Nazanin Zaghari-Ratcliffe bị tù khi về thăm Iran

Thứ Năm, 16 Tháng Mười Một 20178:00 SA(Xem: 6962)
  • Tác giả :
Nazanin Zaghari-Ratcliffe bị tù khi về thăm Iran
bbc.com
Gabriella, 3 tuổi, và mẹ, Nazanin Zaghari-Ratcliffe, năm nay 38 tuổi
Image caption Gabriella, 3 tuổi, và mẹ, Nazanin Zaghari-Ratcliffe, năm nay 38 tuổi

Vụ một phụ nữ gốc Iran mang quốc tịch Anh có thể bị Iran tăng án tù vì Bộ trưởng Ngoại giao Boris Johnson "lỡ lời" về hoạt động của bà đang đặt ra nhiều câu hỏi về cách chính phủ Anh có thể bảo vệ công dân của mình.

Bà Nazanin Zaghari-Ratcliffe, 38 tuổi bị bắt tại Iran vào tháng 4/2016 khi bế con gái nhỏ về thăm mẹ.


Tòa án Iran sau đó đã đem bà ra xử về tội "hoạt động lật đổ", điều bà bác bỏ.

Iran cũng nói bà từng biểu tình trước Sứ quán của họ ở London.

Hiện bà Nazanin Zaghari-Ratcliffe bị giam tại nhà tù Evin khét tiếng ở Tehran.

Bảo vệ ngoại giao?

Chồng bà, ông Richard Ratcliffe phê phán chính quyền Anh Quốc và yêu cầu chính phủ ở London "trao cho bà Nazanin quy chế bảo vệ ngoại giao (diplomatic protection)".

Theo BBC News hôm 13/11/2017, nếu điều này thành hiện thực, thì vụ việc, hiện chỉ là vấn đề bảo vệ lãnh sự cho một công dân Anh, sẽ tăng độ nóng để thành một cuộc tranh chấp pháp lý giữa London và Tehran.

Bản thân ông Boris Johnson đang đối mặt với nhiều lời kêu gọi từ chức.

Trong khi trả lời trước một ủy ban Quốc hội Anh, ông nói theo ông hiểu thì bà Nazanin "về Iran để dạy báo chí".


Sau khi tìm hiểu được lời của Bộ trưởng Ngoại giao Boris Johnson, tòa án Iran đem bà Nazanin ra để xử thêm "vì có bằng chứng mới".

Hiện bà đang chịu án 5 năm tù nhưng chưa rõ vụ quay lại tòa vừa rồi có diễn biến ra sao.

Hôm 11/11, BBC News nói có khả năng tòa án Iran tăng gấp đôi án tù bà Nazanin Zaghari-Ratcliffe.

Gia đình Ratcliffe nói bà Nazanin chỉ về quê cũ thăm thân nhân, và không làm gì để bị bắt và xử tù.

Ratcliffe Bản quyền hình ảnh Carl Court/Getty Images
Image caption Ông Richard Ratcliffe (thứ hai từ phải sang) đem kiến nghị đến Phủ Thủ tướng Anh ở số 10 Downing Street để vận động đòi thả tự do cho vợ hiện bị tù ở Iran

Bà Nazanin Zaghari-Ratcliffe từng làm việc cho đài BBC và đang hoạt động cho Quỹ Thompson Reuters.

Quỹ này bác bỏ lời của ông Johnson rằng bà về Iran "dạy báo chí".

Con gái họ, cháu Gabriella, 3 tuổi, cũng không được chính quyền Tehran cho xuất cảnh và hiện đang sống với ông bà ngoại ở thủ đô Iran.

Ông Johnson cũng đã xin lỗi nhưng chồng bà Nazanin nay tiếp tục vận động để chính quyền Iran thả bà.

Một thứ trưởng ngoại giao Anh chuyên về Trung Đông đã gặp ông Richard Ratcliffe để lắng nghe câu chuyện.


Phủ Thủ tướng Anh cho báo chí hay việc trao cho bà Nazanin Zaghari-Ratcliffe quy chế hỗ trợ ngoại giao "chỉ là một trong nhiều phương án" mà họ xem xét.

Công dân Anh được bảo vệ thế nào?

Theo BBC News, hiện nay Bộ Ngoại giao Anh có chính sách "không dính líu gì đến các trường hợp người mang song tịch Anh Quốc và một quốc tịch khác khi họ bị bắt ở nước mà họ mang hộ chiếu còn hạn, trừ khi đó là trường hợp có lý do đặc biệt mang tính nhân đạo".

Nhưng trong trường hợp này, Iran không công nhận song tịch và vì thế, bà Nazanin Zaghari-Ratcliffe chỉ là công dân Anh, theo quan điểm phía Anh.

Trang của Bộ Ngoại giao Anh (FCO) nêu họ sẽ làm gì để trợ giúp công dân Anh bị bắt ở một nước khác như giải thích về luật sở tại, liên hệ với bạn bè, gia đình và giúp tìm luật sư.

Cảnh sát Iran Bản quyền hình ảnh STR/Getty Images
Image caption Cảnh sát Iran có các nhóm phóng xe máy vây bắt, đánh người biểu tình hoặc giới vận động cho nhân quyền

Đại sứ quán hoặc lãnh sự Anh gần nhất sẽ liên lạc với người bị bắt trong vòng 24 giờ từ khi có tin về vụ bắt bớt và cố gắng đến thăm nhanh nhất.

Nhưng trong vụ này, chính quyền Iran không cho phép Đại sứ quán Anh hỗ trợ bà Nazanin Zaghari-Ratcliffe về mặt lãnh sự.

Tuy thế, nhờ cuộc vận động của báo chí và chồng bà, Richard Ratcliffe, bản thân Thủ tướng Theresa May đã hai lần nêu vụ việc này với Tổng thống Iran, Hassan Rouhani.

Nhắm vào nhà báo

Hiện tại Anh Quốc cũng có cuộc vận động của nghiệp đoàn nhà báo Anh (NUJ) kêu gọi sự ủng hộ cho các nhà báo của BBC Tiếng Ba Tư.

Họ nói thân nhân ở Iran bị công an cảnh sát liên tiếp thẩm vấn, đe dọa, thậm chí bị mất việc chỉ vì họ làm việc cho đài BBC.

Đa số các nhân viên của BBC làm việc cho chương trình tiếng Ba Tư như BBC Persian TV bị cấm về nước vĩnh viễn, theo thông báo của NUJ.

Bà Michelle Stanistreet, Tổng thư ký NUJ nói trong một thông cáo báo chí hồi cuối tháng 10/2017 rằng các thành viên của nghiệp đoàn nhà báo NUJ làm việc cho BBC Persian "đang bị truy bức bởi chính phủ Iran và họ tung ra cáo trạng tội hình sự đối với gần như tất cả các nhà báo người Iran làm cho BBC".

Bà Stanistreet tuyên bố mở cuộc vận động toàn cầu yêu cầu Iran bỏ các cáo trạng nhắm vào nhân viên BBC chỉ vì họ là gốc Iran.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn