Tin Tức ngày 23 tháng 05 -2025: Xem cột YouTube, tiếng nói Trung thực, Có trách nhiệm .

Thứ Sáu, 23 Tháng Năm 20254:16 SA(Xem: 1391)
Tin Tức ngày 23 tháng 05 -2025: Xem cột YouTube, tiếng nói Trung thực, Có trách nhiệm .
trumvayco 6
**********

Seoul bác bỏ thông tin Mỹ rút một phần binh sĩ ra khỏi Hàn Quốc

Thanh Phương

Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc hôm nay, 23/05/2025, cho biết không có cuộc đàm phán nào với Washington về việc rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc, sau khi nhật báo The Wall Street Journal loan tin là Hoa Kỳ đang cân nhắc khả năng rút một phần lực lượng khỏi miền nam bán đảo Triều Tiên. 

Đăng ngày:

2 phút Thời gian đọc

Quảng cáo

Trích dẫn nguồn tin từ các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ, tờ báo này cho biết Washington đang nghiên cứu khả năng di chuyển 4.500 binh sĩ Mỹ từ Hàn Quốc đến các địa điểm khác, đặc biệt là đến đảo Guam, một lãnh thổ của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương. 

Hoa Kỳ là đồng minh quan trọng và lâu đời của Hàn Quốc, với khoảng 28.500 quân được triển khai tại đây để bảo vệ nước này trước nguy cơ tấn công của Bắc Triều Tiên, nay đã có trong tay vũ khí hạt nhân. Nhưng trước khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tuyên bố nếu ông trở lại Nhà Trắng, Seoul sẽ phải trả thêm hàng tỷ đô la mỗi năm để duy trì lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc. 

Theo hãng tin AFP, khi được hỏi về thông tin nói trên của The Wall Street Journal, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết: « Không có cuộc thảo luận nào giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ liên quan đến việc rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc ». Năm ngoái, hai nước thậm chí còn ký một thỏa thuận mới, có thời hạn 5 năm, để chia sẻ chi phí đồn trú quân đội Hoa Kỳ tại Hàn Quốc. Cụ thể, Seoul đã đồng ý tăng mức đóng góp thêm 8,3%, lên thành 1,52 nghìn tỷ won (tương đương với khoảng 980 triệu euro). 

Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc khẳng định: « Lực lượng Hoa Kỳ tại Hàn Quốc là yếu tố chủ chốt của liên minh Mỹ-Hàn, với việc duy trì một lực lượng phòng thủ chung vững chắc với quân đội của chúng tôi để ngăn chặn hành động xâm lược và khiêu khích của Bắc Triều Tiên, góp phần vào hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ để tăng cường vai trò này trong tương lai ».


*********

Tổng thống Nga thông báo thiết lập một vùng đệm ở biên giới Ukraina

Thanh Phương

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua, 22/05/2025, thông báo quyết định thiết lập « một vùng đệm an ninh » dọc theo biên giới với Ukraina và cho biết quân đội Nga hiện đang thực hiện nhiệm vụ này.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

4 phút Thời gian đọc

Quảng cáo

Theo hãng tin AFP, ông Putin đưa ra thông báo nói trên khi mở đầu cuộc họp hội đồng bộ trưởng Nga ngay sau khi trở về từ « một chuyến đi làm việc ở vùng Kursk ».

Trước đây, chủ nhân Điện Kremlin đã nhiều lần nêu lên khả năng thiết lập vùng đệm ở biên giới Ukraina và nay bắt đầu cho thực hiện dự án này. Tuy nhiên, ông Putin không cho biết chi tiết về « công trình phục hồi và tái thiết những gì đã bị phá hủy » tại ba khu vực biên giới Kursk, Belgorod và Briansk. Hiện giờ, địa điểm, diện tích của vùng đệm, cũng như thời điểm thiết lập chưa được xác định.

Thông báo về thiết lập vùng đệm ở biên giới Ukraina được đưa ra vào lúc đàm phán giữa Kiev và Matxcơva nhằm chấm dứt chiến tranh vẫn gặp bế tắc. Điện Kremlin hôm 22/05/2025 cho biết là hai bên chưa đạt được thỏa thuận về việc tổ chức vòng đàm phán thứ hai, mà theo báo chí Mỹ, có thể sẽ được tổ chức ở Vatican. Vào đầu tuần này, tổng thống Volodymyr Zelensky đã cáo buộc Nga cố tình kéo dài thời gian đàm phán về ngừng bắn để có thể tiếp tục cuộc chiến xâm lược Ukraina. Hôm Thứ Tư 21/005/2025 phát ngôn viên Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc đó.

Trên mạng xã hội X, ngoại trưởng Ukraina Andrii Sybiha, đã bày tỏ sự phẫn nộ về quyết định của Putin thiết lập vùng đệm ở biên giới Ukraina, cho rằng quyết định này « rõ ràng đi ngược lại các nỗ lực vãn hồi hòa bình và cho thấy Putin đã và vẫn là lý do duy nhất khiến cho cuộc giết chóc tiếp diễn ».

Họp tại Canada, các bộ trưởng Tài Chính của nhóm G7 hôm 22/05/2025 tuyên bố muốn « gây áp lực tối đa » với Nga, đặc biệt là qua việc tăng cường các trừng phạt, nếu Matxcơva vẫn không chấp nhận ngừng bắn. Các bộ trưởng G7 còn quyết định rằng những nước nào « đã tài trợ hoặc cung cấp cho cỗ máy chiến tranh của Nga » đều sẽ không được tham gia vào công cuộc « tái thiết Ukraina » sau này.

Giao thông hàng không ở Matxcơva bị gián đoạn do drone Ukraina tấn công

Quân đội Ukraina, hôm qua 22/05, đã phóng hàng loạt drone nhắm vào Matxcơva, khiến giao thông hàng không ở thủ đô Nga bị gián đoạn nghiêm trọng. Bộ Quốc Phòng Nga cho biết các hệ thống phòng không đã bắn hạ và ngăn chặn tổng cộng 105 drone của Ukraina, trong đó có 35 chiếc nhắm trực tiếp vào Matxcơva.

Thị trưởng Matxcơva Sergei Sobyanin, được AFP trích dẫn, thông báo trên Telegram rằng lực lượng cứu hộ đã có mặt tại những khu vực mà mảnh vỡ drone rơi xuống. Buổi tối cùng ngày, ông cho biết thêm là 11 drone khác cũng đã bị đánh chặn khi đang bay về hướng thủ đô. Sáng nay 23/05, Nga tiếp tục đánh chặn 112 drone của Ukraina, với 24 chiếc bay về phía Matxcơva

Những cuộc tấn công bằng drone của Ukraina đã khiến cơ quan hàng không Nga Rosaviatsiya ra lệnh tạm ngưng các chuyến bay tại nhiều sân bay chính ở Matxcơva bao gồm Sheremetyevo, Vnukovo, Domodedovo và Zhukovsky.

Về phần mình, không quân Ukraina cho biết Nga đã phóng 128 drone tấn công Ukraina trong ngày 22/05 và đã bắn hạ 112 chiếc.

Từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraina cách đây hơn 3 năm, hai bên gần như sử dụng drone tấn công qua lại hàng ngày. Tuy nhiên, những vụ tấn công nhắm trực tiếp vào Matxcơva vẫn còn hiếm hoi.

« Đức và các đồng minh kiên quyết bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ NATO »

Thủ tướng Đức Friedrich Merz trong chuyến thăm Vilnius, thủ đô Litva, hôm qua, 22/05/2025, khẳng định « bảo vệ Vilnius cũng là bảo vệ Berlin ». Theo thủ tướng Đức, « bất cứ thế lực nào thách thức NATO, cần phải hiểu rằng chúng ta sẵn sàng. Bất cứ thế lực nào đe dọa một đồng minh NATO, cần hiểu rằng NATO sẽ cùng nhau bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ của Liên minh Bắc Đại Tây Dương ».

Hãng tin Reuters cho biết chuyến đi của thủ tướng Đức diễn ra trong bối cảnh các lãnh đạo NATO sẽ họp trong hai ngày 24 và 25/06, để xác định các mục tiêu mới liên quan đến việc tăng gấp bội đầu tư cho quốc phòng của châu Âu, trong bối cảnh chính quyền Mỹ muốn giảm bớt đầu tư cho việc phòng thủ châu Âu.


***********

TIN TỔNG HỢP

RFI

(AFP) – Hồi giáo cực đoan ở Pháp<strong>: Tổng thống Macron yêu cầu các biện pháp mạnh.</strong> Tổng thống Emmanuel Macron hôm qua, 21/05/2025, đã yêu cầu chính phủ đưa ra « những đề nghị mới » trước tầm mức nghiêm trọng của những sự việc được nêu trong bản báo cáo về tổ chức « Huynh Đệ Hồi Giáo và Hồi Giáo chính trị ở Pháp ». Theo báo cáo này, tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo đang tìm cách phát triển tư tưởng Hồi Giáo cực đoan từ cơ sở, nhất là trong các trường học, và đây chính là một « mối đe dọa đối với sự đoàn kết dân tộc » của nước Pháp. Hôm qua, tổng thống Macron đã triệu tập một cuộc họp Hội đồng Quốc phòng về vấn đề này.

(AFP) – Thủ tướng Đức tố cáo Nga đe dọa « an ninh châu Âu ». Tại Vilnius, thủ đô Litva, thủ tướng Friedrich Merz tuyên bố « trong bối cảnh hiện tại Nga là một mối đe dọa đối với toàn châu Âu », chính vì thế mà Berlin, gửi một lữ đoàn thiết giáp sang Litva, tăng cường khả năng phòng thủ ở sườn đông Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO.

(Le Figaro) – Ukraina : Hơn 49.000 người bị bắt giữ kể từ năm 2022 vì tìm cách vượt biên trốn đi lính. Cơ quan biên phòng Ukraina hôm 21/05/2025 ra báo cáo cho biết như trên. Theo lệnh thiết quân luật được ban bố tại Ukraina khi nổ ra chiến tranh hồi năm 2022, nam giới 18-60 tuổi không được phép rời khỏi đất nước, trừ trường hợp ngoại lệ.

(AFP) – Mỹ chính thức tiếp nhận chiếc Boeing của Qatar. Theo thông báo của Lầu Năm Góc hôm qua, 21/05/2025, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Pete Hegseth đã tiếp nhận chiếc Boeing 747, ước tính trị giá 400 triệu đôla, mà Qatar tặng tổng thống Donald Trump để sử dụng như chiếc Air Force One. Một lãnh đạo phe Dân Chủ đối lập đã chỉ trích việc tiếp nhận món quà này là một hành động « tham ô ».

(AFP) – <strong>Hạ Viện Mỹ thông qua dự luật ngân sách theo mong muốn của Trump.</strong> Dự luật được thông qua, ngày 22/05/2025, với một tỷ lệ rất sát sao, 215 phiếu thuận và 214 phiếu chống, trong đó có 2 phiếu của phe Cộng Hòa. Văn bản còn phải được biểu quyết tại Thượng Viện, nơi mà các nghị sĩ Cộng Hòa đã cho biết sẽ sửa đổi nhiều điểmvà như vậy dự luật sẽ quay trở lại Hạ Viện.

(AFP) – Tổng thống Mỹ đối chất đồng cấp Nam Phi về những cáo buộc cộng đồng người da trắng bị <em>« sát hại »</em>. Tiếp tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Nhà Trắng hôm 21/05/2025, nguyên thủ Mỹ cho chiếu một đoạn video với nội dung một số chính khách Nam Phi công khai kêu gọi « tiêu diệt người da trắng » và khẳng định một số người Nam Phi da trắng bị truy bức nên đã đến Hoa Kỳ định cư. Tổng thống Nam Phi bình tĩnh đáp trả : những phát biểu khát máu đó không phản ánh chính sách hòa giải của Pretoria mà cố lãnh tụ Nelson Mandela đã vạch ra. Lãnh đạo Nam Phi đến Washington với hy vọng mời ông Trump tham dự thượng đỉnh G20 vào tháng 11/2025.

(AFP) – Trung Quốc và Pháp nên cùng nhau giải quyết những xung khắc về thương mại và bảo vệ <em>« mô hình mậu dịch quốc tế »</em> đang bị đe dọa. Trong cuộc điện đàm trưa nay 22/05/2025, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí « tiếp tục đối thoại » giải quyết bất đồng về chính sách đánh thuế  nhắm vào rượu cognac của Pháp. Bắc Kinh kêu gọi Paris và Liên Hiệp Châu Âu có chính sách độc lập với Hoa Kỳ về thương mại, theo như thông cáo của Bắc Kinh. Cuộc điện đàm diễn ra trước khi tổng thống Macron chuẩn bị công du ba nước Đông Nam Á là Việt Nam, Singapore và Indonesia.

(AFP) – Đài Loan : Đảng của tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức khai trừ 5 thành viên bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc. Đảng Dân Tiến (DPP) hôm 21/05/2025 cho biết biện pháp này nhằm « bảo vệ kỷ luật của đảng và an ninh quốc gia » trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp và Đài Loan đang phải đối mặt với các mối đe dọa từ đảng Cộng Sản Trung Quốc. Trong số 5 người bị khai trừ có một người là trợ lý của tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc Gia Joseph Wu thời ông là ngoại trưởng Đài Loan. Một người khác từng làm việc cho ông Lại Thanh Đức Lai. Theo Cục An ninh Quốc gia Đài Loan, năm 2024 có 64 người bị buộc tội gián điệp, so với 48 người vào năm 2023 và 10 người vào năm 2022.

(AFP) – Chênh lệnh di dân xuất và nhập cảnh vào Vương Quốc Anh trong năm 2024 giảm gần 50%. Đây là số liệu do Văn phòng Thống kê Quốc gia của Anh công bố hôm nay 22/05/2025. Lý do chủ yếu là các chính sách hạn chế, theo đó sinh viên nước ngoài không được đến Anh cùng với các thành viên trong gia đình. Lượng nhập cư ròng - sự chênh lệch giữa số người đến Anh và số người rời khỏi Anh - ước tính là 431.000 người vào năm 2024, so với 860.000 người của 2023. Đây là mức giảm theo năm lớn nhất từng được ghi nhận.

(AFP) – Diện tích rừng nguyên sinh nhiệt đới bị lửa thiêu rụi trong năm 2024 lên cao nhất tính từ năm 2002. Tổng cộng, 6,7 triệu ha rừng nguyên sinh nhiệt đới đã biến mất, tương đương diện tích của Panama. Tính trung bình, cứ mỗi phút có một diện tích rừng rộng bằng 18 sân bóng bị thiêu rụi, con số này đã tăng 80% so với năm 2023, theo số liệu Đài quan sát rừng Global Forest Watch (Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) của Mỹ hợp tác với đại học Maryland) công bố hôm 21/05/2025. Nguyên nhân chủ yếu là hỏa hoạn do biến đổi khí hậu và tình trạng cháy rừng bùng mạnh trở lại ở Brazil. Đây là lần đầu tiên hỏa hoạn tàn phá rừng vượt qua mức của các hoạt động nông nghiệp.


***************

Tin tức thế giới 23-5: Harvard bị chặn tuyển sinh quốc tế; Nga bác tin đàm phán hòa bình tại Vatican

HÀ ĐÀO

Harvard - Ảnh 1.

Mối căng thẳng giữa Harvard và chính quyền Washington đang ngày một leo thang kể từ đầu năm đến nay - Ảnh: AFP

Chính quyền ông Trump chặn quyền tuyển sinh quốc tế của Harvard

Chính quyền Tổng thống Trump vừa thu hồi quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế của Đại học Harvard, buộc hàng ngàn sinh viên nước ngoài phải chuyển trường hoặc đối mặt với nguy cơ mất tình trạng pháp lý tại Mỹ, Hãng thông tấn Reuters ngày 23-5 đưa tin. 

Theo đó, Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem cáo buộc Harvard đã "kích động bạo lực, bài Do Thái và hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc", cảnh báo sẽ mở rộng biện pháp này sang các trường khác. 

Động thái cứng rắn này đã vấp phải phản ứng dữ dội từ Harvard khi trường gọi đây là hành động trả đũa bất hợp pháp, đe dọa nghiêm trọng sứ mệnh học thuật cũng như cộng đồng sinh viên quốc tế.

Trong năm học 2024-2025, Harvard có gần 6.800 sinh viên quốc tế, chiếm 27% tổng số sinh viên, trong đó sinh viên Trung Quốc chiếm số lượng lớn nhất (1.016).

Quyết định trên đánh dấu sự leo thang mới trong căng thẳng giữa ông Trump và ngôi trường danh tiếng hàng đầu thế giới, sau khi Harvard từ chối cung cấp thông tin liên quan đến sinh viên nước ngoài theo yêu cầu của chính phủ.

Trước đó, chính quyền ông Trump đã đóng băng 3 tỉ USD viện trợ và cắt khoản tài trợ 60 triệu USD cho Harvard vì cáo buộc không xử lý nạn bài Do Thái trong trường học. 

Triều Tiên điều tra tai nạn trong lễ hạ thủy khu trục hạm mới

Hãng thông tấn KCNA ngày 23-5 đưa tin Triều Tiên đang tiến hành cuộc điều tra quy mô lớn sau sự cố xảy ra trong lễ hạ thủy khu trục hạm 5.000 tấn tại xưởng đóng tàu Chongjin hôm 22-5. Giám đốc xưởng Chongjin, ông Hong Kil Ho, đã bị triệu tập để điều tra.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mất cân bằng khi hạ thủy, khiến phần đáy tàu bị biến dạng.

Dù không có lỗ thủng nào, báo cáo cho biết mạn phải tàu bị trầy xước và nước biển tràn vào đuôi tàu qua kênh cứu hộ. KCNA nhấn mạnh mức độ thiệt hại "không nghiêm trọng", nhưng nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã chỉ trích đây là "hành vi phạm tội không thể dung thứ". Ông Kim khi đó trực tiếp có mặt chứng kiến lễ hạ thủy.

Theo các nhà phân tích, hình ảnh tàu bị nghiêng trên mặt nước đã gây bẽ mặt cho ban lãnh đạo trong sự kiện có đông người tham dự.

Harvard - Ảnh 2.

Toàn cảnh chiến hạm mới của Triều Tiên tại cảng trước lễ hạ thủy ở Chongjin - Ảnh: AFP

Nga bác bỏ tin sắp đàm phán hòa bình với Ukraine tại Vatican

Điện Kremlin ngày 22-5 khẳng định chưa có thỏa thuận nào về vòng đàm phán hòa bình mới với Ukraine, bác bỏ thông tin từ báo Wall Street Journal rằng hai bên sẽ gặp nhau tại Vatican vào giữa tháng 6. 

"Chưa có bất kỳ thỏa thuận nào về vấn đề này", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với báo giới.

Ngoài ra, ông Peskov cũng phủ nhận tuyên bố của Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb về khả năng diễn ra "các cuộc đàm phán kỹ thuật" tại Vatican ngay trong tuần tới.

Hôm 20-5, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã xác nhận rằng Vatican sẵn sàng đăng cai tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình liên quan đến Ukraine.

Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak, cũng cho biết Thụy Sĩ "xác nhận sẵn sàng đăng cai các cuộc gặp trong tương lai nhằm tìm giải pháp hòa bình" giữa Nga và Ukraine.

Bắt nghi phạm sát hại 2 nhân viên đại sứ quán Israel tại Washington

Một người đàn ông 31 tuổi gốc Chicago đã bị bắt giữ sau vụ xả súng khiến hai nhân viên đại sứ quán Israel thiệt mạng ở thủ đô Washington vào tối 21-5 (giờ địa phương), gần Bảo tàng Do Thái Capital, theo Hãng tin Reuters.

Nghi phạm Elias Rodriguez hiện đối mặt với nhiều cáo buộc liên bang, bao gồm hai tội giết người cấp độ một và sát hại quan chức nước ngoài.

Theo cơ quan điều tra, vụ việc xảy ra khi nhóm nạn nhân vừa rời một sự kiện do Ủy ban Do Thái Mỹ tổ chức. Hai người thiệt mạng là Yaron Lischinsky (30 tuổi) và Sarah Lynn Milgrim (26 tuổi), một cặp đôi sắp đính hôn.

Nghi phạm đã hô vang "Tự do cho Palestine" sau khi bị khống chế và đã chỉ ra nơi giấu khẩu súng. Tại hiện trường, Rodriguez nói với cảnh sát rằng mình đã nổ súng vì Gaza và người dân Palestine.

Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang điều tra bản tuyên ngôn mang tư tưởng cực đoan được Rodriguez đăng tải trước khi xảy ra vụ tấn công.

Tổng thống Trump lên án vụ việc là hành vi bài Do Thái nghiêm trọng, trong khi nhiều cơ quan ngoại giao Israel đã siết chặt an ninh ngay sau vụ nổ súng.

Tin tức thế giới 23-5: Harvard bị chặn tuyển sinh quốc tế; Nga bác tin đàm phán hòa bình tại Vatican - Ảnh 5.

Cặp đôi xấu số đã bị bắn ngay khi vừa rời khỏi một sự kiện tại Bảo tàng Do Thái Capital - Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN ISRAEL

G7 cảnh báo áp thêm trừng phạt nếu Nga không ngừng bắn

Theo Hãng tin AFP, các Bộ trưởng Tài chính nhóm G7 ngày 22-5 đã đồng thuận sẽ "tăng tối đa sức ép" lên Nga, bao gồm khả năng áp thêm các lệnh trừng phạt nếu Matxcơva không hợp tác với các nỗ lực nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ở Ukraine. 

Trong tuyên bố chung sau cuộc họp tại Canada, nhóm 7 nước có nền công nghiệp tiên tiến gồm Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Ý cho biết sẽ tiếp tục xem xét mọi lựa chọn nhằm gia tăng áp lực nếu Nga từ chối thỏa thuận ngừng bắn.

Ngoài ra, các quan chức của G7 cũng lên án "cuộc chiến tàn bạo" của Nga, nhấn mạnh rằng bất kỳ quốc gia hoặc tổ chức nào ủng hộ Nga trong cuộc xung đột này sẽ không được tham gia vào các hợp đồng tái thiết Ukraine.

Máy bay rơi tại khu dân cư ở Mỹ, nhiều người thiệt mạng

Một chiếc máy bay nhỏ Cessna 550 đã rơi xuống khu dân cư Murphy Canyon ở San Diego, Mỹ vào rạng sáng 22-5 (giờ địa phương), khiến ít nhất một ngôi nhà bị thiêu rụi và hơn chục chiếc xe bốc cháy. 

Tai nạn xảy ra trong điều kiện sương mù dày đặc khi máy bay đang chuẩn bị hạ cánh, theo Hãng tin AFP.

Vụ tai nạn khiến ít nhất ba người trên máy bay thiệt mạng. May mắn là không có người dưới mặt đất bị thương nghiêm trọng.

Hiện nguyên nhân khiến máy bay rơi vẫn đang được điều tra. Vụ tai nạn xảy ra giữa lúc nước Mỹ đang lo ngại về hàng loạt sự cố hàng không gần đây.

Nếu ai cũng thế này…

Tin tức thế giới 23-5: Harvard bị chặn tuyển sinh quốc tế; Nga bác tin đàm phán hòa bình tại Vatican - Ảnh 5.

Một cậu bé ném túi ni lông đầy rác xuống kênh Shuvadda, nơi đã bị phủ kín bởi rác thải nhựa, tại Dhaka, Bangladesh, ngày 20-5 - Ảnh: REUTERS


**********

Mỹ cấm Đại học Harvard tuyển sinh viên quốc tế

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ rút giấy phép tuyển du học sinh của Đại học Harvard, leo thang đối đầu giữa chính phủ và cơ sở này.

"Thu hồi giấy phép Chương trình Sinh viên và Trao đổi Du học (SEVIP) của Đại học Harvard, có hiệu lực ngay lập tức", Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kristi Noem viết trong thư gửi Đại học Harvard ngày 22/5. SEVIP là cơ chế cho phép các đại học tại Mỹ tuyển du học sinh và đào tạo sinh viên nước ngoài có visa du học.

Theo bà Noem, đây là hệ quả của việc Harvard "nhiều lần từ chối cung cấp thông tin cần thiết cho Bộ An ninh Nội địa Mỹ, duy trì môi trường trường học không an toàn, thù địch với sinh viên Do Thái, khuyến khích ủng hộ Hamas và áp dụng các chính sách DEI (đa dạng, công bằng, hòa nhập) mang tính phân biệt chủng tộc".

"Như tôi đã giải thích trong thư hồi tháng 4, tuyển du học sinh là một đặc quyền. Mọi trường đại học phải tuân thủ các quy định từ Bộ An ninh Nội địa, bao gồm báo cáo theo quy định về SEVIP, để duy trì đặc quyền này", bà Noem viết.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng trước dọa sẽ cấm Harvard tuyển sinh viên quốc tế nếu cơ sở không chấp nhận các yêu cầu từ chính phủ, đặt trường dưới sự giám sát từ bên ngoài.

"Hành động của chính phủ là phi pháp. Động thái mang tính đáp trả này có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng đến cộng đồng Harvard và đất nước, làm suy yếu sứ mệnh học thuật và nghiên cứu của chúng tôi", Đại học Harvard ra tuyên bố phản hồi.

Trong năm học 2024-2025, Đại học Harvard có gần 6.800 sinh viên quốc tế, chiếm hơn 27% tổng sinh viên của trường.

Khuôn viên Trường Kinh doanh Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts ngày 15/4. Ảnh: Reuters

Khuôn viên Trường Kinh doanh Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts ngày 15/4. Ảnh: Reuters

Căng thẳng giữa Harvard và chính quyền ông Trump leo thang từ cuối tháng 3, khi Bộ Giáo dục Mỹ cảnh báo sẽ đánh giá lại khoản tài trợ 8,7 tỷ USD cho trường.

Nhóm liên ngành Chống tư tưởng bài xích Do Thái (JTFCAS) thuộc Bộ Giáo dục Mỹ tháng trước ra loạt yêu cầu với Đại học Harvard, trong đó có thay đổi chương trình giảng dạy và cách thức tuyển sinh, nhằm "loại bỏ tư tưởng bài Do Thái", sau khi sinh viên và nhân viên trường tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine, phản đối chiến sự ở Gaza hồi năm ngoái.

Chính quyền Trump cũng yêu cầu Đại học Harvard hủy bỏ các chương trình DEI, với lập luận rằng nó trao cơ hội dựa theo chủng tộc, giới tính và các yếu tố khác, thay vì năng lực thực sự.

Đại học Harvard thông báo sẵn sàng hợp tác với chính quyền, nhưng cho rằng các yêu cầu như vậy là động thái can thiệp quá mức từ chính quyền liên bang nhằm "kiểm soát cộng đồng Harvard" và "đe dọa các giá trị của trường trong vai trò tổ chức tư nhân chỉ tập trung mục tiêu theo đuổi, sáng tạo và phổ cập kiến thức".

Chính quyền Mỹ tháng trước đã đóng băng 2,2 tỷ USD tài trợ cho Đại học Harvard và có thể đang chuẩn bị cắt thêm 1 tỷ USD tài trợ nữa. Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng hủy một gói tài trợ 2,7 triệu USD cho trường.

Tổng thống Trump đầu tháng 5 nói ông có kế hoạch tước quyền miễn thuế của Harvard. Bộ Giáo dục Mỹ cho biết Harvard không đủ điều kiện nhận thêm tài trợ liên bang mới "nếu không chứng minh được khả năng quản lý có trách nhiệm".

Như Tâm (Theo Reuters, AFP)


***********

Tai nạn khi hạ thủy tàu chiến của Bắc Triều Tiên : Kim Jong Un lên án sai phạm không thể dung thứ

Thùy Dương

Một « tai nạn nghiêm trọng » đã xảy ra trong lễ hạ thủy một tàu chiến của Bắc Triều Tiên, khiến con tàu bị hư hại. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un coi đây là « một hành vi tội phạm », « tắc trách » và « không thể dung thứ ».

Đăng ngày:

2 phút Thời gian đọc

Quảng cáo

AFP trích dẫn hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA, cho biết trong lễ hạ thủy tàu khu trục mới 5.000 tấn hôm 21/05/2025 tại Chongjin, một thành phố cảng ở miền đông bắc đất nước, « một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra ». « Sự thiếu kinh nghiệm chỉ huy và sự bất cẩn trong vận hành » trong quá trình hạ thủy tàu khu trục khiến « một số chỗ ở đáy tàu chiến đã bị nghiền nát », và làm tàu « mất cân bằng ».

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã chứng kiến ​​toàn bộ sự việc và lên án « hành vi phạm tội do sự tắc trách hoàn toàn » là « không thể dung thứ ». Ông khẳng định « những sai lầm vô trách nhiệm » của các quan chức thủ phạm « sẽ được xử lý tại phiên họp toàn thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, diễn ra vào tháng tới » (06/2025).

Tên của tàu khu trục không được nêu rõ. Nhưng dựa vào kích thước của tàu, quân đội Hàn Quốc cho rằng tàu này có thể được trang bị giống như Choe Hyon, một tàu khu trục 5.000 tấn mà Bình Nhưỡng đã công bố hồi tháng 4. Khi đó, Bình Nhưỡng tuyên bố tàu Choe Hyon được trang bị « các loại vũ khí mạnh nhất » và sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu năm 2026.

Theo một số chuyên gia, tàu Choe Hyon có thể được trang bị tên lửa hạt nhân chiến thuật tầm ngắn, cho dù Bắc Triều Tiên chưa chứng minh được khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân. Quân đội Hàn Quốc tin rằng Nga đã giúp Bắc Triều Tiên phát triển tàu Choe Hyon, có thể là để đổi lấy việc Bình Nhưỡng điều hàng ngàn quân sang Nga hỗ trợ quân đội nước này trong cuộc chiến với Ukraina.

Về các vụ thử nghiệm tên lửa của Bình Nhưỡng, hôm nay 22/05, quân đội Hàn Quốc thông báo Bắc Triều Tiên đã phóng « một số tên lửa hành trình không xác định » từ tỉnh Nam Hamgyong, về phía biển Nhật Bản.


*********

Ảnh vệ tinh: Nga tăng cường hoạt động quân sự sát biên giới với Phần Lan

Thanh Hà

Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb hôm qua, 21/05/2025, tiết lộ khả năng Nga và Ukraina mở đàm phán tại Vatican « vào tuần tới », cùng lúc, những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Matxcơva gia tăng các hoạt động quân sự ở sát đường biên giới với Phần Lan. Helsinki vừa gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO. Theo giới quan sát, việc triển khai quân tại đường biên giới phía tây bắc này báo trước Matxcơva đang có những bước chuẩn bị cho giai đoạn hậu chiến tranh Ukraina.

Đăng ngày:

4 phút Thời gian đọc

Quảng cáo

Ottilia Férey, thông tín viên của RFI trong khu vực Bắc Âu, tường trình :

Lều mới, mái che bảo vệ chiến đấu cơ, những bãi đậu dành cho các loại xe quân sự mọc lên như nấm gần sát Phần Lan. Vào lúc các cuộc thương thuyết để mang lại hòa bình cho Ukraina bắt đầu được khởi động, thì Nga đi thêm những nước cờ trong ván bài với NATO. Một nhà phân tích quân sự của Phần Lan, Emil Kastehelmi, theo dõi sát tình hình này cho biết : « Chúng ta thể dự báo là Nga huy động thêm hàng chục ngàn lính đến đồn trú thường trực sát đường biên giới với Phần Lan. Chúng tôi cũng đã quan sát thấy họ đã có những chương trình tập luyện. Tình trạng tương tự như ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh ».

Không có dấu hiệu nào cho thấy là Nga đang chuẩn bị xâm lược hay cận kề một cuộc tấn công nhắm vào một thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Chuyên gia Phần Lan phân tích tiếp : « Nga muốn chứng minh sự hiện diện của mình và chứng tỏ là họ có thể can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào. Tất nhiên là Matxcơva đang nghiên cứu nhiều kịch bản. Tình hình hiện nay cho phép Nga kết luận là phương Tây không đủ đoàn kết và sợ phải chấp nhận rủi ro. Ngay cả trong trường hợp một thành viên NATO bị tấn công thì cũng không có gì bảo đảm là các thành viên khác sẵn sàng đương đầu với nước Nga trong một cuộc chiến ở quy mô lớn nếu như Matxcơva xâm chiếm một phần lãnh thổ của Litva chẳng hạn ».

Biên giới chung giữa Nga và Phần Lan trải dài trên 1.300 km, và đây là ranh giới dài nhất giữa nước Nga và khối NATO. Nói cách khác, đây là một khu vực mang tính chiến lược cao.

Liên Âu áp thuế bổ sung đối với nhập khẩu phân bón của Nga

Nghị Viện Châu Âu hôm nay, 22/05/2025, đã thông qua quyết định áp thuế bổ sung đối với hàng triệu tấn phân bón mà châu Âu nhập mỗi năm từ Nga. Các mức thuế này sẽ được áp dụng ngay từ tháng 7 và sẽ dần dần được tăng lên cho đến khi nào chặn đứng hoàn toàn nguồn cung cấp phân bón từ Nga và đồng minh Belarus.

Đối với báo cáo viên về dự thảo nghị quyết, nữ nghị sĩ người Latvia, Inese Vaidere, hơn 3 năm kể từ khi Nga xâm lăng Ukraina, đã đến lúc phải ngưng « nuôi dưỡng cỗ máy chiến tranh của Putin »« hạn chế sự phụ thuộc của nông dân châu Âu vào phân bón Nga ».

Trong năm 2024, Liên Hiệp Châu Âu đã nhập tổng cộng 6,2 triệu tấn phân bón của Nga và từ đầu năm 2025 đã nhập gần 2,5 triệu tấn, chiếm một phần tư khối lượng phân bón nhập khẩu.

Theo hãng tin AFP, trong khi các nhà sản xuất phân bón của châu Âu hoan nghênh việc áp thuế bổ sung, thì giới nông gia lo ngại giá phân bón sẽ tăng vọt. Nhưng Ủy Ban Châu Âu trấn an là đã dự trù các biện pháp để thị trường phân bón không bị ảnh hưởng. Trong trường hợp giá tăng mạnh, Ủy Ban Châu Âu có thể sẽ đình chỉ áp thuế đối với phân bón nhập từ các vùng khác.

Trong khi đó tại Hoa Kỳ, hôm qua, hơn 80 thượng nghị sĩ Mỹ đã ủng hộ một dự luật ban hành những trừng phạt mới nhắm vào Nga, do họ nhận thấy Matxcơva không hề có ý định chấm dứt cuộc chiến ở Ukraina. Các nghị sĩ này, thuộc cả hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ, muốn gia tăng áp lực với tổng thống Vladimir Putin sau khi cuộc điện đàm giữa ông với tổng thống Donald Trump hôm thứ Hai đã không đạt được một thỏa thuận ngừng bắn như hy vọng của Ukraina và các đối tác châu Âu.


***********

Máy bay lao xuống khu dân cư ở Mỹ, thiêu cháy nhiều ngôi nhà

Một phi cơ hạng nhẹ lao xuống khu dân cư ở thành phố San Diego, bang California, khiến ít nhất một người chết, thiêu rụi nhiều ngôi nhà và ôtô.

Sự việc xảy ra vào khoảng 3h45 ngày 22/5 (18h45 giờ Hà Nội) khi một phi cơ hạng nhẹ Cessna 550 xuất phát từ bang Kansas lao xuống khu dân cư Murphy Canyon, gần sân bay Montgomery-Gibbs Executive ở thành phố San Diego, bang California của Mỹ.

Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho biết phi cơ ở độ cao khoảng 150 m trong lần xuất hiện cuối cùng trên màn hình radar. Máy bay không phát tín hiệu khẩn cấp, lần cuối phi công liên lạc là khi thông báo còn cách điểm hạ cánh gần 5 km. Thời điểm này trời nhiều sương mù.

Mảnh vỡ ngổn ngang trên đường phố San Diego, bang California sau tai nạn máy bay ngày 22/5. Ảnh: AFP

Mảnh vỡ ngổn ngang đường phố San Diego, bang California, Mỹ, sau tai nạn máy bay ngày 22/5. Ảnh: AFP

"Chúng tôi ghi nhận nhiều hơn một trường hợp thiệt mạng và đang chờ xác nhận về số người có mặt trên máy bay", Dan Eddy, Phó giám đốc Sở Cứu hỏa San Diego, cho biết. Máy bay Cessna 550 có thể chở tối đa 8 người.

Ít nhất 10 ngôi nhà đã bị cháy hoặc trúng mảnh vỡ từ máy bay. Ôtô đỗ hai bên đường cũng bị ngọn lửa tàn phá. Ông Eddy xác nhận không có thương vong trên mặt đất, mô tả đây là "điều kỳ diệu".

Khu vực máy bay lao xuống chủ yếu là nhà ở của gia đình quân nhân. San Diego là nơi tập trung nhiều cơ sở hải quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên.

"Tôi đang ngủ thì ánh sáng lóe lên qua cửa sổ kèm theo tiếng nổ lớn. Tôi tưởng chỉ là sấm chớp, nhưng sau đó hàng loạt tiếng 'bộp bộp' xuất hiện. Tôi ra ngoài và thấy cả khu phố đỏ rực. Thật kinh hoàng", Jennifer Hoffman, sống gần hiện trường kể lại với ABC News.

Zane Baker, sinh viên trung học sống tại khu vực, cho biết cảnh sát đã đến gõ cửa từng nhà để sơ tán mọi người.

Giới chức Mỹ đã mở cuộc điều tra sự việc.

Như Tâm (Theo AFP, ABC News)


***********

Iran dọa đáp trả thảm khốc nếu bị Israel tấn công

Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tuyên bố sẽ "đáp trả thảm khốc và quyết liệt" nếu Tel Aviv tấn công cơ sở hạt nhân của Tehran.

"Họ cố lấy chiến tranh ra đe dọa chúng tôi, nhưng đang tính toán sai lầm, vì họ không nhận thức được nguồn sức mạnh quần chúng và quân sự mà Iran có thể huy động", Alimohammad Naini, phát ngôn viên Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), cho biết hôm nay.

Phát biểu được đưa ra sau khi hãng tin CNN của Mỹ dẫn lời các nguồn tin giấu tên nước này cho biết họ có thông tin tình báo cho rằng Israel đang chuẩn bị tấn công các cơ sở hạt nhân Iran, nhưng chưa rõ Tel Aviv đã ra quyết định cuối cùng hay chưa.

"Israel sẽ hứng chịu đòn đáp trả thảm khốc và quyết liệt nếu tấn công Iran", quan chức IRGC cảnh báo.

Giới chức Israel chưa bình luận về thông tin.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran duyệt binh ở Tehran ngày 10/1. Ảnh: Reuters

Binh sĩ IRGC duyệt binh ở Tehran ngày 10/1. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi cùng ngày gửi thư cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, tuyên bố Tehran sẽ đáp trả kiên quyết với mọi mối đe dọa hoặc hành động phi pháp từ Tel Aviv. Ông cũng cảnh báo rằng Iran sẽ coi Mỹ là một bên tham chiến nếu Israel phát động tấn công.

Theo ông Araqchi, Iran có "biện pháp đặc biệt" để bảo vệ các cơ sở và nhiên liệu hạt nhân nếu nguy cơ còn hiện hữu, sẽ thông báo cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khi triển khai.

Ngoại trưởng Iran không nêu cụ thể đây là những biện pháp gì. Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei hồi tháng 4 tuyên bố Tehran có thể dừng hợp tác với IAEA hoặc chuyển nguyên liệu hạt nhân đã làm giàu đến nơi bí mật, an toàn.

Các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, nhiều năm qua cáo buộc Iran tìm cách phát triển vũ khí nguyên tử. Tehran khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích hòa bình.

Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran hồi năm 2018, trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump. Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận này trong vòng một năm sau đó, trước khi bắt đầu giảm dần cam kết.

Sau khi trở lại Nhà Trắng hồi tháng 1, Tổng thống Donald Trump đã khôi phục chính sách "áp lực tối đa" với Iran. Ông ủng hộ nỗ lực ngoại giao với Tehran về vấn đề hạt nhân, song cảnh báo sẽ có hành động quân sự nếu không đạt được thỏa thuận.

Đàm phán Mỹ - Iran bắt đầu cách đây gần một tháng, là động thái tiếp xúc cấp cao nhất giữa hai nước kể từ khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Vòng đàm phán thứ 5 dự kiến diễn ra ngày 23/5 ở Rome, Italy.

Như Tâm (Theo Reuters, CNN)


***********

Mỹ sẽ rút đơn vị F-15E tiền phương khỏi châu Âu


Mỹ sẽ rút các phi đoàn F-15E đồn trú ở Anh về nước, dù nhu cầu sử dụng loại máy bay này ở châu Âu và Trung Đông rất cao.

Trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ hôm 20/5, tư lệnh không quân Mỹ David Allvin cho biết hai phi đoàn tiêm kích đa năng F-15E Strike Eagle đồn trú tại căn cứ Lakenheath ở Anh sẽ được rút về lãnh thổ lục địa Mỹ. Ông không nêu thời điểm tiến hành động thái trên và nơi đóng quân mới của hai đơn vị.

Hai phi đoàn F-15E đóng tại căn cứ Lakenheath là lực lượng tiền phương thường trực duy nhất của Mỹ vận hành dòng Strike Eagle, với khoảng 50 máy bay được triển khai. Các đơn vị đã tham gia nhiều hoạt động của quân đội Mỹ trên khắp châu Âu, Trung Đông và châu Phi, trong đó có tập kích tầm xa vào mục tiêu ở Syria và hỗ trợ nhiệm vụ tác chiến ở Libya.

Tiêm kích F-15E Mỹ cất cánh từ căn cứ Lakenheath tháng 6/2024. Ảnh: USAF

Tiêm kích F-15E Mỹ cất cánh từ căn cứ Lakenheath tháng 6/2024. Ảnh: USAF

Chưa rõ Washington dự định thay thế F-15E bằng chiến đấu cơ nào, song biên tập viên Thomas Newdick của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone nhận định nhiều khả năng không quân nước này sẽ điều động thêm tiêm kích tàng hình F-35A.

Hiện có hai phi đoàn F-35A Mỹ đồn trú tại căn cứ Lakenheath, chúng dự kiến đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu đầy đủ vào cuối năm nay.

Các phi đoàn F-15E đóng tại Lakenheath được trang bị động cơ và nhiều khí tài hiện đại hơn lực lượng trên lãnh thổ Mỹ. Tướng Allvin nhấn mạnh quyết định rút các phi cơ F-15E mới, có năng lực cao về đất Mỹ là phương án hợp lý để đảm bảo khả năng làm nhiệm vụ chiến đấu và huấn luyện trong tương lai.

Một lựa chọn khác của không quân Mỹ là phiên bản F-15EX mới hơn. "Kết hợp F-15EX và F-35A là phương án tối ưu để đảm bảo khả năng chiếm ưu thế trên không lẫn tấn công mặt đất, cũng như đáp ứng nhu cầu triển khai cường độ cao", Newdick nhận định.

Vị trí căn cứ Lakenheath. Đồ họa: Britannica

Vị trí căn cứ Lakenheath. Đồ họa: Britannica

Phạm Giang (Theo War Zone)


***********
***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Bảy, 21 Tháng Sáu 20254:06 SA
Thứ Sáu, 20 Tháng Sáu 20256:12 SA
Thứ Năm, 19 Tháng Sáu 20253:39 SA
Thứ Tư, 18 Tháng Sáu 20255:55 SA
Thứ Ba, 17 Tháng Sáu 20255:54 SA
Thứ Hai, 16 Tháng Sáu 20256:44 SA
Chủ Nhật, 15 Tháng Sáu 20256:21 SA
Thứ Bảy, 14 Tháng Sáu 20255:59 SA
Thứ Sáu, 13 Tháng Sáu 20256:22 SA
VIDEO HNPD
Giao Kèo
Web tham khảo