************
Syria : Bóng ma nội chiến trở lại có nguy cơ làm rối thêm tình hình Trung Cận Đông
Phiến quân thánh chiến Hồi Giáo đã không mất nhiều thời gian để giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria, lần đầu tiên kể từ năm 2011. Thất bại lớn này của với chế độ Bachar al-Assad có thể làm đảo lộn cán cân lực lượng trong vùng.
Đăng ngày:
Giữa lúc Trung Cận Đông đang chìm trong vòng xoáy xung đột vũ trang, hôm thứ Tư tuần trước, 27/11/2024, nhóm thánh chiến Hayat Tahrir al-Cham (HTS) và liên minh các lực lượng nổi dậy, trong đó có một số nhóm được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, đã bất ngờ mở cuộc tấn công vào quân đội chính phủ Syria. Chỉ trong ba ngày giao tranh, các lực lượng nổi dậy này đã chiếm được phần lớn tỉnh Aleppo, Idleb và Hama.
Với sự hỗ trợ quân sự quan trọng từ Nga và Iran, chế độ Assad đã mở một cuộc phản công giúp họ dần giành lại quyền kiểm soát một phần lớn đất nước vào năm 2016, trong đó có toàn bộ thành phố Aleppo, trung tâm kinh tế của đất nước, trước cuộc nội chiến nổ ra năm 2011.
Diễn biến chiến sự mới lần này làm dấy lên lo ngại xung đột bùng phát trở lại trên quy mô lớn ở một quốc gia vốn bị chia xé thành nhiều vùng ảnh hưởng, với các bên tham chiến được hỗ trợ bởi các cường quốc khu vực và quốc tế.
Trước cuộc tấn công, HTS và các thành phần nổi dậy khác đã kiểm soát một phần tỉnh Idleb, cũng như các tỉnh Aleppo, Hama và Lataquié. Vùng tây bắc Syria này tạm yên theo lệnh ngừng bắn được ban hành vào năm 2020, dưới sự bảo trợ của Ankara và Matxcơva.
Quân đội chính phủ Syria nhanh chóng thất trận một phần do yếu kém, nhưng chủ yếu, theo giới chuyên gia, là do các nhóm nổi dậy đã tận dụng cơ hội giữa lúc Iran, một đồng minh thân cận của Damas, đang bị cuốn vào cuộc chiến với Israel. Còn trên bình diện quốc tế, theo chuyên gia Fabrice Balanche giảng viên Đại học Lyon 2 (Pháp), đồng minh lớn khác của Syria là « nước Nga thì đang bận với cuộc chiến tranh Ukraina, Hoa Kỳ đang ở trong khoảng trống quyền lực và cuộc đối thoại giữa Assad và Erdogan không tiến triển ».
Ở một mặt trận khác, các nhóm nổi dậy thân Thổ Nhĩ Kỳ, Quân Đội Quốc Gia Syria (ANS) cũng tích cực tấn công lực lượng người Kurdistan ở phía bắc giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Thông tín viên RFI tại Ankara, Anne Andlauer ghi nhận, với sự đột phá của quân nổi dậy ở miền bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ có thể hy vọng đạt được một số mục tiêu như buộc Bashar el-Assad phải đàm phán với Ankara về vùng lãnh thổ phía bắc Syria, thuyết phục nhiều người dân Aleppo tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại Syria; làm suy yếu lực lượng người Kurdistan và cuối cùng đuổi họ khỏi vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Trên bình diện quân sự cũng như ngoại giao, tình hình hiện nay thuận lợi hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ .
Nhưng bước tiến bất ngờ của lực lượng thánh chiến Hồi Giáo, đang khơi dậy một cuộc nội chiến triền miên, có thể khiến Bachar al-Assad bị lung lay? “Chế độ đã suy yếu, nhưng chưa đến mức sụp đổ. Tôi sẽ ngạc nhiên nếu Nga bỏ rơi Damas », chuyên gia Fabrice Balanche nhận định. Tổng thống Nga Putin từng coi chiếm Aleppo là một chiến thắng vĩ đại, nên ông sẽ phải tìm cách giúp Damas lấy lại Aleppo. Không quân Nga đã tiến hành lại các cuộc oanh kích vào Aleppo từ hôm Chủ nhật, lần đầu tiên kể từ năm 2016.
Cuộc tấn công của phe nổi dậy chống chính phủ Damas cũng có lợi cho Israel. Syria là giao điểm chiến lược để hỗ trợ hậu cần và vũ khí từ Iran đến Liban và các nhóm vũ trang Palestine. Điều này có thể phá vỡ trục Iran. Hezbollah sẽ không được tiếp tế từ Teheran và nếu trở lại chiến đấu ở Syria thì phong trào Hồi Giáo Shia này sẽ phải nới lỏng quyền kiểm soát ở Liban.
Tổng thống Syria Bachar al-Assad tuyên bố sẽ phản công đánh bại các phần tử « khủng bố ». Tuy nhiên giới quan sát đều nhận định rằng quyết tâm của al-Assad phụ thuộc vào mức độ hỗ trợ của Nga và Iran.
**********
Syria: Lực lượng nổi dậy tiếp tục tiến quân, tổng thống Assad tìm kiếm đồng minh hỗ trợ
Sau khi chiếm được toàn bộ Aleppo, thành phố lớn thứ 2 của Syria, các lực lượng nổi dậy hôm nay, 02/12/2024, tiếp tục mở rộng chiến dịch tấn công ở tỉnh Idleb ở miền bắc và Hama ở miền trung. Tổng thống Syria Bachar al-Assad đang nỗ lực tìm kiếm hậu thuẫn của các đồng minh sau khi mất quyền kiểm soát Aleppo. Các cuộc giao tranh đã làm hơn 410 người thiệt mạng.
Đăng ngày:
2 phút
Đây là lần đầu tiên kể từ khi nổ ra nội chiến ở Syria vào năm 2011, chính quyền Damas, một đồng minh của Iran và Nga, hoàn toàn mất quyền kiểm soát thành phố Aleppo ở miền bắc sau các cuộc tấn công của liên minh các lực lượng nổi dậy do các nhóm thánh chiến cầm đầu đầu. Theo thông tín viên RFI tại khu vực Paul Khalifeh, các lực lượng thánh chiến và nổi dậy đã gần như kiểm soát hoàn toàn tỉnh Idleb và hiện tiếp tục tiến quân ở phía nam tỉnh Aleppo. Tại đây, phiến quân đã chiếm một phi trường quân sự và một sân bay quốc tế.
Quân đội Syria và đồng minh Nga đã tăng cường tuyến phòng thủ tại Hama, ở miền trung. Tổng tư lệnh quân đội Syria hôm qua đã trực tiếp tới mặt trận trong vùng này và khẳng định quân chính phủ đã chặn được cuộc tấn công của lực lượng thánh chiến nổi dậy, đồng thời đã chiếm lại được một số vị trí.
Từ ngày Chủ nhật (01/12), không quân Nga đã tiến hành hàng chục cuộc không kích, cố ngăn chặn đà tiến của lực lượng thánh chiến và liên quân chống Damas. Quân đội Nga, có căn cứ không quân lớn tại tỉnh duyên hải Lattaquié, đang tích cực hỗ trợ quân đội Syria.
Hôm qua, tại Damas, tổng thống Syria đã tiếp ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi. Ông Assad nhấn mạnh “sự hậu thuẫn của các đồng minh và bạn bè để đối phó với các cuộc tấn công khủng bố được nước ngoài yểm trợ là vô cùng quan trọng”. Sau Damas, ngoại trưởng Iran tối qua đã tới Ankara để thảo luận với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ gặp tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Hôm qua, trong một thông cáo chung, Hoa Kỳ, Pháp, Đức và Anh đã kêu gọi “giảm leo thang căng thẳng” tại Syria, đồng thời khẳng định cuộc xung đột càng cho thấy phải cấp tốc tìm một giải pháp chính trị toàn diện cho Syria.
Tổ chức phi chính phủ Đài quan sát Nhân quyền tại Syria (OSDH) cho biết các cuộc giao tranh bùng lên từ thứ Tư tuần trước đã làm hơn 410 người thiệt mạng, trong đó 214 người thuộc lực lượng nổi dậy, 137 người thuộc quân chính phủ và 61 thường dân. Sau vụ đàn áp thô bạo các cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 2011, Syria đã rơi vào nội chiến kéo dài gần chục năm làm gần nửa triệu người chết.
************
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ: ‘Cơ hội ngừng bắn giữa Israel-Hamas khả dĩ hơn’
Cơ hội chấm dứt hơn một năm giao tranh giữa Israel và Hamas ở Gaza và giải thoát cho khoảng 100 con tin đang bị các chiến binh bắt giữ hiện nay ‘khả dĩ hơn’ vì thỏa thuận ngừng bắn hồi tuần trước mà Israel đạt được với Hezbollah ở Lebanon, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho biết hôm 1/12.
Mỹ và các nhà đàm phán khác ‘có thể có cơ hội’ chấm dứt 14 tháng giao tranh ở Gaza, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan phát biểu trên chương trình ‘State of the Union’ của CNN nhưng từ chối đưa ra dự đoán, ‘bởi vì trước đây chúng tôi đã từng rất gần đạt được thỏa thuận’.
Tổng thống Israel Isaac Herzog, chức vụ chủ yếu mang tính nghi lễ, nói hôm 1/12 rằng “có những cuộc đàm phán diễn ra trong hậu trường, và thỏa thuận có thể đạt được”.
Ông Sullivan nói trên chương trình ‘Gặp gỡ báo chí’ của NBC: “Chúng tôi đang can dự sâu với những người có vai trò chủ chốt trong khu vực và ngay cả trong ngày hôm nay cũng có hoạt động. Sẽ có thêm các cuộc đối thoại và tham vấn, và chúng tôi hy vọng là chúng tôi có thể đem đến thỏa thuận ngừng bắn và giải thoát con tin, nhưng chúng tôi vẫn chưa đến được mức đó.”
Ông Sullivan lên tiếng một ngày sau khi Hamas công bố một đoạn băng video về một trong số các con tin, công dân Mỹ gốc Israel Edan Alexander. Phát biểu dưới sức ép, ông Alexander đã đổ lỗi cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10 năm 2023. Ông nói: “Thủ tướng có nghĩa vụ phải bảo vệ binh sỹ và người dân của mình, nhưng ông đã bỏ rơi chúng tôi.”
Ông Sullivan nói đoạn băng này là ‘lời nhắc nhở tàn nhẫn về sự tàn bạo của Hamas và thực tế là họ đang giam giữ rất nhiều con tin từ rất nhiều quốc gia’.
Ông Sullivan gọi lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah, vốn nhìn chung vẫn đang tôn trọng, là ‘một bước tiến lớn ở Trung Đông... cơ hội cho mọi người cuối cùng có thể trở về nhà họ ở Israel và Lebanon’.
Ông cho biết Mỹ, Pháp và các đồng minh khác “sẽ làm việc cùng với các lực lượng vũ trang Lebanon thông qua một cơ chế để đảm bảo rằng lệnh ngừng bắn được thực thi hiệu quả. Mục tiêu của chúng tôi là vượt qua những ngày đầu tiên, những ngày nguy hiểm nhất của lệnh ngừng bắn, khi nó trong tình trạng mong manh nhất, để nó được có hiệu lực hoàn toàn, và cuối cùng từ đó đi lên để đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài vốn là dự định ban đầu của nó”.
Liệu hiệp ước giữa Israel-Hezbollah có chuyển thành lệnh ngừng bắn ở Gaza hay không vẫn là điều chưa chắc chắn.
Mỹ, Qatar và Ai Cập đã dành phần lớn thời gian trong năm qua để cố gắng làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn ở Gaza và thả các con tin còn lại. Nhưng các cuộc đàm phán đã bị bế tắc, với việc Israel bác bỏ yêu sách của Hamas đòi Israel rút quân hoàn toàn khỏi lãnh thổ Gaza và Israel yêu cầu xóa bỏ toàn bộ dấu tích của sự kiểm soát của Hamas đối với dải lãnh thổ hẹp dọc theo Địa Trung Hải.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ chấm dứt các cuộc chiến ở Trung Đông, nhưng không nói bằng cách nào, và thúc đẩy Israel chấm dứt cuộc chiến chống Hamas trước khi ông nhậm chức vào ngày 20/1.
Ông Trump, cũng giống như ông Biden, là người kiên quyết bảo vệ đặc quyền tự vệ của Israel.
Trong khi đó, các cuộc không kích của Israel ở Gaza đã giết chết ít nhất sáu người trong đêm, trong đó có hai trẻ nhỏ, 6 và 8 tuổi, trong căn lều nơi gia đình họ đang trú ẩn, các quan chức y tế cho biết hôm 1/12.
Cuộc không kích vào khu vực Muwasi, một trại lều trải rộng chứa hàng trăm ngàn người di tản, cũng làm bị thương người mẹ và em gái 8 tháng tuổi của những đứa trẻ, theo Bệnh viện Nasser.
*************
Mỹ không giao trả vũ khí hạt nhân cho Ukraine
Mỹ không xem xét hoàn trả lại cho Ukraine vũ khí hạt nhân mà họ đã từ bỏ sau khi Liên Xô sụp đổ, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết hôm 1/12.
Ông Sullivan có phát biểu như vậy khi được hỏi về bài báo của New York Times hồi tháng trước trong đó đưa tin rằng một số quan chức phương Tây giấu tên đã gợi ý Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine trước khi ông rời nhiệm sở.
“Điều đó không được xem xét, không. Những gì chúng tôi đang làm là tăng cường những năng lực thông thường đa dạng cho Ukraine để họ có thể tự vệ hiệu quả và chiến đấu với người Nga, chứ không phải cung cấp cho họ năng lực hạt nhân,” ông nói với kênh ABC.
Tuần trước, Nga cho biết ý tưởng này là ‘hoàn toàn điên rồ’ và một trong những lý do khiến Moscow đưa quân vào Ukraine là ngăn chặn kịch bản như vậy xảy ra.
Kyiv được thừa hưởng vũ khí hạt nhân từ Liên Xô sau khi nước này sụp đổ hồi năm 1991 nhưng đã từ bỏ chúng theo một thỏa thuận năm 1994 được gọi là Bản ghi nhớ Budapest để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ Nga, Mỹ và Anh.
************
Thủ tướng Đức đến Kyiv, cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã hứa sẽ viện trợ quân sự 680 triệu đô la Mỹ cho Ukraine khi ông cam kết hỗ trợ nước này trong chuyến thăm Kyiv hôm 2/12.
Thủ tướng Scholz cho biết Ukraine có thể dựa vào Đức và chuyến thăm của ông nhằm củng cố cam kết đó.
Ông cho biết các thiết bị quân sự mới sẽ được chuyển giao cho Ukraine trong tháng này.
Chuyến thăm của ông Scholz diễn ra trong bối cảnh có nghi ngờ về viện trợ của phương Tây cho Ukraine trong tương lai với việc Mỹ sẽ thay đổi lãnh đạo vào tháng Một năm sau.
Quân đội Ukraine hôm 2/12 cho biết họ đã bắn hạ 52 trong số 110 máy bay không người lái mà quân Nga đã phóng lên trong các cuộc tấn công trong đêm.
Các vụ bắn hạ xảy ra tại các khu vực Cherkasy, Chernihiv, Dnipropetrovsk, Kharkiv, Khmelnytskyi, Kyiv, Poltava, Sumy, Vinnytsia và Zhytomyr, không quân nước này cho biết.
Viacheslav Negoda, người đứng đầu chính quyền quân sự vùng Ternopil, cho biết trên Telegram rằng các cuộc tấn công của Nga đã giết chết một người và làm bị thương một số người khác.
Các quan chức ở Cherkasy cho biết các mảnh vỡ từ máy bay không người lái rơi xuống đã làm hư hại một số công trình dân cư.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết hệ thống phòng không của họ đã bắn hạ 15 máy bay không người lái của Ukraine.
Cơ quan này cho biết họ đã phá hủy máy bay không người lái tại các khu vực Kursk, Bryansk và Belgorod, và trên bầu trời bán đảo Crimea do Nga chiếm đóng.
*************
TIN TỔNG HỢP
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
(AFP) – Quốc hội Việt Nam phê duyệt dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam trị giá ước tính 67 tỷ đô la. Theo thông cáo của chính quyền vào hôm qua, 30/11/2024, tuyến đường sắt này sẽ kéo dài hơn 1500 km, nối thủ đô Hà Nội với TP Hồ Chí Minh. Dự án được kỳ vọng sẽ được bàn giao vào năm 2035, tuy nhiên các dự án hạ tầng lớn của Việt Nam thường trong tình trạng chậm tiến độ. Tuyến metro thứ hai của Hà Nội đã bị trì hoãn gần một thập kỷ, trong khi tuyến metro đầu tiên của TP. Hồ Chí Minh, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2018, giờ vẫn chưa được khai trương. Theo Chỉ số chất lượng Cơ sở Hạ tầng Toàn cầu năm 2023, Việt Nam đứng thứ 52 trên tổng số 185 nền kinh tế, thấp hơn hẳn so với một số quốc gia trong khu vực ASEAN.
(NHK) - Nhật Bản sẽ cung cấp thiết bị quốc phòng cho 4 nước châu Á và châu Phi. Đài truyền hình Nhật NHK hôm nay 01/12/2024 loan tin là các thiết bị này hỗ trợ kiểm tra giám sát trên không và trên biển trong khuôn khổ hợp tác về an ninh giữa các bên. Số tiền tài trợ là 33,4 triệu đô la, được trích từ trong ngân sách 2024 của Nhật. Thỏa thuận chính thức giữa Nhật và 4 nước Philippines, lndonesia, Mông Cổ và Djibouti sẽ được đúc kết trong một tương lai gần. Trong tài khóa 2023, Nhật đã chấp nhận cung cấp cho Philippines, Malaysia, Bangladesh vào đảo quốc Fidji các hệ thống radar giám sát bờ biển và một số thiết bị khác.
(AP) – Vladimir Putin thông qua ngân sách quốc phòng, tăng hơn 35 % chi phí quân sự cho năm 2025. Trang mạng của chính phủ Nga ngày 01/12/2024 loan báo mức tăng chi phí quân sự « kỷ lục » do tác động chiến tranh Ukraina. Cho tài khóa 2025 Nga dự trù 13,5 ngàn tỷ rúp, tương đương với 145 tỷ đô la cho các khoản « chi tiêu quân sự ». Dự luật quốc phòng của Nga đã được Thượng Viện và Hạ Việt thông qua cách nay 10 ngày.
(AFP) – Donald Trump dọa đánh thuế 100 % vào hàng của khối BRICS nếu các nền kinh tế đang trỗi dậy làm « phương hại đến ảnh hưởng của đô la Mỹ ». Lời đe dọa được đưa ra hôm 30/11/2024 vào lúc mà nhiều thành viên trong khối BRICS, đứng đầu là Nga và Trung Quốc đang tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của đô la, sử dụng nhân dân tệ hay rúp để thanh toán trực tiếp. Bắc Kinh và Matxcơva có kế hoạch lôi kéo nhiều thành viên khác trong số các nền kinh tế đang trỗi dậy.
(AFP) – Bầu cử Quốc Hội Ireland, liên minh trung hữu có nhiều khả năng tiếp tục điều hành đất nước. Theo các kết quả sơ khởi liên minh hai đảng Fianna Fail và Fine Gael có triển vọng được cử tri tín nhiệm, với khoảng hơn 20 % phiếu bầu cho mỗi bên. Đảng dân tộc chủ nghĩa cánh tả Sinn Fein từng dẫn đầu các cuộc thăm dò, nhưng lại về hạng ba với chưa đầy 19 % số phiếu ủng hộ. Để điều hành đất nước đa số cầm quyền cần tối thiểu 88 ghế trên tổng số 174 tại Quốc Hội.
(AFP) - Israel : Một cựu bộ trưởng Quốc Phòng tố cáo nạn thanh lọc sắc tộc ở Gaza. Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình tư nhân DemocratTV, cựu bộ trưởng Quốc Phòng Israel Moshé Yaalon hôm 30/11/2024 đã khẳng định quân đội Israel tiến hành chiến dịch chinh phục, sáp nhập và « thanh lọc sắc tộc » tại dải Gaza, gây tranh cãi gay gắt trong giới chính trị nước này. Bộ trưởng An Ninh Quốc Gia, Itamar Ben Gvir, xem việc Israel có một nhân vật như vậy làm người lãnh đạo quân đội và bộ Quốc Phòng là « một nỗi hổ thẹn ». Đảng Likud của thủ tướng Netanyahu xem những phát biểu của vị cựu bộ trưởng 74 tuổi là « những lời dối trá », « món quà cho các kẻ thù của Israel ».
(RFI) – Ngày quốc tế chống HIV: Liên Hiệp Quốc ra báo cáo nhấn mạnh tôn trọng các quyền cơ bản của con người là yếu tố giúp đẩy lui căn bệnh này. Chống phân biệt đối xử, chống bất bình đẳng về những điều kiện được điều trị và tiếp cận với thuốc men là rất cần thiết giúp giảm các trường hợp bị lây nhiễm HIV. Trong thông cáo công bố hôm 26/11/2024 tổ chức chống AIDS/SIDA của Liên Hiệp Châu Âu ghi nhận tình hình đã được cải thiện tại khu vực Châu Phi nam sa mạc Sahara. Trong cả năm 2023 trên toàn cầu có thêm 1,3 triệu nạn nhân HIV. Con số này giảm 60 % so với thời điểm 1995 nhưng hãy còn rất xa mục tiêu giữ số ca lây nhiễm mới hàng năm dưới ngưỡng 370.000.
*************
Mỹ huy động 57 triệu đô la trùng tu Nhà Thờ Đức Bà Paris
Sau dân Pháp, người Mỹ là những nhà hảo tâm đóng góp nhiều nhất cho công trình trùng tu Nhà Thờ Đức Bà Paris. Chủ tịch Hiệp Hội Friends of Notre Dame de Paris cho biết trong 5 năm vừa qua hội đã quyên góp được 57 triệu đô la để lại được trông thấy Nhà Thờ Đức Bà Paris tỏa sáng, để lại được nghe tiếng chuông quen thuộc của Notre Dame de Paris.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Michel Picaud, chủ tịch hội Friends of Notre Dame de Paris cho biết năm 2019 hình ảnh Nhà Thờ Đức Bà Paris bốc cháy đã khiến công luận Mỹ bàng hoàng. 45.000 người đã liên lạc với hội, tặng những món tiền tối thiểu là 50 đô la. Hào phóng nhất là 2 quỹ Star Foundation và Marie Josee & Henry Kravis Foundation : mỗi quỹ đã nhanh chóng giải ngân 10 triệu đô la vì « tình yêu dành cho Paris » và công trình cổ kính ra đời 600 năm trước Tháp Eiffel.
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama trong một lần đến thăm Paris đã dừng lại nơi có huyền thoại Chàng gù Nhà Thờ Đức Bà yêu thầm nàng Esmeralda. Ông mệnh danh Notre Dame de Paris là « một trong những kho tàng quý giá nhất của nhân loại ». Giáo sư Meredith Cohen chuyên về nghệ thuật kiến trúc Thời Trung Cổ, thuộc đại học California ghi nhận đối với người Mỹ, Nhà Thờ Đức Bà Paris « là biểu tượng của lịch sử châu Âu tiền hiện đại, là một thời kỳ không thể có được trên đất Mỹ ». Bên cạnh đó phải kể đến công lao của văn hào Victor Hugo. Nhờ ông mà Notre Dame de Paris nổi tiếng khắp thế giới, tựa như cuốn tiểu thuyết khác cũng của Victor Hugo, Những Kẻ Khốn Cùng – Les Misérables, đã quá thành công trên sân khấu ở Broadway mấy chục năm liên tiếp và qua phim ảnh.
Năm 1923 bộ phim câm Le Bossu de Notre Dame đã làm người Mỹ mê hoặc. Rồi năm 1956 khi nam diễn viên gạo cội Anthony Quinn nhập vai chàng gù Quasimodo hay phim hoạt họa của Walt Disney năm 1996 để lại nơi người xem nhiều hình ảnh đẹp về Nhà Thờ Đức Bà Paris. Ngoài ra còn phải kể đến một danh sách rất dài những bộ phim mà hình ảnh Notre Dame de Paris luôn ẩn hiện từ Charade đến Midnight in Paris hay Ratatouille …
Ngày 15/04/2019 khi Notre Dame de Paris bị thần hỏa đến thăm, tất cả các đài truyền hình lớn của Mỹ đã đảo lộn chương trình, lập tức gửi các phóng viên đến hiện trường. Michael Davis, chuyên gia về nghệ thuật gothic của Pháp kết luận : « Nếu như có một nhà thờ gothic mà hàng triệu người Mỹ đã tham quan, đó chắc chắn phải là Notre Dame de Paris ».
***********
Mỹ thông qua hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan, Trung Quốc sẽ có « biện pháp đối phó quyết liệt »
Hôm nay, 01/12/2024, bộ Ngoại Giao Trung Quốc bày tỏ phẫn nộ trước việc Hoa Kỳ vừa thông qua một hợp đồng bán thiết bị quân sự mới cho Đài Loan và tổng thống Đài Loan được tiếp đón trọng thể tại Hawaii trong vòng công du nhiều đảo quốc ở Thái Bình Dương.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
3 phút
AFP trích dẫn thông cáo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngày 01/12 khẳng định sẽ « quyết liệt đối phó » trước việc bộ Quốc Phòng Mỹ vừa phê duyệt kế hoạch bán thiết bị quân sự cho Đài Loan, trị giá hợp đồng 385 triệu đô la. Theo thỏa thuận này Đài Loan được phép mua linh kiện cần thiết cho việc bảo trì máy bay tiêm kích F-16 và hệ thống radar mua của Mỹ.
Bắc Kinh xem hợp đồng vũ khí giữa Hoa Kỳ và Đài Loan là một « tín hiệu sai lệch » và kêu gọi Washington « lập tức ngừng trang bị vũ khí cho Đài Loan, ngừng khuyến khích và ủng hộ các lực lượng đòi độc lập cho Đài Loan, ngừng tăng cường khả năng quân sự (cho hòn đảo này) vì mục tiêu đó ». Trung Quốc nhấn mạnh « sẽ có những biện pháp đáp trả mạnh mẽ và quyết liệt để bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ ». Hãng tin Pháp nhắc lại, không chính thức thiết lập bang giao với Đài Bắc, nhưng Washington là nguồn cung cấp vũ khí « lớn nhất » cho Đài Loan.
Trung Quốc phẫn nộ không chỉ vì hợp đồng quân sự vừa nêu, mà còn vì việc tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức được tiếp đón trọng thể tại Hawaii, trên lãnh thổ Mỹ nơi ông dừng lại hai đêm trên hành trình công du nhiều quốc đảo ở vùng Thái Bình Dương. Trong một thông cáo thứ nhì cùng ngày 01/12 bộ Ngoại Giao Trung Quốc « mạnh mẽ lên án việc tổ chức để ông Lại Thanh Đức dừng chân » trên lãnh thổ của của Hoa Kỳ. Thật vậy, hôm qua 30/11/2024 tại Honolulu, thủ phủ Hawaii, thống đốc Jos Green và giám đốc văn phòng đại diện của Mỹ tại Đài Bắc, bà Ingrid Larson (tương đương với đại sứ Hoa Kỳ tại Đài Bắc) đã tiếp đón trọng thể tổng thống Lại Thanh Đức. Chủ tịch viện nghiên cứu American Institute tại Đài Bắc, bà Laura Rosenberger đánh giá « mối đối tác giữa Hoa Kỳ và Đài Loan vững như bàn thạch » .
Lãnh đạo Đài Loan đã viếng thăm tượng đài tử sĩ USS Arizona, nơi các chiến binh trong trận đánh Trân Châu Cảng năm 1941 yên nghỉ. Tại đây ông Lại Thanh Đức nhắc lại « Hòa bình là vô giá và chiến tranh không bao giờ có bên thăng cuộc. Chúng ta cần sát cánh, tránh để chiến tranh nổ ra ».
Trong một phát biểu khác, tổng thống Đài Loan bày tỏ lòng biết ơn nước Mỹ giúp ông thực hiện vòng công du các đảo quốc ở Thái Bình Dương. Ngoài Hawaii, tổng thống Đài Loan sẽ dừng lại trên đảo Guam trên lộ trình đến thăm quần đảo Marshall, Tuvalu và Palau.
********
Taliban: Afghanistan phải tham gia các cuộc đàm phán về khí hậu trong tương lai
Một quan chức môi trường Afghanistan hôm 1/12 nói rằng nước này phải được phép tham gia các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu trong tương lai, sau khi trở về từ COP29 ở Baku, nơi các quan chức Taliban tham dự lần đầu tiên.
Phái đoàn Afghanistan được mời với tư cách là "khách" của nước chủ nhà Azerbaijan, chứ không phải là một bên tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán.
Đây là lần đầu tiên một phái đoàn Afghanistan tham dự, kể từ khi Taliban lên nắm quyền vào tháng Tám năm 2021, sau khi không nhận được lời mời tham dự hai COP (Hội nghị các bên về khí hậu) trước đây được tổ chức tại Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
"Afghanistan phải tham gia các hội nghị như vậy trong tương lai", ông Matiul Haq Khalis, lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Quốc gia Afghanistan, phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 1/12.
Ông mô tả sự tham dự của Afghanistan vào tháng trước tại các cuộc thảo luận là một "thành tựu lớn".
"Chúng tôi tham gia hội nghị năm nay để có thể lên tiếng về những vấn đề mà đất nước đang phải đối mặt, về nhu cầu của người dân, chúng tôi phải chia sẻ những điều đó với thế giới".
Ông cho biết rằng phái đoàn Afghanistan đã họp với "19 tổ chức và chính phủ khác nhau", bao gồm cả các phái đoàn từ Nga, Qatar, Azerbaijan và Bangladesh.
Afghanistan là một trong những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi tình trạng nóng lên toàn cầu, mặc dù có lượng khí thải rất ít, và chính quyền Taliban lập luận rằng sự cô lập về chính trị đối với họ không nên ngăn cản họ tham gia các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu.
Chính phủ đã áp dụng một phiên bản khắc nghiệt của luật Hồi giáo Sharia kể từ khi nắm quyền, hạn chế nghiêm ngặt sự tham gia của phụ nữ vào đời sống công cộng, điều Liên Hợp Quốc coi là "sự phân biệt đối xử về giới tính".
Trong số những quốc gia nghèo nhất thế giới sau nhiều thập kỷ trải qua chiến tranh, Afghanistan đặc biệt phải chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, mà các nhà khoa học nói rằng đang dẫn tới hiện tượng thời tiết khắc nghiệt bao gồm hạn hán kéo dài, lũ lụt thường xuyên và năng suất nông nghiệp giảm sút.
Liên Hợp Quốc cũng đã kêu gọi hành động để giúp Afghanistan gây dựng khả năng chống chịu và để đất nước này tham gia vào các cuộc đàm phán quốc tế.
Các nước phát triển đã cam kết cung cấp 100 tỷ đô la tài trợ về khí hậu mỗi năm đến năm 2025 để giúp các nước đang phát triển chuẩn bị ứng phó với những tác động ngày càng trầm trọng của khí hậu và dần dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch khỏi nền kinh tế.
*********
Các nhà hoạt động: Mexico chặn 2 đoàn di dân hướng đến Hoa Kỳ
Các nhà hoạt động hôm 30/11 cho biết rằng giới hữu trách về di trú của Mexico đã chặn hai đoàn di dân nhỏ hướng đến biên giới với Hoa Kỳ.
Một số di dân được đưa bằng xe buýt đến các thành phố ở miền nam Mexico và những người khác được cung cấp giấy tờ quá cảnh.
Hành động này diễn ra một tuần sau khi Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế 25% đối với các sản phẩm của Mexico, trừ khi nước này hành động nhiều hơn để ngăn chặn dòng người di cư đến biên giới Hoa Kỳ.
Hôm 27/11, ông Trump viết rằng Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum đồng ý ngăn chặn tình trạng di cư trái phép qua biên giới vào Hoa Kỳ.
Bà Sheinbaum viết trên các tài khoản mạng xã hội của mình cùng ngày rằng "các di dân và đoàn người di cư được xử lý trước khi họ đến biên giới".
Nhà hoạt động vì quyền của di dân Luis Garcia Villagran cho rằng việc ngăn chặn hai đoàn di dân dường như là một phần của "thỏa thuận giữa tổng thống Mexico và tổng thống Hoa Kỳ".
Đoàn đầu tiên khởi hành từ thành phố Tapachula, miền nam Mexico, gần biên giới với Guatemala, vào ngày 5 tháng 11, ngày ông Trump đắc cử. Có thời điểm, đoàn này có khoảng 2.500 người. Trong gần bốn tuần đi bộ, đoàn đi được khoảng 430 km đến Tehuantepec thuộc tiểu bang Oaxaca.
Tại Tehuantepec, các viên chức di trú Mexico đưa ra đề nghị cho các di dân mệt mỏi đi xe buýt miễn phí đến các thành phố khác ở miền nam hoặc miền trung Mexico.
"Họ đưa một số người trong chúng tôi đến Acapulco, những người khác đến Morelia và những người khác trong nhóm của chúng tôi đến thành phố Oaxaca", Barbara Rodriguez, một người ủng hộ phe đối lập đã rời khỏi quê hương Venezuela của mình sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi ở quốc gia này vào đầu năm nay, cho biết.
Rodriguez cho biết qua điện thoại rằng sau đó cô tự mình bắt xe buýt đến Thành phố Mexico.
Đoàn thứ hai gồm khoảng 1.500 di dân khởi hành vào ngày 20 tháng 11 và đi được khoảng 225 km đến thị trấn Tonala, thuộc tiểu bang Chiapas. Tại đó, chính quyền cung cấp một loại thị thực quá cảnh cho phép đi qua Mexico trong 20 ngày.
Bà Sheinbaum cho biết bà tin rằng có thể tránh được cuộc chiến thuế quan với Hoa Kỳ. Nhưng tuyên bố của bà, một ngày sau khi bà điện đàm với ông Trump, không nêu rõ các đề xuất.
***********
Tân lãnh đạo EU thăm Kyiv vào ngày bắt đầu cương vị mới
Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), Kaja Kallas, và người đứng đầu Hội đồng châu Âu, Antonio Costa, đến Kyiv hôm 1/12 để bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine vào ngày đầu tiên nhậm chức.
"Chúng tôi đến để truyền đi thông điệp rõ ràng rằng chúng tôi sát cánh cùng Ukraine và chúng tôi tiếp tục ủng hộ hết mình", ông Costa nói với các hãng truyền thông, bao gồm cả AFP, vốn đi cùng họ trong chuyến đi.
Đội ngũ lãnh đạo mới của Liên minh châu Âu rất muốn chứng minh rằng họ vẫn kiên quyết ủng hộ Kyiv vào thời điểm nguy cấp đối với Ukraine, sau gần ba năm nước này chiến đấu chống lại cuộc xâm lược toàn diện của Nga.
Hiện có những câu hỏi về sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong tương lai sau khi ông Donald Trump nhậm chức vào tháng Một, và có lo ngại rằng ông có thể buộc Kyiv phải đưa ra những nhượng bộ khó khăn cho một thỏa thuận hòa bình nhanh chóng.
Trong khi đó, căng thẳng leo thang khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa sẽ tấn công các tòa nhà chính phủ ở Kyiv bằng tên lửa Oreshnik mới của mình sau khi bắn tên lửa này vào Ukraine lần đầu tiên hồi tháng trước.
Lãnh đạo Điện Kremlin nói rằng động thái này là phản ứng trước việc Kyiv được bật đèn xanh để tấn công vào Nga bằng tên lửa của Mỹ và Anh, và ông đã đe dọa sẽ đáp trả các quốc gia cung cấp vũ khí.
Khi mùa đông bắt đầu, Nga cũng tiến hành những đợt tấn công tàn khốc vào lưới điện của Ukraine và trên tuyến đầu, nơi lực lượng mệt mỏi của Kyiv đang mất dần vị thế trước cuộc tấn công dữ dội của Moscow.
"Tình hình ở Ukraine rất, rất nghiêm trọng", bà Kallas, cựu thủ tướng Estonia, cho biết. "Nhưng rõ ràng là Nga cũng phải trả giá rất đắt".
Các tân lãnh đạo EU, các quan chức cấp cao của khối cùng với người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, chuẩn bị hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.
Ông Zelenskyy hôm 29/11 dường như bắt đầu cho thấy quan điểm của mình trước bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng nào.
Ông kêu gọi NATO đưa ra các biện pháp đảm bảo cho các khu vực của Ukraine do Kyiv kiểm soát để "ngăn chặn giai đoạn nóng của cuộc chiến", và ngụ ý rằng sau đó ông sẽ sẵn sàng chờ để giành lại các vùng lãnh thổ khác mà Nga đã chiếm giữ.
"Nếu chúng ta nói về lệnh ngừng bắn, [chúng tôi cần] đảm bảo rằng Putin sẽ không quay trở lại", ông Zelenskyy nói với Sky News của Anh.Bà Kallas nói rằng "sự bảo đảm an ninh mạnh nhất là tư cách thành viên NATO".
Các nhà ngoại giao tại NATO nói rằng có vẻ như có rất ít triển vọng liên minh sẽ sớm cấp tư cách thành viên cho Ukraine do sự phản đối của một loạt các thành viên thận trọng không muốn bị lôi kéo vào cuộc chiến với Nga.
Bà Kallas nói rằng EU "thực sự không nên loại trừ bất kỳ điều gì" liên quan đến vấn đề triển khai binh sĩ châu Âu để giúp thực thi bất kỳ lệnh ngừng bắn nào.
**********
Putin phê duyệt chi tiêu quốc phòng kỷ lục
Tổng thống Nga Vladimir Putin phê duyệt các kế hoạch ngân sách, nâng chi tiêu quân sự năm 2025 lên mức kỷ lục, trong khi Moscow tìm cách giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine.
Khoảng 32,5% ngân sách được công bố trên trang web của chính phủ hôm 1/12 đã được phân bổ cho quốc phòng, lên tới 13,5 nghìn tỷ rúp (hơn 145 tỷ đô la), tăng so với mức 28,3% được công bố trong năm nay.
Các nhà lập pháp ở cả hai viện của quốc hội Nga đã phê duyệt các kế hoạch trong 10 ngày qua.
Cuộc chiến của Nga với Ukraine, bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, là cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế Chiến II và làm cạn kiệt nguồn lực của cả hai bên.
Kyiv nhận được hàng tỷ đô la viện trợ từ các đồng minh phương Tây, nhưng lực lượng của Nga lớn hơn và được trang bị tốt hơn, và trong những tháng gần đây, quân đội Nga dần đẩy lùi quân đội Ukraine ở các khu vực phía đông.
Tại Ukraine, ba người đã thiệt mạng tại thành phố Kherson, miền nam Ukraine, khi một máy bay không người lái của Nga tấn công một chiếc xe buýt nhỏ hôm 1/12, Thống đốc khu vực Kherson Oleksandr Prokudin cho biết. Bảy người khác bị thương trong vụ tấn công.
Trong khi đó, số người bị thương trong vụ tấn công bằng tên lửa hôm 30/11 tại Dnipro ở miền trung Ukraine đã tăng lên 24, trong đó có bảy người trong tình trạng nghiêm trọng, Thống đốc khu vực Dnipropetrovsk Serhiy Lysak cho biết. Bốn người thiệt mạng trong vụ tấn công.
Các quan chức Ukraine cho biết, Moscow đưa 78 máy bay không người lái vào Ukraine vào ban đêm cho tới ngày 1/12. Theo lực lượng không quân Ukraine, 32 máy bay không người lái đã bị phá hủy trong các cuộc tấn công ban đêm. Thêm 45 máy bay không người lái đã "mất tích" tại nhiều khu vực khác nhau, có khả năng là đã bị gây nhiễu điện tử.
Tại Nga, một em nhỏ thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine ở khu vực Bryansk giáp biên giới Ukraine, theo Thống đốc khu vực Alexander Bogomaz.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, 29 máy bay không người lái của Ukraine bị bắn hạ tại bốn khu vực phía tây nước Nga: 20 chiếc ở khu vực Bryansk, bảy chiếc ở khu vực Kaluga và một chiếc ở Smolensk và Kursk.
*********