Tin Tức ngày 12 - 02 -2025:

Thứ Tư, 12 Tháng Hai 20256:28 SA(Xem: 760)
Tin Tức ngày 12 - 02 -2025:

hoaluc-4
****************

TT Ukraina khẳng định sẵn sàng ‘‘đánh đổi’’ lãnh thổ với Nga để chấm dứt chiến tranh

Trong bài trả lời phỏng vấn nhật báo Anh The Guardian, đăng tải hôm qua, 11/02/2025, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tuyên bố sẵn sàng « đánh đổi » vùng lãnh thổ đã chiếm được ở tỉnh Kursk của Nga trong các đàm phán dự kiến với Matxcơva dưới sự bảo trợ của Mỹ.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tại Kiev, Ukraina, ngày 01/02/2025.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tại Kiev, Ukraina, ngày 01/02/2025. AP - Efrem Lukatsky
Quảng cáo

Tổng thống Zelensky, được AFP trích dẫn, nói : « Chúng tôi có thể đổi một vùng lãnh thổ này lấy một vùng lãnh thổ khác ». Nga đã sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina vào năm 2014, và cuối năm 2022, tuyên bố sáp nhập bốn tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporijia, cho dù Matxcơva chưa kiểm soát hoàn toàn. Trong cuộc trả lời phỏng vấn nói trên, nguyên thủ Ukraina không nói rõ là Kiev muốn đòi lại vùng lãnh thổ nào trong số các vùng mà quân Nga đã chiếm được. Ông nói « chúng tôi sẽ xem xét », « tất cả các vùng lãnh thổ này đều quan trọng ».

Theo tổng thống Ukraina, một mình châu Âu không thể bảo đảm được an ninh cho Ukraina, « các bảo đảm về an ninh mà không có nước Mỹ thì không thực sự là các bảo đảm về an ninh ».

Tổng thống Zelensky cam kết là nước Mỹ sẽ được quyền ưu tiên khai thác các tài nguyên khoáng sản chiến lược tại Ukraina. Ông nói thêm : Ukraina có nhiều mỏ lớn nhất châu Âu, và Mỹ « không nên để những mỏ như vậy rơi vào tay Nga ».

Nga tuyên bố không đàm phán về « đổi đất »

Về phát biểu của tổng thống Ukraina, sẵn sàng « đổi đất » đã chiếm được của Nga, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov trong cuộc họp báo hàng ngày hôm nay khẳng định « Nga đã không bao giờ thương lượng và sẽ không bao giờ thương lượng về việc đánh đổi các vùng lãnh thổ của mình ». Theo AFP, điện Kremlin thề sẽ « tiêu diệt » hoặc « đánh đuổi » quân Ukraina ra khỏi nước Nga.

Ukraina hiện đang kiểm soát khoảng 450 km² lãnh thổ Nga tại tỉnh Kursk, so với khoảng 112.000 km² lãnh thổ Ukraina Nga kiểm soát được kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lăng, tháng 2/2022.

« Ukraina có thể thuộc về Nga » : Matxcơva hoan nghênh phát biểu của Trump

Điện Kremlin hôm qua tỏ ra hài lòng về phát biểu hôm trước của tổng thống Mỹ trên Fox News, theo đó Ukraina « có thể thuộc về Nga một ngày nào đó hoặc không ». Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov tuyên bố « một phần đáng kể lãnh thổ Ukraina muốn thuộc về Nga và đã trở thành lãnh thổ của Nga, và đây đã là một thực tế ».

Theo phát ngôn viên điện Kremlin, « việc nhiều người, bất chấp nhiều nguy hiểm, đã xếp hàng và bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý để gia nhập Nga rõ ràng tương ứng với lời của tổng thống Trump ».

Về tình hình tại chỗ, trong đêm hôm qua rạng sáng nay, 7 tên lửa hành trình Nga bắn vào thủ đô Kiev, trong số đó 6 bị đánh chặn, theo không quân Ukraina. Trong số 123 drone Nga tấn công đêm qua, 71 chiếc bị phá hủy và 40 chiếc khác bị chệch khỏi lộ trình. Đợt tấn công của Nga khiến một người chết và bốn người bị thương. Tổng thống Zelensky lên án « Putin không sẵn sàng cho hòa bình. Ông ta tiếp tục giết hại người Ukraina, phá hủy các thành phố ».


*************

Nga tuyên bố không bao giờ đổi lãnh thổ Ukraine lấy khu vực Kursk bị chiếm giữ


Binh sĩ Ukraine tuần tra gần các tòa nhà bị hư hại trong cuộc giao tranh giữa lực lượng Ukraine và Nga tại thị trấn Sudzha do quân đội Ukraine kiểm soát, ở vùng Kursk, Nga, vào ngày 16/8/2024.
Binh sĩ Ukraine tuần tra gần các tòa nhà bị hư hại trong cuộc giao tranh giữa lực lượng Ukraine và Nga tại thị trấn Sudzha do quân đội Ukraine kiểm soát, ở vùng Kursk, Nga, vào ngày 16/8/2024.

Điện Kremlin tuyên bố hôm thứ Tư (12/2) rằng Nga sẽ không bao giờ thảo luận về việc đổi lãnh thổ Ukraine mà họ chiếm giữ lấy các khu vực ở phía tây Kursk của Nga do Kyiv chiếm giữ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói với tờ Guardian rằng ông dự tính đề nghị trao đổi lãnh thổ trực tiếp với Nga để giúp chấm dứt chiến tranh, bao gồm cả việc đề nghị trao đổi các khu vực Kursk mà Ukraine chiếm giữ.

Kyiv đã dàn dựng một cuộc tấn công chớp nhoáng qua biên giới vào tháng 8 năm ngoái và chiếm giữ một số khu vực ở Kursk, nơi quân đội Nga vẫn đang chiến đấu để đẩy lùi họ.

“Chúng tôi sẽ đổi một vùng lãnh thổ này lấy một vùng lãnh thổ khác”, ông Zelenskyy nói và thêm rằng ông không biết Ukraine sẽ yêu cầu trả lại phần lãnh thổ nào do Nga chiếm đóng.

“Tôi không biết, hãy để xem. Nhưng tất cả các vùng lãnh thổ của chúng tôi đều quan trọng, không có ưu tiên nào cả”, ông nói.

Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow kiên quyết từ chối mọi lời đề nghị trao đổi lãnh thổ.

“Điều này là không thể”, ông nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo thường nhật. “Nga chưa bao giờ thảo luận và sẽ không thảo luận về việc trao đổi lãnh thổ của mình”.

Tổng thống Vladimir Putin đã nói với dân Nga trong cuộc họp báo thường niên kéo dài của mình vào tháng 12 rằng quân đội của họ chắc chắn sẽ trục xuất lực lượng Ukraine khỏi Kursk, nhưng từ chối cho biết khi nào điều này sẽ xảy ra.

Ông Peskov nói: “Các đơn vị Ukraine sẽ bị tống xuất khỏi lãnh thổ này. Tất cả những đơn vị nào không bị tiêu diệt sẽ bị tống xuất”.

Theo bản đồ nguồn mở của chiến trường, Nga kiểm soát gần 20% Ukraine, tức là hơn 112.000 km2, trong khi Ukraine kiểm soát khoảng 450 km2 khu vực Kursk.

Vào năm 2024, lực lượng Nga đã tiến vào Ukraine với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2022, năm đầu tiên của cuộc chiến, nhưng những thành quả đạt được phải trả giá bằng những tổn thất nặng nề về người và trang thiết bị, mặc dù không được tiết lộ.


***********

Nhà báo Huy Đức chính thức bị truy tố tội ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ 


Nhà báo Huy Đức.
Nhà báo Huy Đức.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam đã hoàn tất cáo trạng truy tố nhà báo Huy Đức (tên thật là Trương Huy San) về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định tại điều 331, khoản 2 của Bộ luật Hình sự, báo chí trong nước đưa tin.

Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) hôm 12/2 đưa tin rằng cơ quan công tố này “đã chuyển hồ sơ vụ án này tới Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để nghiên cứu, đưa ra xét xử theo thẩm quyền”.

Hãng tin nhà nước này dẫn cáo trạng, nói rằng trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2024, ông Trương Huy San “đã tự thu thập thông tin, tài liệu, soạn thảo và đăng trên Facebook cá nhân "Truong Huy San (Osin Huy Duc)" nhiều bài viết, trong đó có 13 bài viết có nội dung xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Theo TTXVN, cáo trạng cho rằng các bài viết này “có số lượng tương tác, bình luận, chia sẻ lớn, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, nên cần thiết xử lý theo quy định pháp luật”.

Thông tấn xã Việt Nam cũng như báo chí trong nước không đăng cụ thể tên của 13 bài viết bị cáo buộc là “có nội dung xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, cơ quan điều tra của Bộ Công an hôm 7/6 năm ngoái ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với nhà báo Huy Đức, ít ngày sau khi người thân và bạn bè cho biết ông “mất tích” từ ngày 1/6.

Không lâu trước khi bị bắt, trên trang Facebook cá nhân của ông mà sau đó không còn truy cập được, nhà báo Huy Đức đăng tải bài viết “Những suy nghĩ không rời rạc”, trong đó ông viết rằng “việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là một bước lùi về chính trị”.

“Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất, của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có ‘đổi mới II’ trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa”, ông viết.

Trước đó, trong bài có tựa đề "Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi", nhà báo Huy Đức viết rằng “thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, không phải lực lượng công an đông mà đất nước an toàn hơn” và rằng “chưa bao giờ tội phạm phát triển phức tạp như vừa qua…”.

Sau khi ông Trương Huy San bị bắt, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho VOA tiếng Việt biết rằng phía Mỹ “thường xuyên kêu gọi Việt Nam tôn trọng và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người ở Việt Nam, phù hợp với các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của mình, đồng thời trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ oan uổng”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam thường bác bỏ các cáo buộc của các tổ chức quốc tế về việc Hà Nội vi phạm nhân quyền trong các vụ bắt giữ liên quan tới tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” và tuyên bố rằng chỉ có những người vi phạm pháp luật mới bị bắt giữ ở Việt Nam.

************

TIN TỔNG HỢP

Tin tổng hợp.
Tin tổng hợp. © RFI

(AFP) – Trump nói đã điện đàm với Tập, Bắc Kinh không xác nhận. Hôm nay, 11/02/2025, Trung Quốc đã không xác nhận tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Tập Cận Bình điện đàm kể từ khi ông Trump nhậm chức, từ ngày 20/01/2025, như tổng thống Mỹ thuật lại trong cuộc trả lời kênh truyền hình Mỹ Fox News. Bắc Kinh chỉ nhắc lại Trum và Tập đã điện đàm ba ngày trước lễ Donald Trump nhậm chức.

(AFP) – Bắc Triều Tiên cấp 200 khẩu pháo tầm xa cho Nga chống Ukraina. Theo một quan chức bộ Quốc Phòng Hàn Quốc hôm qua, 10/02/2025, Bắc Triều Tiên đã chuyển cho Mátxcơva tổng cộng « khoảng 11.000 binh lính, tên lửa, 200 khẩu pháo tầm xa và một lượng khối lớn đạn dược lớn ». Theo nguồn tin này, các viện trợ quân sự này có thể sẽ tiếp tục.

(AFP) –  Tổng thống Pháp và thủ tướng Ấn Độ siết chặt quan hệ bên thềm thượng đỉnh Trí tuệ Nhân tạo. Theo AFP, hôm nay, 11/02/2025, tổng thống Emmanuel Macron dành nhiều thời gian để vun đắp quan hệ với Ấn Độ trong dịp này : một thượng đỉnh song phương, một bữa tối trên bờ Địa Trung Hải và một ngày ở Marseille trong chuyến công du ba ngày của thủ tướng Narendra Modi. Vào tháng 9/2022, tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, tổng thống Pháp đã khẳng định nhu cầu « xây dựng một hợp đồng mới giữa các nước phương Bắc và phương Nam » để tránh « sự chia rẽ của thế giới ».

(RFI) – Ba Lan : Chính phủ công bố kế hoạch đầu tư 155 tỷ euro. Thủ tướng Donald Tusk, hôm qua 10/02/2025, đã trình bày kế hoạch kinh tế đầy tham vọng, đầu tư hơn 655 tỷ zloty cho năm 2025, nhằm đưa đất nước vào danh sách các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Các đầu tư tập trung chủ yếu vào an ninh, năng lượng và công nghệ mới. Tuy nhiên, một số chuyên gia đặt câu hỏi về tính xác thực của những tuyên bố này, khi cho rằng đây có thể là cách mà chính phủ vận động cử tri, trong bối cảnh chỉ còn ba tháng nữa là bầu cử tổng thống ở Ba Lan. 

(Reuters) – Tình báo Hàn Quốc : DeepSeek thu thập dữ liệu cá nhân quá mức. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc bị cáo buộc thu thập dữ liệu cá nhân một cách quá mức và sử dụng chúng để cải thiện bản thân. Seoul cũng bày tỏ lo ngại về việc ứng dụng này truyền dữ liệu nhạy cảm tới các máy chủ Trung Quốc. Một số cơ quan chính phủ Hàn Quốc đã chặn truy cập vào ứng dụng này vì lý do an ninh. 

(RFI) – Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov ủng hộ việc đóng cửa Radio Free Europe-Radio Liberty (RFE-RL) và chi nhánh địa phương là đài Azattyk. Đề nghị đóng cửa do Elon Musk đưa ra. Tổng thống Japarov tuyên bố mọi người không còn cần tin tức từ Azattyk và khuyến khích mọi người hỗ trợ các quyết định của Trump và Musk. Azattyk bị chỉ trích vì phát tán thông tin sai lệch và chính quyền đã từng tìm cách cấm đài này trong quá khứ.


**********

Các nguyên tố đất hiếm của Ukraine có thể giúp duy trì dòng viện trợ quân sự của Hoa Kỳ


Công nhân khai thác mỏ đất hiếm tại quận Nam Thành, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, ngày 16/1/2011.
Công nhân khai thác mỏ đất hiếm tại quận Nam Thành, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, ngày 16/1/2011.

Ukraine đã đề nghị ký một thỏa thuận với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về việc tiếp tục viện trợ quân sự của Hoa Kỳ để đổi lấy việc phát triển ngành công nghiệp khoáng sản của Ukraine, có thể cung cấp nguồn nguyên tố đất hiếm có giá trị, vốn rất cần thiết cho nhiều loại công nghệ.

Hồi đầu tháng này, ông Trump đã nói rằng ông muốn có một thỏa thuận như vậy; và khởi thuỷ từ mùa Thu năm ngoái, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, đã đưa ra đề xuất này như một phần trong kế hoạch nhằm tăng cường vị thế của Kyiv trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Moscow.

“Chúng tôi thực sự có tiềm năng lớn này trong lãnh thổ mà chúng tôi kiểm soát”, Ông Andrii Yermak, chánh văn phòng của tổng thống Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Associated Press. “Chúng tôi quan tâm đến việc hợp tác, phát triển, với các đối tác của mình, trước hết là với Hoa Kỳ.”

Sau đây là cái nhìn về ngành công nghiệp đất hiếm của Ukraine và cách một thỏa thuận có thể được thực hiện:

Các nguyên tố đất hiếm là gì?

Nguyên tố đất hiếm là một tập hợp gồm 17 nguyên tố thiết yếu đối với nhiều loại công nghệ tiêu dùng, bao gồm điện thoại di động, ổ cứng và xe điện và xe hybrid.

Không rõ liệu ông Trump có đang tìm kiếm các nguyên tố cụ thể ở Ukraine hay không, nơi cũng có các khoáng sản khác để cung cấp.

“Đó có thể là lithium. Có thể là titan, uranium, nhiều loại khác”, ôngYermak nói. “Rất nhiều”.

Trung Quốc, đối thủ địa chính trị chính của ông Trump, là nhà sản xuất nguyên tố đất hiếm lớn nhất thế giới. Cả Hoa Kỳ và Châu Âu đều tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Đối với Ukraine, một thỏa thuận như vậy sẽ đảm bảo rằng đồng minh lớn nhất và hiệu quả nhất của họ không đóng băng hỗ trợ quân sự. Điều đó sẽ gây ra hậu quả tàn khốc cho đất nước, nơi đã ở trong tình trạng chiến tranh gần ba năm sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Ý tưởng này cũng xuất hiện vào thời điểm mà việc tiếp cận đáng tin cậy và không bị gián đoạn đối với các khoáng sản quan trọng ngày càng khó khăn trên toàn cầu.

Tình hình của ngành công nghiệp khoáng sản Ukraine như thế nào?

Các nguyên tố đất hiếm của Ukraine phần lớn chưa được khai thác vì chiến tranh và vì các chính sách của nhà nước quản lý ngành công nghiệp khoáng sản. Quốc gia này cũng thiếu thông tin tốt để định hướng cho sự phát triển của ngành khai thác đất hiếm.

Dữ liệu địa chất còn ít vì trữ lượng khoáng sản nằm rải rác khắp Ukraine và các nghiên cứu hiện tại được coi là phần lớn không đầy đủ. Theo các doanh nhân và nhà phân tích, tiềm năng thực sự của ngành này bị che mờ bởi nghiên cứu không đầy đủ.

Nhìn chung, triển vọng về tài nguyên thiên nhiên của Ukraine rất hứa hẹn. Trữ lượng titan của quốc gia này, một thành phần quan trọng cho ngành hàng không vũ trụ, y tế và ô tô, được cho là một trong những trữ lượng lớn nhất châu Âu. Ukraine cũng nắm giữ một số trữ lượng lithium lớn nhất được biết đến của châu Âu, cần thiết để sản xuất pin, gốm sứ và thủy tinh.

Năm 2021, ngành công nghiệp khoáng sản của Ukraine chiếm 6,1% tổng sản phẩm quốc nội và 30% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này.

Theo dữ liệu từ We Build Ukraine, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Kyiv, ước tính 40% tài nguyên khoáng sản kim loại của Ukraine không thể tiếp cận được do sự chiếm đóng của Nga. Ukraine lập luận rằng Trump có lợi khi khai thác phần còn lại trước khi Nga chiếm được nhiều hơn.

Ủy ban Châu Âu, nhánh hành pháp của Liên hiệp Châu Âu, đã xác định Ukraine là nhà cung cấp tiềm năng cho hơn 20 nguyên liệu thô quan trọng và kết luận rằng nếu quốc gia này gia nhập EU gồm 27 quốc gia, họ có thể củng cố nền kinh tế Châu Âu.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Chi tiết về bất kỳ thỏa thuận nào có thể sẽ được phát triển trong các cuộc họp giữa các quan chức Hoa Kỳ và Ukraine. Ông Zelenskyy và ông Trump có thể sẽ thảo luận về chủ đề này khi họ gặp nhau.

Theo các quan chức kinh doanh Ukraine, các công ty Hoa Kỳ đã bày tỏ sự quan tâm. Nhưng việc đạt được một thỏa thuận chính thức có thể sẽ đòi hỏi luật pháp, khảo sát địa chất và đàm phán các điều khoản cụ thể.

Không rõ các công ty sẽ yêu cầu loại bảo đảm an ninh nào để mạo hiểm làm việc tại Ukraine, ngay cả trong trường hợp ngừng bắn. Và không ai biết chắc chắn loại thỏa thuận tài chính nào sẽ hỗ trợ cho các hợp đồng giữa Ukraine và các công ty Hoa Kỳ.


************

Tiền đồng Việt Nam giảm giá xuống mức thấp kỷ lục do lo ngại về thuế quan của ông Trump


Một quầy giao dịch ở một ngân hàng tại Hà Nội (2009, REUTERS/Kham).
Một quầy giao dịch ở một ngân hàng tại Hà Nội (2009, REUTERS/Kham).

Đồng tiền quốc gia của Việt Nam giảm giá trị xuống mức thấp kỷ lục so với đô la Mỹ khi những tuyên bố về thuế quan của Tổng thống Donald Trump làm tăng sức mạnh chung của đô la trong khi giáng đòn mạnh vào các thị trường đang nổi lên, theo tin trên các trang của Bloomberg, Yahoo!finance và Msn.

Tin cho hay tiền đồng Việt Nam đã giảm 0,6% xuống còn 25.535 đồng đổi 1 đô la vào thứ Ba 11/2, giảm xuống mức kỷ lục, thấp hơn cả mức từng xác lập vào cuối tháng 12/2024. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã ấn định tỷ giá tham chiếu hàng ngày cho đồng tiền này ở mức thấp kỷ lục là 24.522 đồng đổi 1 đô la hôm 11/2, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

Tin tức trên các trang của Bloomberg, Yahoo!finance và Msn nói rằng các đơn vị tiền tệ của các thị trường mới nổi đang chịu áp lực khi những lời đe dọa tăng thuế quan của ông Trump đã nâng giá trị của đồng đô la, và trong tình hình này, các quốc gia phụ thuộc vào thương mại đặc biệt dễ bị tổn thương.

Như VOA đã đưa tin, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng vọt gần 20% vào năm 2024 so với năm trước, đạt mức kỷ lục là hơn 123 tỷ đô la, khiến nước này khó tránh khỏi việc trở thành một mục tiêu lớn đối với các chính sách bảo hộ của Tổng thống Trump.

Ông Michael Wan, nhà phân tích tiền tệ cấp cao tại Ngân hàng MUFG, nói trong bản tin của Bloomberg: "Các yếu tố làm cho tiền đồng Việt Nam yếu đi phần lớn vẫn là các vấn đề toàn cầu, bao gồm thuế quan của ông Trump, các loại tiền tệ châu Á ở các đối tác thương mại chính của Việt Nam cũng yếu đi và đồng đô la mạnh hơn". Vẫn chuyên gia này nói thêm: “Chúng tôi chưa thấy có bất kỳ thay đổi thuế quan cụ thể nào ảnh hưởng đến Việt Nam, nhưng đó chắc chắn là rủi ro chính mà chúng tôi phải theo dõi từ nay trở đi”.

Ngân hàng trung ương của Việt Nam (SBV) đã giảm dần tỷ giá tham chiếu hàng ngày đối với tiền đồng, tạo tiền đề cho việc giảm giá đồng tiền này thêm nữa, tin trên Bloomberg, Yahoo!finance và Msn viết. Tiền đồng được phép giao dịch với biên độ +/-5% từ tỷ giá tham chiếu.

SBV cũng đã bán khoảng 9 tỷ đô la vào năm ngoái để hỗ trợ tiền đồng và làm dịu thị trường tiền tệ trong nước, trang Nhịp Sống Thị Trường cho hay, được Bloomberg dẫn lại. Theo Bloomberg Intelligence, ở trong nước, ngân hàng trung ương của Việt Nam có lẽ không có nguồn lực để tiếp tục can thiệp vào tỷ giá hối đoái.

Chunyu Zhang, chuyên gia phân tích cấp cao về tỷ giá và ngoại hối châu Á thuộc Bloomberg Intelligence, nói: “Áp lực đối với tiền đồng có khả năng sẽ tiếp tục kéo dài chừng nào đồng đô la vẫn mạnh. Ngân hàng trung ương [của Việt Nam] đã giảm dần tỷ giá tham chiếu hàng ngày, vì đồng đô la đã quá mạnh và họ sẽ rất tốn kém để giữ một mức tỷ giá nào đó”.


************

Chính quyền Campuchia bị cáo buộc giam giữ blogger Huỳnh Trọng Hiếu ‘bất hợp pháp’

VOA Tiếng Việt

Chính quyền Campuchia vừa giam giữ cựu nhà hoạt động cho tự do tôn giáo Việt Nam Huỳnh Trọng Hiếu vì dùng “hộ chiếu giả”, theo tin từ gia đình ông. Nhà chức trách ở Phnom Penh chưa hồi đáp khi VOA cố gắng kiểm chứng thông tin.

“Huỳnh Trọng Hiếu, em trai tôi, vào ngày 2/2/2025 dùng hộ chiếu được Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an cấp, có dán visa Hoa Kỳ đi qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) một cách hợp pháp. Đến ngày 3/2, Hiếu đến sân bay Phnom Penh để làm thủ tục khởi hành đi Hoa Kỳ thì bị cảnh sát Campuchia chặn lại, tịch thu hộ chiếu, điện thoại, căn cước công dân và đang bị tống vào trại tù của cục quản lý xuất nhập cảnh Campuchia”, bà Huỳnh Thục Vy, chị của ông Hiếu, chia sẻ với VOA.

“Lý do họ đưa ra là hộ chiếu giả”, bà Thục Vy ở Đắk Lắk nhấn mạnh, đồng thời nhận định rằng việc bắt giữ này là “bất hợp pháp”.

Ông Huỳnh Ngọc Tuấn, cha của ông Hiếu, đã đến cơ quan cấp hộ chiếu ở Việt Nam để xác nhận tính hợp pháp của hộ chiếu của con trai ông.

“Tôi đã đến Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh tỉnh Đắk Lắk để khiếu nại thì Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh tỉnh Đắk Lắk xác nhận đó là hộ chiếu do họ cấp, là hộ chiếu thật”, ông Tuấn viết trong đơn đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam giúp đỡ đề ngày 10/2 mà VOA xem được.

“Việc nhà cầm quyền Campuchia khẳng định hộ chiếu của Hiếu do nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cấp là ‘hộ chiếu giả’ là sự xúc phạm đến nhà nước Việt Nam, là cái tát vào mặt Bộ công an Việt Nam”, ông Tuấn viết trên trang Facebook hôm 8/2.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Campuchia và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị cho biết thêm thông tin liên quan đến trường hợp ông Hiếu bị giam giữ ở Campuchia, nhưng chưa được phản hồi.

Ông Huỳnh Trọng Hiếu có thời gian dài là thành viên của Nhóm Bảo vệ Quyền Tự do Tôn giáo và Người Sắc tộc (REM Defenders), chuyên viết các báo cáo gửi cho các tổ chức quốc tế về tình trạng chính quyền Việt Nam sách nhiễu các nhóm tôn giáo độc lập và người bản địa.

Ngoài ra, ông Hiếu còn là một blogger và có nhiều bài viết cho VOA Tiếng Việt.

Bà Vy cho biết ông Hiếu bị chính quyền Việt Nam tịch thu hộ chiếu trong suốt 12 năm qua và chỉ mới được cấp lại vào tháng 7/2024.

Ngày 16/12/2012, công an cửa khẩu tại sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, đã cấm xuất cảnh đối với blogger Huỳnh Trọng Hiếu khi ông sắp rời Việt Nam sang Hoa Kỳ để nhận giải thưởng Hellman/Hammett thay mặt cho cha ông là ông Huỳnh Ngọc Tuấn và chị gái là bà Huỳnh Thục Vy, đồng thời nhà chức trách Việt Nam cũng tịch thu hộ chiếu của ông, theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền.


************

Đóng băng viện trợ của Mỹ có nguy cơ trao ảnh hưởng cho Trung Quốc ngay sân sau Bắc Kinh 


Một người rà phá bom mìn chưa nổ ở Campuchia.
Một người rà phá bom mìn chưa nổ ở Campuchia.

Sau khi chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hồi tháng Một đóng băng các khoản tài trợ cho tổ chức rà phá bom mìn lớn nhất Campuchia, vốn giúp dọn sạch vùng nông thôn khỏi những tàn tích chết chóc từ các cuộc chiến tranh trước đây của Washington ở Đông Nam Á, nhóm này đã công bố nguồn tài trợ mới từ Trung Quốc.

Bắc Kinh đã tăng gấp đôi số tiền cung cấp trong ba năm qua cho Trung tâm rà phá bom mìn Campuchia (CMAC), nơi giúp rà phá hàng triệu quả bom chưa nổ, Heng Ratana, người đứng đầu nhóm cho biết.

Hôm 5 tháng 2, CMAC cho biết đã nhận được lời cam kết từ Bắc Kinh sẽ đóng góp 4,4 triệu đô la - vượt qua con số 2 triệu đô la mà Hoa Kỳ tài trợ vào năm ngoái. Ratana cho biết Trung Quốc hiểu rằng sự hỗ trợ như vậy giúp "xây dựng mạng lưới giao lưu nhân dân" và tạo ra lợi nhuận kinh tế.

Theo Viện Lowy tại Sydney, nơi nghiên cứu địa chính trị Châu Á - Thái Bình Dương, Bắc Kinh đầu tư rất nhiều vào các nước láng giềng và gần đây đã tập trung vào việc xây dựng sức mạnh mềm thông qua các cuộc trao đổi thiện chí và hoạt động ngoại giao.

Nhưng họ không cung cấp viện trợ truyền thống ở cùng quy mô như các quốc gia dân chủ phương Tây. Trung Quốc cũng có ít kinh nghiệm cung cấp hỗ trợ chuyên môn, từ việc chống lại các đợt bùng phát dịch bệnh đến phân phối viện trợ nhân đạo ở các khu vực xung đột như Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Ông Trump đã dừng hầu hết các khoản viện trợ do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ trên toàn cầu trong 90 ngày, trong khi tìm cách giải thể USAID, nơi mà ông cáo buộc là do "một nhóm những kẻ điên cuồng cực đoan điều hành". Động thái này là một phần trong nỗ lực của chính quyền của ông nhằm cắt giảm lực lượng lao động của chính phủ liên bang và hạn chế chi tiêu mà họ coi là lãng phí.

Mặc dù chính quyền đã nói rằng một số nguồn quỹ có thể được giải ngân khi lệnh tạm dừng hết hạn, nhưng việc thiếu rõ ràng về những gì có thể được khôi phục đã khiến nhiều nhóm trên khắp Châu Á đột ngột ngừng làm việc hoặc sa thải nhân viên.

Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 894 triệu đô la viện trợ cho Đông Nam Á vào năm 2023, năm gần nhất có dữ liệu chính thức.

Ông Joshua Kurlantzick, một nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, cho biết lệnh đóng băng sẽ cản trở công tác nhân đạo và nhân quyền tại thời điểm Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng trong khu vực.

"Sự dịch chuyển chung sẽ hướng về Trung Quốc và xa rời Hoa Kỳ khi Hoa Kỳ bỏ phí sức mạnh mềm của mình", ông nhận định, đồng thời nói thêm rằng sự kết hợp giữa việc Bắc Kinh cung cấp nhiều hỗ trợ hơn và Washington rút lui khỏi việc tài trợ cho các chương trình xã hội dân sự "làm suy yếu tiềm năng dân chủ ở hầu hết mọi quốc gia trong khu vực".

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời các câu hỏi của Reuters rằng họ đã cung cấp viện trợ mà "không có điều kiện chính trị" và phù hợp với nhu cầu của các đối tác.

Quan chức này nói sự hợp tác của Trung Quốc với các nước đang phát triển khác sẽ vẫn kiên định "bất kể bối cảnh quốc tế có thay đổi gì".

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nơi nhà ngoại giao hàng đầu Marco Rubio hiện là quyền giám đốc USAID, đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Trung Quốc, quốc gia đang gặp khó khăn về kinh tế trong nước, khó có thể sánh được với sự hào phóng của Hoa Kỳ, quốc gia viện trợ lớn nhất thế giới.

Thay vào đó, Bắc Kinh coi trọng "các chương trình đầu tư và cơ sở hạ tầng quy mô lớn" là đặc điểm nổi bật của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), theo Derek Grossman, một nhà phân tích tại tổ chức tư vấn RAND Corporation. BRI là chương trình hỗ trợ cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ đô la của Trung Quốc, với tầm nhìn về các cảng và đường sắt kết nối Châu Á, Châu Âu và Châu Phi.

Cuộc thăm dò thường niên của tổ chức tư vấn ISEAS-Yusof Ishak đối với những người ra quyết định ở Đông Nam Á vào năm 2024 cho thấy Trung Quốc lần đầu tiên đã "vượt qua Hoa Kỳ" để trở thành đối tác được ưa thích của họ, một kết quả một phần là do sự ủng hộ Trung Quốc của các đối tác BRI của Bắc Kinh ở Đông Nam Á.


*********

Quan chức Hamas nói ngừng bắn là cách duy nhất để đưa các con tin Israel về nhà 


Quan chức cấp cao của Hamas Sami Abu Zuhri.
Quan chức cấp cao của Hamas Sami Abu Zuhri.

Một quan chức của Hamas hôm 11/2 nói rằng các con tin Israel chỉ có thể được đưa về nhà từ Gaza nếu lệnh ngừng bắn mong manh được tôn trọng, bác bỏ "ngôn ngữ đe dọa" sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng ông sẽ "để địa ngục bùng nổ" nếu họ không được trả tự do.

Hamas đã bắt đầu dần dần thả một số con tin theo lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 19 tháng 1 nhưng đã hoãn việc thả thêm cho đến khi có thông báo mới, cáo buộc Israel vi phạm các điều khoản khi tiếp tục tấn công Dải Gaza.

Ông Trump, một đồng minh thân cận của Israel, nói hôm 10/2 rằng Hamas phải thả tất cả các con tin do nhóm chiến binh này bắt giữ vào giữa trưa 15/2 hoặc ông sẽ đề xuất hủy bỏ lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết Israel vẫn quyết tâm đưa tất cả các con tin trở về.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động kiên quyết và khốc liệt cho đến khi đưa về tất cả các con tin - cả người sống và người đã chết", ông nói trong một tuyên bố bày tỏ thương tiếc một người Israel, ông Shlomo Mansour, sau khi quân đội xác nhận ông đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, cuộc tấn công đã gây ra cuộc chiến tranh ở Gaza.

Ông Trump đã khiến người Palestine và các nhà lãnh đạo Ả Rập tức giận sau khi đảo lộn chính sách kéo dài hàng thập kỷ của Hoa Kỳ, vốn đã ủng hộ giải pháp hai nhà nước có thể có trong khu vực, khi tìm cách áp đặt tầm nhìn của ông về Gaza, nơi đã bị tàn phá bởi một cuộc tấn công quân sự của Israel và đang thiếu lương thực, nước và nơi tạm trú, và cần viện trợ nước ngoài.

"Trump phải nhớ rằng có một thỏa thuận mà cả hai bên phải tôn trọng, và đây là cách duy nhất để đưa các tù nhân (Israel) trở về. Ngôn ngữ đe dọa không có giá trị và chỉ làm phức tạp thêm vấn đề", quan chức cấp cao của Hamas Sami Abu Zuhri nói với Reuters.

Ông Trump đã nói rằng Hoa Kỳ nên tiếp quản Gaza, nơi đã biến thành đống đổ nát, và di dời hơn 2 triệu cư dân để vùng đất Palestine này có thể được biến thành "Riviera của Trung Đông".

Ông Trump gặp Vua Abdullah của Jordan hôm 11/2 trong một cuộc gặp gỡ có khả năng sẽ rất căng thẳng sau ý tưởng tái phát triển Gaza của tổng thống, bao gồm cả lời đe dọa cắt viện trợ cho quốc gia Ả Rập đồng minh của Hoa Kỳ nếu nước này từ chối tái định cư người Palestine.

Việc cưỡng bức di dời người dân dưới sự chiếm đóng của quân đội là một tội ác chiến tranh bị cấm theo các công ước Geneva năm 1949.

Người Palestine lo sợ sẽ lặp lại cái mà họ gọi là Nakba, hay thảm họa, khi hàng trăm nghìn người Palestine phải chạy trốn hoặc bị buộc phải rời đi trong cuộc chiến năm 1948, dẫn tới sự thành lập của Israel. Israel phủ nhận việc họ bị buộc phải rời đi.


***********

Giáo hoàng Phanxicô: Chính sách nhập cư của Trump 'sẽ kết thúc tồi tệ' 


Giáo hoàng Phanxicô.
Giáo hoàng Phanxicô.

Giáo hoàng Phanxicô đã chỉ trích gay gắt cuộc đàn áp người nhập cư của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong một bức thư ngỏ bất thường gửi đến các giám mục Công giáo Hoa Kỳ hôm 11/2, nói rằng việc hình sự hóa các di dân và áp dụng các biện pháp dựa trên vũ lực "sẽ kết thúc tồi tệ".

Giáo hoàng, người đã gọi kế hoạch trục xuất hàng triệu người di cư của ông Trump vào tháng trước là "sự ô nhục", nói rằng thật sai lầm khi cho rằng tất cả những người nhập cư không có giấy tờ đều là tội phạm.

"Tôi kêu gọi tất cả các tín đồ của Giáo hội Công giáo... không nên thuận theo những câu chuyện phân biệt đối xử và gây ra đau khổ không cần thiết cho những anh chị em di dân và tị nạn của chúng ta", giáo hoàng nói.

Giáo hoàng Phanxicô, vốn trở thành lãnh đạo tín đồ Công giáo từ năm 2013, từ lâu đã chỉ trích các chính sách nhập cư của ông Trump. Năm 2016, trong chiến dịch tranh cử Nhà Trắng đầu tiên của ông Trump, giáo hoàng đã nói rằng ông Trump "không phải là người Kitô giáo" trong vấn đề nhập cư.

Trong bức thư của mình hôm 11/2, Giáo hoàng Phanxicô gọi cuộc đàn áp nhập cư là "cuộc khủng hoảng lớn" đối với Hoa Kỳ.

"Những gì được xây dựng trên cơ sở vũ lực, chứ không phải trên sự thật về phẩm giá bình đẳng của mỗi con người, sẽ bắt đầu tồi tệ và sẽ kết thúc tồi tệ", ông nói.

Ông Trump, một đảng viên Cộng hòa từng là tổng thống trong giai đoạn 2017-2021, đã giành được nhiệm kỳ thứ hai không liên tiếp, hứa sẽ trục xuất hàng triệu người nhập cư đang ở Hoa Kỳ bất hợp pháp.

Sau khi nhậm chức vào tháng trước, ông đã ban hành một loạt các sắc lệnh hành pháp để chuyển hướng các nguồn lực quân sự nhằm hỗ trợ nỗ lực trục xuất hàng loạt và trao quyền cho các viên chức nhập cư Hoa Kỳ thực hiện nhiều vụ bắt giữ hơn, bao gồm cả tại trường học, nhà thờ và bệnh viện.

Trong bức thư hôm 11/2, Giáo hoàng Phanxicô dường như cũng phản hồi gián tiếp lời bảo vệ của Phó Tổng thống JD Vance về các vụ trục xuất.

Ông Vance, một người Công giáo, đã bảo vệ cuộc đàn áp trong một bài đăng trên mạng xã hội hồi tháng Một bằng cách đề cập đến một khái niệm thần học Công giáo được gọi là "ordo amoris" hay "trật tự của tình yêu" để ám chỉ rằng người Công giáo phải ưu tiên những người không phải là người nhập cư.

Giáo hoàng nói: "'ordo amoris' thực sự phải được thúc đẩy... bởi suy tư về tình yêu mà nó xây dựng một tình huynh đệ mở ra cho tất cả mọi người, không có ngoại lệ”.

Hôm 11/2, Giáo hoàng Phanxicô cũng đã bổ nhiệm một giáo sĩ Công giáo nổi tiếng vì ủng hộ người nhập cư làm tổng giám mục mới của Detroit.

Giám mục Edward Weisenburger đã đề xuất vào năm 2018 rằng các nhân viên tuần tra biên giới là người Công giáo và đã tham gia vào chính sách chia cắt gia đình của chính quyền Trump đầu tiên có thể không được rước lễ, một trọng tâm của thánh lễ Công giáo.

Chính sách chia cắt gia đình, được áp dụng từ năm 2017-2018, đã bị dừng lại sau khi hình ảnh những đứa trẻ trong lồng giam gây ra sự phẫn nộ trong và ngoài nước.

Giáo hoàng gần đây cũng đã bổ nhiệm hồng y Robert McElroy làm tổng giám mục mới của Washington D.C. Ông là người đã chỉ trích chương trình nghị sự chính trị của ông Trump.

Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ cũng đã chỉ trích cuộc đàn áp nhập cư của Trump, gọi đó là "vô cùng đáng lo ngại" trong một tuyên bố vào tháng trước.


***********

Tây Ban Nha cấp giấy phép cư trú cho 25 ngàn người nước ngoài

Chính phủ Tây Ban Nha hôm nay 11/02/2025, thông qua một biện pháp mang tính biểu tượng cao : Cấp giấy phép cư trú cho 25 ngàn người nước ngoài không thuộc khối Liên Hiệp Châu Âu, bị ảnh hưởng bởi « Vòm khí lạnh » (Goutte Froide) tràn vào vùng Valence hôm 29/10/2024, gây ra những trận lũ kinh hoàng khiến hơn 220 người thiệt mạng.

Hình tư liệu : Người dân ở Paiport, ngoại ô Valencia, Tây Ban Nha ngày 05/11/2024, sau trận lụt lịch sử.
Hình tư liệu : Người dân ở Paiport, ngoại ô Valencia, Tây Ban Nha ngày 05/11/2024, sau trận lụt lịch sử. © AP - Emilio Morenatti
Quảng cáo

Thông tín viên François Musseau tường thuật từ Madrid :

« Một sự thở phào nhẹ nhõm cho hàng ngàn người nước ngoài đã phải chịu đựng những trận lũ lớn kinh hoàng hồi cuối tháng 10/2024, và đã bị mất tất cả. Họ sẽ được cấp giấy phép cư trú và giấy phép lao động có thời hạn một năm. Đây là quyết định của chính phủ Tây Ban Nha, cùng lúc đưa ra một kế hoạch cứu trợ kinh tế cho hàng chục ngàn người dân vùng Valence, đã bị mất tất cả cùng với Vòm Khí Lạnh.

Điều kiện duy nhất đặt ra cho những di dân bị tác động là họ nằm trong danh sách thống kê của các địa phương hứng chịu lũ lụt. Theo tổ chức phi chính phủ Oxfam, điều kiện này sẽ khiến nhiều trăm người khác không được hưởng quy chế trên. Các hiệp hội nhân đạo nhắc lại rằng là di dân và bị ảnh hưởng bởi Vòm khí lạnh lịch sử, là một nỗi khổ kép : Bị mất tất cả mọi thứ và sợ phải nhờ giúp đỡ do việc triển khai đông đảo cảnh sát trong vùng.

Theo vị quan chức của vùng phụ trách Tái Thiết, cựu quân nhâ Gran Panpols, điều lý tưởng nhất đối với ông có lẽ là biến chính những di dân vừa được hợp thức hóa giấy tờ này, xin trích, thành một nguồn lao động bổ sung tại công trường bao la bao gồm cả việc làm sạch và thu dọn mọi thứ. »


***********

Thượng đỉnh AI : 61 quốc gia ra thông cáo chung về nhu cầu AI « có đạo đức »

Minh Anh

Hội nghị cấp cao Paris về Trí tuệ Nhân tạo AI đã kết thúc hôm nay, 11/02/2025. Hơn 60 quốc gia tham gia trong thông cáo chung đã nhất trí về một AI « mở, bao trùm, có đạo đức ». Anh và Mỹ không ký văn bản này.

Đăng ngày:

1 phút

Các nước ký thông cáo chung bao gồm cả Trung Quốc, Pháp và Ấn Độ, kêu gọi tăng cường phối hợp quản lý AI, đòi hỏi một sự « đối thoại toàn cầu » và kêu gọi tránh tình trạng « tập trung thị trường » tạo điều kiện cho việc tiếp cận công nghệ.

Phát biểu tại hội nghị, tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh đến « nhu cầu cần có các quy tắc » và một « khuôn khổ đáng tin cậy » để hỗ trợ phát triển AI. Nguyên thủ Pháp khẳng định thế giới cần « những quy tắc này để AI phát triển » và « cần phải tiếp tục thúc đẩy một chính sách quản trị quốc tế về AI ».

Hôm qua, ngày đầu tiên của thượng đỉnh AI, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi các nước châu Âu tăng tốc « đột phá » để tránh tụt hậu. Vạch ra một « lộ trình hành động rõ ràng », thu hút các tài năng và ưu tiên sử dụng « điện phát thải thấp » là các điểm chính trong quan điểm của tổng thống Macron.

Về nguồn năng lượng cho Trí tuệ Nhân tạo, tổng thống Macron cũng khẳng định lập trường hoàn toàn đối nghịch với tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông nói với giới đầu tư: « trong lúc một người bạn tốt ở bên kia Đại Tây Dương khuyến khích khoan thêm dầu khí, thì ở đây chúng tôi không cần phải khoan », « điện đã sẵn sàng, các bạn chỉ cần nối mạng », ngụ ý nói đến điện hạt nhân, lá chủ bài của nước Pháp trong tiến trình chuyển sang nền kinh tế phát thải thấp.


*************

Tổng thống Mỹ dọa cắt viện trợ cho Ai Cập và Jordanie nếu không nhận di dân Palestine từ Gaza

Phan Minh

Tổng thống Mỹ Donald Trump, hôm qua 10/02/2025, đe dọa cắt viện trợ dành cho Jordanie và Ai Cập nếu hai nước không chịu tiếp nhận di dân Palestine từ dải Gaza. Trong một cuộc phỏng trên kênh truyền hình Fox News, chủ nhân Nhà Trắng đã tái khẳng định mong muốn "sở hữu" dải đất này và loại bỏ khả năng cho người Palestine quay trở về quê hương khi nhấn mạnh "những nơi khác sẽ tốt hơn đối với cuộc sống của họ".

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

3 phút

Lập trường của Donald Trump vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo Ai Cập và Jordanie, khẳng định sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa hiệp nào có thể xâm phạm quyền lợi của người Palestine sống tại Gaza.

Sau cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Marco Rubio tại Washington, ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty đã nhấn mạnh các quốc gia Ả Rập ủng hộ người Palestine từ chối kế hoạch của Donald Trump. Về phần mình, vua Jordanie Abdallah II sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo Hoa Kỳ vào hôm nay 11/02 tại Washington. Tuy nhiên, ngay từ tuần trước, khi chủ nhân Nhà Trắng công bố kế hoạch về Gaza, nhà vua Jordanie đã bác bỏ mọi nỗ lực của Donald Trump đối với việc kiểm soát Gaza và di dời người Palestine ra khỏi nơi này.

Như vậy, kế hoạch của tổng thống Trump về Gaza không chỉ vấp phải sự phản đối của các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế, mà còn gây khó khăn cho việc kéo dài lệnh ngưng bắn giữa Israel và phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas, như phân tích của chuyên gia David Rigoulet-Roze tại Viện quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) :

Rõ ràng kiểu tuyên bố này nuôi dưỡng suy luận không hay ho gì bởi vì nó dường như củng cố quan điểm của Hamas, theo đó, kiểu gì cũng lại có chiến sự, và hơn nữa, theo kế hoạch  Donald Trump đã thông báo, việc di dời dân Gaza không phải là biện pháp tạm thời mà là vĩnh viễn, trước khi diễn ra một cuộc tái thiết nếu có.

Vả lại, điều này dường như cũng đã thể hiện qua việc tổng thống Donald Trump ngay từ ngày 21/01, đã nói rằng lệnh ngưng bắn không chắc được tôn trọng, như thể ông đã dự đoán trước thực tế mà các bên giờ đây đang phải đối mặt. Do đó, có một chuỗi các yếu tố dẫn đến khả năng tình hình bế tắc, khiến việc thực thi giai đoạn đầu tiên kéo dài 42 ngày của lệnh ngưng bắn gặp trở ngại.

Tiếp theo là tất cả các con tin Israel dự kiến được phóng thích trong giai đoạn hai. Và người ta có thể nghĩ rằng không có gì bảo đảm là Hamas sẽ tôn trọng thỏa thuận đến cùng, vì điều đó có nghĩa là tổ chức này chấp nhận không còn bất kỳ lá bài nào trong các cuộc đàm phán tiềm tàng sau này và không thể củng cố vị thế của mình như một bên đàm phán không thể thiếu vắng.


**********

WHO: Việc liên lạc với giới chức Mỹ về cúm gia cầm H5N1 là một 'thách thức' 


Trụ sở của WHO ở Geneva.
Trụ sở của WHO ở Geneva.

Một phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 11/2 cho biết việc liên lạc về cúm gia cầm đã trở nên đầy thách thức kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ rút khỏi cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc này.

Khi được hỏi về thông tin liên lạc mà WHO nhận được từ Washington về đợt bùng phát H5N1, ông Christian Lindmeier đã trả lời trong một cuộc họp báo tại Geneva: "Việc liên lạc thực sự là một thách thức. Các cách thức liên lạc truyền thống đã bị cắt đứt". Ông từ chối giải thích thêm.

Một đợt bùng phát vi-rút H5N1 ở Hoa Kỳ đã lây nhiễm cho gần 70 người, chủ yếu là công nhân nông trại, kể từ tháng 4 năm 2024. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã báo cáo lần đầu tiên vào tuần trước rằng một chủng cúm gia cầm thứ hai đã được tìm thấy ở gia súc ở Nevada, một phát hiện làm gia tăng mối lo ngại về đợt bùng phát ở Hoa Kỳ.

Theo các quy tắc của WHO được gọi là Quy định Y tế Quốc tế (IHR), các quốc gia có nghĩa vụ ràng buộc phải liên lạc về các vấn đề y tế công cộng có khả năng vượt biên giới. Những nghĩa vụ này bao gồm thông báo ngay cho WHO về tình trạng khẩn cấp về y tế và các biện pháp về thương mại và đi lại.

Các quốc gia khác đã lên tiếng một cách riêng tư về việc Hoa Kỳ sẽ ngừng thông tin về các loại vi-rút mới nổi có thể trở thành đại dịch tiếp theo. "Nếu một quốc gia lớn như vậy không báo cáo nữa, thì thông điệp phát đi là gì?", một nhà ngoại giao phương Tây tại Geneva nói.

Argentina cũng cho biết họ có kế hoạch rút khỏi WHO, với lý do "có những khác biệt sâu sắc" liên quan đến việc quản lý các vấn đề sức khỏe của cơ quan này, đặc biệt là đại dịch COVID-19.


*************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Sáu, 21 Tháng Ba 20254:08 SA
Thứ Năm, 20 Tháng Ba 20253:58 SA
Thứ Tư, 19 Tháng Ba 20255:14 SA
Thứ Ba, 18 Tháng Ba 20256:35 SA
Thứ Hai, 17 Tháng Ba 20253:44 SA
Chủ Nhật, 16 Tháng Ba 20253:24 SA
Thứ Bảy, 15 Tháng Ba 20256:27 SA
Thứ Sáu, 14 Tháng Ba 20255:48 SA
Thứ Năm, 13 Tháng Ba 20255:03 SA
Thứ Tư, 12 Tháng Ba 20254:12 SA
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo