Tổng thống Donald Trump đã làm đúng theo xu thế chánh trị, khi bắt tay với tân Tổng thống Ahmed Al-Sharaa vốn là một cựu thành viên khủng bố ISIS đã ly khai tách ra thành lập một tổ chức Hồi giáo không cực đoan cách đây vài năm, vì muốn Hoa Kỳ xóa bỏ họ khỏi danh sách khủng bố.
Những người phò Trump khen nức nở công trạng của tổng thống Trump đã bỏ lịnh cấm vận làm người dân Syria ùa ra đường ăn mừng. Nhưng công trạng làm đất nước Syria hồi sinh (hy vọng) không phải một mình của tổng thống Trump mà là cả một tiến trình đóng góp của nhiều tổng thống Mỹ.
Cũng xin ghi chú thêm là cuộc đấu tranh chống lại độc tài của người dân Syria đã có từ lâu và rất phức tạp gian nan cả thế kỷ qua.
Năm 2014, tổng thống Obama ra lịnh quân đội Mỹ chiếm đóng một số địa điểm ở phía đông lãnh thổ Syria và giúp những binh sĩ Syrian (gọi là Syria Tự Do) mà đa số thuộc giáo phái Sunni – Hồi giáo, đã ly khai và chống lại nhà độc tài Bashar Al-Assad thuộc hệ phái Alawite là một phần của giáo phái Shia thân Iran (hầu hết dân Iran thuộc giáo phái Shia).
Tuy nhiên thời gian này Lực lượng Syria Tự Do mặc dù được Hoa Kỳ công khai yểm trợ nhưng hoạt động không hữu hiệu cho lắm. Ngoài ra trước đó tổng thống Obama đã phạm phải một lỗi lầm nghiêm trọng : Vì muốn giữ lời hứa rút quân khỏi Trung Đông khi tranh cử nên đã ra lịnh rút quân đội Mỹ khỏi Iraq ồ ạt, làm khủng bố ISIS hồi sinh ở Iraq và Syria, khiến hàng trăm ngàn người đã bị khủng bố IS hành quyết một cách dã man.
Sau đó quân đội Mỹ đã quay trở lại Iraq và chiếm một phần ba lãnh thổ (phía đông bắc) Syria để xây dựng các căn cứ địa, rồi từ đó tung các đơn vị Biệt Kích đi tiêu diệt các ổ khủng bố IS ở Syria và Iraq.
Đến đời tổng thống Donald Trump, cũng bị mắc căn bịnh hứa hẹn rút quân để hốt phiếu như Obama, mà không am tường về trận chiến khủng bố và cán cân quân sự với phe trục Iran – Liên Bang Nga, vốn là quan thầy của nhà độc tài Bashar Al-Assad. Nên vào năm 2018 tổng thống Trump đã ra lịnh rút toàn thể 2.000 binh sĩ Mỹ khỏi bắc Syria trong 30 ngày. Quyết định nông nổi này đã làm các nhà lập pháp bảo thủ của đảng Cộng Hòa phẫn nộ, và Bộ trưởng Quốc phòng khi ấy rất giỏi là cựu Tướng thủy quân lục chiến 4 sao James N. Mattis từ chức để phản đối.
Trump sau đó quay xe, và cho giữ lại 900 binh sĩ Mỹ ở bắc và đông bắc Syria để làm việc với kháng chiến quân Kurd được coi là đồng minh trung thành nhứt của Hoa Kỳ ở Trung Đông trong sứ mệnh tiêu diệt khủng bố IS.
Cũng ghi chú thêm là nhà cầm quyền độc tài Bashar Al-Assad, quân Nga, các cố vấn quân sự Iran ở Syria muốn xây dựng ảnh hưởng của phe Trục ở Trung Đông, và tìm cách trục xuất quân đội Mỹ khỏi Syria và Trung Đông nói chung. Họ, phe Trục, cũng chiến đấu chống khủng bố ISIS. Cho nên trong nhiều trường hợp Quân đội Mỹ và phe Trục ở Trung Đông có hợp tác gián tiếp để tiêu diệt kẻ thù chung là ISIS.
Nhưng rồi bộ máy quân sự của Liên Bang Nga ở Syria yếu đi nhiều vì Nga bị sa lầy ở Ukraine. Bộ máy quân sự của Iran cũng yếu đi vì Do Thái tấn công các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Trung Đông. Nền kinh tế của Syria cũng sa sút trầm trọng vì bị phương Tây cấm vận. Cho nên quân đội Syria của nhà độc tài Bashar Al-Assad không còn tinh thần chiến đấu nữa, vì nhiều người không được lãnh lương, tiền Syria bị mất giá và trở thành một mớ giấy lộn.
Năm ngoái các lực lượng chống nhà độc tài Bashar Al-Assad tổng nổi dậy và quân đội Syrian “chém vè” bỏ chạy mà không chống trả. Quân Nga và Iran cũng không yểm trợ tổng thống Bashar Al-Assad mà lần lượt rút quân về nước vì tình hình bất ổn. Chế độ Bashar Al-Assad sụp đổ một cách mau lẹ không ngờ.
Một trong những thủ lãnh của IS ly khai bước ra ánh sáng và cổ súy nền tự do (hy vọng) là Ahmed Al-Sharaa. Hiện nay là tổng thống của nước Syria mới.
Mới đầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang trong năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống Joe Biden vẫn dè dặt không tin tưởng lãnh tụ ly khai IS râu xồm Ahmed Al-Sharaa. Tuy nhiên chỉ vài tuần sau đó thì chính quyền Joe Biden đã có quyết định - mà xạ thủ cho là đúng - là xóa bỏ Syria khỏi danh sách quốc gia ủng hộ khủng bố.
Bi giờ tổng thống Donald Trump đang tiếp tục một tiến trình đưa Syria trở lại với cộng đồng văn minh thế giới. Tiến trình này đồng thời tách Syria khỏi phe trục Liên Bang Nga – Iran – China.
Trung Đông vẫn chưa hết bất ổn và có lẽ sẽ không bao giờ bình yên, vì văn hóa và tôn giáo của vùng đất này rất cực đoan. Tuy nhiên tình hình Syria – Iraq hiện nay được coi là tương đối lạc quan so với những năm qua. Cả Syria và Iraq có nhiều mỏ dầu lửa. Nếu có hòa bình thì nền kinh tế của hai quốc gia này sẽ hưng thịnh và sau bao nhiêu năm chiến tranh đau thương, người dân ở đó hy vọng sẽ được hạnh phúc.
BÔNG LAU 15.05.2025