Mỹ mất gì nếu Trung Quốc chiếm được Đài Loan ?

Thứ Bảy, 24 Tháng Năm 20254:09 SA(Xem: 1110)
Mỹ mất gì nếu Trung Quốc chiếm được Đài Loan ?

Đài Loan là nỗi ám ảnh lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vì ít nhất ba lý do. Quan trọng hơn cả là yếu tố địa chính trị : Chiếm được Đài Loan Bắc Kinh gỡ được nút thắt duy nhất để làm chủ phần lớn Thái Bình Dương, cô lập các đồng minh của Washington, đe dọa trực tiếp đến những lợi ích sống còn của Hoa Kỳ.

Quảng cáo

RFI xin được giới thiệu bài viết của Pierre-Antoine Donnet, trên báo mạng chuyên về châu Á Asialyst. Ông nguyên tổng biên tập của hãng thông tấn Pháp AFP và từng là thông tín viên tại Bắc Kinh và là tác giả của nhiều cuốn sách về Trung Quốc và Đông Bắc Á. Năm 2024 2024 Pierre-Antoine Donnet ra mắt độc giả cuốn Chine, l'empire des illusionsTrung Quốc, đế chế của những ảo vọng (NXB Saint Simon) và Japon, l'envol vers la modernité- Nhật Bản, chắp cánh bước vào thời kỳ hiện đại, (NXB l’Aube)

******

Vì sao một « vẩy móng tay » với chưa đầy 24 triệu dân này lại có thể trở thành « nỗi ám ảnh » nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc, người nắm quyền sinh sát với 1,4 tỷ dân trên địa cầu ? Từ nhiều thập niên qua, Lực Lượng Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc -tức quân đội nước này, đã có những bước chuẩn bị để thâu tóm Đài Loan và quá trình chuẩn bị đó đã được tăng tốc từ 2012 khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền.

Theo tác giả bài viết trên báo mạng Asialyst lý do đầu tiên khiến ông Tập quan tâm đến Đài Loan vì muốn đi vào lịch sử với thành tích « thống nhất đất nước », đem được vùng lãnh thổ này về với « đất mẹ ». Lý do thứ 2 là để chiếm đoạt công ty Đài Loan TSMC, con chim đầu đàn trong ngành công nghiệp bán dẫn của thế giới để qua đó Trung Quốc sẽ chót vót trên đỉnh cao kim tự tháp công nghệ high tech.

Bẻ khóa, tiến ra Thái Bình Dương

Tuy nhiên như vừa nói yếu tố địa chính mới là lý do quan trọng nhất trong những nước cờ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. « Đài Loan là một cánh cổng để tiếp cận với vùng biển rộng lớn nhất hành tinh, bao phủ từ sát cạnh Hoa Kỳ đến châu Mỹ Latinh, trải rộng mãi đến Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên ».

Tác giả trích dẫn đại tá Grant Newsham, một sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ nay đã trở thành một nhà ngoại giao với kinh nghiệm nhiều năm tại Nhật Bản. Theo Newsham nếu « Đài Loan rơi vào tay cộng sản Trung Quốc nhiều điều sẽ xảy ra. Không một kịch bản nào thuận lợi cho Hoa Kỳ và thế giới tự do ». Đó là chưa kể đến số phận của gần 24 triệu dân trên hòn đảo này.

Tới nay, Đài Loan là cái chốt an toàn cản đường quân đội Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương, nhưng với Đài Loan trong tay, Bắc Kinh coi như chọc thủng được « chuỗi đảo thứ nhất (gồm Nhật Bản, Ryukyu, Philippines, Malaysia, Indonesia và Úc) để dễ vươn ra Thái Bình Dương » trước khi tiến xa hơn nữa đến chuỗi đảo thứ nhì như Palau, Micronesia và quần đảo Marsall, vốn được xem là « an toàn ».

Nguy hiểm đối với Mỹ ở đây theo cựu đại tá Grant Newsham là trong kịch bản đó, Trung Quốc sẽ chiếm được « hành làng » hàng hải vốn là « tuyến hậu cần của quân đội Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương » trong lúc mọi người đã thấy rõ tham vọng của Bắc Kinh là « thiết lập các cơ sở hạ tầng cảng biển và sân bay cần thiết ở Nam Mỹ » mà hải cảng Chancay, Peru, chỉ là một thí dụ điển hình chứng minh cho điều đó.

Hiệu ứng domino và uy tín của Mỹ hoàn toàn sụp đổ

Một điểm khác nữa cựu sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ quan tâm là nếu Đài Loan rơi vào tay Đảng Cộng Sản Trung Quốc, thì chỉ « một sớm một chiều, cả châu Á ngả về phía Bắc Kinh » có lẽ Nhật Bản « sẽ là một ngoại lệ nhưng không biết sẽ được bao lâu ».

Khi đó những đồng minh của Washington ở châu Á Thái Bình Dương nhận thấy là họ đã bị bỏ rơi. Uy tín của Hoa Kỳ hoàn toàn sụp đổ. Mỹ bị đẩy ra khỏi khu vực Châu Á Thái Bình Dương, và phải thu dần về phía Hawaii và bờ tây Hoa Kỳ.

Quyền lợi của Mỹ ở Thái Bình Dương bị thu nhỏ

Một chuyên gia người Mỹ khác được tác giả bài tham luận trên báo Asialyst trích dẫn là ông David Sacks, nghiên cứu về quan hệ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc và Đài Loan, về chính sách đối ngoại của Bắc Kinh thuộc trung tâm Council on Foreign Relations -CFR), trụ sở tại New York. Sacks trong một nghiên cứu hồi 2023 ghi nhận, quyền lợi kinh tế cốt lõi của Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trật tự thế giới sẽ bị chao đảo, tương lai các nền dân chỉ sẽ bị đe dọa nếu Đài Loan bị Hoa Lục thâu tóm.

Theo David Sacks, trong trường hợp Trung Quốc chiếm được Đài Loan và đặt các cơ sở quân sự tại đây như các phương tiện giám sát lòng biển, tàu ngầm hay các hệ thống phòng không, khả năng hoạt động của quân đội Hoa Kỳ trong khu vực sẽ bị hạn chế đáng kể ». Khả năng của Mỹ để bảo vệ các đồng minh trong vùng qua đó cũng bị thu hẹp lại. Về quân sự, « sẽ khó để Hoa Kỳ duy trì một thế cân bằng ở Ấn Độ -Thái Bình Dương hay để ngăn cản Trung Quốc thống lĩnh cả khu vực này ».

… Trung Quốc rộng tay kiến tạo một trật tự thế giới mới

Bắc Kinh mà kiểm soát được eo biển Đài Loan cả hệ thống liên minh quân sự của Mỹ ở khu vực sẽ bị chao đảo, khi biết rằng, Đài Loan chỉ cách Nhật Bản có 70 hải lý và cách các bờ biển Philippines 120  dặm. Thế rồi câu hỏi kế tiếp sẽ là vậy còn ai dám tin cậy vào điểm tựa an ninh như là Hoa Kỳ. Trong kịch bản đó thì các đồng minh châu Á Thái Bình Dương của Washington chỉ có hai lựa chọn : hoặc là thích nghi với hoàn cảnh, tức là chấp nhận ảnh hưởng của Bắc Kinh, hoặc là tăng cường khả năng phòng thủ, thậm chí là tính tới giải pháp trang bị vũ khí nguyên tử. Trong cả hai kịch bản đó « bất ổn khu vực và với thế giới gia tăng », ảnh hưởng của Mỹ suy giảm.

Vẫn David Sacks ghi nhận : « tương tự như việc Nga đã xâm chiếm Ukraina nếu Bắc Kinh chiếm đoạt được Đài Loan, điều này sẽ tạo ra một tiền lệ cho các chế độ độc tài sử dụng vũ lực để tấn công cac quốc gia dân chủ, thay đổi các đường biên giới » trên bản đồ.

Tất cả cũng chỉ vì lợi ích kinh tế

Phải chăng do là tâm điểm của một khu vực Đông Á thịnh vượng và phát triển, là

một động cơ tăng trưởng của toàn cầu cho nên Đài Loan vẫn hy vọng được Mỹ che chở ?

Nhà báo Pháp, Pierre- Antoine Donnet ghi nhận : các thống kê cho thấy, « hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, châu Á đang hội đủ tất cả những yếu tố cơ bản để bảo đảm tăng trưởng bền vững từ nay cho đến tận năm 2050 và thậm chí là còn xa hơn thế nữa ». Đến giữa thế kỷ 21, thì 4 trong số 7 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu tập trung cả tại châu Á và cũng đến ngưỡng 2050, các nền kinh tế đang trỗi dậy tại châu Á là nơi đem về 58 % tăng trưởng cho toàn cầu.

Cũng chính tiềm năng kinh tế đó thúc đẩy hai siêu cường thế giới cùng lao vào cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng tại khu vực mà ở đó Đài Loan là một mắt xích chủ chốt. Cũng vì lợi ích chiến lược, kinh tế gắn liền với Đài Loan và cả Hoa Lục lẫn phương Tây, mà ông Tập Cận Bình từ khi lên cầm quyền cuối 2012 đã luôn theo đuổi mục tiêu chinh phục lại hòn đảo « bất trị » này.

Cũng nhà báo Donnet kết luận trong bối cảnh đó, một chính sách răn đe hiệu quả của Washington là điều « cần thiết hơn bao giờ hết ». Châu Á Thái Bình Dương cần tin tưởng vào nước Mỹ, bằng không coi như Hoa Kỳ « mở rộng cửa cho Trung Quốc thực hiện mọi kế hoạch » với những hệ quả chưa biết ra sao cả về quân sự, chiến lược và kinh tế  … Trong hoàn cảnh đó cảnh đó, từ ngày 20/01/2025 với ông Trump ở Nhà Trắng, châu Á lại càng bị động với một đồng minh « sáng nắng chiều mưa ».

Ý kiến bạn đọc
Chủ Nhật, 25 Tháng Năm 20254:15 SA
Khách
Mỹ đã bỏ VNCH và Afghanistan thì bỏ Taiwan cũng có thể xảy ra. Mỹ không đánh sập kinh tế của Tàu thì Tàu sẽ đánh sập vị trí độc tôn của Mỹ.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Giao Kèo
Web tham khảo