Quan hệ “gắn bó keo sơn” giữa Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) và Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) có thể chỉ là một ngoại lệ khó lặp lại? CPC rút khỏi Tam giác phát triển ba nước “CLV – DTA” cho thấy việc hóa giải những cơn sóng ngầm để đạt được một nền hòa bình lâu dài giữa hai quốc gia Cam – Việt vẫn là điều khó nắm bắt.
--------------------------------
Không thể xem thường thời điểm “quay xe”
Khu vực Tam giác Phát triển Campuchia—Lào—Việt Nam (CLV-DTA) được thành lập vào năm 2004 và bao gồm 13 tỉnh biên giới trên cả ba quốc gia. Đó là các tỉnh Ratanakiri, Stung Treng, Kratie và Mondulkiri ở CPC; các tỉnh Attapeu, Salavan, Sekong và Champasak của Lào; các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông và Bình Phước của Việt Nam. Khái niệm CLV-DTA (Dự án) bắt nguồn từ cuộc họp không chính thức được tổ chức tại Viêng Chăn vào ngày 20/10/1999, giữa các Thủ tướng Campuchia (CPC), Lào và Việt Nam thời đó là Hun Sen, Sisavath Keobounphanh và Phan Văn Khải. Kể từ khi thành lập, ba quốc gia đã tổ chức các Cuộc họp cấp bộ trưởng hàng năm và các Hội nghị thượng đỉnh cấp Thủ tướng hai năm một lần, với mục tiêu tăng cường hợp tác ba bên, thúc đẩy ổn định và an ninh, giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở các khu vực biên giới. Điều này đạt được thông qua việc cải thiện mạng lưới giao thông, thúc đẩy thương mại và các nỗ lực chống tội phạm xuyên biên giới và khai thác tài nguyên thiên nhiên (1).
Vào ngày 20/9/2024, Chủ tịch Thượng viện Hun Sen, cũng là Chủ tịch Đảng Nhân dân CPC và là người khởi xướng Dự án, đã chính thức tuyên bố chấm dứt sự tham gia của CPC vào chương trình hợp tác này sau 25 năm thực hiện. CPC bất ngờ gửi công hàm chính thức thông báo rút khỏi Dự án, gây chấn động dư luận khu vực và quốc tế. Về phía Việt Nam, chắc chắn Hà Nội cũng không lường trước được bước đi này của Phnom Penh, vì mới tháng trước, vào ngày 22/8/2024, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời trong cuộc họp báo thường kỳ vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của “Tam giác phát triển”, trong bối cảnh có các cuộc biểu tình phản đối của người CPC cả ở hải ngoại lẫn trong nước. Trải qua 25 năm hình thành và triển khai, hợp tác khu vực CLV-DTA đã đóng góp cho việc phát triển kinh tế – thương mại, giao lưu nhân dân giữa ba nước, đặc biệt là người dân sinh sống ở khu vực này. Chiều 22/8/2024, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng vẫn thông tin về “Hội nghị cấp cao CLV-DTA”. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với CPC và Lào tổ chức tốt “Thượng đỉnh cuối năm”, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12 năm nay tại CPC (2).
Thời gian “hai cha con ông trùm” Hun Sen – Hun Manet tuyên bố rút khỏi Dự án trùng với thời điểm chuyến công du dài ngày của tân TBT—CTN Tô Lâm đến Liên Hợp Quốc (LHQ), càng gây thêm nhiều nghi ngại. Đây không phải đơn giản chỉ là "quyết định trong phạm vi nội bộ" của CPC, mà còn có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến các mối quan hệ khu vực và chiến lược ngoại giao của Việt Nam. "Động thái quay xe" này tiềm ẩn nhiều tác động phức tạp, đặc biệt khi nhìn dưới lăng kính chính trị quốc tế. CLV-DTA trước đây vốn là một sáng kiến mang tầm chiến lược của Hun Sen. Nhưng sau 25 năm, việc cha con Hun Sen nay đột ngột rút khỏi Dự án không thể không khiến người ta nghĩ đến các thế lực đứng sau, đặc biệt là sự giật giây của Trung Quốc (3). Dù lấy lý do rằng các đảng đối lập đang lợi dụng Dự án để kích động “Cách mạng màu” tại CPC, nhưng rõ ràng đó là cái cớ phi lý. Thời điểm công hàm được gửi trùng với chuyến công du Tây bán cầu của Tô Lâm để thảo luận về chủ nghĩa đa phương, càng cho thấy đây có thể là một động thái cố ý làm suy yếu vai trò và uy tín quốc tế của Việt Nam.
“Máu và hoa ấy” dường như vẫn chưa đủ?
Tố Hữu từng có bài thơ nổi tiếng tháng 1/1973: “Việt Nam ơi, máu và hoa ấy có đủ mai sau thắm những ngày…” (4) Tứ thơ khắc họa hình ảnh dân tộc đã phải đổ biết bao xương máu để giành lấy hòa bình, độc lập của bản thân và của cả các nước Đông Dương. Câu hỏi đặt ra là liệu sự hy sinh lơn lao ấy có đảm bảo được tương lai ổn định cho các mối bang giao hiện hữu? Trong khi Việt Nam tiếp tục nỗ lực theo đuổi chính sách hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực, thì CPC ngược lại, dưới tác động của các nhân tố bên ngoài, đang tiến hành nhiều động thái, khiến sự cân bằng chiến lược ở Đông Dương cũng như khu vực có nguy cơ bị đảo lộn. CPC xây dựng căn cứ quân sự Ream (5) và dự án kênh Funan (6) với sự hậu thuẫn của Trung Quốc rõ ràng là những bước đi đẩy Việt Nam vào tình thế khó khăn. Những sự kiện này không chỉ đe dọa an ninh của Việt Nam. Vấn đề đặt ra là: Việt Nam sẽ còn nhượng bộ, lùi bước đến bao giờ trước các động thái ngày càng quyết liệt của CPC? Với áp lực gia tăng từ mọi phía, liệu Việt Nam có đủ khả năng “thắm những ngày” hòa bình và phát triển mà các thế hệ trước đây đã hy sinh để giành lấy, hay sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất đi những thành quả ấy?
_______________
Vì sao Campuchia đe dọa bắt giữ những người chỉ trích khu vực kinh tế với Việt Nam và Lào?
Campuchia bất ngờ rút khỏi thỏa thuận kinh tế 25 năm Cam-Lào-Việt
Hệ lụy khó lường của việc Campuchia làm kênh đào Phù Nam bất chấp Hiệp định Mekong 1995
_______________
Trước thời điểm cha con Hun Sen “quay xe” như phân tích ở trên, các quan hệ nhiều mặt, trong đó có việc móc nối cả ngầm lẫn công khai về quân sự ngày càng lộ liễu giữa CPC và Trung Quốc đang gióng lên tiếng chuông báo động cho Việt Nam, đặc biệt liên quan đến căn cứ hải quân Ream. Trung Quốc có quyền duy nhất tiếp cận căn cứ quân sự Ream phải chăng, đây là một tiền đồn quân sự nước ngoài thứ hai sau Djibouti ở châu Phi? Từ khóa “Việt Nam” trong bàn cờ chính trị CPC ngày nay càng làm nổi bật vai trò của căn cứ hải quân Ream quan trọng như thế nào, nếu Việt Nam rơi vào một cuộc xung đột quân sự trên biển hoặc trên đất liền với Trung Quốc? (7) Trong khi những “từ khóa” này, cho đến nay chưa có câu trả lời rốt ráo, nhất là cách Việt Nam lúc nào cũng có xu hướng ngả theo chính sách “quét rác xuống thảm”, càng làm cho dư luận người dân trong nước hoang mang, bạn bè trong khu vực và trên thế giới quan ngại. Đây là bài toán không chỉ về ngoại giao, mà còn là về chiến lược quốc phòng, kinh tế và cả sự đoàn kết quốc gia.
Những ngày này, chúng ta càng nhớ đến nhà báo đang trong vòng lao lý Trương Huy San (8), người có thời gian phục vụ quân đội Việt Nam ở CPC, từng nhận định và cảnh báo rằng, Việt Nam "không nên đánh giá Hun Sen dựa trên quá khứ ‘do chúng ta dựng lên’, mà chỉ nên đánh giá Hun Sen dựa trên những gì ông ấy đang làm đối với đất nước CPC và đặc biệt, ông ấy đang đối xử như thế nào với con dân nước Việt". Cũng theo bỉnh bút Sebastian Strangio trên tờ the Diplomat, việc Phnom Penh rút khỏi CLV-DTA đánh dấu sự chuyển dịch quan trọng trong quan hệ Campuchia – Việt Nam (9). Nếu cha con Hun Sen – Hun Manet, chỉ vì chiều theo đòi hỏi của phe đối lập mà rút khỏi thỏa thuận CLV, để “khỏi bị coi là con rối của Hà Nội”, thì đấy quả là một sự ngụy biện trơ trẽn. Nếu nay mai, khi phe đối lập sẽ trở lại với yêu sách lâu nay, đòi lại vùng đất Nam Bộ, thì liệu họ có “dập tắt hẳn đám cháy” như cách họ ứng xử với CLV-DTA, như cách lập luận của người phát ngôn Bộ Ngoại giao CPC? (10)
*
Từ những sự kiện đã phân tích như căn cứ hải quân Ream, kênh đào Funan, cho đến quan điểm “không muốn bị coi là con rối của Hà Nội” và quyết định rút khỏi CLV-DTA, có thể thấy rõ một xu hướng đáng lo ngại. Phải chăng, “quan hệ keo sơn” giữa Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) và Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) chỉ là một ngoại lệ trong dòng chảy lịch sử? Điều này tiềm ẩn nguy cơ, quan hệ Campuchia – Việt Nam sẽ dần trở lại trạng thái bình thường hoặc thậm chí kém hơn. Giống như chiếc đuôi thằn lằn “đặc biệt” đã bị rơi rụng, mối quan hệ này cũng có thể dần phai nhạt. Thực tế cho thấy, Trung Quốc với tiềm lực tài chính và mưu kế chiến lược đã làm lu mờ vị thế từng nổi bật của Việt Nam tại Campuchia. Tuy nhiên, mối quan hệ Việt – Cam chưa đột ngột suy giảm thành sự đối kháng công khai; vẫn còn đó những lợi ích chung để hai đảng và hai chính quyền duy trì mức độ cân bằng cần thiết. Dẫu vậy, ngày càng rõ ràng rằng, tình “anh em” giữa Hà Nội và Phnom Penh không còn là điều đương nhiên. Lịch sử đã chứng minh những bài học đắt giá, mong rằng cha con Hun Sen không mắc lại sai lầm như chính quyền Khmer Đỏ trong thập niên 1970.