - cuộc đời không cội rễ của tôi trôi dạt và cái chết đau đớn, từ từ của Nam Tư đã khiến cho cả một thế hệ cứ mãi vấn vương với cảm giác không có quê nhà.

Tôi biết rằng tôi không phải là người duy nhất có cảm giác mất phương hướng, nhưng tôi muốn hiểu những người khác trải qua tâm trạng chung, tâm trạng của những người có một quốc gia tan vỡ đó, như thế nào.

Hẳn sẽ có ai đó nói một câu mà tôi mong được nghe, với toàn bộ những sự khôn ngoan được thể hiện trong đó.

Tôi muốn tận mắt nhìn vào một con phố, một ngôi làng, hay một khoảng rừng được phát quan, và muốn được gắn bó với một chỗ nào đó.

Tôi muốn rồi cuối cùng mình sẽ được chấp nhận, để rồi tiếp tục sống.

Anja Mutic Bản quyền hình ảnh Anja Mutic

Không điều nào trong số những thứ đó diễn ra. Nhưng lại có thứ khác.

Những câu chuyện của người khác đã trở thành điều trung tâm không lường trước trong chuyến đi của tôi.

Trong hành trình, tôi đã gặp hơn 50 người, và đã ghi lại những câu chuyện họ nói với tôi qua những lần chuyện trò bên ly cà phê.

Tôi đã ngồi với những người thuộc thành phần bán quân sự, các triết gia, các chính trị gia và các nhà thơ. Tôi đã uống cà phê với các nhà hoạt động, các nghệ sỹ, các diễn viên. Tôi tán gẫu với các nhạc sỹ, giáo viên, những nhân viên NGO.

"Tôi phải thừa nhận rằng với tôi, Nam Tư chưa bao giờ kết thúc. Tôi luôn hoài niệm về Nam Tư," người đầu tiên ngồi uống cà phê với tôi, Danche Chalovska nói, trong đêm đầu tiên tôi dừng chân tại Skopje. "Nam Tư là một phần đời tôi lớn lên, là một phần con người tôi, sẽ luôn là như vậy."

Tôi làm quen với Chalovska qua một người bạn chung ở New York. Là con gái của Todor Chalovski, một nhà thơ Macedonia nổi tiếng, bản thân cô cũng xuất hiện đầy chất thơ. Tóc nhuộm màu, gương mặt to với những nét mạnh mẽ và đôi mắt sáng lấp lánh, cô rất hay nói từ 'draga' (thân thương), và quàng tay qua người tôi ngay lập tức, như thể chúng tôi là những người bạn đã rất lâu không gặp lại.

Vào một buổi tối ấm áp khác thường, tôi lang thang qua các con phố ở quảng trường Stara Čaršija (Khu Chợ Cổ) tại Skopje. Trong lúc một người đàn ông xua hai đứa trẻ digan đi, tôi dạo qua những đoạn đường lát sỏi nơi có những người thợ thủ công cặm cụi làm các món đồ da, đồ đồng, những cửa hàng may mặc, qua những quầy chỉ bày bán đồ cưới lấp lánh và opanci (giày da truyền thống của nông nô ở vùng đông nam Âu).

Anja Mutic Bản quyền hình ảnh Anja Mutic

Ngay ngoài khuôn viên quảng trường, dưới bóng những cây vả, hai người phụ nữ trùm khăn vuông đang khuấy chảo sốt sột sệt màu đỏ bằng chiếc muôi gỗ khổng lồ.

Sabrije Elezi và Usnije Fetahi đang chuẩn bị ajvar, món xốt phổ biến ở vùng Balkan được làm từ ớt đỏ sấy.

Thường được chuẩn bị vào dịp giữa mùa thu, là mùa thu hoạch ớt, món này cần đến nhiều giờ và tốn công sức.

Chúng tôi ngồi dưới những cây vả, thay nhau khuấy cái chảo. Usnije pha cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, và Sabrije bê ra chiếc khay gỗ trên có món slatko, món mứt hoa quả truyền thống vô cùng ngọt ('slatko' có nghĩa là ngọt).

Món mứt này được làm từ quả mâm xôi. Tôi hỏi Sabrije là bà nhớ gì về Nam Tư. "Cuộc sống khi đó dễ chịu hơn rất nhiều," bà nói.

Họ bắt đầu nói chuyện, và tôi lắng nghe. Tôi ngồi chăm chú nghe những câu chuyện của họ, nhấp ly cà phê thứ 14 trong ngày và hỏi họ về Nam Tư.

Lắng nghe, ghi âm, chứng kiến những cảm xúc bột phát, giữ im lặng... Một số người nêu ra lý do chính trị để giải thích theo cách hiểu riêng của họ vì sao Nam Tư tan vỡ. Những người khác nói về sự trống rỗng trong cuộc đời riêng: một người bạn thuở thiếu thời mà rồi họ không bao giờ gặp lại được nữa, một người thân trong gia đình bỗng trở nên xa lạ. Có sự giận dữ, nỗi ưu phiền, bực tức, thất vọng, sự phản bội và cảm giác chung ai cũng có, là chúng tôi đều đã mất đi một thứ gì đó vô cùng quý giá. Tôi cố đi tìm lời giải đáp, nhưng không có câu trả lời.

Khi trở lại New York, tôi nhìn lại tất cả những câu chuyện mà tôi đã được nghe kể. Giống như một người đi tìm những thứ trên bãi biển, tôi thấy trong mỗi vỏ ốc đều đọng lại âm thanh của biển. Nhưng những câu chuyện của họ làm tôi lạnh cứng cả người. Đột nhiên tôi cảm thấy mình có trách nhiệm đưa những câu chuyện họ chia sẻ với mình đến với nhiều người khác nữa.

Đôi khi trong đời, ta theo đuổi những câu chuyện lớn. Bảy năm trôi qua kể từ khi tôi nghĩ việc tôi theo đuổi sẽ chữa lành cho sự băn khoăn muốn tìm hiểu của tôi. Bằng cách tìm về cội nguồn của mình, tôi đi tìm cảm giác mình thuộc về nơi đâu.

Nhưng tôi hầu như vẫn vậy (tuy có thay đổi ở chỗ tôi đã thêm nhiều tuổi). Hành trình đó đã không làm mất đi đam mê dịch chuyển của tôi, điều mà tôi cứ ngỡ là nó sẽ xảy ra. Thay vào đó, nó trao cho tôi một cửa sổ thân ái để nhìn vào cuộc đời của những người đã sống trước, trong, và sau sau thời Nam Tư.

Sau bảy năm, tôi bắt đầu chấp nhận rằng nhà là thứ có thể thay đổi, thuộc về nơi nào là thứ khó nắm bắt, và đất nước nơi tôi lớn lên là một vùng đất tưởng tượng, nơi đã từng tồn tại nhưng nay không còn nữa, trừ việc nó vẫn tồn tại trong ký ức chung của những người như chúng tôi.

Và có những lúc hành trình chỉ đơn giản là một hành trình. Hãy trở về nơi bạn đã bắt đầu.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn