(Xin chép lại bài viết cách đây năm năm! – LHLV)
Ngày 08/11/2019, báo Thanh Niên đưa tin “Theo thông tin của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang đã thuận thế vô thường an nhiên viên tịch”.
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang không chỉ là một cao tăng, cuộc đời ông gắn với giai đoạn lịch sử đầy biến động của Việt Nam những năm 1963-1975. Đây là giai đoạn từ cuối thời ông Ngô Đình Diệm chấp chính tại Miền Nam kéo dài tới tháng 4/1975 khi đất nước thống nhất, một giai đoạn đầy cảm xúc khi nhớ lại.
Trong giai đoạn này, hai nhân vật có ảnh hưởng lịch sử rất lớn là ông Hồ Chí Minh ở Miền Bắc và ông Ngô Đình Diệm ở Miền Nam.
Ông Hồ Chí Minh lớn hơn tôi trên sáu chục tuổi. Từ những ngày còn rất nhỏ tôi đã cảm nhận một điều gì đó không bình thường khi người lớn nói về ông. Thủa đó, gia đình tôi có những người quen mà mỗi khi tới nhà ba mẹ tôi hay dắt vào bàn ăn trong bếp nói chuyện, chớ không ngồi phòng khách. Có lần tôi nghe một vị khách nói với ba tôi: “Tay Ngô Đình Nhu ghê gớm. Ấp Chiến Lược của chả gây khó khăn cho mình”. Còn nhỏ nhưng tôi biết mấy ông bàn quốc sự.
Bữa cơm, ba tôi nói tội nghiệp anh Bảy, lớn tuổi còn khổ cực. Má tôi nói tình bạn cũ mình giúp ảnh, chớ tui không ủng hộ cuộc chiến này. Pháp đã về nước, hai miền yên ổn mà sống, đánh nữa làm chi. Dân mình chết biết bao nhiêu! Ba tôi nói chuyện này chắc do Lê Duẩn, ông Hồ già quá rồi. Ông Hồ lãnh đạo kháng Pháp thành công cũng là có công lớn với lịch sử!
Khi ngọn lửa tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức bùng lên tại ngã tư Lê Văn Duyệt, Phan Đình Phùng và bước chân các đoàn biểu tình, sư sãi ồn ào băng ngang cửa nhà, một buổi sáng nghe vài tiếng súng xa xa. Tôi còn nhớ in hình ảnh chị tôi núp sau cửa cái, thình thoảng mở cửa ngó ra rồi đóng sập lại. Mẹ tôi la: “Con nhỏ này ngu! Người ta bắn vô bây giờ”.
Sau đó đọc trên báo thấy danh sách của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng lãnh đạo cuộc đảo chánh. Và hôm sau nữa thấy hình thi thể hai anh em ông Diệm ông Nhu! Ba tôi nhận xét rằng Miền Nam tự do chẳng còn sống sót mấy năm. Miền Nam chỉ có ông Diệm nói chuyện được với ông Hồ, giờ cây cột cái gãy rồi, Miền Nam đâu còn ai! Đám tướng tá kia chưa ai đủ sức, họ chỉ làm tình hình lộn xộn thêm vài năm nữa…
Lúc này, Thượng tọa Thích Trí Quang nổi lên như một nhân vật chịu trách nhiệm nổi lửa thiêu cháy đệ nhất Cộng Hòa của Miền Nam.
Năm 1969, đang thơ thẩn ngoài sân, nghe trong nhà Ba tôi kêu ra: “Ông Hồ mất rồi!”. Tôi chạy vào thấy Ba tôi cầm tờ báo nói với Mẹ tôi: “Ông Hồ chết rồi chắc nước mình khó thống nhất!”. Mẹ tôi nói thống nhất làm chi, dứt chiến tranh là tui mừng. “Miền nào sống yên ổn lo làm ăn cho giàu có ấm no miền đó. Mình làm trái độn cho Trung Cộng, dân mình chết cho nó. Cứ để vậy, chừng mình giàu mạnh lên, thống nhất mấy hồi!”. Ba tôi nói coi vậy chớ dân mình nhiều người muốn thống nhất, em coi kìa, dân mình hổng muốn làm sao họ dựng được Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam?
Thời gian như trôi gấp hơn sau đảo chánh, tướng Dương Văn Minh, tướng Nguyễn Khánh, tướng Nguyễn Cao Kỳ, tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tết Mậu Thân, mùa hè đỏ lửa, cổ thành Quảng Trị, hải chiến Hoàng Sa, trận chiến Phước Long. các sự kiện lịch sử lớn cứ tiếp nối cách nhau một hay vài năm… Trong các biến động thời cuộc dồn dập đó, vào những khúc quanh lớn, nhất là trong biến cố Phật Giáo Miền Trung, thượng tọa Thích Trí Quang được nhắc tới như một khuôn mặt lớn đứng sau chính trường, và cũng có lúc xuất hiện trên sân khấu dù không đảm nhiệm chức vụ gì. Khuôn mặt đó không ít lần được một số nhà quan sát chính trị cho là có sức mạnh xô nghiêng chế độ Miền Nam và làm rúng động Hoa Thịnh Đốn!
Năm 1973, trong một lần viếng chùa Ấn Quang, thấy cảnh sát ngồi ngoài cổng, tôi hỏi thì biết thầy Trí Quang đang họp bên trong với thành phần thứ ba. Sau này, khi ra nước ngoài đọc các tài liệu về thời đó, tôi được biết thượng tọa Thích Trí Quang có nhiều trao đổi làm việc với tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Miền Nam.
Tháng 4/75 đóng một nhát búa đanh đậy nắp một giai đoạn với rất nhiều sự kiện bên trong! Trong âm vang của tiếng búa đó, lại nghe văng vẳng tên thầy Thích Trí Quang…
Sau ngày thống nhất, thầy Thích Trí Quang lui hẳn về với kinh sách và im lặng trước đồng vọng của những dư âm quãng đời trước năm 1975 của thầy.
Điều tôi nhìn thấy như là dấu hiệu tiến bộ là ba ngày sau tin thầy Thích Trí Quang viên tịch được công bố, trên các trang mạng tôi theo dõi, gặp ít tiếng miệt thị, chửi bới hay tôn sùng quá mức một nhân vật có ảnh hưởng lớn như vậy tới cục diện Bắc – Nam. Thông thường một nhân vật như vậy sẽ gây bão dư luận phân chia rất cực đoan và hận thù. Chữ “ít” nằm trong ý nghĩa tương đối đó.
Cách đây chục ngày, dịp kỷ niệm ngày mất của anh em ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, những bài viết cực đoan cũng ít đi rất nhiều so với những năm trước.
Điều này có liên quan gì tới thảm nạn mới xảy ra cho 39 đồng bào trong thùng xe đông lạnh trên lãnh thổ Anh? Có liên quan gì tới sự suy thoái đạo đức quá lớn trong xã hội? Có liên quan gì tới việc Việt Nam ngày càng thua kém lân bang? Có liên quan gì tới Trung Quốc đang xâm lấn lãnh hải và uy hiếp cả bờ biển Đông Tổ Quốc? Những sự việc trên có đánh động gì tới tâm tư người Việt, khiến chúng ta lắng nghe nhau hơn, bình tâm hơn?
Tôi thường tự dặn mình nên tránh các tranh cãi chưa cần thiết. Trong khi trao đổi các quan điểm học thuật, tôi tránh những đề tài gây chia rẽ. Các đề tài có thể thảo luận được thì trình bày ôn hòa, tôn trọng ý kiến khác biệt, mời gọi sự hoài nghi và cộng tác học thuật để cùng nâng cao tri thức, điều nước Việt ta đang thiếu. Lúc này, cần tập trung xây dựng sự đồng lòng đối phó với các nguy cơ của Tổ Quốc. Những đề tài như chính thể, chính quyền đang là trách nhiệm cấp bách của dân tộc. Nếu dân tộc nhẹ nhàng hơn về quá khứ thì có thể sáng suốt hơn khi tìm giải pháp cho chính đề đất nước hiện nay không?
LÊ HỌC LÃNH VÂN 12.11.2019