Cuba: Miguel Diaz-Canel, người thay thế chủ tịch Raul Castro, là ai? ( Bình cũ, rượu tuy mới nhưng...lạt nhách )

Chủ Nhật, 22 Tháng Tư 20183:30 SA(Xem: 7019)
Cuba: Miguel Diaz-Canel, người thay thế chủ tịch Raul Castro, là ai? ( Bình cũ, rượu tuy mới nhưng...lạt nhách )
mediaTổng thống El Salvador Sanchez Ceren (T) tiếp phó chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel (P) tại phủ tổng thống Salvador, ngày 22/05/2015.Flickr/Presidencia El Salvador

Từ ngày 19/04/2018, Cuba bước sang một thời kỳ mới, “sẽ không còn do gia đình Castro điều hành” là hàng tựa trên Le Monde cùng với bài tổng kết 10 năm lãnh đạo của chủ tịch kiêm tổng bí thư đảng Cộng Sản Cuba Raul Castro. “Cuba sẵn sàng chuyển đổi trong thời hậu Castro” với sự kiện chuyển giao quyền lực sau 6 thập kỷ dưới triều đại nhà Castro, là nhận định của Le Figaro.

Chủ tịch Raul Castro nghỉ hưu ở tuổi 86 nhường lại vị trí lãnh đạo cho ông Miguel Diaz-Canel, 57 tuổi, “người được Raul đỡ đầu trên chính trường” theo nhận định của Le Monde và là “một người trung thành với chế độ” theo Le Figaro. Cả hai nhật báo đều phác họa chân dung của tân lãnh đạo Cuba, một người ít cười, ít nói, kiên nhẫn leo từng bậc trong nấc thang danh vọng dưới sự bảo trợ của ông Raul Castro.

Sinh ngày 20/04/1960 tại Placetas, tỉnh Villa Clara, ông Diaz-Canel tốt nghiệp kỹ sư điện tại đại học trung ương Las Villas năm 1985 và bắt đầu sự nghiệp trong Lực lượng Vũ trang Cách mạng Cuba. Sau khi xuất ngũ, ông quay lại giảng dạy tại đại học trước khi đi công tác hai năm ở Nicaragua (1987-1989). Trở về Cuba, ông dần thăng tiến trong bộ máy lãnh đạo : trước tiên là trở thành một nhà lãnh đạo của Liên minh Thanh niên Cộng sản, tiếp theo là vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba năm 1991. Ở mọi chức vụ, ông luôn thể hiện là một lãnh đạo trẻ điềm tĩnh, hiện đại và được lòng dân. Ông di chuyển bằng xe đạp khi xăng dầu khan hiếm, mặc quần bò, tự nhận là fan của ban nhạc Anh Beatles và thành lập trung tâm văn hóa Santa Clara …

Tướng Raul Castro chú ý đến nhân vật mới nổi, và chỉ định Diaz-Canel vào vị trí bí thư thứ nhất của đảng Cộng Sản ở Holguin năm 2003 và gia nhập Bộ Chính Trị đầy quyền lực của đảng Cộng Sản Cuba. Sáu năm sau, năm 2009, vẫn dưới sự bảo trợ của Raul Castro, ông Diaz-Canel trở thành bộ trưởng bộ Đại Học, tiếp theo là phó thủ tướng phụ trách đào tạo, khoa học, văn hóa và thể thao. Đến năm 2013, ông vượt qua một cây đại thụ bảo thủ khác của thế hệ trước để trở thành phó chủ tịch Hội Đồng Nhà Nước và đạt đến đỉnh cao là trở thành người kế nhiệm chức chủ tịch Cuba.

Thách thức cải cách Cuba đối với tân chủ tịch Diaz-Canel

Le Monde trích nhận định của nhà sử học Cuba Rafael Rojas cho rằng để đạt đến đỉnh cao này, “Diaz-Canel chỉ nợ mỗi Raul Castro”. Với Le Figaro, dù không thuộc thế hệ cách mạng, nhưng ông Diaz-Canel luôn chứng tỏ lòng trung thành với chế độ và “chưa bao giờ đi chệch đường lối của Đảng”, theo nhận định của nhà báo Nora Gamez Torres làm việc tại tờ Miami Herald.

Tuy nhiên, tính chính đáng của vị tân chủ tịch có thể bị tác động vì ông Diaz-Canel sinh ra sau cuộc cách mạng. Ngoài ra, ông cũng không xuất thân từ nhà binh dù từng phục vụ trong quân đội, trong khi Lực lượng Vũ trang lại có quyền lực rất lớn về chính trị và kinh tế tại Cuba.

Tân chủ tịch Cuba sẽ phải giải quyết tình hình khá nhạy cảm. Nền kinh tế bị đình đốn, giới trẻ bỏ xứ ra nước ngoài, trong khi Venezuela, quốc gia vẫn tài trợ cho chế độ, thì bị khủng hoảng và sẽ không thể tiếp tục giúp đỡ Cuba. Để thúc đẩy nền kinh tế, La Habana đã đón tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và khen ngợi “sự phát triển kinh tế ấn tượng” của Việt Nam.

Những thách thức đang đợi tân chủ tịch Cuba là chấm dứt hệ thống hai đồng tiền peso lưu thông song song trên thị trường khiến nền kinh tế mất cân đối, tái khởi động nền kinh tế Cuba, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và công nghiệp đường bị lơ là từ nhiều năm qua… Thời gian sẽ trả lời liệu người kế nhiệm có vượt qua được cái bóng của người đã đưa ông vào guồng máy hay không.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn