Sự tuột dốc của một tờ báo lớn mà nhỏ

Thứ Tư, 25 Tháng Tư 20182:30 SA(Xem: 5743)
Sự tuột dốc của một tờ báo lớn mà nhỏ
Vụ bê bối xâm hại tình dục đang làm báo Tuổi Trẻ tuột dốc thê thảm, trở thành xấu xa trong mắt rất nhiều bạn đọc, trong đó có tôi, người từng xem TT như một tờ báo nhà nước mà “chơi được”, và tôi cũng có nhiều bạn bè ở đó.

31123812_1121477547993294_2937505709157253120_n
Những hành vi được coi là quấy rối tình dục.
Nguyên nhân rất rõ ràng là do chính báo TT “làm nên” điều này chớ không ai khác, nhưng nguyên nhân sâu xa, mang tính khách quan lại không do chính những người tâm huyết với TT, mà do chính “cơ chế” rất éo le của nó, khi TT mang một nội tại đầy mâu thuẫn: Xếp theo “thứ bậc” tại VN, Tuổi Trẻ là báo loại ba: nghĩa là vừa là báo ngành (của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) vừa của địa phương (TP.HCM), đó là cấp thấp nhất trong hệ thống báo chí, nhưng TT lại được đánh giá là tờ báo hàng đầu VN trong thời “vàng son” 1990-2005 và cho cả đến gần đây.
Được bạn đọc yêu mến và phát triển mạnh mẽ là do TT từng có những cây bút tài năng và tâm huyết. Không ai có thể quên bà Kim Hạnh, ông Lê Văn Nuôi, Hàng Chức Nguyên, Trần Trọng Thức, Huy Đức, Tâm Chánh… và nhiều tên tuổi khác.
Không ai có thể quên những phóng sự, bài viết dũng cảm như vụ chỉ ra sự thật 16 tấn vàng của VNCH, các vụ án Năm Cam, PMU 18, vụ công ty dược phẩm Zuellig Pharma lũng đoạn thị trường thuốc tây…
Chính mâu thuẫn nội tại và vị thế chính trị nhỏ bé của TT đã khiến cho hàng loạt Tổng biên tập mất chức, nhiều phóng viên bị truy tố. Và sau khi ông Lê Hoàng bị cách chức, TT bắt đầu vào thời kỳ suy thoái, khi các cá nhân không có nghiệp vụ báo chí, không có tâm huyết với nghề, không có chút dũng cảm trong nghề… từ bên thành đoàn được chuyển qua làm lãnh đạo.
Từ đó, cái xấu được dung dưỡng và những bài viết “máu lửa” bị gạt qua. Cái xấu được bảo bọc thì nó lớn mạnh, lớn mạnh thì nó cũng có ngày vỡ tung ra trước bàn dân thiên hạ, nhất là trong thời buổi của thông tin mạng.
Tôi đã từng yêu quý tờ báo này, các truyện ngắn của tôi từng in trên trang TTCN, một trang rất được đón nhận thời kỳ 1989- 1994, và tôi thực sự thấy buồn, thấy rất tiếc.
Nguyễn Đình Bổn
(FB Nguyễn Đình Bổn)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn