Người Việt ở Mỹ: Bà Barbara Bush là tấm gương ‘phúc đức tại mẫu’

Thứ Sáu, 20 Tháng Tư 201811:01 CH(Xem: 5422)
Người Việt ở Mỹ: Bà Barbara Bush là tấm gương ‘phúc đức tại mẫu’

Nhiều người Việt ở Mỹ bày tỏ sự ngưỡng mộ và tiếc nuối trước sự ra đi của cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Barbara Bush hôm 17/4, người phụ nữ đã thực hiện xuất sắc vai trò “hậu phương” cho cả hai vị tổng thống đã có nhiều hỗ trợ cho cộng đồng người Việt.

Từ thành phố Houston, nơi bà Barbara Bush và chồng sinh sống sau khi về hưu, Giám đốc Đài phát thanh Saigon Houston, ông Dương Phục, nói tin cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ qua đời khiến ông cảm thấy tiếc nuối “như vừa mất đi một người rất quý, mặc dù chẳng có liên hệ họ hàng gì”.

“Là vợ một cựu tổng thống, rồi mẹ của một cựu tổng thống khác, rồi lại có một người con khác ra tranh cử tổng thống… Tất cả những hình ảnh đấy cho thấy một người vợ, người mẹ rất đáng trân quý”, cựu phóng viên chiến trường Sài Gòn trước đây nói.

Cô Barbara Pierce-đệ nhất tương lai Barbara Bush. Ảnh chụp năm 1943.
Cô Barbara Pierce-đệ nhất tương lai Barbara Bush. Ảnh chụp năm 1943.

Trong khi đó, ông Đinh Hùng Cường, Chủ tịch cộng đồng người Việt ở khu vực thủ đô Washington, tôn vinh bà Barbara Bush là một tấm gương phụ nữ “hiền đức” khi bà vừa đảm nhận xuất sắc vai trò làm vợ của người đứng đầu nước Mỹ, vừa dạy dỗ, đào tạo con cái trở thành những người lãnh đạo đất nước.

“Gia đình Bush là một gia đình được kính trọng ở nước Mỹ, có hai đời cha, con làm tổng thống. ‘Cha truyền con nối’ ở đất nước dân chủ này là một chuyện hy hữu. Nếu ông Jeb Bush mà làm tổng thống nữa thì là 3 đời tổng thống, đó là phúc đức lớn lắm. Người ta nói ‘phúc đức tại mẫu’, người mẹ có tốt, sinh con cái giỏi thì mới tạo cơ hội cho con trở thành tổng thống”, ông Cường nói.

Ngoài việc nổi tiếng vì có chồng và con trai đều là tổng thống nước Mỹ, Bà Barbara Bush còn được biết đến vì đức tính giản dị. Chuyện kể khi trở thành “Đệ nhất phu nhân”, thay vì dùng limousine, bà Barbara Bush nhiều lần đòi đi xe nhỏ bình thường, thậm chí di chuyển bằng xe lửa và máy bay dân sự, nhưng ý muốn của bà đã bị các mật vụ ngăn cản, chỉ đồng ý cho bà “xuống cấp” bằng xe nhỏ hơn.

Tính giản dị này có lẽ là “truyền thống” của gia đình Bush, theo lời ông Dương Phục, khi ông tiếp xúc với Tổng thống Bush cha, “tôi rất lấy làm lạ vì ông ấy là một người danh tiếng như vậy nhưng lại rất đơn giản”.

Cựu phóng viên chiến trường trong thời chiến tranh Việt Nam đã từng có dịp đến tư dinh của gia đình Tổng thống Bush cha ở Houston để nhận giải thưởng, sau khi Đài của ông kêu gọi cộng đồng quyên góp được hơn nửa triệu đôla để đóng góp cho việc khắc phục hậu quả sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ.

Ông Dương Phục cho biết cộng đồng người Việt rất quý gia đình Bush và ngược lại, cả hai tổng thống Bush đều dành nhiều thiện cảm cho cộng đồng người Việt. Ông nói:

“Khi ông Bush cha làm tổng thống, ông ấy đã giúp đỡ người tị nạn Việt Nam rất nhiều. Đến thời Tổng thống Bush con, lần đi dự hội nghị APEC, ông ấy cũng nói về tù nhân chính trị khi ở tại Việt Nam, đây cũng là một áp lực lớn đối với Cộng sản Việt Nam. Còn với sự thành công của cộng đồng Việt Nam ở tại Hoa Kỳ thì cả hai ông, Tổng thống Bush cha và Bush con, đều có cảm tình ngưỡng mộ và nhắc đến nhiều lần trong các bài diễn văn”.

Ảnh gia đình Bush năm 1964. Tổng thống George H.W. Bush ngồi trên ghế với vợ, bà Barbara, và các con. Tổng thống George W. Bush ở bên phải ngay đằng sau mẹ. Đứng đằng sau ghế là Neil and Jeb Bush.
Ảnh gia đình Bush năm 1964. Tổng thống George H.W. Bush ngồi trên ghế với vợ, bà Barbara, và các con. Tổng thống George W. Bush ở bên phải ngay đằng sau mẹ. Đứng đằng sau ghế là Neil and Jeb Bush.

Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ là một người rất để tâm đến giáo dục và gia đình, đặc biệt là với các gia đình thiểu số. Bà đã dành nhiều tâm huyết cho việc xóa mù chữ ở nước Mỹ qua việc hỗ trợ cho các chương trình phụ huynh và trẻ em cùng học.

Vào những năm đầu thập niên 1980, sau khi biết trong cộng đồng người Mỹ gốc Tây Ban Nha có đến 35 triệu người trưởng thành không biết đọc ở trình độ trên lớp 8, 23 triệu người không biết đọc trên trình độ lớp 4, đệ nhất phu nhân Mỹ đã xuất hiện trên show truyền hình nổi tiếng của Oprah Winfrey để nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đọc truyện cho trẻ em.

Mặc dù rất “ghét” phá thai, nhưng bà Bush lại là người muốn xếp chủ đề “phá thai” và “đồng giới” thành “vấn đề cá nhân” khi tham gia cùng chồng tranh cử chức tổng thống năm 1992. Lý do đơn giản, theo lời bà, là “tôi không thể đưa ra lựa chọn cho bất cứ ai”.

Trong chuyến đi 4 ngày cùng chồng sang Việt Nam vào tháng 9/1995, bà Barbara Bush nói đây là một sự kiện “không thể tin được” vì bà “không bao giờ nghĩ mình có thể đặt chân lên vùng đất đã từng được gọi là ‘Bắc Việt’”.

“Tổng thống Bush cha từng làm đại sứ ở Trung Quốc, rồi từ Phó Tổng thống lên Tổng thống, nên ông hiểu Cộng sản hơn bao giờ hết. Ông đã có những phương pháp ngăn chặn không để Trung Quốc bành trướng. Đến thời Tổng thống Bush con, ông ấy cũng giỏi và đã giúp đỡ cho cộng đồng Việt Nam rất nhiều. Trong những chuyến công du đến Việt Nam, ông đã nhận những cố vấn của cộng đồng Việt Nam về vấn đề nhân quyền, xin ông can thiệp để Việt Nam có tự do và dân chủ”, Chủ tịch cộng đồng Đinh Hùng Cường cho VOA biết thêm.

Trong lịch sử nước Mỹ, chỉ có hai phụ nữ vừa có chồng vừa có con làm tổng thống Mỹ, đó là bà Barbara Bush và bà Abigail Adams (chồng của Tổng thống John Adams và mẹ của Tổng thống John Quincy Adams).

Một chi tiết thú vị khác về cựu đệ nhất phu nhân Mỹ là bà từng ngăn cản con trai, cựu Thống đốc bang Florida, Jeb Bush, ra tranh cử tổng thống với lý do nên dành cơ hội cho các gia đình khác vì “chúng ta đã có đủ các ông [tổng thống] Bush rồi”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn