Hết mưa bão một cái, lại tắc đường. Ngày nào đi qua phố Thụy Khuê cũng tắc vì dòng người rồng rắn mua bán Trung thu. Cái hãng lâu năm này (theo báo chí là từ năm 1954) cũng có thể là ngon thật, nhưng xếp hàng từ sáng sớm tinh mơ cả tiếng đồng hồ thì quả là kỳ công.
Nhớ mấy năm trước, có cậu em xã hội bảo: Em đi xếp hàng đây, anh có mua không em mua hộ cho một ít? Mình trả lời: cảm ơn em, vì cái bánh ngon mà mất công như thế thì đúng là cầu kỳ, nhưng với anh chuyện ăn uống cũng phiên phiến thôi, nên bánh mua ở đâu cũng được. Anh thấy các hãng lớn đảm bảo an toàn ăn cũng chẳng khác gì mấy.
Cậu sửng sốt, vì trước nay tôi có tiếng ở cơ quan là khảnh ăn, nhưng ăn rất sành và tinh tường về nhận ra mùi vị, khẩu vị rất tinh tế.
Ở với nhà ông bà ngoại, trong đó ông bà, mẹ và cả cậu… đều là những người nấu cỗ ngon và giỏi, tôi cũng biết nấu ăn nhưng cái ý thức về miếng ăn nó cũng cao lắm. “Lời chào cao hơn mâm cỗ,” được mời thì ta kính trọng cái sự mời. Cỗ ở quê bây giờ cũng thế nhé, càng ngày càng ăn thanh cảnh hơn, không còn ê hề xô bồ rượu thịt như trước.
Nhắc chuyện chen chúc, đúng là 20 năm qua từ ngày có xe máy Trung Quốc, sểnh ra cái là tắc đường. Tôi cũng chứng kiến sự thay đổi của thái độ người đi đường trong 20 năm qua, từ xe đạp lên xe máy và bây giờ là ô tô. Không thể nói những năm 1980 và 1990 ở Hà Nội không tắc đường bao giờ, nhưng là tắc xe đạp. Người đi xe đạp cũng lên vỉa hè, nhưng là dắt xe. Thỉnh thoảng có anh thanh niên “ngổ ngáo” bê cái xe đạp lên đầu đi qua đám đông trong sự nể phục của bạn gái.
Bây giờ người ta chen nhau theo kiểu thù địch, tranh cướp nhau để đi. Tuần trước khi chở cô gái đi học thêm, tôi dừng lại sau một ô tô để chờ nó tránh nhau với một ô tô khác đi ngược chiều. Mình đứng gọn, nhưng người khác không gọn cho, ai cũng thấy khoảng trống là chen lên và đâm đầu vào xe ngược chiều, tắc tiếp. Một ông trung niên cũng chở con đi học làm đúng cái chuyện như vậy, bị ô tô ép ông ta quặt luôn vào xe tôi, cái đầu ghi đông kẹp vào ngón tay út đau điếng. Mình nói nhỏ với ông ấy: Anh làm như thế làm gì, đi có nhanh hơn được đâu.
Bây giờ người ta chỉ không ăn tham kiểu ngày xưa thôi, chứ chuyển sang tham kiểu khác, và càng ngày càng dữ dằn hơn.
Nhắc đến mưa bão, mấy năm tôi ở rừng đón nhiều đoàn từ thiện lên tham gia cứu trợ, và cũng trực tiếp tham gia nhiều trận – lở đất lấp nửa thôn có, lụt cô lập cả thôn có. Những lúc còn đang thiên tai, không hiểu sao nhiều đoàn cứu trợ đã ùn ùn lên, mang theo đủ thứ mà không biết rằng lúc đó còn đang cứu nạn, không ai vác được cái đống mì tôm và thức ăn đó vào tận thôn cho bà con. Các đoàn đi cứ mấy chục người một nhóm, chen nhau chật cả địa bàn, làm cho địa phương một phen hốt hoảng.
Có lần tôi hỏi một cậu thanh niên ‘thủ lĩnh’ – các em làm gì đi cả hội đến gần hai chục bạn như thế này? Cậu hồn nhiên: nhỡ chỗ nào cần bọn em bê vác cái gì… Tôi bảo: chẳng cần bê vác cái gì. Đống hàng hóa của các em, bây giờ không ai bê được vào dù là bộ đội, công an ở đây, các em càng không bê được qua 4, 5 con suối và 5, 6 ki-lô-mét đường bây giờ toàn bùn. Còn khi nào hết lũ khắc phục được cầu đường, cũng chẳng cần các em. Đưa mấy chục nghìn đây, có luôn dăm bảy anh xe ôm chạy Win Tàu và Wave Tàu, chở vào tận từng nhà cho các em. Còn nếu các em bảo không tin cán bộ chính quyền địa phương, thì đừng làm nữa. Anh nói thật, cán bộ chỉ cần kè một đoạn kênh mương nội đồng đã có vài chục cả trăm triệu chia nhau, cần gì mấy thùng mì tôm của các em.
Bây giờ cũng chẳng ai chở hàng hóa lên tận trên tỉnh, thậm chí chở hàng từ Nam ra Bắc trong thời năm 2024 cũng kỳ nữa. Hồi đó có một đoàn đi cứu trợ, điện cho tôi, tôi bảo không cần phải chở cái gì lên hết, cần bao nhiêu xe tải mì tôm, gạo cũng có, lương khô cũng có… Thích làm túi nhỏ in tên doanh nghiệp cũng được luôn – đã có đầy đầu nậu ở thị xã cung cấp, giá thì giá chợ, công khai trên mạng, kiểm tra thoải mái. Cứ chuyển tiền lên là được, mà nếu thích thì người ta chở vào đến tận xã, “đoàn” ta chỉ cần cử người đại diện lên nhận là được. Sao phải chở rình rang đi dọc đất nước làm gì.
Chẳng hiểu sao cái lúc nước sôi lửa bỏng cứ kìn kìn kéo đi hàng đoàn, đoàn nào cũng phóng như bay. Nghe tin xe chở đoàn chính quyền phường nào trong Sài Gòn bị tai nạn, 12 người thiệt mạng đau lòng quá.
Hôm nọ nghe bạn bảo, ở công an thành phố Thái Nguyên có 3.000 suất cơm thiu, vì ba ngày nước đã rút. Còn một đống áo phao nữa, anh em công an đã lắm việc lại phải lo chuyển cho địa phương khác. Tôi có thể chỉ cho quý vị có những cái “kho” áo phao cũ được đưa đến mỗi lần bão lũ nằm ở trụ sở ủy ban xã. Bình thường trên vùng cao ai dùng áo phao làm gì… đến lúc lũ thì ai mang áo phao vào thôn được cho bà con?
Mấy năm gần đây phong trào bơi cộng đồng và chèo cái gì nhỉ, súp xiếc gì đấy (nôm na là một miếng ván đứng hoặc ngồi lên rồi chèo) lên cao. Có cậu hỏi tôi: Em tổ chức cùng anh em mang chục cái súp đi cứu trợ được không? Tôi trả lời: Chú thấy người ta trôi trong dòng nước, vác súp lao ra cứu được, chú thành anh hùng. Nhưng nếu đang lũ thế này mà các chú lao xuống thì người ta bắt các chú nhốt lại đấy, đừng cố tình trở thành anh hùng.
Đúng là trong lúc thiên tai, mỗi một cánh tay giúp đỡ đều quý báu, nhưng cũng không được cản trở cơ quan chức năng làm việc, đây lại thêm một số mối lo, đi cứu dân không xong còn lo cứu các ông nữa thì toi. Rất nhiều bác bảo, lúc đó thêm một cái thuyền chèo đưa nhu yếu phẩm vào cho bà con vùng lũ, tốt quá chứ sao. Đúng là tốt, nhưng đã thử nhìn cái video bốn chú bộ đội chèo cái thuyền cao su trong nước lũ chưa? Cuối cùng phải bỏ mái chèo bám vào dây điện, vất vả bò lần đi bằng tay.
Trong nước lũ, không ai thực hiện nhiệm vụ với phương tiện thủ công như vậy cả – những phương tiện đó chỉ dành cho trường hợp khẩn cấp như đắm tàu thôi chứ. Cũng không nên nghĩ đến việc lũ đã dừng, nước đã lặng… chưa hề nhé. Chỉ cần một sự cố gì đó trên đầu nguồn, thì súp siếc đi đời nhà ma.
Ơ thế mà mọi khi đi đường toàn bị các anh bán tải đè cầu cưỡi cổ, lấn đường chèn ép, thốc đèn pha vào mặt, mà đến khi bão lũ các anh này có tác dụng. Hóa ra đời không vô dụng lắm. Nhớ hồi 2010 chạy bán tải lên dự án vùng cao, có cậu rủ: Chủ nhật anh lên Hòa Lạc offroad với bọn em. Thôi xin các chú, anh ọp cả tuần trên rừng, có ngày Chủ nhật cho anh thở.
Xem cái video xe tải chở hàng cứu trợ bị lôi đi trong nước lũ mà kinh – nó to tướng chở cả chục tấn mà còn như thế. Nhớ lại vụ trong Nghệ An hay Hà Tĩnh gì hơn chục năm trước: Anh lái Innova chở mấy người phụ nữ đi qua cái ngầm tràn, trôi luôn chết cả mấy người. Tôi có giảng cho thằng con trai, hồi đó còn học tiểu học, với cái hộp đựng đồ chơi của nó làm ví dụ: Đây con xem, cái xe như cái hộp thế này. Đầu tiên là rỗng, nước chưa vào, nó nổi bềnh lên, bánh xe dẫn động của Innova là bánh sau, nó quay tít trong nước và “mất chân”, bị nước đẩy đi ngay. Người lái xe không có kinh nghiệm, không mở kính cửa nên không thoát được. Một video nữa chiếc Sedan trắng trong đợt lũ vừa rồi cũng y như vậy.
Thằng bé nhà tôi đi chơi trên vùng cao đến mức, nhiều nơi “cả xã biết nó” (nói vui như vậy, nhưng cũng gần gần như thế, nó quen cả bác chủ tịch, bác bí thư, chú trưởng thôn…). Lần nào đi qua cái ngầm tràn nó cũng xem ô tô lội, và nó phát hiện ra rằng, xe tải an toàn hơn vì cao hơn, nước chảy dưới gầm xe… Nhưng đi nhiều nó cũng biết, mỗi lần lội như vậy mà nước sâu quá, là phải hạ kính, tháo dây an toàn, tắt điều hòa, bê thêm đá để trên thùng xe… Thậm chí lội xuống một chút, mở cửa cho nước vào trong xe (đó là tây bảo, bọn tôi chưa làm bao giờ, có xem video bọn Land Rover chúng nó lội nước thôi).
Nhìn chung thấy mọi người làm từ thiện, cứu trợ… tôi rất hoan hỉ. Nhưng không hiểu sao gặp một số bác làm việc này như sự nghiệp lâu dài, nhưng lại có hai mặt – một là công tác xã hội tự phát, mặt khác cứ đi chỗ này chỗ kia, là bóc phốt chính quyền. Khổ, chính quyền cũng có nhiều điều để bóc, nhưng có điều gì đó không phù hợp với mục đích của công tác xã hội. Đã xác định sống vì chúng sinh, thì bỏ cái chuyện kiêu mạn với nghi ngờ ấy xuống, nếu không bỏ được thì từ thiện chẳng ý nghĩa gì.
PHÚC LAI
Hà Nội sáng Chủ nhật oi bức, 15/09/2024