Liệu sẽ có cuộc gặp giữa hai tổng thống Ukraina và Nga dẫn đến kết quả ngưng bắn hay không ? Báo chí Pháp ngày 14/05/2025 có nhiều phân tích về vấn đề này, bên cạnh chuyến đi Trung Đông của tổng thống Mỹ, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
Không gì làm tổng thống Ukraina chùn bước
Libération nhận định về « Tuần lễ quan trọng cho châu Âu ». Khi đề nghị gặp gỡ ngày mai tại Thổ Nhĩ Kỳ, Volodymyr Zelensky đã dồn Vladimir Putin vào chân tường, thêm một nỗ lực để chứng tỏ thiện chí với Hoa Kỳ và tạo sức mạnh ngoại giao.
Theo nhật báo, có thể nói tổng thống Ukraina là một con người hết sức kiên trì. Cho đến nay, Volodymyr Zelensky đương cự được với tất cả. Từ những sát thủ Nga vào những giờ phút đầu tiên của cuộc xâm lăng, bom và hỏa tiễn dội xuống Kiev từ hơn ba năm qua, những ganh đua trong nội bộ, cho đến sự lần khân của các nhà lãnh đạo châu Âu và cả cơn giận của Donald Trump tại Phòng Bầu dục được truyền hình khắp thế giới. Bị đuổi ra bằng cửa trước, Zelensky quay trở vào bằng cửa sổ, bị đè bẹp dí xuống đất, ông bật dậy như một chiếc lò xo. Chừng như không có gì làm Zelensky chùn bước, và đó chính là sức mạnh của ông.
Tổng thống Ukraina đã tiếp xúc với hai tổng thống Mỹ, nhiều thủ tướng Anh và Đức, nhưng chỉ với một tổng thống Pháp - đã trở thành bạn thân của ông. Nhà lãnh đạo của một quốc gia bị một đại cường quân sự tấn công vẫn trụ vững, với phong thái điềm tĩnh, sẵn sàng thảo luận với tất cả mọi người, nhất là với kẻ thù tồi tệ nhất, Vladimir Putin.
Zelensky : « Tôi không tin Putin sẽ đến, ông ta sợ ! »
Hôm Chủ nhật, khi tổng thống Nga nói rằng sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Ukraina, Zelensky đã làm ông chủ điện Kremlin bối rối khi hẹn gặp ngay vào thứ Năm ở Istanbul hay Ankara. Từ đó đến nay, Putin giữ im lặng.
Trả lời phỏng vấn Libération và một số báo châu Âu khác, tổng thống Ukraina thẳng thắn nói : « Tôi không tin Putin có thể đến, ông ta sợ. Nhưng dù sao tôi cũng chừa lại một khả năng nho nhỏ là Putin sẽ đến, vì đó là một nhà lãnh đạo, tôi cho là ông ấy cũng có can đảm ». Câu này có thể làm Putin tức giận. Khó có khả năng tuần lễ này đánh dấu hồi kết cho cuộc chiến tranh ở Ukraina, nhưng nếu Zelensky có được sự ủng hộ của châu Âu và Donald Trump, dồn Putin vào thế bí, thì đó cũng đã là một bước ngoặt.
Ông Volodymyr Zelensky cho biết thêm, đồng nhiệm Erdogan sẵn sàng đi cùng để gặp Putin dù ở Ankara hay Istanbul. Và nếu Donald Trump đến Thổ Nhĩ Kỳ, việc này sẽ kích thích Putin. Nếu tổng thống Nga không đến, đó sẽ là một thất bại hoàn toàn cho ông ta. Về tình hình hiện tại, Ukraina trụ vững so với thời kỳ chờ đợi từng viên đạn pháo trước kia. Hiện nay trên chiến trường Kiev chủ yếu sử dụng drone tự sản xuất.
Donald Trump làm được gì cho hòa bình Ukraina ?
Libération cũng đặt câu hỏi : « Donald Trump đóng vai trò gì trong cuộc chiến ở Ukraina ? » Nhật báo cho rằng tổng thống Mỹ khó che giấu được sự thất bại của việc làm trung gian hòa giải nhưng đầy tính nghiệp dư, và thiên vị Matxcơva rõ rệt. Một nhà cựu ngoại giao nhận xét, Donald Trump vừa không nhận ra được ý đồ của Nga là đô hộ hoàn toàn Ukraina, vừa đánh giá thấp quyết tâm độc lập của người Ukraina.
Trump nhất định đòi kết thúc chiến tranh nhưng chẳng ai biết động cơ thực sự của nhà hòa giải tự xưng này là gì. Vì lòng nhân đạo muốn chấm dứt cảnh « tắm máu » như ông nói, hay vì sự ngưỡng mộ Vladimir Putin, thậm chí một sự đồng lõa từ thời Liên Xô như trong hồ sơ tình báo ? Hoặc tìm kiếm giải Nobel hòa bình, để có được ánh hào quang như bốn người tiền nhiệm Theodore Roosevelt, Woodrow Wilson, Jimmy Carter và nhất là đối thủ mà ông luôn căm ghét là Barack Obama ? Hay thực tế hơn, là tài chánh?
Nhà địa chính trị học Frédéric Encel nhấn mạnh : « Chiếc la bàn duy nhất của Trump là chủ nghĩa trọng thương : ông ta muốn làm ăn với Nga ». Dù động cơ của nhà tỉ phú là gì đi nữa, có điều chắc chắn là lời hứa chấm dứt « trong 24 giờ » một cuộc chiến tranh kiểu cũ đã làm hơn một triệu người thương vong, đã vấp phải bức tường thực tế. Trong hơn 100 ngày đầu nhiệm kỳ, Trump chẳng đạt được ngưng bắn bền vững hay một thỏa thuận khả tín nào. Hai nhà phân tích Phil Gordon và Rebecca Lisner cho rằng thất bại từ cách tiếp cận của Donald Trump đã được báo trước.
Không đến dự cuộc họp do chính mình đề nghị, Putin sẽ bất lợi
Cũng theo Libération, khi nói theo luận điệu của Nga và đe dọa ngưng viện trợ cho Kiev, Trump nghĩ rằng có thể ép buộc được Ukraina trao cho Nga tất cả. Nhưng ông không ngờ Putin ngông cuồng như vậy, và không ý thức được lòng tự hào dân tộc của Ukraina.
Vừa quay lại Nhà Trắng, Trump đã có những nhượng bộ lớn : chấp nhận việc Nga sở hữu Crimée và các vùng lãnh thổ chiếm đóng ; lại còn sỉ nhục tổng thống Volodymyr Zelensky. Từ vài tuần qua đã có một số thay đổi sau cuộc gặp ở Vatican, sau đó là thỏa thuận về khoáng sản, và đôi khi Donald Trump tỏ ra mất kiên nhẫn trước Kremlin. Trong đảng Cộng Hòa, cựu phó tổng thống Mike Pence tuần trước nhấn mạnh : « Vladimir Putin không muốn hòa bình, ông ta chỉ muốn chiếm Ukraina ».
Chuyên gia François Heisbourg của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược nhận xét : « Nếu Putin không đến dự một cuộc gặp do chính ông ta đề nghị, với hy vọng Zelensky từ chối vì không có ngưng bắn trước đó, Putin chứng tỏ trên thực tế ông ta sợ hãi vì không hề muốn ngưng chiến. Sự vắng mặt của ông ta có tác động tai hại dưới mắt người châu Âu, người Mỹ và có thể với cả dân Nga ». Châu Âu đã cảnh báo là nếu không có tiến triển cụ thể trong tuần này sẽ gia tăng trừng phạt Matxcơva.
Chính sách « bỏ ghế trống » của chủ nhân điện Kremlin liệu có thúc đẩy ông Trump hành động tương tự như châu Âu ? Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Lindsey Graham, đồng minh trung thành của Donald Trump, đã trình một dự luật lưỡng đảng nhằm trừng phạt nặng nề Nga. Bên cạnh đó, tổng thống Mỹ còn có những đòn bẩy khác : chuyển giao những vũ khí đã được Quốc hội thông qua, hay tăng cường phòng không cho Ukraina. Nhưng liệu ông có muốn dùng đến hay không ?
Tổng thống Pháp tạo uy tín quốc tế qua hồ sơ Ukraina
Về phía Pháp, Le Figaro cho rằng tổng thống Emmanuel Macron khẳng định được vị trí ở châu Âu nhờ vào hồ sơ Ukraina. Từ khi Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ hai, ông Macron được coi như lãnh đạo châu lục trong vấn đề này.
Tổng thống Pháp đã đề nghị gởi quân sang Ukraina để gìn giữ hòa bình một khi có ngưng bắn. Ông đã dành mọi nỗ lực, cùng với thủ tướng Anh Keir Starmer lập ra « liên minh tình nguyện » để giúp Ukraina, thúc đẩy các đồng nhiệm cùng đi thăm Kiev để đưa ra tối hậu thư cho Vladimir Putin. Chỉ trong vài tuần lễ, châu Âu đã quay lại với bàn đàm phán dù trước đây bị Donald Trump loại ra vì chỉ muốn thảo luận tay đôi với Vladimir Putin. Giờ đây Emmanuel Macron nói sẵn sàng nói chuyện trở lại với Putin, có sự phối hợp với Zelensky và các đồng minh châu Âu. Nhất là cùng với EU áp đặt trừng phạt mới nếu Nga từ chối ngưng bắn.
Tuy gặp khó khăn chính trị trong nước, tổng thống Pháp biết nắm bắt cơ hội trên trường quốc tế. Pháp ít bị ảnh hưởng bởi chính sách của Donald Trump so với các nước châu Âu khác vì từ lâu vẫn chủ trương độc lập. Ngày nay đa số nước, kể cả Đức, đều nhìn nhận sự sáng suốt của Emmanuel Macron, ngay từ 2017 đã không ngừng kêu gọi hình thành một chiến lược châu Âu, trước khả năng Hoa Kỳ rút chân khỏi châu lục.
Những lợi thế của Macron
Bên cạnh đó, Macron giữ quan hệ tốt với Trump, nói chuyện với chủ nhân Nhà Trắng ít nhất hai ngày một lần. Ông cũng thân thiết với Zelensky, trở thành đồng minh chủ chốt của Kiev ở châu Âu. Nhờ đó Macron đã vận động được hai bên đối thoại trở lại sau vụ đấu khẩu ở Phòng Bầu dục. Việc Donald Trump gặp khó trước sự ngoan cố của Putin và quyết tâm của Zelensky cũng tạo điều kiện cho một vai trò mới của châu Âu.
Emmanuel Macron còn có được thuận lợi nhờ sự xuất hiện của những khuôn mặt lãnh đạo mới. Friedrich Merz trở thành thủ tướng, khởi động trở lại cặp Pháp-Đức. Ở Luân Đôn, Keir Starmer giúp Anh lại đóng vai trò quan trọng ở châu Âu. Thủ tướng Donald Tusk cầm quyền tại Ba Lan đã tăng cường quan hệ song phương từ 2023. Cả bốn nhà lãnh đạo châu Âu đã cùng giúp Donald Trump cứng giọng hơn trước Putin, ủng hộ tối hậu thư.
Lợi thế cuối cùng của Emmanuel Macron là năng lực răn đe nguyên tử của Pháp, nay đang được Đức và Ba Lan rất chú ý. Hôm qua Macron tái khẳng định « mở ra thảo luận » với điều kiện không phải Pháp tài trợ, và quyết định tối hậu thuộc về người chỉ huy tối cao của quân đội, tức tổng thống. Tuy vậy Le Figaro cho rằng cần phải biến lời nói thành hành động. Bên cạnh nỗ lực thuyết phục Trump sát cánh với Zelensky, răn đe Nga trong khi chờ đợi quân đội Ukraina và châu Âu được tăng cường, họ phải chịu đựng sự khó lường của tổng thống Mỹ.
Vừa chiến đấu vừa sản xuất, kinh tế Ukraina vẫn tăng trưởng
Trong cuộc chiến tranh vệ quốc, không chỉ về quân sự, Ukraina còn chứng tỏ sức kháng cự trên lãnh vực kinh tế. Sau khi bị mất đến 30 % GDP vì cuộc xâm lăng, kinh tế nước này dần hồi phục, năm ngoái tăng trưởng 2,9 % và dự báo năm nay là 3,3 %.
Le Figaro cho rằng đó là một con số rất đáng kể trong bối cảnh thường xuyên bị cúp điện, các cơ sở năng lượng bị oanh tạc, thu hoạch nông sản giảm đi, thiếu hụt lao động. Gần một phần ba trong số 11 triệu dân số hoạt động không còn làm việc vì phải nhập ngũ, tử vong hay di tản. Các tỉnh miền đông vốn chiếm 1/4 sản lượng công nghiệp bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Kỹ nghệ nặng (luyện kim, hóa chất…) hầu như bị tiêu hủy. Dù vậy bộ máy sản xuất vẫn thích ứng được.
Các công ty dịch chuyển sang những vùng tương đối an toàn hơn như miền Tây, phục vụ nhu cầu tái thiết và quốc phòng. Hàng ngàn công ty vừa và nhỏ trang bị máy phát điện nhờ tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Lãnh vực nông nghiệp bị sụt giảm 30 % nhưng vẫn chiếm đến 8,5 % GDP. Cơ sở hạ tầng cho hậu cần bị hủy diệt, nông sản chuyển hướng sang thị trường nội địa, vừa hạn chế thiệt hại vừa ngăn được thực phẩm tăng giá. Không còn đường ra biển, các nhà xuất khẩu dùng đường bộ qua ngả Rumani và Ba Lan, xe lửa và xe tải thay cho tàu hàng. Ngày nay Ukraina giữ an toàn được con đường Hắc Hải, luồng hàng xuất đi hầu như bình thường.
Kinh tế buộc lòng phải cơ cấu lại : tăng sản xuất quốc phòng, làm việc từ xa, và đành chấp nhận giá trị tăng thêm thấp vì chiến tranh phá hủy những kỹ nghệ tân tiến nhất. Bù lại, Ukraina được Liên Hiệp Châu Âu hỗ trợ tài chánh và cơ chế quốc tế giúp tránh thâm hụt ngân sách quá nặng nề trong năm 2025. Chính quyền Ukraina được số hóa rộng rãi từ 2019, dựa vào các công cụ giúp theo sát chi tiêu công và các dự án ưu tiên.
Thuế quan : Trung Quốc đắc chí về thắng lợi trước Donald Trump
Cũng trên lãnh vực kinh tế, các báo đều nói về chuyến đi Trung Đông của tổng thống Mỹ, các hợp đồng thương mại lên đến 600 tỉ đô la với Ả Rập Xê Út. Về thỏa thuận thương mại mới đây với Trung Quốc, Les Echos cho biết Bắc Kinh đề cao chiến lược cứng rắn với Hoa Kỳ, trong khi mạng xã hội ở Hoa lục phấn khởi nhấn mạnh « đế quốc Mỹ là cọp giấy ».
Trung Quốc đã thành công trong việc làm giảm bớt thuế suất của Mỹ đang đe dọa tăng trưởng, mà không phải nhượng bộ nhiều. Các cán bộ đảng hôm qua vẫn tránh các tuyên bố đắc thắng, nhưng cư dân mạng và báo chí nhà nước ca ngợi « chiến thắng » của Bắc Kinh trước Donald Trump. Thuế quan từ 145 % còn 30 % trong 90 ngày, phía Trung Quốc giảm thuế đánh lên đa số hàng Mỹ còn 10 % nhưng không hứa mở cửa thêm thị trường, không xét lại hối suất, cũng không có đơn đặt hàng lớn nào cho Mỹ để bù đắp số thâm hụt mậu dịch khổng lồ hiện nay, vốn là những mục tiêu ông Trump đặt ra khi khởi động thương chiến.
Tuy tránh được kịch bản tệ hại nhất, các nhà kinh tế cho rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục đi xuống, hai nước sẽ tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc lẫn nhau. Một trong những bài học mà Bắc Kinh rút ra là không phụ thuộc quá nhiều vào một nước mà chính sách thương mại khi trồi khi sụt. Trung Quốc sẽ cố thúc đẩy nhu cầu nội địa và tìm kiếm các thị trường mới.