Trong khi Trump làm lung lay mối quan hệ với các đồng minh của Mỹ, xây dựng bức tường thuế quan và gây ra tình trạng hỗn loạn kinh tế toàn cầu, qua đó gây hỗn loạn thế giới. Trung Quốc đang cố gắng truyền tải một thông điệp nhất quán tới quốc tế : Chúng tôi sẽ là lực lượng bảo vệ sự ổn định toàn cầu trong thời kỳ hỗn loạn.
Nhưng bài thuyết giáo đó sẽ khó chấp nhận khi Tập Cận Bình tới Moscow để hội đàm với Putin. Putin đã vinh danh Tập Cận Bình là "khách mời danh dự" tại lễ duyệt binh vào thứ sáu đánh dấu kỷ niệm 80 năm chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã trong Thế chiến II.
Đối với Tập Cận Bình và Putin, chuyến thăm là cơ hội củng cố tính chính danh của họ, với tư cách là những nhà lãnh đạo của các quốc gia đã đánh bại phát xít Đức và đế quốc Nhật Bản. Tập Cận Bình muốn nhân ngày kỷ niệm này để so sánh chủ nghĩa phát xít và cái mà ông gọi là sự bá đạo của Mỹ.
“Chúng ta nhìn vào lịch sử, rút ra trí tuệ và sức mạnh từ những bài học sâu sắc của Chiến tranh thế giới thứ hai và chiến thắng vĩ đại của cuộc chiến chống phát xít, kiên quyết phản đối mọi hình thức bá quyền và chính trị cường quyền, cùng nhau tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại,” Tập Cận Bình viết trong một bài báo được đăng trên phương tiện truyền thông Nga hôm thứ Tư.
Nhưng sự xuất hiện của ông cùng Putin tại Quảng trường Đỏ cũng chắc chắn sẽ nhắc nhở thế giới rằng Trung Quốc đã hậu thuẫn cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Cuộc chiến đã kéo dài hơn ba năm, giết chết hàng trăm ngàn người và làm đảo lộn an ninh của châu Âu.
Để bù đắp cho nỗi đau kinh tế do cuộc chiến thương mại kéo dài và khó khăn với Hoa Kỳ gây ra, Trung Quốc đang cố gắng hàn gắn mối quan hệ với châu Âu. Nhưng trong mắt thế giới, chuyến thăm Nga của Tập Cận Bình sẽ làm suy yếu những nỗ lực của Trung Quốc.
Các quan chức Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tổ chức các cuộc đàm phán thương mại đầu tiên tại Thụy Sĩ vào cuối tuần này, nhưng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại kéo dài vẫn còn cao. Trung Quốc cần duy trì hoặc thậm chí mở rộng khả năng tiếp cận các thị trường như Châu Âu và tìm kiếm các đầu ra mới cho hàng hóa ban đầu được xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Nhưng chuyến đi Nga này của Tập đã mất điểm. Một châu Âu chán ghét chiến tranh đã phải đánh giá lại lòng thành tâm của Bắc Kinh.
Tập Cận Bình đã đạt được một mục tiêu quan trọng thông qua chuyến đi tới Moscow, đó là chứng minh Putin đứng ở phe mình, để cho thế giới thấy rằng chiến lược thân Nga và tập trung sức mạnh vào Trung Quốc của Trump đã thất bại. Mặc dù Trump đã có những nhượng bộ lớn và thậm chí còn nịnh nọt Putin, nhưng khẩu vị của Putin về vấn đề Ukraine lại vượt xa sức tưởng tượng của Trump, do đó tiến trình hàn gắn quan hệ Trung-Mỹ trở nên chậm chạp do đàm phán hòa bình Ukraine bị đình chỉ. Điều này mang đến cho Tập Cận Bình một cơ hội.
Vì vậy, Tập luôn nhấn mạnh rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga chặt chẽ đến mức không thể tách rời. Nhưng trên thực tế, tính toán của Putin không hoàn toàn giống với tính toán của Tập Cận Bình. Putin không ngại đưa thêm một đồng minh khác như Trump vào. Bởi vì điều này sẽ giúp ông ta gây áp lực lên Tập Cận Bình (thực tế, đây cũng là con dao hai lưỡi giống như Trung Quốc), để Moscow có thể tối đa hóa lợi ích của mình.
Không còn nghi ngờ gì nữa là Bắc Kinh và Mátxcơva đang thông đồng với nhau. Nhưng nếu các bạn nhìn kỹ, kỳ vọng của cả hai bên đều khác nhau.
Trước hết, Putin đang thiếu tiền nên phải bán dầu và khí đốt nhanh chóng để tiếp tục chiến tranh. Bởi vậy, Putin thúc giục Trung Quốc khởi động dự án khí đốt tự nhiên Power of Siberia 2 càng sớm càng tốt. Lần này, có vẻ như Tập Cận Bình đã đáp ứng được yêu cầu của Putin và đạt được một số tiến triển trong vấn đề này. Một điều khác mà Nga đang rất cần là chuyển giao công nghệ từ các ngành công nghiệp dân sự (như ô tô), nhưng cũng bao gồm một số công nghệ quân sự cao. Nhưng Tập Cận Bình thì chỉ muốn chiếm lĩnh thị trường Nga, không muốn chuyển giao công nghệ.
Cùng Putin xây dựng một trật tự mới
Tập Cận Bình còn có một kỳ vọng nhiều hơn Putin, đó là cùng với nước Nga do Putin lãnh đạo tạo ra một trật tự thế giới mới. Trật tự mới này chính là sự đa cực hóa thế giới và toàn cầu hóa kinh tế.
Trên thực tế, đa cực chỉ là một câu sáo rỗng, và thực tế là quyền lực của các quốc gia độc tài và phi dân chủ đang ngày càng mở rộng. Toàn cầu hóa kinh tế cũng là một mô hình mà ở đó Trung Quốc giành chiến thắng gấp đôi hoặc hơn, mà không phải thương mại bình đẳng. Tập Cận Bình chưa đưa ra bất kỳ tham vọng nào về việc hợp tác với EU hoặc Hoa Kỳ để tạo ra một trật tự mới. Suy cho cùng, nền dân chủ không phải là đối tác mà ông ta lựa chọn.
Vấn đề cuối cùng là vấn đề Đài Loan. Tập Cận Bình đã đăng bài viết của mình trên phương tiện truyền thông Nga vào ngày ông bay tới Moscow. Hai đoạn văn thảo luận cụ thể về vấn đề Đài Loan, cố gắng đưa ra cách giải thích một chiều về Tuyên bố Potsdam và các nghị quyết của Liên hợp quốc về Đài Loan, nhấn mạnh rằng "xu hướng lịch sử là Trung Quốc sẽ thống nhất, chắc chắn sẽ thống nhất là không thể ngăn cản". Nhưng đồng thời, tôi tin rằng bài viết cũng đang gửi một tín hiệu tới Putin, đó là "Tôi đã giúp ông trong chiến tranh Ukraine, vì vậy khi tôi có chiến tranh ở eo biển Đài Loan, cũng mong nhận được sự giúp đỡ của ông".
Đã bỏ lỡ cơ hội một cách cố ý
Tất nhiên, Tập Cận Bình nhận thức được tác động tiêu cực của chuyến thăm Moscow. Vì vậy ông ta dường như đang cố gắng thể hiện "thiện chí" của mình với châu Âu tại Moscow, và có lẽ để cho thế giới thấy rằng Trung Quốc là nước trung lập và ủng hộ hòa bình. Nhưng xét một cách khách quan, Tập Cận Bình đã đánh mất một cơ hội ngàn năm có một.
Có thể nói, Trump hiện đang lúng túng trong các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine, do địa chính trị với Trump còn mập mờ và tình yêu khó hiểu của Trump dành cho chủ nghĩa độc tài, khiến việc giải hòa cuộc chiến không tiến triển và có khả năng sẽ rút lui khỏi vai trò trung gian. Cả Nga và Ukraine đều kiệt sức vì giao tranh.
Vào thời điểm này, nếu Bắc Kinh chủ động gây áp lực một cách tế nhị lên Putin (vì rào cản chính cho lệnh ngừng bắn hiện nằm ở phía Nga), hiệu ứng chấn động mà Trung Quốc đạt được trên toàn thế giới sẽ là không thể tưởng tượng nổi. Tập sẽ gặt hái danh dự của mình như được mùa bội thu trong trường ngoại giao.
Nhưng Tập Cận Bình không làm như vậy. Tất nhiên, Bắc Kinh cũng biết rằng nếu không nói một lời nào thì thế giới, đặc biệt là người châu Âu, sẽ nghĩ rằng Trung Quốc là người giúp đỡ Nga. Do đó, Tập Cận Bình đã nói với Putin trong một buổi tiệc trà ở Moscow vào ngày 8 tháng 5 rằng Trung Quốc hy vọng đạt được một "thỏa thuận hòa bình công bằng, lâu dài và ràng buộc được tất cả các bên liên quan chấp nhận" thông qua đối thoại.
Mặc dù tuyên bố này chỉ được thoáng đưa ra, nhưng nó vẫn thu hút sự chú ý vì có vẻ như đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Trung Quốc đích thân đề xuất chấm dứt chiến tranh. Nhưng chính xác là vì Tập Cận Bình chỉ muốn biểu diễn điều này với thế giới nên ông đã không giải thích rõ một thỏa thuận hòa bình có thể sẽ như thế nào, nên điều đó không có tác dụng.
Tôi tin rằng Tập Cận Bình không có ý định gây sức ép thực sự lên Putin để ngăn chặn chiến tranh tiếp diễn. Bởi điều này có thể làm tổn thương đôi chút lòng tự trọng của Putin. Bởi vì chính Putin là người đã vi phạm sáng kiến hòa bình "không đổ thêm dầu vào lửa" của Tập Cận Bình và kéo Triều Tiên vào cuộc chiến, và hơn một nửa số đạn pháo hiện nay đến từ Triều Tiên.
Chưa kể, trong quân đội Nga còn có gần 200 lính Trung Quốc giúp Putin chiến đấu. Tập Cận Bình thậm chí còn không thể làm được điều cơ bản nhất với tư cách là một nhà lãnh đạo quốc gia: Thuyết phục Putin rút những người Trung Quốc trẻ tuổi khỏi tiền tuyến và đưa họ trở về quê hương. Ngược lại, bằng cách liều mạng bay tới Moscow, Tập Cận Bình đã củng cố sự ủng hộ hoàn toàn của mình đối với cuộc chiến xâm lược của Nga.
Tóm lại, đối với Tập Cận Bình, tình hình lý tưởng cho quan hệ Trung-Nga là khiến Nga đủ mạnh để chống lại phương Tây, nhưng đủ yếu để vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng nếu Tập Cận Bình muốn duy trì sự cân bằng mong manh này để đảm bảo rằng Bắc Kinh có thể có được điều tốt nhất từ cả hai phía (tức là hưởng lợi từ Nga trong khi bán phá giá sản phẩm của mình sang các nước phương Tây), thì điều này đang ngày càng trở nên khó khăn.
PHÓ ĐỨC AN 11.05.2025