Tin Tức ngày 14 - 11 -2024:

Thứ Năm, 14 Tháng Mười Một 20245:57 SA(Xem: 797)
Tin Tức ngày 14 - 11 -2024:

HoaLuc 5
**************

Lầu Năm Góc trong tay Pete Hegseth : Quân đội Mỹ được yên tâm ?

Trong ngày 13/11/2024, trở lại Nhà Trắng chuẩn bị tiếp quản quyền lực sau gần 4 năm tạm nhường chiếc ghế tổng thống cho ông Joe Biden, tổng thống tân cử Donald Trump xác nhận các bộ Ngoại Giao, Quốc Phòng, Tư Pháp cũng như cơ quan Tình Báo Quốc Gia đã có chủ. Bất ngờ hơn cả là việc Pete Hegseth, nhà báo của kênh truyền hình Fox News, được mời lãnh đạo Lầu Năm Góc, đứng đầu đội quân hùng mạnh nhất thế giới.

Pete Hegseth, người thứ ba từ trái sang phải, sẽ điều hành Bộ Quốc Phòng Mỹ. Ảnh ngày 18/11/2019.
Pete Hegseth, người thứ ba từ trái sang phải, sẽ điều hành Bộ Quốc Phòng Mỹ. Ảnh ngày 18/11/2019. AP - Mark Lennihan
Quảng cáo

Về thủ tục, những nhân vật mà ông Trump đề cử sẽ còn phải được Thượng Viện với đa số áp đảo trong tay Đảng Cộng Hòa thông qua. Nhưng nhiều nghi vấn liên quan đến tân lãnh đạo Lầu Năm Góc Pete Hegseth đang dấy lên. 

Ông là ai và với ông ở bộ Quốc Phòng, những « kẻ thù của nước Mỹ sẽ mất ăn mất ngủ » như chính tổng thống Mỹ tân cử đã viết trên mạng xã hội, hay trước mắt là chính giới ở Washington, quân đội Mỹ, an ninh Hoa Kỳ và cả các đại tập đoàn sản xuất vũ khí của nước Mỹ đang đứng ngồi không yên?

Big bang trong chính sách quốc phòng Mỹ ?

Ngày 12/11/2024 nhà bình luận và dẫn chương trình của đài truyền hình Fox News Pete Hegseth, 44 tuổi, được đề nghị giữ chức bộ trưởng Quốc Phòng. « Hắn là ai ? » một nhà môi giới trong ngành công nghiệp quốc phòng và vũ khí của Hoa Kỳ tại Washington xin được giấu tên đã thốt lên câu hỏi này theo báo mạng Politico. Chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng của Thượng Viện Mỹ, Adam Smith, thú nhận nhìn vào lý lịch của Pete Hegseth,  ông « không thấy nhân vật này có chút kinh nghiệm nào đủ để lãnh đạo Lầu Năm Góc ».

Theo các tờ báo Mỹ, Pete Hegseth tốt nghiệp hai đại học danh tiếng của Mỹ là Princeton và Harvard, là một sĩ quan Lục Quân, phục vụ tại Afghanistan, Irak và tại căn cứ quân sự của Hoa Kỳ trên vịnh Guantanamo (Cuba). Ở nhiệm kỳ trước, ông Trump từng có ý định mời Hegseth đứng đầu Bộ Cựu Chiến Binh cho dù nhà báo này điều hành tổ chức Concerned Veterans for America với chủ trương « tư nhân hóa » các dịch vụ bảo vệ các cựu chiến binh Hoa Kỳ, giảm nhẹ gánh nặng cho chính quyền liên bang. 

Quan trọng hơn nữa là những nghi vấn về chính sách của Hegseth liên quan đến tiềm lực quân sự của chính Hoa Kỳ. Ông sẽ điều hành như thế nào một cỗ máy đồ sộ nắm giữ sinh mệnh của 2,5 triệu quân nhân, quản lý ngân sách gần 800 tỷ đô la ? Bộ trưởng Quốc Phòng sắp tới của Mỹ nghĩ gì về quan hệ an ninh giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới ?

Báo Politico, chuyên quan sát về tình hình chính trị ở Mỹ, ngay từ hôm 12/11/2024 trích dẫn quan điểm của sáng lập viên tổ chức bảo vệ các cựu chiến binh Mỹ Independent Veterans of America, Paul Rieckhoff, báo trước « trong lịch sử Hoa Kỳ Hegseth là ứng viên tệ hại nhất để lãnh đạo bộ Quốc Phòng ». Nhân vật này được chọn trước hết vì « trung thành với Trump và được Trump tin cậy ».

Truyền thông Mỹ và quốc tế nhắc lại căng thẳng trong quan hệ giữa ông Donald Trump với nhiều đời bộ trưởng Quốc Phòng trong nhiệm kỳ 2017-2020: Jim Mattis (2017-2019) đã từ chức để phản đối chính sách của Washington khi đó với các đồng minh và chống đối việc tổng thống Trump đòi rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Syria ; Mark Esper (2019-2020) thì từng thẳng thắn chỉ trích tổng thống Hoa Kỳ « không đủ tư cách » làm nguyên thủ quốc gia và từ chối huy động quân đội đàn áp người biểu tình sau cái chết của người Mỹ da đen George Floyd hồi tháng 5/2020.

Xung đột giữa Hành Pháp và Quân Đội Mỹ ?

Là người của quân đội và từng phục vụ ở Afghanistan, Irak hay Guantanamo, Pete Hegseth có một cái nhìn khác về cỗ máy quân sự cồng kềnh và về chính sách an ninh của Hoa Kỳ.

Qua những phát biểu của ông trên các mạng xã hội, cũng như trong các chương trình truyền hình và nhất là trong cuốn sách ra mắt độc giả tháng 6/2024, The War on Warriors – Cuộc chiến nhắm vào các chiến binh, lãnh đạo tương lai của Bộ Quốc Phòng Mỹ mạnh mẽ chỉ trích « chính sách thức tỉnh » của các sĩ quan hàng đầu tại Lầu Năm Góc. Hegseth cho biết ông đã giải ngũ năm 2021, bị gạt ra bên ngoài do « quan điểm chính trị và tôn giáo ». Tựa như tổng thống tân cử Donald Trump, Hegseth cũng chủ trương sa thải những thành phần trong quân đội, kể cả giới tướng lĩnh, mà bên bảo thủ gọi là « thức tỉnh », cụm từ dùng để nhắm vào những người có lập trường bảo vệ « công bằng về chủng tộc, xã hội » trong hàng ngũ quân đội.

Bộ trưởng Quốc Phòng sắp tới của nước Mỹ cho rằng đường lối thức tỉnh đó chỉ nhằm « làm suy yếu quân đội Hoa Kỳ ». Ông cũng chủ trương rằng phụ nữ nên đứng ngoài chuyện binh đao. Tuy không có nhiều kinh nghiệm, Hegseth không ngần ngại đả kích liên minh quân sự NATO, hay thậm chí tấn công trực tiếp những « tượng đài » như chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, tướng C.Q Brown và người tiền nhiệm của tướng Brown là vị lão tướng Mark Milley (2019-2023). Nhắm vào đương kim tham mưu trưởng Liên Quân Mỹ, Hegseth tự hỏi « Nếu không phải là da đen, ông này có được chỉ định vào chức vụ đó hay không ? ». Với tướng Milley, Pete Hegseth đánh giá ông đã « không thi hành nghiêm túc chính sách của tổng thống Trump » và là người của đảng Dân Chủ.

Theo tiết lộ của hãng tin Anh Reuters (ngày 13/11/2024) ê-kíp của tổng thống tân cử Donald Trump dường như đang lập một danh sách các sĩ quan Mỹ cần sa thải, bao gồm cả một số tướng lĩnh cao cấp có liên hệ với tướng Milley. Toàn bộ 6 nhánh (Lục Quân, Hải Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Không Quân, Lực Lượng Vệ Binh Quốc Gia Hoa Kỳ và Lực Lượng Không Gian) trong quân đội Hoa Kỳ đều có những tên tuổi đã bị đưa vào « sổ đen ».

Mỹ « sợ » can thiệp sâu vào Châu Âu ảnh hưởng đến Nga 

Về đối ngoại, không hiểu rằng trong thời gian phục vụ bên Lục Quân, Pete Hegseth có nhiều cơ hội cộng tác với đồng minh của Mỹ ở cấp chỉ huy hay không, nhưng điều đó không cấm cản viên cựu đại úy này gay gắt chỉ trích châu Âu « bất lực, để bị xâm chiếm ». Ông đặt câu hỏi: tại sao Hoa Kỳ lại phải quan tâm đến các thỏa thuận phòng thủ với các đối tác đã « bị lạc hậu ? ». NATO, trong mắt một người đã giải ngũ từ 2021 như Pete Hegseth, chỉ « biết hô hào về các quy tắc với một chính sách phòng thủ hoàn toàn trống rỗng (…) để phải trông chờ vào Hoa Kỳ ».

Riêng đối với Trung Quốc, người có triển vọng đứng lãnh đạo Lầu Năm Góc từ tháng 1/2025 quả quyết chính quyền Cộng Sản ở Bắc Kinh đang « xây dựng một lực lượng quân sự với mục tiêu tập trung đánh bại Hoa Kỳ (…) Họ  có tầm nhìn dài hạn để không chỉ thống trị khu vực, mà còn thâu tóm luôn toàn cầu ». Trong khi đó thì nước Mỹ lại chẳng có chiến lược nào « ra hồn ».

Còn về cuộc chiến Ukraina, Pete Hegseth, người mà Donald Trump hoàn toàn tin tưởng là sẽ cùng ông đem lại hào quang cho nước Mỹ, trong một chương trình truyền hình gần đây nhận định « nếu Ukraina tự vệ được thì quá tốt, (…) tôi không muốn Mỹ can thiệp sâu vào châu Âu, vì như vậy sẽ khiến (Vladimir Putin) cảm thấy ông ấy đang bị đe dọa ».


************

Báo chí Mỹ: Đảng Cộng Hòa giữ được đa số ở Hạ Viện

Theo dự phóng của truyền thông Mỹ hôm qua, 13/11/2024, trong cuộc bầu cử ngày 5/11, đảng Cộng Hòa đã giành được 218 trong tổng số 435 ghế, giữ được đa số tại Hạ Viện, sau khi đã giành được quyền kiểm soát Thượng Viện. Việc nắm quyền kiểm soát cả Hạ Viện và Thượng Viện Hoa Kỳ giúp vị tổng thống tân cử Donald Trump có thể nhanh chóng thực thi các biện pháp triệt để, như đã hứa hẹn, về chống nhập cư bất hợp pháp, giảm thuế…

President-elect Donald Trump speaks at meeting of the House GOP conference, Wednesday, Nov. 13, 2024, in Washington. House Speaker Mike Johnson of La., second from left, is seated with Rep. Elise Stef
Tổng thống tân cử Donald Trump nói chuyện tại trụ sở của đảng Cộng Hòa ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ, hôm 13/11/2024. AP - Alex Brandon
Quảng cáo

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin cho biết thêm thông tin : 

Tại Hoa Kỳ, việc kiểm phiếu bầu phải mất nhiều ngày và vẫn chưa kết thúc. Nhưng cho đến nay, kết quả cho thấy là phe Cộng Hòa tiếp tục giữ đa số tại Hạ Viện, ngay cả lãnh đạo phe Dân Chủ Hakim Jeffrey cũng đã thừa nhận điều này.

Đây là một chiến thắng toàn diện đối với đảng Cộng Hòa. Đến gặp các dân biểu của đảng này ở Washington trước khi vào Nhà Trắng, Donald Trump đã tỏ vẻ đắc thắng dưới tràng vỗ tay của những người ủng hộ ông, khi nhiều lần nói chiến thắng này thật là thoải mái.

Tuy nhiên, đây là một chiến thắng sát saoNhân vật thân cận của ông Trump, Mike Johnson, chủ tịch mãn nhiệm của Hạ Viện và có khả năng tiếp tục giữ chức vụ này trong khóa tới, đã yêu cầu ông Trump không bổ nhiệm những người từ nhóm của ông vào tân nội các, vì sợ rằng đa số tại Hạ Viện sẽ bị đe dọa.

Còn tại Thượng Viện, cần phải đợi kết quả kiểm phiếu ở bang Pennsylvania, nhưng sẽ không có gì thay đổi. Các thượng nghị sĩ Cộng Hòa đã chiếm đa số. Họ đã chỉ định lãnh đạo của cơ quan này là nghị sĩ bang Nam Dakota, ông John Thune, hiện là nhân vật thứ hai của nhóm thượng nghị sĩ Cộng Hòa.

Ông John Thune đã giành chiến thắng qua cuộc bỏ phiếu kín trước đối thủ là thượng nghị sĩ bang Florida Rick Scott, đồng minh của Donald Trump và được tỷ phú có ảnh hưởng lớn Elon Musk công khai ủng hộ. Ông John Thune tuyên bố rằng, trái với mong muốn của Donald Trump, Thượng Viện sẽ đảm nhận vai trò kiểm soát và phê chuẩn những người được tổng thống đề cử vào tân nội các.


**************

Malaysia phản đối Philippines ra luật ‘xâm phạm chủ quyền’ trên Biển Đông


Các ngư dân sinh sống trên vùng biển thuộc bang Sabah của Malaysia mà Philippines nói họ không từ bỏ chủ quyền (Hình ảnh chỉ mang tính minh họa)
Các ngư dân sinh sống trên vùng biển thuộc bang Sabah của Malaysia mà Philippines nói họ không từ bỏ chủ quyền (Hình ảnh chỉ mang tính minh họa)

Malaysia sẽ gửi công hàm phản đối tới Philippines về luật biển mới của họ do các đòi hỏi chủ quyền chồng lấn của hai nước ở Biển Đông, Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia cho biết hôm 14/11.

Công hàm phản đối được đưa ra sau khi có khiếu nại từ Trung Quốc về Luật các Vùng biển và Luật các tuyến đường biển quanh quần đảo của Philippines. Manila nói rằng các đạo luật này là nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền trên biển và đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của họ

Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Mohamad Alamin cho biết chính phủ nước này đã xem xét các tài liệu tham khảo liên quan đến các đạo luật mới của Philippines và thấy rằng chúng liên quan đến các tuyên bố chủ quyền đối với bang Sabah của Malaysia trên đảo Borneo.

“Chúng tôi sẽ gửi công hàm phản đối ngày hôm nay để thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của Sabah và chủ quyền của đất nước chúng tôi,” ông Mohamad phát biểu trước Quốc hội Malaysia.
Bộ Ngoại giao Philippines đã không phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

Philippines có tuyên bố chủ quyền âm ỉ đối với phần phía đông của Sabah có từ thời họ còn là thuộc địa, nhưng họ hiếm khi đưa ra tuyên bố chính thức về vấn đề này. Tòa án Tối cao Philippines hồi năm 2011 đã phán quyết rằng nước này chưa bao giờ từ bỏ tuyên bố chủ quyền này.


*********

Mỹ-Nhật-Hàn tập trận lần cuối trước khi ông Trump lên nắm quyền


Các chiếu đấu cơ trên hàng không mẫu hạm USS George Washington tham gia cuộc tập trận Freedom Edge
Các chiếu đấu cơ trên hàng không mẫu hạm USS George Washington tham gia cuộc tập trận Freedom Edge

Các lực lượng hải quân Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc hôm 14/11 đã tập trận chung với nhau trên các vùng biển Đông Á trong đợt thao dượt quân sự chung phức tạp nhất và cuối cùng của họ trước khi Tổng thống Joe Biden bàn giao một trong những sáng kiến an ninh quốc gia mang dấu ấn của ông cho người kế nhiệm Donald Trump.

Dẫn đầu bởi tàu sân bay USS George Washington cùng các chiến đấu cơ, cuộc tập trận hải quân Freedom Edge ở vùng biển phía nam bán đảo Triều Tiên và phía tây các đảo chính của Nhật Bản diễn ra sau một hiệp ước do ông Biden làm trung gian được ký kết vào năm 2023, mà theo đó Seoul và Tokyo gác lại sự thù địch sau nhiều năm và đồng ý hợp tác an ninh ba bên với Washington.

Các cuộc tập trận tiếp theo được lên kế hoạch vào năm tới, mặc dù cả ông Trump và người được ông chọn cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, một bình luận viên trên kênh Fox News vốn có lập trường cứng rắn về Trung Quốc, vẫn chưa phác thảo kế hoạch an ninh quốc gia của họ ở khu vực Đông Á nhạy cảm ngay trước mũi Bắc Kinh. Tổng thống Biden, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1, cũng thúc đẩy mở rộng hợp tác giữa ba nước sang các lĩnh vực công nghệ, an ninh chuỗi cung ứng và phòng thủ mạng.

“Nếu hợp tác ba bên được coi là một thành tựu của ông Biden, tôi có thể hình dung ra kịch bản mà ông Trump có thể sẽ phớt lờ nó,” ông Jeffrey Hornung, chuyên gia chính sách an ninh Nhật Bản tại Rand Corporation, cho biết. “Ý nghĩa của hợp tác ba bên sẽ cần phải được thuyết phục cho ông ấy, chứ không chỉ là chuyển giao lại,” ông nói thêm.

Các đồng minh của Trump hồi tháng Sáu đã đảm bảo với các quan chức ở Nhật Bản và Hàn Quốc rằng ông sẽ hỗ trợ mối quan hệ ba bên sâu sắc hơn, các nguồn tin trước đó nói với Reuters.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã gây áp lực buộc Tokyo và Seoul phải chi trả nhiều hơn cho quân Mỹ đồn trú trên lãnh thổ họ, bao gồm các đơn vị đổ bộ và tàu chiến hải quân mà Washington có thể triển khai để bảo vệ Đài Loan trước bất kỳ cuộc tấn công nào từ Trung Quốc.

Trong cuộc gặp mới nhất giữa các quan chức cấp cao của ba nước, các cố vấn an ninh quốc gia của họ, bao gồm Jake Sullivan của Mỹ, Shin Won-sik của Hàn Quốc và Takeo Akiba của Nhật Bản, đã bày tỏ lo ngại về việc Nga và Triều Tiên tăng cường hợp tác, trong đó có việc Bình Nhưỡng triển khai quân giao chiến với quân Ukraine.

Sau khi ông Biden ra đi, chỉ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol là người còn lại trong số ba nhà lãnh đạo đã nhất trí tại cuộc họp Trại David hồi năm 2023 về hợp tác chặt chẽ hơn để đối phó với căng thẳng gia tăng ở Đông Á với Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Fumio Kishida đã từ chức hồi tháng 9 trong bối cảnh công chúng Nhật tức giận về một vụ bê bối tài trợ dính líu đến chính phủ của ông.

Đến thăm chiếc hàng không mẫu hạm tham gia tập trận hôm 14/11, đại sứ Mỹ tại Nhật, ông Rahm Emanuel cho biết hiệp ước ba bên và hợp tác quân sự theo đó đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh.

“Không chỉ là khả năng răn đe của chúng tôi mạnh mẽ hơn, và không chỉ chúng tôi chứng kiến khả năng răn đe đó mạnh như thế nào, mà tin tốt là Trung Quốc cũng cảm thấy như vậy,” ông phát biểu trên tàu sân bay. Đại sứ Emanuel, người có thể rời Nhật Bản trước cuối năm nay, sẽ được thay thế bởi một đại sứ khác do ông Trump đề cử.

Chuẩn Đô đốc Nhật Bản Takashi Matsui và Chuẩn Đô đốc Hàn Quốc Hur Sung-jae, vốn chỉ huy lực lượng của hai nước trong cuộc tập trận chung, đứng bên cạnh ông Emanuel trên boong chứa máy bay với các chiến đấu cơ F-18 và F-35 xung quanh.

Ông Hur nói rằng đối với Seoul, cuộc tập trận này, diễn ra sau khi Triều Tiên hồi tháng trước thử nghiệm điều mà họ tuyên bố là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được nâng cấp, đã gửi thông điệp tới nước láng giềng hiếu chiến.

“Nó có đặc điểm đáp trả và răn đe các hành động khiêu khích của Triều Tiên,” ông nói.


********

Ngoại trưởng Blinken cam kết củng cố ủng hộ cho Ukraine trước khi chuyển giao quyền lực sang chính quyền Trump


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu với báo chí sau cuộc họp ở trụ sở NATO tại Brussels vào ngày 13 tháng 11 năm 2024.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu với báo chí sau cuộc họp ở trụ sở NATO tại Brussels vào ngày 13 tháng 11 năm 2024.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken hôm thứ Tư (13/11) đảm bảo với NATO rằng chính quyền Biden sẽ tăng cường sự ủng hộ của mình đối với Ukraine trong vài tháng trước khi ông Donald Trump trở lại làm tổng thống và sẽ cố gắng củng cố liên minh trong thời gian đó.

Gặp Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Brussels, ông Blinken cũng cho biết việc quân đội Triều Tiên được triển khai để giúp Nga trong cuộc chiến tranh Ukraine “đòi hỏi và sẽ nhận được phản ứng cứng rắn”.

Tổng thống đắc cử Trump, người đã đặt câu hỏi về sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine, cho biết ông sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến của Nga mà không nói rõ bằng cách nào, làm dấy lên mối lo ngại trong số các đồng minh của Hoa Kỳ rằng ông có thể sẽ cố gắng buộc Kyiv phải chấp nhận hòa bình theo các điều kiện của Moscow. Ông Biden sẽ rời nhiệm sở vào ngày 20/1.

Sau khi gặp ông Rutte tại trụ sở liên minh, ông Blinken cho biết họ đã thảo luận về việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine, nơi lực lượng Nga đã giành được lợi thế ở tiền tuyến phía đông, và công việc NATO phải làm để củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình.

Ông cho biết chính quyền Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm sẽ “tiếp tục củng cố mọi thứ chúng tôi đang làm cho Ukraine” để đảm bảo rằng họ có thể chiến đấu hiệu quả vào năm tới hoặc đàm phán hòa bình với Nga từ vị thế mạnh mẽ.

Ông Biden sẽ “dùng từng ngày để tiếp tục làm những gì chúng tôi đã làm trong bốn năm qua, đó là củng cố liên minh này”, ông Blinken cho biết, đồng thời nói thêm rằng các quan chức của ông Biden đang nỗ lực cung cấp tất cả các khoản viện trợ đã được Quốc hội Hoa Kỳ phê duyệt cho Ukraine trước khi rời nhiệm sở.

Gặp ông Blinken tại Brussels, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha nói cuộc chiến đang ở thời điểm quan trọng và kêu gọi “sức mạnh” thay vì “sự xoa dịu” đối với Nga.

Ông nói thêm rằng “Không thể trì hoãn việc phòng thủ của Ukraine và chờ đợi... Chúng ta cần đẩy nhanh mọi quyết định quan trọng”.

Nói về việc quân đội Triều Tiên được triển khai để hỗ trợ Nga, ông Blinken nói với các phóng viên rằng mối quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng là “con đường hai chiều” và có “mối quan ngại sâu sắc về những gì Nga đang hoặc có thể làm để tăng cường năng lực của Triều Tiên” bao gồm cả năng lực hạt nhân của nước này.

Ông Blinken cũng đã gặp Tổng tư lệnh NATO tại châu Âu, Tướng Christopher Cavoli, các quan chức cấp cao của EU và Ngoại trưởng Anh David Lammy tại Brussels vào thứ Tư.


***********

Nga giận dữ vì Mỹ mở căn cứ tên lửa ở Ba Lan

Ngày 13-11, Điện Kremlin cáo buộc việc Mỹ mở căn cứ tên lửa mới tại Ba Lan là một phần nỗ lực nhằm kiềm chế Matxcơva, khi di chuyển hạ tầng quân sự của Washington đến gần biên giới với Nga.

Nga giận dữ vì Mỹ mở căn cứ tên lửa ở Ba Lan - Ảnh 1.

Được gọi là "Aegis Ashore", căn cứ của Mỹ nằm tại Redzikowo (Ba Lan) là một phần trong lá chắn tên lửa lớn hơn của NATO - Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Theo Hãng tin Reuters, Mỹ chính thức mở căn cứ phòng không mới ở miền bắc Ba Lan trong ngày 13-11, giữa bối cảnh Warsaw tìm cách trấn an người dân rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu sẽ đảm bảo an ninh cho họ.

Căn cứ tên lửa này nằm tại thị trấn Redzikowo gần biển Baltic, được xây dựng từ những năm 2000 đến nay. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nằm trong số những người dự sự kiện mở căn cứ.

"Mất một thời gian, nhưng công trình này chứng minh cho quyết tâm địa chiến lược của Mỹ" - Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski bình luận.

  • Nga giận dữ vì Mỹ mở căn cứ tên lửa ở Ba Lan - Ảnh 2.Mục đích lá chắn phòng thủ tên lửa của liên minh quân sự NATO là bảo vệ công dân, lãnh thổ và các lực lượng châu Âu khỏi những cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.

Các thành phần quan trọng khác của lá chắn bao gồm một địa điểm Aegis Ashore thứ hai ở Romania, các tàu khu trục của hải quân Mỹ đóng tại cảng Rota của Tây Ban Nha, và một radar cảnh báo sớm đặt tại thị trấn Kurecik của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga đã coi căn cứ nói trên là mối đe dọa từ năm 2007, thời điểm vẫn đang lên kế hoạch. Tuy nhiên, NATO cho biết Aegis Ashore hoàn toàn mang tính phòng thủ.

Trong tuyên bố ngày 13-11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov kể lại Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phản đối các kế hoạch xây dựng căn cứ này từ những năm 2000, khi ông George W. Bush còn là tổng thống Mỹ.

Thời điểm đó ông Putin đã cho rằng Mỹ nói dối khi nói mục đích của căn cứ là để đánh chặn các tên lửa của Iran từ Trung Đông.

"Điều này xác nhận Tổng thống Putin đã đúng. Các kế hoạch này vẫn đang được thực hiện. Hạ tầng quân sự của Mỹ ở châu Âu đang được chuyển hướng tới biên giới của chúng tôi.

Đây không gì khác ngoài nỗ lực kiềm chế tiềm lực quân sự của chúng tôi và tất nhiên điều này sẽ dẫn đến việc (Nga) áp dụng các biện pháp thích hợp để đảm bảo tương xứng" - ông Peskov nói, nhưng không nêu rõ Nga sẽ thực hiện biện pháp gì để đáp trả
**********

Philippines tuyên bố sẽ tuân thủ nghĩa vụ nếu Interpol ra lệnh bắt giữ cựu tổng thống Duterte


Cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Philippines hôm thứ Tư nói rằng họ sẽ không cản trở nếu cựu Tổng thống Rodrigo Duterte muốn trình diện tại Tòa án Hình sự Quốc tế và sẽ có nghĩa vụ tuân thủ bất kỳ lệnh bắt giữ quốc tế nào liên quan đến “cuộc chiến chống ma túy” của ông.

Trong phiên điều trần của quốc hội hôm thứ Tư về cuộc đàn áp ma túy đẫm máu đã giết chết hàng nghìn người Philippines, ông Duterte nói rằng ông không sợ ICC và yêu cầu cơ quan này “nhanh chóng” điều tra về tội ác chống lại loài người có thể xảy ra.

Văn phòng của Tổng thống đương nhiệm Ferdinand Marcos Jr đã đưa ra một tuyên bố vài giờ sau đó cho biết họ sẵn sàng xem xét giao nộp ông Duterte nếu có yêu cầu của Interpol.

“Chính phủ sẽ có nghĩa vụ phải xem xét lệnh truy nã như một yêu cầu cần được tôn trọng, trong trường hợp đó, các cơ quan thực thi pháp luật trong nước sẽ phải hợp tác đầy đủ”, Thư ký điều hành của tổng thống Lucas Bersamin cho biết.

Tuyên bố này rất quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên chính phủ Philippines đề xuất sẽ hợp tác với ICC, nơi đã mở đường cho một cuộc điều tra về chiến dịch đẫm máu đã định hình nhiệm kỳ tổng thống 2016-2022 của ông Duterte vào năm ngoái.

Ông Duterte đã đơn phương rút Philippines khỏi tòa án vào tháng 3/2019 sau khi tòa án này mở cuộc điều tra sơ bộ về các vụ giết người. Tòa án đã tuyên bố các công tố viên có thẩm quyền đối với các tội danh bị cáo buộc thực hiện trước khi Philippines rút lui.

Theo dữ liệu của cảnh sát, hơn 6.200 người đã thiệt mạng trong các hoạt động chống ma túy dưới thời ông Duterte. Các nhóm nhân quyền tin rằng con số thương vong thực tế còn lớn hơn nhiều, với hàng nghìn người sử dụng và người bán lẻ ma túy bị giết trong những hoàn cảnh bí ẩn bởi những kẻ tấn công không rõ danh tính.

Các nhà hoạt động đã ghi lại những gì họ nói là một mô hình hành quyết có hệ thống đối với những nghi phạm không có vũ khí được che đậy bằng các báo cáo sự cố giả mạo và hiện trường vụ án được dàn dựng. Cảnh sát đã bác bỏ điều đó và cho biết những nghi phạm có vũ trang và bị giết để tự vệ.

Trong tuyên bố của văn phòng tổng thống, ông Bersamin cho biết chính phủ sẽ không phản đối hoặc ngăn cản ông Duterte nếu ông muốn trình diện.

Văn phòng công tố của ICC cho biết họ theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Philippines nhưng không bình luận về các tuyên bố của chính phủ liên quan đến các cuộc điều tra đang diễn ra.

Ông Duterte vẫn phản kháng trong phiên điều trần hôm thứ Tư khi ông bảo vệ chiến dịch trấn áp ma túy của mình, đây là một nền tảng quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông, trong đó ông đã hứa sẽ tiêu diệt hàng nghìn kẻ buôn bán ma túy và tội phạm.

“ICC không làm tôi sợ chút nào. Họ có thể đến đây bất cứ lúc nào. Tôi cho rằng quý vị có thể muốn tạo điều kiện thuận lợi cho họ đến thăm và bắt đầu cuộc điều tra. Tôi rất hoan nghênh điều đó”, ông Duterte nói.

Trong phiên điều trần vẫn đang diễn ra sau gần 10 giờ, ông Duterte đã đối mặt với gia đình các nạn nhân và không tỏ ra hối hận về những quyết định mà ông đã đưa ra, coi đó là quyết định khó khăn nhưng cần thiết.

“Tôi không có gì phải che giấu. Những gì tôi đã làm, tôi làm vì đất nước và vì những người trẻ. Không có lời bào chữa. Không có lời xin lỗi. Nếu tôi xuống địa ngục, thì cứ để như vậy đi”.

Người đàn ông 79 tuổi này cho biết ông đang mất kiên nhẫn và yêu cầu ICC hãy “nhanh lên”.
“Tôi đã già rồi, tôi có thể chết sớm. Quý vị có thể bỏ lỡ niềm vui khi thấy tôi đứng trước tòa để nghe phán quyết bất kể đó là gì”, ông Duterte nói, đồng thời cho biết ông hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra.


***********

Biển Đông : Trung Quốc tập trận tại đảo có tranh chấp và công bố bản đồ mới của thành phố Tam Sa

Ngày 13/11/2024, Trung Quốc tiến hành một cuộc tập trận hải quân – không quân tại bãi cạn Scarborough đang có tranh chấp với Philippines. Vài ngày trước đó, Bắc Kinh cũng cho công bố bản đồ mới của thành phố Tam Sa nhằm củng cố quyền kiểm soát đối với các vùng biển chiến lược quan trọng ở Biển Đông vào lúc bùng phát căng thẳng tranh chấp đảo.

Hình của Tuần duyên Philippines cung cấp: Tàu Hải cảnh của Trung Quốc dùng vòi rồng uy hiếp  tàu Philippines, trong một lần tiến vào bãi cạn Scarborough, ngày 09/12/2023.
Hình của Tuần duyên Philippines cung cấp: Tàu Hải cảnh của Trung Quốc dùng vòi rồng uy hiếp tàu Philippines, trong một lần tiến vào bãi cạn Scarborough, ngày 09/12/2023. AP
Quảng cáo

Trong một thông báo ngắn gọn được đăng trên trang Global Times, bộ tư lệnh Chiến khu miền Nam quân đội Trung Quốc cho biết đã tiến hành một chiến dịch tuần tra sẵn sàng chiến đấu tại vùng biển và không phận xung quanh bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham, hiện đang có tranh chấp với Philippines. Theo quân đội Trung Quốc, hoạt động tuần tra này là hợp pháp.

AP nhắc lại, Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough, nằm ở phía tây đảo Luzon của Philipppines vào năm 2012, và kể từ đó đã hạn chế quyền tiếp cận của ngư dân Philippines. Căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh đã gia tăng một nấc khi hôm Chủ Nhật, 10/11, Trung Quốc đã cho công bố các đường cơ sở mới cho bãi cạn này, bao gồm cả tọa độ địa lý nhằm đáp trả việc tổng thống Philippines hôm 08/11, đã ký hai đạo luật củng cố chủ quyền biển đảo, bao gồm cả những khu vực đang có tranh chấp với Trung Quốc.

Cũng trong ngày Chủ Nhật 10/11, bộ Tài Nguyên Thiên Nhiên Trung Quốc đã công bố một bản đồ cập nhật thành phố cực nam Tam Sa được thành lập vào năm 2012, có ghi nhãn cho các quận Tây Sa và Nam Sa (được lập vào năm 2020), tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – mà Việt Nam có yêu sách chủ quyền.

Theo South China Morning Post, bộ Nội Vụ Trung Quốc đã chỉ định mã định danh khu vực hành chính cho hai quận trên. Bưu điện Trung Quốc cấp mã bưu chính cho quận Nam Sa, trong khi ba đảo tại quận Tây Sa – đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng, sẽ tiếp tục sử dụng các mã tương ứng.

Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền với đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trong khi tại vùng quần đảo Trường Sa, Việt Nam, Phillipines, Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng có đòi hỏi chủ quyền tại một số đảo, bãi cạn.


*********

Tổng thống Ukraina : Nga điều 50.000 quân tới khu vực Kursk

Trong bài phát biểu hàng ngày trước quốc dân, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, hôm 11/11/2024, cho biết Nga đã điều 50.000 quân tới khu vực Kursk, hiện đang bị lực lượng Ukraina chiếm đóng một phần.

North Korean soldiers march during a mass military parade in Pyongyang's Kim Il Sung Square to celebrate 100 years since the birth of North Korean founder, Kim Il Sung on April 15, 2012.
Binh sĩ Bắc Triều Tiên diễu binh dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Kim Nhật Thành tại Bình Nhưỡng, ngày 15/04/2012. AP - Ng Han Guan
Quảng cáo

Hãng tin Đức DW, dẫn lời nguyên thủ Ukraina, cho biết “tiếp tục kìm chân nhóm địch gần 50.000 người” ở khu vực tây nam nước Nga. Theo ước tính trước khi Kiev tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào khu vực này hồi tháng 8, chỉ có khoảng 11.000 binh lính đồn trú ở đó.

Về phần mình, Hoa Kỳ, hôm qua 12/11, xác nhận binh sĩ Bắc Triều Tiên đã được triển khai ở Kursk và bắt đầu tham chiến chống Ukraina, mặc dù chính phủ Hàn Quốc vẫn thận trọng chưa đưa ra khẳng định nào.

Phó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Vedant Patel, đưa ra nhận xét này trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng việc triển khai quân đội Bắc Triều Tiên có thể kéo dài cuộc chiến của Nga ở Ukraina và tác động về an ninh đối với toàn bộ châu Âu cũng như khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Vẫn về chiến sự, chính quyền Ukraina, hôm nay 13/11, đã kích hoạt báo động phòng không trên toàn quốc, để đối phó với cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga nhắm vào Kiev. Lần cuối cùng thủ đô Ukraina hứng chịu những cuộc oanh kích của Kremlin là hồi tháng 8. Trước đó, trong đêm 09 rạng sáng 10/11, Ukraina đã trở thành mục tiêu tấn công của 145 drone của Nga, số lượng cao “kỷ lục”, theo ông Zelensky.


*************

Mỹ : Donald Trump bổ nhiệm Elon Musk vào chính phủ

Giữ lời hứa, tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump, hôm qua 12/11/2024, thông báo bổ nhiệm nhân vật giàu nhất thế giới, Elon Musk, làm bộ trưởng bộ “Hiệu quả Chính phủ”, phụ trách cải cách bộ máy chính phủ.

Tesla CEO and X owner Elon Musk speaks as Republican presidential nominee and former U.S. president Donald Trump reacts during a rally at the site of the July assassination attempt against Trump, in B
Elon Musk (P) trong cuộc vận động tranh cử ủng hộ Donald Trump tại Butler, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, ngày 05/10/2024. REUTERS - Carlos Barria
Quảng cáo

Theo AFP, chủ nhân của Tesla, SpaceX và mạng xã hội X đã đầu tư hơn 100 triệu đô la vào chiến dịch tranh cử của Donald Trump và sử dụng mạng xã hội của mình để tích cực vận động cho ứng viên Cộng Hòa. Ông Musk sẽ lãnh đạo cơ quan mới được thành lập này cùng với Vivek Ramaswamy, một doanh nhân gốc Ấn Độ, đối thủ của Donald Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa.

Cũng trong ngày hôm qua, Donald Trump đã tiết lộ nhiều tên tuổi khác sẽ phục vụ trong chính quyền tương lai, theo tường thuật của thông tín viên Guillaume Naudin từ Washington :

“Không có người Palestine” hay “Không có Cisjordanie mà chỉ có Judea và Samaria”, đó là hai trong số những tuyên bố được đưa ra trong nhiều năm qua của tân đại sứ Mỹ tại Israel, Mike Huckabee. Có thể khẳng định việc cựu thống đốc bang Arkansas được bổ nhiệm vào chức vụ nói trên là sự hỗ trợ mạnh mẽ dành cho Nhà nước Do Thái. Ông sử dụng các từ ngữ của những người ủng hộ chiếm đất để lập khu định cư Do Thái. Từ nhiều năm qua, ông cũng là một nhân vật nổi bật trong số những người theo đạo Tin lành ủng hộ Israel vì lý do tôn giáo.

Mike Huckabee được đề bạt sau khi Steven Witkoff được bổ nhiệm làm đặc phái viên Mỹ về Trung Đông. Xuất thân từ giới bất động sản ở New York, ông Witkoff là bạn thân của Donald Trump, từng quả quyết sẽ xử lý xung đột ở Trung Đông sớm nhất có thể. Trước đó, Elise Stefanik được bổ nhiệm làm đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, chỉ trích chính quyền Biden đã đình chỉ việc cung cấp bom hạng nặng cho Israel trong cuộc chiến ở dải Gaza.

Cuối cùng, Marco Rubio, người được cân nhắc cho chức ngoại trưởng, nhận định Hamas chịu trách nhiệm 100% về cuộc chiến với Israel và phong trào Palestine này phải bị xóa sổ. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhiệt liệt chúc mừng Donald Trump đắc cử tổng thống và từ đó đến nay dường như đã nói chuyện với nhà tỷ phú.


**********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Sáu, 13 Tháng Mười Hai 20241:00 SA
Thứ Năm, 12 Tháng Mười Hai 20244:25 SA
Thứ Tư, 11 Tháng Mười Hai 20244:31 SA
Thứ Ba, 10 Tháng Mười Hai 20244:08 SA
Thứ Hai, 09 Tháng Mười Hai 20243:19 SA
Thứ Bảy, 07 Tháng Mười Hai 20241:00 SA
Thứ Sáu, 06 Tháng Mười Hai 20244:31 SA
Thứ Năm, 05 Tháng Mười Hai 20244:18 SA
Thứ Tư, 04 Tháng Mười Hai 20246:50 SA
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo