Mỹ - Nhật lên án những "hành vi khiêu khích" của Trung Quốc ở Biển Đông
Thanh Hà
Hoa Kỳ và Nhật Bản phản đối mạnh mẽ mọi hành động của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông bằng sức mạnh hay các biện pháp hù dọa. Sau cuộc hội kiến đầu tiên giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba hôm qua 07/02/2025 tại Washington, thông cáo của Nhà Trắng nhấn mạnh như trên.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
3 phút
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba giới thiệu cuốn sách do tổng thống Mỹ Donald Trump tặng trong một cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng, Washington, Mỹ, ngày 07/02/2025.AP - Evan Vucci
Theo thông cáo của phủ tổng thống Mỹ lãnh đạo hai nước nêu đích danh Trung Quốc. Tổng thống Donald Trump và thủ tướng Shigeru Ishiba « khẳng định lại » là Washington và Tokyo « mạnh mẽ chống đối mọi đòi hỏi bất hợp pháp về chủ quyền biển đảo từ phía Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc », phản đối các « chương trình quân sự » và những hoạt động mang tính « hù dọa và khiêu khích » trong vùng Biển Đông.
Về tình hình ở eo biển Đài Loan, thông cáo của Nhà Trắng nhấn mạnh đến « tầm mức quan trọng của việc duy trì ổn định và hòa bình » tại khu vực này. Đây là một yếu tố « then chốt đối với an ninh và sự thịnh vượng của cộng đồng quốc tế ». Lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản đồng thời ủng hộ việc để cho Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế.
Liên quan đến tình hình ở bán đảo Triều Tiên, hai ông Trump và Ishiba bày tỏ quan ngại sâu sắc về những chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo mà chế độ Bình Nhưỡng đang tiến hành. Tokyo và Washington cùng xem việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là điều thiết yếu. Mỹ và Nhật Bản cùng quan niệm là cần ngăn chận các hoạt động hợp tác quân sự càng lúc càng gia tăng giữa Bắc Triều Tiên và Liên bang Nga.
Theo nhà nghiên cứu Sheila A. Smith, thuộc viện Council on Foreign Relations, được báo Nikkei Asia trích dẫn, việc thông cáo của Nhà Trắng nêu đích danh Trung Quốc có những hành vì « hù dọa » là một điểm đáng chú ý. Cụm từ này bao hàm cả những hành vi « hù dọa » về mặt kinh tế, về các biện pháp cấm vận, các vụ tấn công tin học cũng như những « hành động đe dọa về phương diện quân sự ».
Tiếp thủ tướng Nhật tại Nhà Trắng hôm 07/02/2025 tổng thống Trump tuyên bố « Hoa Kỳ cam kết hoàn toàn đứng về phía Nhật Bản », bảo đảm an ninh cho quốc gia này và Mỹ sẽ « triển khai 100 % các khả năng răn đe, các phương tiện phòng thủ để bảo vệ nước bạn và đồng minh Nhật Bản trong tương lai ».
Thủ tướng Ishiba mời tổng thống Trump chính thức công du Nhật Bản trong thời gian sắp tới. Cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa thủ tướng Nhật Bản và tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump được đánh giá là đã diễn ra tốt đẹp, một phần do đôi bên đã tìm được nhiều đồng thuận trên các hồ sơ kinh tế và thương mại.
************
Hamas thả ba con tin, Israel bắt đầu thả người Palestine
Con tin Israel bị Hamas giam giữ ở Gaza kể từ ngày 7/10/2023, từ trái sang phải, Ohad Ben Ami, Eli Sharabi và Or Levy, được các chiến binh Hamas đưa lên một sân khấu trước khi được trao trả cho Hội Chữ thập đỏ ở Deir al-Balah, Gaza, ngày 8/2/2025. (Ảnh AP/Abdel Kareem Hana)
Nhóm chiến binh Palestine Hamas hôm thứ Bảy đã trao trả ba con tin người Israel, những người có vẻ ngoài tiều tụy khiến người Israel bị sốc, trong khi Israel bắt đầu thả hàng chục người Palestine trong giai đoạn mới nhất của thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 15 tháng ở Gaza.
Ohad Ben Ami và Eli Sharabi, cả hai đều bị bắt làm con tin tại Kibbutz Be'eri trong cuộc tấn công xuyên biên giới do Hamas cầm đầu vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, và Or Levy, bị bắt cóc vào ngày hôm đó tại đại nhạc hội Nova, được các tay súng Hamas dẫn lên bục.
Cả ba người đàn ông đều có vẻ gầy gò, tiều tụy và xanh xao, và trông tồi tệ hơn 18 con tin đã được thả trước đó theo thỏa thuận ngừng bắn đã được thống nhất vào tháng trước.
"Ohad trông như một bộ xương, thật kinh khủng khi nhìn thấy", mẹ vợ của Ohad Ben Ami, Michal Cohen, nói với Channel 13 News khi bà theo dõi diễn biến trao trả con tin, trong đó có cảnh các con tin trả lời các câu hỏi do một người đàn ông đeo mặt nạ hỏi trong khi các chiến binh Hamas mang súng trường đứng hai bên.
Trong một màn phô trương sức mạnh khác của Hamas, hàng chục chiến binh của họ đã triển khai ở trung tâm Gaza khi trao trả các con tin cho Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế. Sau đó, họ được đưa bằng xe của ICRC đến cho các lực lượng Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết cảnh tượng các con tin yếu ớt thật kinh hoàng và sẽ được giải quyết.
Tổng thống Israel Isaac Herzog mô tả buổi lễ trao trả là vô nhân đạo và tàn bạo. "Đây chính là hình ảnh của một tội ác chống lại loài người", ông nói.
Diễn đàn Gia đình Con tin nói hình ảnh của ba con tin gợi lên hình ảnh những người sống sót sau các trại tập trung của Đức Quốc xã trong thời kỳ diệt chủng Holocaust. Diễn đàn nói rằng "Chúng ta phải đưa TẤT CẢ CÁC CON TIN ra khỏi địa ngục".
Để đổi lấy việc thả các con tin, Israel sẽ thả 183 tù nhân Palestine, một số bị kết tội liên quan đến các cuộc tấn công khiến hàng chục người thiệt mạng, và 111 người bị bắt tại Gaza trong chiến tranh.
Tại Ramallah ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng, một chiếc xe buýt chở 42 tù nhân Palestine được trả tự do đã được đám đông reo hò chào đón.
Trong số những người được trả tự do có Eyad Abu Shkaidem, bị kết án 18 án chung thân tại Israel vì chủ mưu các vụ tấn công tự sát để trả thù cho vụ Israel ám sát các thủ lãnh Hamas năm 2004.
"Hôm nay, tôi đã được tái sinh", Shkaidem nói với các phóng viên khi đến Ramallah, trong tiếng reo hò của đám đông.
Nhiều tù nhân được trả tự do có vẻ sức khỏe không tốt và một số phàn nàn về việc bị đối xử tệ bạc.
Dịch vụ y tế của Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine cho biết họ đã đưa sáu trong số 42 tù nhân được trả tự do đến bệnh viện.
Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ các nhà lãnh đạo Israel và Hamas vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trong cuộc xung đột.
Các nhóm nhân quyền đã báo cáo về những vụ lạm dụng nghiêm trọng đối với người Palestine trong các trại giam của Israel kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh Gaza. Quân đội Israel đang điều tra một số trường hợp bị cáo buộc lạm dụng nhưng bác bỏ các cáo buộc về việc lạm dụng có hệ thống trong các cơ sở giam giữ của mình.
Sự trở về đau đớn
Một số con tin phải đối mặt với sự trở về đầy đau đớn. Hai cô con gái tuổi teen của Sharabi và người vợ gốc Anh của anh đã bị giết trong cuộc tấn công của Hamas vào Kibbutz Be'eri, nơi cứ 10 cư dân thì có một người chết. Levy sẽ được đoàn tụ với đứa con trai ba tuổi của mình còn vợ anh thì đã chết trong cuộc tấn công.
Đây là cuộc trao đổi mới nhất trong một loạt các cuộc trao đổi cho đến nay đã trao trả 13 con tin người Israel và năm con tin người Thái Lan và thả 583 tù nhân và người bị giam giữ người Palestine.
Bất chấp những trục trặc, giai đoạn 42 ngày đầu tiên của lệnh ngừng bắn do Washington, Cairo và Doha làm trung gian đã được duy trì kể từ khi có hiệu lực vào ngày 19 tháng 1.
Nhưng nỗi lo sợ thỏa thuận có thể sụp đổ trước khi tất cả các con tin được tự do đã gia tăng kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bất ngờ kêu gọi di dời người Palestine khỏi Gaza và trao vùng đất này cho Hoa Kỳ để phát triển thành "Riviera của Trung Đông".
Các quốc gia Ả Rập và các nhóm Palestine đã bác bỏ đề xuất của Trump, mà những người chỉ trích cho rằng sẽ tương đương với việc thanh trừng sắc tộc. Hamas cho biết hôm thứ Bảy rằng màn phô trương vũ trang của họ tại buổi trao trả con tin chứng minh rằng họ không thể bị loại khỏi các thỏa thuận về Gaza sau chiến tranh.
Tuy nhiên, Netanyahu hoan nghênh sự can thiệp của Trump và bộ trưởng quốc phòng của ông đã ra lệnh cho quân đội lập kế hoạch cho phép những người Palestine muốn rời khỏi Gaza được làm như vậy.
Theo thỏa thuận ngừng bắn, 33 trẻ em, phụ nữ và những người đàn ông ốm yếu, bị thương và lớn tuổi của Israel sẽ được thả trong giai đoạn đầu tiên để đổi lấy gần 2.000 tù nhân và người bị giam giữ Palestine.
Các cuộc đàm phán về giai đoạn thứ hai đã bắt đầu vào tuần này nhằm mục đích trao trả những con tin còn lại và rút toàn bộ quân đội Israel khỏi Gaza để chuẩn bị cho một kết thúc cuối cùng cho cuộc chiến.
Các tay súng do Hamas cầm đầu đã tấn công Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, giết chết khoảng 1.200 người và bắt giữ hơn 250 người làm con tin, theo số liệu của Israel.
Cuộc tấn công đáp trả của Israel vào Gaza trên không và trên bộ đã khiến hơn 47.000 người thiệt mạng, theo cơ quan y tế Gaza.
************
Đại hội các đảng cực hữu châu Âu tại Madrid và tham vọng “Make Europe Great Again”
Trong hai ngày 07 và 08/02/2025, 15 đảng cực hữu của Liên Hiệp Châu Âu họp tại Madrid, Tây Ban Nha. Đây là cuộc tập hợp lần thứ ba của các đảng cực hữu tại Nghị Viện Châu Âu, với lãnh đạo đảng cực hữu Tây Ban Nha, Vox, ông Santiago Abascal trong cương vị chủ tịch. Nhóm này có tham vọng chinh phục quyền lực tại Liên Âu dưới khẩu hiệu « Make Europe Great Again ».
Tham dự đại hội ở Madrid có thủ tướng Hungary Viktor Orban, phó thủ tướng Ý Matteo Salvini, lãnh đạo cực hữu Hà Lan Geerts Wilders và thành viên kỳ cựu của đảng cực hữu Pháp Marine Le Pen.
Sau cuộc bầu cử Châu Âu tháng 6/2024, cánh cực hữu Châu Âu thành lập khối mang tên Patriots for Europe (Những nhà ái quốc vì Châu Âu) và hiện là lực lượng lớn thứ ba trong Nghị Viện Châu Âu. Trong số các đảng cực hữu ở Châu Âu, đảng Vox của Tây Ban Nha đang yếu thế hơn cả.
Thông tín viên đài RFI François Musseau tại thủ đô Madrid giải thích :
« Chủ tịch đảng Vox và cũng là người đứng đầu nhóm mang tên "Những nhà ái quốc vì Châu Âu" tại Nghị Viện Châu Âu, Santiago Abascal, đã trở thành một nhân vật quan trọng trong số các đảng cực hữu ở Châu Âu. Đây là một dạng cầu nối giữa Châu Âu và Mỹ.
Nhưng kỳ lạ là tại Tây Ban Nha, ảnh hưởng của Vox không nhiều. Trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu gần đây nhất, đảng này chỉ được 12,5 % cử tri ủng hộ. Thành tích này thấp hơn nhiều so tỷ lệ tín nhiệm của cử tri đối với các đảng cực hữu ở những nơi khác trong Liên Âu. Đành rằng theo các thăm dò mới nhất, có tới 20 % thanh niên Tây Ban Nha có cảm tình với Vox, nhưng đảng này vẫn bị đảng Xã Hội và liên minh cánh hữu bảo thủ truyền thống, đảng Bình Dân, bỏ lại xa phía sau.
Hơn nữa, nội bộ đảng này đang trải qua một đợt thanh trừng. Chủ tịch Abascal điều hành Vox với một bàn tay sắt. Ông liên tục khai trừ những thành viên được nhiều người biết đến như Macarena Olona, Espinoza de los Monetros… Mới chỉ cách nay vài ngày, phó chủ tịch đảng này cũng đã ra đi và tố cáo đường lối độc đoán trong guồng máy nội bộ.
Vấn đề còn lại là liệu rằng những tham vọng trên trường quốc tế của lãnh đạo đảng Vox, Santiago Abascal, có được lâu dài hay không khi mà đảng này đang trong thế yếu trên sân khấu chính trị quốc gia ».
***********
79 nước ủng hộ Tòa Hình sự Quốc tế chống lại sắc lệnh trừng phạt của Trump
Hôm qua, 07/02/2025, ít giờ sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh trừng phạt các thành viên của Tòa Hình Sự Quốc Tế - CPI, 79 quốc gia - tức gần 2/3 trong số 125 thành viên của CPI - đã ký vào một tuyên bố chung lên án quyết định của ông Trump. Tuyên bố nói trên do Pháp, Đức và nhiều nước châu Âu khởi xướng.
Tuyên bố chung khẳng định « sự ủng hộ liên tục và không lay chuyển » đối với Tòa Hình Sự Quốc Tế, « trụ cột của hệ thống tư pháp quốc tế », chịu trách nhiệm xét xử « các tội ác quốc tế nghiêm trọng nhất và mang lại công lý cho các nạn nhân ».
Theo AFP, chính quyền Ukraina hôm qua bày tỏ hy vọng là Tòa Hình Sự Quốc Tế tiếp tục điều tra về các công dân Nga bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh tại Ukraina. Năm 2023, Tòa Hình Sự Quốc Tế, có trụ sở tại La Haye, đã ban hành lệnh bắt giữ tổng thống Nga Vladimir Putin, bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, khi trục xuất bất hợp pháp hàng trăm trẻ em khỏi Ukraina. Việc thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bị Tòa phát lệnh bắt giữ là một trong các lý do khiến Donald Trump đưa ra sắc lệnh nói trên.
Về tuyên bố chung của 79 nước chống sắc lệnh của tổng thống Mỹ, từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Bénazet cho biết cụ thể :
« Tuyên bố phản đối sắc lệnh của tổng thống Mỹ để biểu thị sự ủng hộ đối với Tòa Án Hình Sự Quốc Tế đã được 79 quốc gia trên thế giới ký tên. Tuyên bố nhấn mạnh quyết định của Donald Trump “làm tăng nguy cơ không bị trừng phạt đối với những tội ác nghiêm trọng nhất và đe dọa làm suy yếu luật pháp quốc tế”.
Những người khởi xướng văn bản này bao gồm nhiều nước châu Âu, như Slovenia và Luxembourg, cùng với Pháp và Đức. Có một nước châu Âu là ngoại lệ : thủ tướng Hungary Viktor Orban muốn rút Hungary khỏi Quy chế Roma, văn bản sáng lập Tòa án quốc tế này.
Ủy Ban Châu Âu cho biết “có khả năng có các biện pháp đáp trả”. Bruxelles không nêu chi tiết, nhưng rõ ràng đây là luật ngăn chặn, đã được thông qua gần ba mươi năm trước để chống lại lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Libya, Iran và Cuba. Luật này đơn giản là cấm công dân Liên Âu hoặc các công ty châu Âu tuân thủ các quyết định của nước ngoài và còn trao cho họ quyền khiếu nại lên các tòa án châu Âu. »
Theo Reuters, tổng thống Mỹ đã ký sắc lệnh hành pháp nói trên sau khi nỗ lực của đảng Cộng Hòa nhằm thông qua luật trừng phạt Tòa Hình Sự Quốc Tế bị phe Dân Chủ trong Thượng Viện ngăn chặn hồi tuần trước.
Vẫn theo một số các nguồn tin của Reuters, Tòa án đã dự kiến trước một số biện pháp bảo vệ nhân viên trước các lệnh trừng phạt có thể của Hoa Kỳ, với việc « trả lương trước ba tháng », không để hoạt động xét xử của tòa án bị tê liệt.
**********
Chiến tranh Nga - Ukraina : Trump và Zelensky có thể gặp nhau tuần tới
Hôm qua, 07/02/2025, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết Mỹ và Ukraina đang chuẩn bị « nhiều cuộc họp » trong những tuần sắp tới. Về phần mình, trong một cuộc trả lời báo giới tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định lãnh đạo hai nước « có thể » gặp nhau ngay trong tuần tới.
Ảnh ghép : Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (T) và tổng thống Mỹ Donald Trump.AFP - LUDOVIC MARIN,RYAN M. KELLY
Theo AFP, trong một thông báo trên mạng X, tổng thống Ukraina thông báo « các cuộc họp và thảo luận ở cấp chuyên gia » đang được xúc tiến, hai bên trong hiện tại đang bàn về « các chi tiết cụ thể ». Tổng thống Zelensky không nhắc đến cuộc gặp có thể có với Donald Trump vào tuần tới, nhưng nhấn mạnh rằng « các hoạt động ngoại giao dự kiến sẽ dồn dập trong những tuần lễ sắp tới ».
Trong bài phát biểu hàng ngày hôm 07/02, tổng thống Ukraina cho biết các binh sĩ Bắc Triều Tiên đã bắt đầu trở lại tỉnh biên giới Kursk của Nga, để hỗ trợ quân Nga trong nỗ lực đẩy lùi quân Ukraina ra khỏi lãnh thổ. Trước đó, theo Kiev, Bắc Triều Tiên buộc phải rút quân do chịu tổn thất nặng nề. Tổng thống Zelensky một lần nữa nhấn mạnh là chiến dịch tại tỉnh Kursk cho phép Ukraina kìm chân khoảng « 60.000 quân Nga » tại mặt trận này.
« Một km² đất Kursk giá trị hơn ở Toretsk »
Hôm qua, sau nhiều tháng đọ sức, bộ Quốc Phòng Nga cho biết quân Nga đã chiếm được thị xã Dzerjinsk, tên Nga dùng để chỉ Toretsk, một vùng mỏ quan trọng tại miền đông Ukraina, nơi cư trú của khoảng 30.000 dân trước chiến tranh, nay đã trở thành đống đổ nát. Trả lời RFI, chỉ huy một lữ đoàn Ukraina chiến đấu tại chỗ, cho biết quân Nga chưa kiểm soát được toàn bộ thành phố và chiến sự vẫn tiếp diễn.
Về việc Ukraina mất thành phố Toretsk, trong cuộc trả lời phỏng vấn RFI, chuyên gia về Nga Ulrich Bounat nhấn mạnh, để giành lợi thế đàm phán, Kiev đã dành nhiều nỗ lực để bảo vệ Kursk hơn là một địa điểm vùng Donbass:
« Về mặt chiến lược, đối với Bộ Tổng tham mưu Ukraina, một cây số vuông lãnh thổ tại tỉnh Kursk có giá trị hơn là một cây số vuông tại Toretsk. Quân đội Ukraina đang trong thế trận co lại, vì thế họ buộc phải lựa chọn. Hiển nhiên là, trong quyết định này, vùng Donbass ít có giá trị hơn trong các đàm phán so với vùng Kursk. Tuy nhiên, cũng không thể nói là quân đội Ukraina sẽ sụp đổ, bởi như chúng ta thấy, quân Nga phải mất nhiều tháng mới chiếm được thành phố này. Thời gian nói trên cho phép quân đội Ukraina có thời gian để củng cố tuyến phòng ngự phía sau. »
(AFP) – Hồng Kông, hôm nay, 07/02/2025, đệ đơn kiện Hoa Kỳ lên Tổ chức Kinh tế Thế giới WTO. Hồng Kông cho rằng việc tăng thuế và chính sách thuế quan của Mỹ hoàn toàn trái với các quy định của WTO và không hề xét đến việc đặc khu này là « một lãnh thổ hải quan riêng biệt », với Trung Quốc, mặc dù về mặt chính trị vẫn là « một phần không thể tách rời » với Bắc Kinh. Vài ngày sau khi nhậm chức, tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định tăng thêm 10% thuế hải quan đối với hàng hóa từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Bắc Kinh đáp trả bằng cách cũng nâng mức thuế quan đối với một loạt sản phẩm của Mỹ và đệ đơn khiếu nại lên WTO.
(AFP) – Đài Loan phát hiện 6 khinh khí cầu của Trung Quốc bay gần hòn đảo. Các khinh khí cầu của Trung Quốc đã nhiều lần được Đài Loan phát hiện, nhưng đây là lần đầu tiên Bắc Kinh triển khai với số lượng lớn đến vậy. Ngoài các khinh khí cầu, bộ Quốc Phòng Đài Loan hôm nay, 07/02/2025, cũng cho biết trong cùng thời gian này, đã phát hiện 9 máy bay quân sự, 6 tàu chiến và 2 « tàu chính thức » của Trung Quốc hoạt động gần hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Các máy bay được cho là chở nhiều thiết bị điện tử, bay qua các căn cứ quân sự dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh đang tiến hành các hoạt động tình báo, thu thập thông tin.
(AFP) – Ấn Độ : Hơn 420 triệu người theo Ấn Độ giáo tham gia vào thánh lễ Kumbh Mela. Chính phủ New Delhi hôm nay, 07/02/2025, cho biết hơn 420 triệu tín đồ đã đến tắm tại những con sông linh thiêng tại miền mắc nước này từ giữa tháng Giêng, nhân lễ Kumbh Mela. Tuy nhiên khó có thể xác nhận con số này một cách độc lập vì tương đương với dân số của cả Hoa Kỳ và Canada gộp lại. Theo truyền thống tôn giáo, nghi thức tắm tại những dòng sông thánh này cho phép gột rửa những tội lỗi ngăn cản khả năng được đầu thai. Sự kiện này diễn ra từ ngày 13/01 đến ngày 26/02/2025.
(AFP) – Colombia mở một tuyến hàng hải thương mại mới với Trung Quốc. Theo thông báo từ bộ Thương Mại Colombia hôm qua, 06/02/2025, hàng hóa của nước này sẽ đi từ thành phố Buenaventura, qua cảng Chancay của Peru do Bắc Kinh tài trợ và cập bến cảng Thượng Hải của Trung Quốc. Giới chuyên gia nhận định dự án này cho thấy Colombia đang tìm cách “tăng cường” quan hệ với Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao với Hoa Kỳ.
(AFP) – Hoa Kỳ : Máy bay chở 10 người biến mất khi đang bay trên biển. Cảnh sát địa phương hôm qua, 06/02/2025, cho biết chiếc Boeing Cessna Caravan đã mất tích vào khoảng 1 giờ sáng (giờ quốc tế) khi bay qua vịnh Norton Sound, trên biển Bering, giáp Alaska. Các đội cứu hộ đang cố gắng tìm kiếm tọa độ cuối cùng của máy bay trước khi nó biến mất.
(AFP) – Pháp bắt giữ hơn 4000 kẻ buôn người trong năm 2024. Thông tin được ông Xavier Delrieu, người đứng đầu Văn phòng chống buôn người di cư (Oltim), đưa ra trong cuộc phỏng vấn được tờ Le Figaro đăng tải hôm nay, 07/02/2025. Quan chức này cho biết trong năm ngoái, Pháp ghi nhận hơn 600 chuyến vượt biển, chở theo 36.000 di dân bất hợp pháp đến bờ biển Anh. Bộ trưởng Nội Vụ Pháp Bruno Retailleau cũng dự kiến công bố vào hôm nay các biện pháp chống lại mạng lưới nhập cư trái phép, đặc biệt là về tình báo và tăng cường trang thiết bị.
(AFP) – Trung Quốc tố cáo Mỹ gây áp lực với các nước ở châu Mỹ Latinh xa lánh Bắc Kinh. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc trong thông cáo sáng nay 07/02/2025 chỉ trích Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên « tư tưởng từ thời chiến tranh lạnh » gây sức ép với các nước ở châu Mỹ Latinh. Tổng thống Trump liên tục đòi « thu hồi » kênh đào Panama để kềm tỏa ảnh hưởng của Bắc Kinh sát cạnh cửa ngõ của Hoa Kỳ. Sau chuyến công tác của ngoại trưởng Marco Rubio, Panama thông báo ngừng tham gia dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc kể từ 2026.
(AP) – Phó tổng thống Philippines Sara Duterte tuyên bố sẵn sàng chuẩn bị đối mặt với thủ tục đòi truất phế bà. Hai ngày sau khi bị Hạ viện Philippines đòi truất phế, ngày 07/02/2025 nhân vật số 2 trong chính quyền ở Manila khẳng định bà sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống, nhưng từ chối cho biết bà sẽ có từ chức hay không nếu bị bất tín nhiệm. AP lưu ý : nếu bị truất phế thì đây sẽ là một vố đau cho gia đình Duterte có lập trường thân Trung Quốc.
**********
Tin tức thế giới 8-2: Ông Trump sắp gặp ông Zelensky; Tòa án ngăn ông Trump giải thể USAID
NGHI VŨ
7–8 minutes
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tại Nhà Trắng ngày 7-2 - Ảnh: REUTERS
Ông Trump tạm cho tiếp tục chính sách "de minimis"
Theo sắc lệnh của ông Trump công bố ngày 7-2, Mỹ sẽ tạm thời cho phép các gói hàng nhỏ lẻ, giá trị thấp từ Trung Quốc được miễn thuế cho đến khi Bộ Thương mại Mỹ có thể xác nhận việc đã hình thành các thủ tục và hệ thống để thông quan các gói hàng loại này và thu thuế.
Tổng thống Donald Trump cuối tuần trước đã công bố các mức thuế mới đối với hàng hóa từ Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 4-2. Quyết định mới này cũng đình chỉ quy định miễn thuế đối với hàng nhập khẩu trị giá dưới 800 USD vào Mỹ, sau khi việc này bị theo dõi chặt chẽ.
Các quan chức Mỹ cho rằng sự phát triển của các hãng bán lẻ trực tuyến có nguồn gốc từ Trung Quốc như Shein và Temu là yếu tố chính dẫn đến sự gia tăng các gói hàng nhỏ lẻ, giá trị thấp thường được nhiều nước miễn thuế.
Tuy nhiên, quyết định mới của chính quyền Mỹ có nguy cơ gây chậm trễ lớn trong việc chuyển các gói hàng loại này từ cả hai công ty trên vào Mỹ, do phải qua khâu kiểm tra để tính thuế.
Theo số liệu của Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ, số lượng gói hàng nhỏ lẻ, giá trị thấp vốn được miễn thuế trước đây đã tăng từ khoảng 139 triệu gói trong năm tài chính 2015 lên hơn 1 tỉ gói trong tài khóa 2023.
Tòa án tạm ngăn ông Trump giải thể USAID
Ngày 7-2 (giờ Mỹ), Thẩm phán tòa án quận Colombia (Washington D.C) Carl Nichols cho biết ông sẽ ban hành lệnh hạn chế tạm thời ngăn chặn chính quyền Tổng thống Donald Trump thực hiện một số bước nhằm giải thể USAID. Trước đó, hai công đoàn công nhân viên chức Chính phủ Mỹ đệ đơn kiện liên quan đến vấn đề này.
Trong phiên điều trần diễn ra một ngày sau khi Liên đoàn Công nhân Chính phủ Mỹ và Hiệp hội Dịch vụ đối ngoại Mỹ nộp đơn kiện ông Trump, Thẩm phán Nichols cam kết 2.200 nhân viên của USAID sẽ không bị cho nghỉ hành chính ngay lập tức.
"Việc cắt giảm lớn lực lượng, cũng như đóng cửa văn phòng, buộc di dời những cá nhân này đều được thực hiện vượt quá thẩm quyền của cơ quan hành pháp, vi phạm sự phân chia quyền lực", bà Karla Gilbride, luật sư của các công đoàn, phân tích tại phiên điều trần.
Trước đó, chính quyền ông Trump trong thông cáo gửi đến các nhân viên của USAID cho biết họ sẽ giữ lại 611 nhân sự thiết yếu trong số hơn 10.000 nhân sự trên toàn thế giới của cơ quan này, Reuters đưa tin.
Người dân phản đối việc chính quyền ông Trump giải thể Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) trước tòa nhà của cơ quan này hôm 3-2 - Ảnh: REUTERS
Ông Trump sa thải đặc vụ FBI điều tra vụ nổi loạn Đồi Capitol
Ngày 7-2 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ sa thải một số đặc vụ FBI tham gia vào cuộc điều tra vụ tấn công Đồi Capitol ngày 6-1-2021.
Phát biểu trong một cuộc họp báo cùng với thủ tướng Nhật Bản tại Nhà Trắng, ông Trump không đưa ra thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào về số lượng đặc vụ sẽ bị sa thải hoặc thời điểm sa thải.
"Tôi sẽ sa thải một số người trong số họ vì một số đã tham nhũng", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Trump.
Trước đó, chính quyền của vị tổng thống này cũng đồng ý với một thỏa thuận rằng họ sẽ không công khai tên của các nhân viên FBI tham gia điều tra vụ nổi loạn Đồi Capitol, sau khi hai nhóm đặc vụ FBI kiện Bộ Tư pháp để ngăn chặn các quan chức tiết lộ danh tính các đặc vụ nhằm đảm bảo an toàn.
Theo các điều khoản của thỏa thuận, Bộ Tư pháp sẽ không được công bố danh tính các đặc vụ liên quan cho đến ít nhất là cuối tháng 3-2024. Bộ này cũng đồng ý sẽ thông báo cho nguyên đơn trước hai ngày nếu quyết định công bố tên trong tương lai.
Ông Trump sắp gặp ông Zelensky
Ngày 7-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông có khả năng sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tuần tới để thảo luận về chiến sự Ukraine.
Ông Trump đưa ra phát biểu trên trong buổi tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tại Phòng Bầu dục, nhưng không nói rõ cả hai sẽ có một cuộc gặp trực tiếp hay trực tuyến.
Theo Reuters, ông Trump nói ông "có thể sẽ gặp Tổng thống Zelensky vào tuần tới", và cũng một lần nữa bày tỏ sự quan tâm đến việc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Khi được hỏi về địa điểm cho cuộc gặp với ông Zelensky, ông Trump nhấn mạnh "tôi đang ở đây", tại Washington và cho biết ông sẽ không đến Ukraine.
Tôi muốn thấy nó kết thúc. Đó là một cuộc chiến vô lý", ông Trump phát biểu.
Ông Trump lưu ý thêm ông muốn thảo luận với ông Zelensky về vấn đề an ninh cho các tài sản của Ukraine như đất hiếm, và muốn "một lượng tương đương" để đổi lấy sự hỗ trợ của Mỹ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - Ảnh: REUTERS
Meta sa thải hàng loạt nhân viên trên khắp thế giới
Trong một bản ghi nhớ nội bộ Reuters xem được vào hôm 6-2, Meta có kế hoạch thực hiện một đợt cắt giảm nhân sự với quy mô toàn công ty trong tuần tới.
Theo nội dung do Trưởng phòng nhân sự của Meta Janelle Gale viết, thông báo sẽ được gửi đến những nhân sự bị mất việc bắt đầu từ 5h00 sáng 10-2 theo giờ địa phương ở hầu hết các quốc gia, bao gồm ở Mỹ.
Nhân viên tại Đức, Pháp, Ý và Hà Lan sẽ được miễn trừ khỏi việc cắt giảm "do các quy định của địa phương", trong khi những người ở hơn một chục quốc gia khác trên khắp châu Âu, châu Á và châu Phi sẽ nhận được thông báo của họ trong khoảng thời gian từ ngày 11-2 đến ngày 18-2, bản ghi nhớ cho biết.
Trong khi đó, một bản ghi nhớ khác do Phó chủ tịch kỹ thuật của Monetization Peng Fan ban hành ngày 7-2 lại yêu cầu các nhân viên tuyển dụng tại Meta hỗ trợ việc tuyển dụng nhanh chóng đối với các kỹ sư học máy và một số vị trí kỹ thuật quan trọng khác.
Mexico tiếp nhận gần 11.000 người di cư bị Mỹ trục xuất
Ngày 7-2, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho biết nước này đã tiếp nhận gần 11.000 người di cư bị Mỹ trục xuất kể từ ngày 20-1, thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức.
Bà cho biết con số này bao gồm khoảng 2.500 người không phải công dân Mexico.
Đầu tuần này, bà Sheinbaum đã đạt thỏa thuận với ông Trump về việc tạm hoãn kế hoạch áp thuế lên hàng hóa Mexico. Đổi lại, Mexico sẽ triển khai hàng nghìn cảnh sát tới biên giới phía bắc giáp Mỹ nhằm tiếp tục làm giảm dòng người di cư tới Mỹ.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ sáng cùng ngày, bà Sheinbaum cho biết thêm Mexico cũng đã hồi hương những người di cư bị trục xuất về Honduras bằng cả đường không và đường bộ. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh việc hồi hương này không phải sự cưỡng ép, mà là sự tự nguyện.
Trốn bụi mịn
Một nhân viên từ Bộ Y tế Thái Lan hướng dẫn cách sử dụng buồng lọc không khí giá rẻ để chống lại tác động của bụi mịn PM2.5, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, tại một địa điểm ở thành phố Nonthaburi, miền trung Thái Lan ngày 6-2 - Ảnh: AFP
************
« Kiểm soát » Gaza: Mỹ khởi động lại kế hoạch đã chết yểu cùng với hiệp định Oslo ?
Tuyên bố của tổng thống Donald Trump về kế hoạch Hoa Kỳ « kiểm soát » dải Gaza của người Palestine, biến mảnh đất hoang tàn này thành một vùng trù phú, để lại nhiều dư âm. Washington đòi chiếm Groenland của Đan Mạch vì tài nguyên thiên nhiên, đòi thâu tóm Canada vì dầu khí, « thu hồi » kênh đào Panama để kềm tỏa Trung Quốc. Chiếm đóng Gaza có lợi gì cho Mỹ và cho nhà tỷ phú địa ốc New York ?
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
5 phút
Người dân Palestine đi di tản, trú ẩn trong một khu định cư lều trại dọc bờ biển Địa Trung Hải, phía tây Deir al-Balah, dải Gaza. Ảnh chụp ngày 20/08/2024.AP - Abdel Kareem Hana
Mặc dù Nhà Trắng đã đính chính nhưng vẫn chưa xua tan câu hỏi vì mục đích gì và nguyên thủ Mỹ « đùa hay thật » khi đòi kiểm soát Gaza, sát cạnh biên giới với Israel và Ai Cập ? Ở nhiệm kỳ đầu 2017-2021, tổng thống Mỹ thứ 45 đã nhiều lần khiến công luận bàng hoàng trước những tuyên bố « ngược đời » như khi ông quả quyết rằng nước tẩy rửa javel có thể trị virus gây đại dịch Covid 19. Trong nhiệm kỳ 2, trước khi trở lại cầm quyền, ông Trump khẳng định chỉ cần 24 giờ để chấm dứt chiến tranh Ukraina… Về chảo lửa ở Trung Đông, trong chưa đầy 2 tuần lễ ở cương vị tổng thống Mỹ thứ 47, ông đưa ra hai tuyên bố mạnh đòi trục xuất người Palestine khỏi Gaza, đưa họ sang Ai Cập hay Jordanie. Rồi Washington không loại trừ khả năng « sử dụng kể cả sức mạnh quân sự » để kiểm soát dải Gaza của người Palestine.
Gaza là một dải đất chật hẹp với chưa dầy 400 km2 (bằng một nửa diện tích của Singapore), đặt dưới sự kiểm soát của Ai Cập từ năm 1948 cho đến năm 1967. Từ 2023 Gaza bị quân đội Israel phong tỏa, gần 2 triệu người Palestine lâm vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo « chưa từng thấy ». Nếu có kiểm soát được vùng đất này đi chăng nữa thì Mỹ có lợi ích gì ?
Một số nhà quan sát ghi nhận : Donald Trump là một tỷ phú địa ốc, một phần cơ nghiệp hiện nay có được là nhờ đã đầu tư vào những vùng « đầm lầy » ở New York, khi mà giá nhà đất còn rẻ như bèo vì không mấy ai muốn lui tới. Liệu rằng tổng thống Trump và những người thân cận đang trông thấy ở dải Gaza, một vị trí chiến lược về mặt kinh tế và là một địa điểm du lịch đầy tiềm năng trong tương lai ?
Lập luận này càng được châm thêm củi lửa khi mà Jared Kushner, con rể của tổng thống Hoa Kỳ và cũng là người từng được ông chỉ định đặc trách về hồ sơ Trung Đông ở nhiệm kỳ trước, gần đây từng bình luận « Gaza có triển vọng phát triển còn hơn cả Monaco » với rất nhiều những khu vực « hướng ra biển rất thuận lợi » và sẽ rất tốt cho mục tiêu phát triển du lịch.
Có lẽ không hẳn như thế vì từ đầu thập niên 1990, vài ngày trước khi đặt bút ký vào hiện định Oslo ở Camp David (ngày 13/09/1993) với thủ lĩnh Palestine Yasser Arafat, Shimon Peres trong cương vị ngoại trưởng Israel từng khẳng định Gaza có triển vọng trở thành một vùng đất giàu có, phát triển như « một Singapore của Trung Đông ». Theo lời Yoram Dori, nguyên cố vấn của ông Peres, dải Gaza có được ổn định và thịnh vượng thì Palestine mới hợp tác và chung sống trong hòa bình với Israel. Trong giả thuyết này, các chương trình phát triển Gaza sẽ do các kế hoạch viện trợ của cộng đồng quốc tế đài thọ. Nói cách khác hơn 30 năm trước đây, Israel đã xem phát triển kinh tế trong khu vực là chìa khóa mang lại hòa bình và ổn định cho Trung Đông.
Ý tưởng của ngoại trưởng Peres khi đó từng được lãnh tụ Palestine Yasser Arafat tán đồng. Tháng 8/1994 chủ tịch Cơ Quan Quyền Lực Palestine tuyên bố ý tưởng này không hoàn hảo nhưng ông cũng tin tưởng là « Gaza rồi sẽ phồn thịnh và trở thành một Singapore ở Trung Đông ». Nhưng rồi hiệp định Oslo đã chết yểu. Trung Đông lún sâu vào vòng xoáy bạo động với những cuộc chiến tranh ném đá liên tiếp và cho đến tận loạt khủng bố đẫm máu trên lãnh thổ Israel hồi tháng 10/2023.
Vậy phải chăng tổng thống Trump qua các tuyên bố gần đây về Trung Đông, về Gaza, về số phận người dân Palestine nhằm khởi động lại kế hoạch từng nảy sinh từ hơn 3 thập niên trước ?
Không ai phủ nhận lập trường của tổng thống Trump đứng về phía Nhà nước Do Thái và ông cũng là điểm tựa then chốt của thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Tuy nhiên, những tuyên bố của chủ nhân Nhà Trắng đòi trục xuất người Palestine khỏi Gaza khiến công luận quốc tế ngỡ ngàng, đặt các nước Ả Rập thân Mỹ trong thế « kẹt ». Từ Ai Cập đến Jordanie hay Ả Rập Xê Út đồng loạt chống đối mọi kế hoạch cưỡng bức người Palestine đi nơi khác định cư vì hai lý do : Ai Cập và Jordanie không muốn tiếp nhận thêm người tị nạn Palestine. Cairo luôn coi đây là một « lằn ranh đỏ » không thể vượt qua vì coi đó vừa là một dấu chấm hết đòi công lý cho người Palestine, vừa xem các làng sóng người tị nạn từ Gaza tràn vào lãnh thổ Ai Cập như một mối đe dọa cả về kinh tế lẫn an ninh. Về phần Jordanie và Ả Rập Xê Út thì công luận tại hai quốc gia Ả Rập này không chấp nhận để kịch bản Nakba tái diễn sau « tai họa năm 1948 »
Trước mắt chỉ biết rằng, những tuyên bố bất lường của tổng thống Trump luôn bắt mọi người phải chú ý. Không ai đoán được rằng đây chỉ là một đòn hù dọa, một nước « cờ bạc bịp » để rồi Nhà Trắng sẽ dơ cao đánh khẽ hay trong những tuyên bố đó là một phần chiến thuật để Washington định hướng công luận …
*********
500 triệu trẻ em Đông Á và Thái Bình Dương phải hít thở không khí ô nhiễm hàng ngày
Chi Phương
4–5 minutes
Theo một báo cáo của Quỹ Nhi Đồng Quốc Tế (UNICEF), công bố hôm qua, 06/02/2025, mỗi ngày, 100 trẻ em tử vong vì ô nhiễm không khí tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, trong đó, có Việt Nam, Thái Lan. Hơn 500 triệu trẻ em phải hít thở không khí với mức độ ô nhiễm đáng báo động.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
3 phút
Tại Hà Nội, chỉ số ô nhiễm không khí của thủ đô Việt Nam với hơn 9 triệu cư dân, thường xuyên lên tới hơn 200 microgam trên mét khối (theo đo lường của IQAir), gấp 15 lần mức phơi nhiễm trung bình hàng ngày tối đa do WHO khuyến nghị.
Bác sĩ Lê Thị Hồng Hanh, giám đốc trung tâm hô hấp của bệnh viện Nhi Trung Ương tại Hà Nội, trả lời UNICEF trong một video đăng trên mạng xã hội X, cho biết : « Số lượng bệnh nhân đến khám vì bệnh lý hô hấp, cũng như là bệnh nhân nhập viện vì bệnh lý hô hấp chiếm tỷ lệ cao nhất so với bệnh lý khác của trẻ thường gặp. Nếu trẻ sinh non, ít cân, môi trường lại có khói bụi, cũng có thể là những yếu tố, nguy cơ gây ra những bệnh lý về đường hô hấp. »
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội, Việt Nam
Để hiển thị nội dung X (Twitter) này, phải chấp nhận các cookie quảng cáo và đo lường đối tượng.
Còn tại nước láng giềng Thái Lan, hồi tháng Một, hơn 352 trong số 437 trường học ở thủ đô Bangkok đã phải đóng cửa, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 của nước này thường ở mức báo động đỏ.
Thông tín viên Valentin Cebron từ Bangkok cho biết thêm thông tin :
« Từ nhiều tuần qua, Bangkok ngay từ sáng sớm đã bị bao phủ bởi một lớp sương mù dày đặc độc hại. Trên các đường phố sôi động của thủ đô Thái Lan, gần như tất cả mọi người đều đeo khẩu trang để tự bảo vệ khỏi không khí độc hại, nhất là trẻ em, đối tượng đặc biệt dễ gặp rủi ro.
Trong một hội thảo được tổ chức ở Bangkok, Nicholas Rees, chuyên gia về vấn đề môi trường ở UNICEF tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, nhấn mạnh rằng mỗi ngày trong khu vực này, ô nhiễm không khí lấy đi sinh mạng của hơn 100 trẻ em dưới năm tuổi :
« Đây là điều đặc biệt đáng lo ngại. Hàng triệu trẻ em trong khu vực bị nhiễm không khí độc hại, gây ra cái chết của 38 000 người mỗi năm. Thông thường, đây là những đứa trẻ sơ sinh không sống nổi đến sinh nhật đầu tiên của mình, hoặc những em bé vốn đã mắc các chứng bệnh đường hô hấp ».
Lãnh đạo bộ phận bảo vệ quyền trẻ em của UNICEF tại khu vực, Eliane Luthi, giải thích rằng ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến những người nghèo nhất trước hết : « Những đứa trẻ có gia đình sống trong cảnh nghèo đói, không đủ tiền mua loại bếp sạch, khẩu trang hay máy lọc không khí, và họ phải trả giá bằng sức khỏe, nền giáo dục và tương lai của mình.»
Tổng cộng, gần 25 % trẻ em tử vong trong khu vực này có liên quan đến ô nhiễm không khí. Đây là yếu tố rủi ro gây tử vong đứng thứ hai, ở trẻ sơ sinh dưới năm tuổi, chỉ sau suy dinh dưỡng. »
Báo cáo của UNICEF cũng chỉ ra rằng 373 triệu trẻ em sống ở những khu vực có nồng độ nitơ dioxide ở mức nguy hiểm. Loại khí thải này đến từ phương tiện giao thông và các công trình công nghiệp.
Gần một nửa lượng ô nhiễm bụi mịn PM2.5 ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực là đến từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, sinh khối và chất thải nông nghiệp. Đây cũng là những tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.
UNICEF cảnh báo rằng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cực đoan ngày càng trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu, và ô nhiễm không khí dự kiến sẽ trở thành mối đe dọa lớn hơn nữa.
**********
Donald Trump « tấn công » Tòa án Hình sự Quốc tế vì các cuộc điều tra nhắm vào Israel
Chi Phương
3–4 minutes
Hôm qua, 06/02/2025, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký một sắc lệnh, đưa ra các trừng phạt đối với Tòa án Hình sự Quốc Tế (CPI) vì định chế này đã mở các điều tra về tội ác chiến tranh mà quân đội Israel có thể tiến hành tại dải Gaza. Liên Hiệp Châu Âu đã nhanh chóng lên án quyết định này. CPI kêu gọi 125 quốc gia thành viên « đoàn kết » để bảo vệ công lý và nhân quyền.
Đăng ngày:
3 phút
Thông tín viên Guillaume Naudin từ Washington tường trình :
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chỉ trích Tòa án Hình sự Quốc tế về « những hành động bất hợp pháp, không có căn cứ chống lại Hoa Kỳ và Israel, đồng minh thân cận của nước này ». Tổng thống cũng đề cập đến việc lạm dụng quyền lực. Ông Trump chỉ trích Tòa án về những cuộc điều tra sơ bộ chống lại các nhân viên của Hoa Kỳ, ám chỉ cuộc điều tra nhắm vào các binh lính Hoa Kỳ về tội ác chiến tranh ở Afghanistan.
Nhưng trên hết, ông Trump lên án các lệnh bắt giữ mà tòa đưa ra đối với thủ tướng Israel Benjamin Netanyahou và cựu bộ trưởng Quốc Phòng Yoav Gallant, những người chỉ đạo phần lớn cuộc chiến của Nhà nước Do Thái tại dải Gaza, để trả đũa Hamas về vụ tấn công ngày 07/10/2023. Tổng thống Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng cả Hoa Kỳ và Israel đều không phải là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế và cả hai nước đều nằm ngoài thẩm quyền của cơ quan này.
Các lệnh trừng phạt mà Hoa Kỳ bao gồm : hạn chế cấp thị thực cho những thành viên của Tòa phụ trách các vụ tố tụng, hay gia đình của họ, cũng như là đóng băng tài sản của những người này tại Hoa Kỳ. Donald Trump ký sắc lệnh này, trong lúc thủ tướng Benjamin Netayahou vẫn đang ở Washington trong chuyến thăm đến Mỹ.
Chuyến công du này, Donald Trump đã đưa ra những phát biểu gây sốc, đề xuất sơ tán những người Palestine khỏi dải Gaza, và đưa ra ý tưởng biến khu vực này trở thành một địa điểm du lịch. »
Trước quyết định của chính quyền của Donald Trump, Tòa án Hình sự Quốc tế đã ra thông cáo, khẳng định hoàn toàn ủng hộ các nhân viên của mình và cam kết « tiếp tục mang lại công lý, hy vọng cho hàng triệu nạn nhân vô tội trên toàn thế giới ».
Bà Ravina Shamdasani, phát ngôn viên của Phủ Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc hôm nay, đã đề nghị Hoa Kỳ xem xét lại các trừng phạt được đưa ra đối với CPI.
Về phần mình, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Antonio Costa, trên mạng xã hội X, cho rằng sắc lệnh của Hoa Kỳ là « mối đe dọa » đối với tính độc lập của định chế tư pháp quốc tế, và việc trừng phạt cơ quan này «làm suy yếu toàn bộ hệ thống tư pháp quốc tế ».
***********
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Chính quyền ông Trump ‘coi trọng’ hợp tác với VN
Bộ trưởng Quốc Việt Nam Phan Văn Giang và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Pete Hegseth. Photo: Reuters.
Ngày 7/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang điện đàm về hợp tác song phương trong thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Giang chúc mừng ông Hegseth được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng thứ 29 của Hoa Kỳ, đồng thời tái khẳng định cam kết của Việt Nam đối với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động hội nhập quốc tế, Bộ Quốc phòng Việt Nam đưa tin.
Bộ trưởng Hegseth khẳng định rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump “luôn coi trọng và đánh giá cao” quan hệ hợp tác với Việt Nam, vẫn theo Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Ông Hegseth đồng thời bày tỏ mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ nói chung và quan hệ hợp tác quốc phòng song phương nói riêng thông qua các nội dung đã thống nhất, trong đó trọng tâm là hoạt động hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh.
“Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là đối tác chiến lược hàng đầu”, ông Giang nhấn mạnh và bày tỏ vui mừng trước sự hợp tác quốc phòng mạnh mẽ giữa hai nước thời gian qua.
Đánh giá hợp tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh là một điểm sáng trong quan hệ quốc phòng song phương, ông Giang ca ngợi những nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc giải quyết vấn đề này, đặc biệt là cam kết tiếp tục xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa, hỗ trợ người khuyết tật, rà phá bom mìn và tìm kiếm, hồi hương hài cốt quân nhân Việt Nam.
Ngoài ra, bộ trưởng quốc phòng Việt Nam cũng ghi nhận sự hợp tác giữa hai nước trong việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh, nhấn mạnh tầm quan trọng của những sáng kiến này trong việc thúc đẩy tinh thần gác lại quá khứ và hướng tới tương lai.
Dịp này, ông Giang cũng mời ông Hegseth thăm chính thức Việt Nam trong năm nay.
Lầu Năm Góc chưa đưa tin về cuộc điện đàm giữa Bộ Trưởng Hegseth và Bộ trưởng Giang.
Trong bài phát biểu với nhân viên tại Lầu Năm Góc hôm 7/2, ông Hegseth cho biết Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu ông “không duy trì hiện trạng” của Bộ Quốc phòng Mỹ và lưu ý rằng dưới sự lãnh đạo của ông, quân đội “sẽ thực hiện những cách tiếp cận khác thường”, theo trang Defense News.
***********
Các câu hỏi pháp lý xoay quanh kế hoạch giam giữ di dân tại Guantanamo
Việc chính quyền Trump mở rộng các cơ sở giam giữ di dân, đặc biệt là việc sử dụng căn cứ hải quân Hoa Kỳ tại Vịnh Guantanamo, Cuba, đã làm bùng nổ cuộc tranh luận giữa những người ủng hộ nhân quyền và các chuyên gia pháp lý.
Tổng thống Donald Trump đã vận động tranh cử với lời hứa hạn chế di dân hợp pháp và trục xuất di dân bất hợp pháp.
Cuối tháng trước, ông đã chỉ thị cho chính quyền chuẩn bị cơ sở giam giữ tới 30.000 di dân trái phép thuộc diện “ưu tiên cao” có tiền án. Nhóm đầu tiên đã đến đó hôm 4/2.
Bị các quan chức chính quyền mô tả là “những kẻ tồi tệ nhất trong những kẻ tồi tệ nhất”, nhóm này được Bộ An ninh Nội địa xác định là một phần của tổ chức tội phạm xuyên quốc gia “Tren de Aragua”, mà Hoa Kỳ đã chỉ định là một tổ chức khủng bố nước ngoài vào ngày 20 tháng 1.
VOA đã yêu cầu Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ ICE cho biết về những tội trạng mà nhóm di dân này phạm phải. ICE đề nghị VOA liên hệ với Bộ An ninh Nội địa, nhưng cơ quan này vẫn chưa trả lời email.
Bà Miriam Pensack, một nhà sử học nghiên cứu về Mỹ Latin và Caribê và là học giả hậu đại học tại Đại học Princeton, cho biết chính phủ Hoa Kỳ đã sử dụng Vịnh Guantanamo để giam giữ di dân trong 30 năm.
“Có một văn phòng ICE tại Guantanamo. ... Nhưng rõ ràng là những gì chúng ta đang thấy hiện nay là sự mở rộng đáng kể về khả năng đó”, bà nói.
Quyết định sử dụng căn cứ hải quân làm trung tâm giam giữ di dân của ông Trump diễn ra sau khi ông ký Đạo luật Laken Riley, trong đó yêu cầu giam giữ những người bị buộc tội trộm cắp hoặc tội bạo lực khi ở trong nước Mỹ một cách bất hợp pháp.
Những người ủng hộ cho rằng việc sử dụng Guantanamo sẽ giảm bớt áp lực lên các cơ sở giam giữ quá tải và đóng vai trò răn đe mạnh mẽ hơn đối với những người vượt biên trái phép vào Hoa Kỳ.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Pete Hegseth đã mô tả Guantanamo là “nơi hoàn hảo” để giam giữ di dân khi ông đến thăm biên giới với Mexico.
Ngũ Giác Đài sẽ cung cấp mọi nguồn lực cần thiết “để hỗ trợ việc trục xuất và giam giữ những người ở trong nước chúng ta một cách bất hợp pháp”, ông nói với Agence France-Presse.
Guantanamo và việc giam giữ di dân
Hoa Kỳ lần đầu tiên sử dụng Vịnh Guantanamo để giam giữ di dân, chủ yếu là người Haiti và người Cuba xin tị nạn dưới thời Tổng thống George H.W. Bush, vào đầu những năm 1990.
Sau cuộc đảo chính quân sự ở Haiti năm 1991, hàng nghìn người đã chạy trốn bằng thuyền đến Hoa Kỳ nhưng đã bị chặn bắt trên biển và bị đưa đến Guantanamo. Năm 1994, Guantanamo trở thành trại tù đầu tiên và duy nhất trên thế giới dành cho những người nhiễm HIV, nơi hơn 300 người tị nạn Haiti, bao gồm cả trẻ em, bị giam giữ sau hàng rào kẽm gai.
“Đây là những người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc tàn sát ở đất nước của họ, những người mà nỗi sợ bị ngược đãi đáng tin cậy mà các quan chức Hoa Kỳ đã sàng lọc họ thừa nhận, những người bị giam giữ không vì lý do gì khác ngoài tình trạng HIV của họ. Khi những người này phản đối việc giam giữ, sự đáp ứng thật tàn bạo”, bà Pardiss Kebriaei, luật sư thâm niên tại Trung tâm Quyền Hiến pháp có trụ sở tại Hoa Kỳ, nói với các phóng viên hôm 30/1.
Những thách thức pháp lý cuối cùng đã buộc chính phủ Hoa Kỳ phải thả những người bị giam giữ, tạo ra tiền lệ rằng việc giam giữ vô thời hạn ở nước ngoài mà không có quy trình tố tụng hợp pháp là đáng ngờ về mặt pháp lý.
Năm 2002, chính quyền George W. Bush đã xây dựng một trại giam ở Vịnh Guantanamo để giam giữ những nghi phạm khủng bố sau cuộc xâm lược Afghanistan của Hoa Kỳ ngay sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Nhưng việc sử dụng Guantanamo để giam giữ di dân vẫn tiếp tục với ít nhất hai tổng thống, Bill Clinton và Joe Biden, sử dụng căn cứ này.
Chính quyền Biden đã tìm cách đóng cửa Guantanamo, nhưng Quốc hội không bao giờ thông qua luật này, để lại căn cứ cho mục đích sử dụng trong tương lai.
Bà Pensack nói: “Ý tưởng đóng cửa Guantanamo như một nhà tù là một chuyện; đóng cửa Guantanamo như một căn cứ rộng 116 km vuông tại Cuba lại là chuyện khác”.
Mối quan ngại về pháp lý và nhân quyền
Giới hoạt động cảnh báo rằng các cơ sở giam giữ ngoài khơi cho phép Hoa Kỳ bỏ qua các biện pháp bảo vệ theo hiến pháp trong nước và hạn chế sự giám sát.
Bà Eunice Cho, luật sư tại Dự án Nhà tù Quốc gia ACLU, nói với các phóng viên hôm 30/1 rằng “việc giam giữ những di dân tại các căn cứ quân sự ở Hoa Kỳ và Guantanamo sẽ khiến mọi người phải chịu những điều kiện nguy hiểm ... và tránh sự giám sát của luật sư, báo chí và sự giám sát của quốc hội”.
Theo lịch sử, các thách thức pháp lý đã giúp hạn chế việc giam giữ vô thời hạn tại Guantanamo. Phán quyết của Tòa án Tối cao trong vụ Rasul kiện Bush (năm 2004) đã xác định rằng những người bị giam giữ tại Guantanamo có quyền khiếu nại việc giam giữ của họ tại các tòa án Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chính quyền Trump có thể cố gắng lập luận rằng những người bị giam giữ vì lý do nhập cư dân sự nằm ngoài tiền lệ này.
Mặc dù các chính quyền trước đây có thể coi Guantanamo là khu vực không có luật pháp, nhưng “Hiện nay không phải vậy”, bà Kebriaei của Trung tâm Quyền Hiến pháp cho biết, đồng thời nói thêm rằng những di dân tại Guantanamo hiện “có quyền tố tụng hợp pháp theo Hiến pháp.”
“[Trong khi đó], mọi người sẽ bị giam giữ. … và [kiện tụng] sẽ tiếp diễn và mọi người sẽ phải chịu đau khổ trong thời gian đó,” bà cho biết.
Trong khi đó, ông Tom Homan, ông trùm biên giới của chính quyền Trump, đã nói với các phóng viên bên ngoài Toà Bạch Ốc vào ngày 6/2 rằng “Tổng thống Trump đã cam kết rằng những kẻ tồi tệ nhất trong những kẻ tồi tệ nhất sẽ đến Gitmo.”
Ảnh hưởng của chính sách
Cơ sở Guantanamo trong lịch sử đã được sử dụng trong những thời điểm khủng hoảng, từ cuộc di cư của người Cuba và Haiti đến việc giam giữ quân sự sau ngày 11/9. Quyết định của chính quyền Trump đưa Guantanamo vào chiến lược giam giữ hàng loạt của mình báo hiệu sự thay đổi hướng tới các biện pháp trừng phạt ngày càng tăng, theo một số nhà phân tích.
Bà Stacy Suh, giám đốc chương trình tại Detention Watch Network, đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa việc mở rộng giam giữ và trục xuất.
“Giam giữ đóng vai trò quan trọng trong việc trục xuất. … Giam giữ nhiều hơn có nghĩa là sẽ có nhiều người bị trục xuất hơn,” bà nói.
Bộ An ninh Nội địa vẫn chưa làm rõ liệu chính sách mới nhất của Toà Bạch Ốc có bao gồm việc giam giữ những di dân không có tiền án hay họ sẽ được tiếp cận các thủ tục xin tị nạn hay bị trục xuất hoàn toàn.
Ông Homan cho biết Hoa Kỳ đã xử lý di dân tại “Gitmo trong nhiều thập niên. Vì vậy, chúng tôi đang tăng cường sự hiện diện của mình tại đó”.
Phản ứng pháp lý
Quyết định của chính quyền đã gây ra phản ứng dữ dội từ các nhóm bênh vực, chuyên gia pháp lý và các thành viên của Quốc hội, nhiều người trong số họ đang kêu gọi các phiên điều trần giám sát và có thể là hành động pháp lý.
Bà Cho của ACLU kêu gọi cảnh giác, nói rằng cần phải có “phản ứng mạnh mẽ từ cả báo chí, các cơ quan giám sát của chính phủ, Quốc hội, các tổ chức bênh vực và cộng đồng”.
Với lịch sử giam giữ gây tranh cãi và mơ hồ về mặt pháp lý của Guantanamo, các chuyên gia dự đoán sẽ có các cuộc chiến pháp lý và chính trị về việc sử dụng nơi này để thực thi luật di trú.
*************
Ông Zelenskyy đề nghị hợp tác khoáng sản với ông Trump
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy (trái) gặp cựu Tổng thống Donald Trump tại Tháp Trump ở New York, ngày 27/9/2024.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trưng ra một bản đồ từng một thời là bản đồ mật về các mỏ đất hiếm rộng lớn và các khoáng sản quan trọng khác trong một cuộc phỏng vấn với Reuters vào ngày 7/2, một phần trong nỗ lực thu hút sự quan tâm của Tổng thống Mỹ Donald Trump về một thỏa thuận.
Chính quyền Trump đang thúc đẩy nhanh chóng chấm dứt chiến tranh giữa Ukraine và Nga. Ông Trump hôm 3/2 nói rằng ông muốn Ukraine cung cấp đất hiếm và các khoáng sản khác cho Hoa Kỳ để đổi lấy việc hỗ trợ tài chính cho nỗ lực chiến tranh của nước này.
“Nếu chúng ta đang nói về một thỏa thuận, thì hãy thực hiện một thỏa thuận, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ”, ông Zelenskyy nói, nhấn mạnh rằng Ukraine cần có sự đảm bảo an ninh từ các đồng minh của mình như một phần của bất kỳ giải pháp nào.
Ukraine đã đưa ra ý tưởng mở cửa các khoáng sản quan trọng của mình để các đồng minh đầu tư vào mùa thu năm ngoái, khi họ đưa ra một “kế hoạch chiến thắng” nhằm đưa nước này vào vị thế mạnh nhất để đàm phán và buộc Moscow phải ngồi xuống nói chuyện.
Ông Zelenskyy cho biết chưa đến 20% tài nguyên khoáng sản của Ukraine, bao gồm khoảng một nửa các mỏ đất hiếm của nước này, đang nằm dưới sự chiếm đóng của Nga.
Đất hiếm rất quan trọng trong sản xuất nam châm hiệu suất cao, động cơ điện và thiết bị điện tử tiêu dùng; ông Zelenskyy nói Moscow có thể mở cửa các nguồn tài nguyên đó cho các đồng minh của mình là Triều Tiên và Iran, cả hai đều là kẻ thù không đội trời chung của Hoa Kỳ.
“Chúng ta cần ngăn chặn Putin và bảo vệ những gì chúng ta có - một vùng Dnipro rất giàu có, miền trung Ukraine”, ông nói.
Quân đội Nga đã giành được nhiều vùng đất ở phía đông trong nhiều tháng, dồn nguồn lực khổng lồ vào một cuộc tấn công không ngừng nghỉ trong khi quân đội nhỏ hơn nhiều của Kyiv đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt binh lính và lo lắng về nguồn cung cấp vũ khí từ nước ngoài trong tương lai.
Ông Zelenskyy trải một tấm bản đồ trên bàn trong văn phòng tổng thống được bảo vệ nghiêm ngặt ở Kyiv, cho thấy nhiều mỏ khoáng sản, bao gồm một dải đất rộng ở phía đông được đánh dấu là có chứa đất hiếm. Khoảng một nửa trong số đó có vẻ nằm ở phía Nga trên tiền tuyến hiện tại.
Ông cho biết Ukraine có trữ lượng titan lớn nhất châu Âu, rất cần thiết cho ngành hàng không và vũ trụ, và uranium, được sử dụng cho năng lượng hạt nhân và vũ khí.
Nhiều mỏ titan được đánh dấu ở phía tây bắc Ukraine, cách xa nơi giao tranh.
Ukraine đã nhanh chóng điều chỉnh lại cách tiếp cận chính sách đối ngoại của mình để phù hợp với quan điểm ‘thế giới giao dịch’ của ông Trump. Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Ukraine.
Nhưng ông Zelenskyy nhấn mạnh rằng Kyiv không đề nghị “cho đi” các nguồn tài nguyên của mình, mà đề nghị một quan hệ đối tác cùng có lợi để cùng nhau phát triển chúng:
“Người Mỹ đã giúp đỡ nhiều nhất, và do đó người Mỹ nên nhận được nhiều nhất. Và họ nên có ưu tiên này, và họ sẽ được như vậy. Tôi cũng muốn nói về điều này với Tổng thống Trump.”
Ông nói Nga biết chi tiết về nơi có các nguồn tài nguyên quan trọng của Ukraine từ các cuộc khảo sát địa chất thời Liên Xô đã được mang trở lại Moscow khi Kyiv giành được độc lập vào năm 1991.
Ngoài ra, ông Zelenskyy cho biết Kyiv và Toà Bạch Ốc đang thảo luận về ý tưởng sử dụng các địa điểm lưu trữ khí đốt ngầm rộng lớn của Ukraine để lưu trữ khí đốt tự nhiên hóa lỏng LNG của Hoa Kỳ.
“Tôi biết rằng chính quyền Trump rất quan tâm đến điều đó ... Chúng tôi đã sẵn sàng và mong muốn có các hợp đồng cung cấp LNG cho Ukraine. Và tất nhiên, chúng tôi sẽ là trung tâm của toàn bộ châu Âu”, ông nói.
Ông Zelenskyy muốn gặp ông Trump trước các cuộc đàm phán Mỹ-Nga
Cuộc phỏng vấn diễn ra vài ngày trước Hội nghị An ninh Munich từ ngày 14 đến 16 tháng 2, nơi các quan chức từ hàng chục quốc gia phương Tây sẽ hội tụ tại một thời điểm khó lường trong cuộc chiến kéo dài gần ba năm.
Ông Zelenskyy cho biết ông có kế hoạch tham dự diễn đàn, nơi ông Keith Kellogg, đặc phái viên của ông Trump về Nga và Ukraine, cũng dự kiến sẽ tham dự.
Nhà lãnh đạo Ukraine nói điều cần thiết là ông phải gặp ông Trump trực tiếp trước khi Tổng thống Trump gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, “nếu không thì sẽ giống như một cuộc đối thoại về Ukraine mà không có Ukraine”.
Ông Trump ngày 7/2 nói rằng ông dự kiến sẽ nói chuyện với ông Zelenskyy vào tuần tới. Ông Zelenskyy cho biết ưu tiên của riêng ông sẽ là nêu lên nhu cầu của Ukraine về các đảm bảo an ninh như một phần của bất kỳ thỏa thuận nào, để ngăn chặn Nga tiến hành một cuộc xâm lược khác trong tương lai.
Tuy nhiên, nhìn chung, điều quan trọng là phương Tây phải xác định một chiến lược rộng lớn trước khi tham gia đàm phán với Moscow.
Ông cho biết đã có những cuộc tiếp xúc thường xuyên giữa nhóm của ông và ông Kellogg và cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump là Michael Waltz.
“Mỗi ngày chúng tôi đều có những cuộc tiếp xúc, chúng tôi nói về những điều chung chung, nhưng những điều cụ thể sẽ đến sau một chút”, ông nói.
Nỗ lực thúc đẩy hòa bình của ông Trump diễn ra khi lực lượng Nga đang tiến lên đe dọa trung tâm hậu cần lớn của Ukraine là Pokrovsk.
Trên chiến trường, ông Zelenskyy lần đầu tiên xác nhận rằng quân đội của ông đã phát động một cuộc tấn công mới vào ngày 6/2, tiến sâu hơn 2,5 km vào khu vực Kursk của Nga.
Nga đã báo cáo về một cuộc tấn công của Ukraine trong khu vực vào ngày hôm đó, nhưng cho biết đã đẩy lùi.
Ông Zelenskyy nói hàng nghìn quân lính Triều Tiên chiến đấu cho Nga hiện đã quay trở lại chiến đấu tích cực chống lại lực lượng của Kyiv ở Kursk sau một thời gian tạm dừng kéo dài vài tuần.
Tuần tới, chính phủ có ý định triển khai các hợp đồng tuyển dụng béo bở để thu hút những thanh niên từ 18-24 tuổi - dưới độ tuổi nghĩa vụ quân sự - vào lực lượng vũ trang nhằm giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực. Ông Zelenskyy từ chối cho biết có bao nhiêu thanh niên dự kiến sẽ đăng ký
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.