*************
Việt Nam mua vũ khí lớn của Mỹ: Bước ngoặt trong quan hệ quốc phòng song phương?
Mỹ sẽ tặng Việt Nam tàu tuần duyên thứ ba từ nay đến cuối năm 2024. Washington được cho là đang đàm phán bán máy bay vận tải C-130J cho Hà Nội. Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Năm thăm Mỹ đúng kỉ niệm một năm hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên mức cao nhất - Đối tác chiến lược toàn diện. “Sự gia tăng hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong suốt năm qua” đã được bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin nhấn mạnh khi tiếp đồng nhiệm Phan Văn Giang ngày 09/09.
Tất cả những sự kiện này đánh dấu “giai đoạn mới trong hợp tác hữu nghị” giữa hai nước, cho đến nay “vẫn suôn sẻ và đi theo hướng mà cả hai nước đều mong muốn”. Để hiểu hơn về những chuyển biến mới trong quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt, đặc biệt là mức độ tin cậy nhau, RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, chuyên về an ninh hàng hải và các vấn đề hải quân, Đại học New South Wales, Canberra, Úc.
RFI : Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam vừa kết thúc chuyến thăm Hoa Kỳ. Có thể hiểu đây là một dấu hiệu mới cho việc thắt chặt quan hệ quốc phòng và an ninh song phương ?
Nguyễn Thế Phương : Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phan Văn Giang thăm Mỹ đợt này hơi đặc biệt tại vì chuyến thăm này khá dài, tầm 4-5 ngày, cho nên lịch trình sẽ dầy và tập trung nhiều lĩnh vực khác nhau. Ở thời điểm hiện tại, chưa rõ cụ thể chương trình nghị sự của bộ trưởng Giang nhưng chuyến thăm này đánh dấu bước đi tiếp theo cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, bởi vì tháng 9 này kỉ niệm đúng một năm hai nước nâng cấp quan hệ.
Ở đây cần nhấn mạnh đến một số điểm. Thứ nhất, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ ở thời điểm hiện tại thường vẫn được nhấn mạnh đến quan hệ kinh tế và thương mại, còn quan hệ an ninh và quốc phòng thường được đặt bên dưới. Chuyến thăm Mỹ lần này của bộ trưởng Giang phần nào đó sẽ giúp cho Việt Nam hiểu được Mỹ sẽ muốn gì trong mối quan hệ an ninh quốc phòng giữa hai bên trong tương lai. Và cũng để cho phía Mỹ hiểu rõ hơn là Việt Nam thực sự muốn gì ở Mỹ, đặc biệt trong vấn đề giúp Việt Nam cải thiện một số năng lực, nhất là năng lực hàng hải, hoặc những chuyển động quốc phòng sâu sắc hơn trong tương lai cho xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đây là điểm mấu chốt trong chuyến thăm của bộ trưởng Giang.
Ngoài ra, có thể đây là chuyến thăm mở đường cho chuyến thăm của tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm sắp tới. Đây cũng là chuyến thăm để Việt Nam dò chính sách của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh chỉ còn hai tháng nữa là bầu cử tổng thống.
RFI : Năm 2023 từng có thông tin Việt Nam và Mỹ bàn khả năng mua sắm chiến đấu cơ F-16 nhưng đàm phán bị dừng lại. Hiện tại có thông tin Mỹ đang thảo luận với Việt Nam về việc bán máy bay vận tải quân sự Lockheed Martin C-130J Hercules cho Hà Nội. Tại sao lại có sự thay đổi này ? Liệu việc mua máy bay, dù là máy bay vận tải, sẽ là một bước ngoặt cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ?
Nguyễn Thế Phương : Thông tin Việt Nam đàm phán với Mỹ về việc mua các loại vũ khí, khí tài của Mỹ, đặc biệt là F-16, đã xuất hiện từ cách đây 2, 3 năm chứ không phải là một vấn đề mới. Nhìn chung, nếu như Việt Nam mua vũ khí, khí tài của Mỹ thì đây cũng sẽ là một bước ngoặt. Đó sẽ là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai bên được nâng lên một tầm mức mới, bởi vì để Việt Nam mua vũ khí của Mỹ thì mức độ lòng tin chiến lược trong an ninh quốc phòng giữa hai bên, đặc biệt là từ phía Việt Nam đối với Mỹ, đã được nâng lên một tầm mức nào đó rồi.
Việt Nam cũng đã chuẩn bị từ trước cho những quyết định mua sắm đó. Thứ nhất, Việt Nam gửi một số sĩ quan không quân, những đội hậu cần qua Mỹ để huấn luyện và học tập từ cách đây 2, 3 năm. Thứ hai, Việt Nam vừa mới khai trương một sân bay ở Phan Thiết. Người ta cho rằng sân bay này được dành cho việc triển khai một số loại máy bay huấn luyện sẽ mua của Mỹ trong tương lai. Có thể thấy Việt Nam đã chuẩn bị hết về nhân lực, cơ sở hạ tầng cho vấn đề mua sắm trang thiết bị vũ khí mà ở đây là các loại máy bay Mỹ.
Thông tin Việt Nam mua máy bay F-16 của Mỹ bị dừng lại cũng không phải là điều quá bất ngờ: Thứ nhất, F-16 là một loại vũ khí mang tính tấn công mà ở thời điểm hiện tại, nếu Việt Nam mua của Mỹ thì sẽ rất nhạy cảm, đặc biệt là đặt trong mối quan hệ với Trung Quốc. Bên cạnh đó, còn có một số yếu tố khác, mang tính kỹ thuật. Liệu hai bên có sẽ trao đổi vấn đề mang tính kỹ thuật về vũ khí, về bảo dưỡng, bảo trì không ? Đây cũng là điểm “nhạy cảm”. Việc Mỹ có cho phép mua vũ khí đi kèm hay không cũng là một chuyện cần bàn thảo sâu hơn trong tương lai. Hiện tại, những vấn đề đó dường như vẫn là những khúc mắc mà hai bên chưa giải quyết được.
Trong khi đó C-130 chỉ là một loại máy bay vận tải phi tác chiến. Cho nên việc Việt Nam có khả năng mua C-130 cũng có thể được giải thích theo hướng là sẽ giúp Việt Nam cải thiện năng lực phòng thủ, năng lực không vận, vốn là năng lực mà Việt Nam vẫn còn yếu. C-130 mang tính phòng thủ, không mang tính tấn công, bớt tính nhạy cảm và một phần nào đó cũng giúp cải thiện quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trong bối cảnh thâm hụt thương mại hiện nay nghiêng về Việt Nam quá lớn. Cho nên, mua sắm thêm vũ khí cũng là cách để Việt Nam gửi thông điệp rằng “chúng tôi muốn mở rộng hơn nữa hợp tác, đặc biệt là về thương mại”. Và trao đổi thương mại quốc phòng là một điểm mà Việt Nam đã và đang cân nhắc.
RFI : Việc Nga, nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam, bị cấm vận và phải dồn toàn bộ nguồn lực quốc phòng cho chiến tranh ở Ukraina buộc Hà Nội phải tăng tốc đa dạng hóa nguồn cung, trong số này có vũ khí hệ phương Tây. Tuy nhiên, những nước này có cơ chế kiểm soát chặt chẽ vũ khí được bán. Vấn đề này sẽ tác động đến quá trình hợp tác với Việt Nam như thế nào ? Yếu tố “hoa hồng”, vẫn được các chuyên gia, nhà quan sát về quân sự Việt Nam nêu lên, có phải là một trở ngại khác ?
Nguyễn Thế Phương : Có hai yếu tố gây trở ngại chính. Thứ nhất là yếu tố mang tính hệ thống vì toàn bộ chu trình ra quyết định mua vũ khí nào và quy trình huấn luyện, bảo dưỡng bảo trì thì từ trước đến này, hệ thống, cấu trúc của Việt Nam luôn hướng về phía Nga. Cho nên hiện giờ, muốn đổi sang một hệ phương Tây khác thì toàn bộ quy trình đó phải được điều chỉnh và thay đổi. Và quá trình này tốn rất nhiều thời gian.
Thứ hai là vấn đề mang tính chính trị bởi vì tư duy quốc phòng, an ninh của Việt Nam hiện tại vẫn có một yếu tố nghi ngại phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng, cũng như các đồng minh của Mỹ. Đây là điểm có khả năng làm chậm lại quá trình tương tác giữa Việt Nam và các quốc gia phương Tây, đặc biệt là liên quan đến mua sắm vũ khí quốc phòng.
Điểm thứ ba, rất cốt lõi, liên quan đến tài chính. Nguồn lực của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là tài chính trong quá trình hiện đại hóa, rõ ràng là không lớn cho nên cũng phải “liệu cơm gắp mắm”. Tất cả những yếu tố đó, khi Việt Nam muốn xác định mua sắm, đều phải đặt lên bàn cân để xem mua của ai, được lợi gì và bất lợi gì, đặc biệt là với Mỹ. Như chị đề cập tới quy trình và đặc trưng của quy trình mua sắm vũ khí, khí tài, thì “văn hóa” giữa hai bên Mỹ-Việt Nam và Việt Nam với phương Tây là khác nhau. Thực ra, sự khác nhau này là có thể điều chỉnh được.
Nhưng như tôi đã đề cập, quá trình điều chỉnh văn hóa mua sắm và chính sách như này cần phải có nhiều thời gian và dựa trên niềm tin chính trị giữa hai bên, nhu cầu của Việt Nam và chính sách, cũng như chiến lược quốc phòng của Việt Nam hiện tại, chứ không hẳn là vũ khí phương Tây là tốt và cũng không hẳn là ở thời điểm hiện tại, Nga đang gặp khó khăn và Việt Nam không mua của Nga.
RFI : Phát biểu tại một sự kiện của Canergie, đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius từ năm 2014-2017 cho rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam “thực tế”, “có rất nhiều điều có thể thực hiện một cách thực dụng giúp tăng cường quan hệ đối tác” Việt-Mỹ, kể cả trong lĩnh vực an ninh, dù không cần liên minh hay căn cứ. Hai nước sẽ tính đến những hướng phát triển nào ? Liệu Washington cần tiếp tục kiên trì vì Hà Nội cần thời gian nếu nhìn vào sự cân bằng với Trung Quốc ?
Nguyễn Thế Phương : Trong chính sách đối ngoại và chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam dù sao cũng đóng một vai trò tương đối quan trọng trong tầm nhìn của Mỹ ở khu vực. Cho nên Mỹ sẽ cần phải có một mức độ kiên trì nhất định khi tương tác với các lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là các lãnh đạo bên quân đội.
Đối với Việt Nam, niềm tin chiến lược hiện tại giữa hai bên đã được cải thiện, nhưng không đi quá nhanh. Nhìn vào Sách Trắng Quốc phòng của Việt Nam, vấn đề mang tính diễn biến hòa bình, những vấn đề mang tính lật đổ hoặc đảm bảo nguyên chế độ vẫn là vấn đề an ninh hàng đầu. Khi nói đến những vấn đề đó, phương Tây và Mỹ là những “đối tượng rất lớn”, theo đúng cách dùng của ngôn ngữ chiến lược Việt Nam. Cho nên, để có mối quan hệ song phương bền vững và lâu dài với Việt Nam, Mỹ cần có sự kiên trì nhất định khi làm việc với Việt Nam, đặc biệt là trong những vấn đề mang tính nhạy cảm như an ninh và quốc phòng.
Ngoài ra, theo lời đại sứ Ted Osius, về vấn đề liên quan đến “thực tế”, các nhà lãnh đạo Việt Nam ở thời điểm hiện tại đã “thực tế” và “thực dụng” hơn rất nhiều so với các đây 20-30 năm, đặc biệt là trong giai đoạn trước và sau khi Liên Xô sụp đổ. Đó là giai đoạn vẫn còn nghi kị rất nhiều. Hiện tại, do sự chuyển dịch tư duy về chiến lược đặt phát triển kinh tế lên hàng đầu, để phát triển kinh tế, các nhà lãnh đạo phải “thực dụng” hơn nhưng không có nghĩa là họ không nghi ngờ, không phòng thủ trước những mối quan hệ với Mỹ và phương Tây. Phòng thủ ở đây không chỉ về mặt khác biệt và quan điểm chính trị, mà còn là sự đề phòng trong mối cân bằng ngoại giao với Trung Quốc. Đó là sự cân bằng giữa các nước lớn.
Cho nên, nói theo đại sứ Ted Osius cũng đúng, nhưng phải đặt trong toàn bộ bối cảnh tư duy chiến lược của Việt Nam hiện tại : Có sự cân bằng giữa các nước láng giềng, có yếu tố về mặt chính trị, một chút ý thức hệ và cũng có yếu tố thực dụng trong việc tăng cường quan hệ với Mỹ thì sẽ mở rộng hơn nữa khả năng của Việt Nam về mặt thương mại, tài chính và công nghệ. Đó là những lĩnh vực Việt Nam đang muốn đầu tư cho việc duy trì khả năng phát triển kinh tế trong tương lai.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn anh Nguyễn Thế Phương, Đại học New South Wales, tại Canberra, Úc.
**********
Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga nhắm vào Kyiv
Các quan chức Ukraine hôm 16/9 báo cáo về cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mới nhất của Nga nhắm vào Kyiv và cho biết đây là cuộc tấn công thứ tám nhằm vào thủ đô của Ukraine trong tháng này.
Ông Serhiy Popko, người đứng đầu chính quyền quân sự của Kyiv, cho biết trên Telegram rằng lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ gần hai chục máy bay không người lái trên bầu trời Kyiv, nhưng không có báo cáo nào về thiệt hại hoặc thương vong.
Quân đội Ukraine cho biết hôm 16/9 rằng họ đã bắn hạ 53 trong số 56 máy bay không người lái của Nga tấn công nhiều khu vực trên khắp đất nước.
Lực lượng không quân Ukraine nói rằng ngoài Kyiv, các cuộc đánh chặn đã diễn ra trên vùng trời của Cherkasy, Dnipropetrovsk, Kirovohrad, Mykolaiv, Poltava, Sumy, Vinnytsia, Zaporizhzhia.
Các cuộc tấn công trên không diễn ra vài giờ sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy kêu gọi các đồng minh cung cấp hệ thống vũ khí và cho phép sử dụng vũ khí trong các cuộc tấn công tầm xa vào các mục tiêu bên trong nước Nga.
Ông Zelenskyy nói trong bài phát biểu hàng đêm của mình tối 15/9 rằng việc cho phép các cuộc tấn công tầm xa sẽ cho phép quân đội Ukraine "phá hủy máy bay Nga tại các căn cứ của họ".
Ông cho biết Ukraine mong đợi các quyết định về vấn đề này từ Hoa Kỳ, Pháp, Đức và Ý.
Quân đội Ukraine đã thực hiện các cuộc tấn công mới nhất vào ngày 16/9 tại các khu vực dọc biên giới Nga-Ukraine.
Ông Vyacheslav Gladkov, thống đốc Belgorod, cho biết cuộc pháo kích của Ukraine đã bắn trúng một ngôi nhà và một số ô tô, làm ít nhất tám người bị thương.
Tại Bryansk, các quan chức nói rằng lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ năm máy bay không người lái của Ukraine. Không có thương vong hoặc thiệt hại nào được báo cáo.
(Một số thông tin trong bản tin này được Reuters cung cấp)
**********
TIN TỔNG HỢP
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
5 phút
(Reuters) – Bắc Triều Tiên đã công bố hình ảnh về một cơ sở chế tạo bom nguyên tử ? Hai ngày sau khi Bình Nhưỡng công bố những hình ảnh đầu tiên về một nhà máy làm giàu uranium, hãng tin Anh Reuters ngày 15/09/2024 trích dẫn chuyên gia của Mỹ Jeffrey Lewis thuộc trung tâm MIIS (California) và Colin Zwirko thuộc tổ chức NK Pro (Seoul), cho biết không loại trừ khả năng những hình ảnh nói trên liên quan đến đến cơ sở ở Kangson, ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng. Tháng 6/2024 Rafael Grossi, tổng giám đốc Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế cho biết Bình Nhưỡng mở rộng cơ sở tại Kangson và cơ sở mới có nhiều nét tương đồng với nhà máy làm giàu chất uranium của Bắc Triều Tiên được ghi nhận tại khu vực Yongbyon.
(Yonhap) – Bắc Triều Tiên lại thả khoảng 50 quả bóng rác sang Hàn Quốc. Ngày 15/09/2024, Ủy ban Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết số bóng này được phát hiện trong đêm, ở vùng Seoul và miền bắc tỉnh Gyeonggi. Các quả bóng « chứa giấy lộn, chai, túi nhựa và không tìm thấy bất kỳ chất nguy hiểm nào ». Đây là vụ thả bóng thứ 19 của Bình Nhưỡng nhằm trả đũa các vụ thả truyền đơn chống chế độ Kim Jong Un do người đào tẩu Bắc Triều Tiên tiến hành.
(Reuters) – Tân tổng thống Iran sẽ tham dự thượng đỉnh BRICS tổ chức tại Kazan, Nga. Báo chí Matxcơva ngày 15/09/2024 trích dẫn lời đại sứ Iran tại Nga cho biết ông Massou Pezeshkian sẽ dự thượng đỉnh Kazan, quy tụ 14 nước trong khối các nền kinh tế đang trỗi dậy. Sự kiện mở ra từ 22-24/10/2024. Nga và Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi là 5 sáng lập viên và từ đầu 2024 khối BRICS đã đón nhận thêm nhiều thành viên mới, trong đó có Iran.
(AFP) – Iran phóng thành công một vệ tinh nghiên cứu mới. Ngày 14/09/2024, truyền hình Nhà nước Iran đưa tin « vệ tinh nghiên cứu Chamran-1 đã được tên lửa Ghaem-100 phóng lên quỹ đạo ». Vệ tinh nặng « khoảng 60 kg » và « hoàn toàn do ngành công nghiệp điện tử Iran chế tạo và sản xuất ». Thành công này đánh dấu một chặng mới chương trình phát triển hoạt động không gian của Iran dù Nhà nước Hồi giáo bị phương Tây trừng phạt vì làm giàu uranium.
(Reuters) – Phe nổi dậy Houthi tại Yemen phóng tên lửa vào lãnh thổ Israel. Nhóm vũ trang thân Iran trong thông cáo ngày 15/09/2024 xác nhận đã bán tên lửa siêu thanh hơn 2. 000 km nhắm vào « miền trung Israel ». Hành động này nhằm thể hiện tình liên đới với hàng triệu người dân Palestine ở Gaza, nạn nhân của quân đội Israel. Quân đội Israel ghi nhận tên lửa « địa đối địa » của lực lượng Houthi bắn sang không gây thiệt hại về nhân mạng và đã bị hệ thống phòng không của Israel bắn chặn.
(AFP) – Di dân lại thiệt mạng ở biển Manche khi tìm cách sang Anh. Tám người đã bị thiệt mạng trong đêm 14-15/09/2024 ở Ambleteuse, tỉnh Pas-de-Calais, Pháp, khi cố tìm cách vượt biển sang Anh. Con thuyền chở 53 người này đã bị lật khi mới ra khơi. Lực lượng cứu hộ đã cứu những người còn lại.
(AFP) – Mỹ : Hơn 400.000 người truy cập trang tin đăng ký cử tri sau khi ca sĩ Taylor Swiff tuyên bố ủng hộ Kamala Harris. Đây mới chỉ là con số được thống kê trong vòng 24 tiếng sau khi nữ ca sĩ đăng tuyên bố hôm 11/09/2024 ủng hộ ứng viên của đảng Dân Chủ. Tuyên bố được đăng trên mạng Instagram cùng tấm ảnh « Quý cô ôm mèo, không con » để chế nhạo phát biểu của ứng viên phó tổng thống JD Vance thuộc đảng Cộng Hòa. Tại Mỹ, công dân đủ 18 tuổi có quyền đăng ký đi bầu cử, tuy nhiên cử tri là thanh niên ngày càng giảm. Tuy vậy, lá phiếu của họ có vai trò quyết định trong chiến thắng của ông Joe Biden năm 2020. Ông nhận được khoảng 61% số phiếu ủng hộ của những cử tri trong độ tuổi 18-29.
(AFP) – Bế mạc liên hoan phim Mỹ tổ chức tại Deauville, vùng Normandie, đông bắc nước Pháp. Trong lễ trao giải đêm qua 14/09/2024 đạo diễn Mỹ Nnamdi Soumugha đoạt giải thưởng của Ban Giám Khảo nhờ bộ phim The Knife. Còn Alessandra Lacorazza Samudio đã ra về với Giải thưởng Lớn nhờ tác phẩm In The Summers. Nữ tài tử Natalie Portman được trao tặng giải thưởng đặc biệt vinh danh tài năng của một ngôi sao điện ảnh người Mỹ, sống tại Pháp và là biểu tượng của sự hội ngộ giữa hai nền điện ảnh lớn trên thế giới. Natalie Portman nổi tiếng với vai diễn trong phim Black Swan và trong tuyển tập Star Wars.
(AFP) – Đan Mạch thu được gần 15 triệu euro nhờ một bộ sưu tập tiền đồng. Copenhagen ngày 15/09/2024 đưa tin nhà bán đấu giá Stack’s Bower đã thu về hơn 14,8 triệu euro nhờ bán được một bộ sưu tập tiền xu. Đó là những đồng tiền đã được giữ từ hơn 100 năm nay. Lars Emil Bruun, một doanh nhân Đan Mạch năm 1922 đã mua lại bộ sưu tập này từ một gia đình quý tộc. Một năm sau ông qua đời và để lại một bức chúc thư lạ kỳ : sợ rằng những đồng xu quý gia đó bị thất lạc, Bruun đặt điều kiện « trong vòng 100 năm từ khi ông mất, bộ sưu tập này phải được giữ kỹ và thuộc về tài sản quốc gia Đan Mạch » chỉ sau đó nó mới được mang đi bán đấu giá !
***********
Số người chết vì lũ lụt ở Myanmar tăng lên 113
Số người chết vì lũ lụt ở Myanmar đã tăng lên ít nhất 113 tính đến tối 14/9, chính quyền quân sự của nước này cho biết hôm 15/9, sau những trận mưa lớn do Bão Yagi gây ra, tàn phá khắp khu vực Đông Nam Á.
Ít nhất 320.000 người đã phải di dời và 64 người vẫn mất tích, người phát ngôn chính phủ Zaw Min Tun cho biết, theo bản tin đêm khuya trên kênh truyền hình nhà nước MRTV.
"Chính phủ đang tiến hành nhiệm vụ cứu hộ và phục hồi", ông cho biết.
Thời tiết bất lợi do Yagi, cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào châu Á trong năm nay, đã giết chết hàng trăm người ở Việt Nam và Thái Lan, và nước lũ từ các con sông dâng cao nhấn chìm các thành phố ở cả hai quốc gia.
Lũ lụt ở Myanmar bắt đầu vào ngày 9/9, với ít nhất 74 người thiệt mạng tính đến hôm 13/9, theo các báo cáo của truyền thông nhà nước.
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2 năm 2021 và bạo lực lan tràn tại nhiều vùng rộng lớn của đất nước.
Có nhiều báo cáo về số người chết và lở đất tăng lên, nhưng việc thu thập thông tin gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng bị hư hại và đường dây điện thoại và internet bị đứt.
Truyền thông nhà nước cũng đưa tin rằng năm con đập, bốn ngôi chùa và hơn 65.000 ngôi nhà bị lũ lụt phá hủy.
Khoảng một phần ba trong số 55 triệu người dân Myanmar cần được hỗ trợ nhân đạo nhưng nhiều cơ quan viện trợ, chẳng hạn như Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, không thể hoạt động ở nhiều khu vực do hạn chế tiếp cận và rủi ro an ninh.
**********
Lũ lụt gây thêm thương vong khi mưa lớn đổ xuống miền trung châu Âu
Một người chết đuối ở tây nam Ba Lan và hàng nghìn người đã được sơ tán qua biên giới tại Cộng hòa Séc sau khi mưa lớn tiếp tục đổ xuống miền trung châu Âu hôm 15/9, gây ra lũ lụt ở một số khu vực trong khu vực.
Một lính cứu hỏa đang xử lý lũ lụt ở tỉnh Lower Austria cũng đã thiệt mạng, Phó Thủ tướng Áo Werner Kogler cho biết hôm 15/9 trên mạng xã hội X trong khi chính quyền tuyên bố rằng tỉnh bao quanh Vienna là khu vực thảm họa.
Các con sông tràn bờ từ Ba Lan sang Romania, nơi bốn người được tìm thấy đã chết hôm 14/9, sau nhiều ngày mưa như trút nước vì áp thấp có tên là Boris.
Một số khu vực của Cộng hòa Séc và Ba Lan phải đối mặt với trận lũ lụt tồi tệ nhất trong gần ba thập kỷ và một cây cầu bị sập tại thị trấn lịch sử Glucholazy của Ba Lan gần biên giới Séc.
Tại Cộng hòa Séc, khoảng 250 nghìn ngôi nhà bị mất điện do gió lớn và mưa. Cảnh sát Séc cho biết họ đang tìm kiếm ba người trong một chiếc ôtô rơi xuống sông Staric gần Lipova Lazne, cách Prague 235 km về phía đông hôm 14/9.
Tại Ba Lan, một người đã tử vong tại quận Klodzko, nơi mà Thủ tướng Donald Tusk cho biết là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất cả nước và nơi có 1.600 người đã được sơ tán.
"Tình hình rất nghiêm trọng", ông Tusk nói với các phóng viên hôm 15/9 sau cuộc họp tại thị trấn Klodzko, nơi một phần bị ngập khi mực nước sông tại địa phương dâng lên 665 cm vào sáng 15/9, cao hơn nhiều so với mức báo động là 240.
Mực nước này đã vượt qua kỷ lục về trận lũ lớn năm 1997, gây thiệt hại một phần cho thị trấn và cướp đi sinh mạng của 56 người ở Ba Lan.
***********
Biden sẽ bàn chiến lược chiến tranh với Zelenskyy, chuẩn bị hỗ trợ thêm
Tổng thống Mỹ Joe Biden mong đợi thảo luận chiến lược chiến tranh của Ukraine với Tổng thống Volodymyr Zelenskyy trong tháng này và Washington đang nỗ lực đạt được một gói viện trợ mới "đáng kể," Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói hôm thứ Bảy.
Ông Zelenskyy nói ông muốn trình bày với ông Biden và hai người kế nhiệm tiềm năng của ông một "kế hoạch chiến thắng" có thể buộc Nga chấm dứt chiến tranh ở Ukraine bằng con đường ngoại giao.
"Tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta cần một chiến lược toàn diện để thành công trong cuộc chiến này và đó là điều mà Tổng thống Zelenskyy nói ông sẽ mang tới, vì vậy chúng tôi rất mong đợi ngồi lại và bàn bạc chi tiết và Tổng thống Biden rất mong có cuộc trò chuyện đó," ông Sullivan nói.
Ông phát biểu qua đường truyền video tại hội nghị Chiến lược Châu Âu Yalta do Quỹ Victor Pinchuk tổ chức tại Kyiv.
Ông Sullivan cho biết Mỹ cũng đặt mục tiêu là tới cuối tháng này sẽ chuẩn bị được một gói hỗ trợ "đáng kể" với nhiều năng lực khác nhau trong khi Mỹ nỗ lực ngăn chặn một bước đột phá đáng kể của Nga ở miền đông Ukraine.
Quân Nga đã đạt được bước tiến ở một số khu vực phía đông Ukraine bao gồm xung quanh Pokrovsk, một khu vực mà ông Sullivan nói là "đặc biệt gây lo ngại."
Chiếm được đầu mối giao thông này có thể cho phép Moscow mở ra các tuyến tấn công mới và làm phức tạp thêm hậu cần của Ukraine.
Trong khi Nga tăng cường các cuộc tấn công phi đạn nhắm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraine trong năm nay, Kyiv đã xin vũ khí tầm xa tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
Ông Sullivan nói vấn đề này là chủ đề của "các cuộc tham vấn chuyên sâu" giữa các đồng minh và đối tác, và cũng sẽ được ông Biden và ông Zelenskyy thảo luận.
***********
Tên lửa Houthi lần đầu bay đến miền trung Israel, không có tin về thương vong
Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói rằng Israel sẽ khiến Houthi có liên kết với Iran, vốn đang kiểm soát miền bắc Yemen, phải “trả giá đắt” sau khi một quả tên lửa của lực lượng này được phóng tới miền trung Israel lần đầu tiên hôm 15/9.
Người phát ngôn quân đội Houthi Yahya Sarea nói rằng nhóm này đã tấn công bằng một tên lửa đạn đạo siêu thanh mới, vốn bay 2.040 km chỉ trong 11 phút rưỡi.
Sau khi ban đầu nói rằng tên lửa đã rơi xuống một khu vực trống, quân đội Israel sau đó cho biết tên lửa có thể đã vỡ vụn trên không và các mảnh tên lửa đánh chặn đã rơi xuống các cánh đồng và gần một nhà ga xe lửa. Không có báo cáo nào về người bị thương.
Báo động không kích đã vang lên ở Tel Aviv và khắp miền trung Israel vài phút trước khi vụ va chạm xảy ra vào khoảng 6:35 sáng giờ địa phương, khiến người dân phải chạy đến nơi trú ẩn. Người ta nghe thấy những tiếng nổ lớn.
Reuters đã nhìn thấy khói bốc lên trên một cánh đồng trống ở miền trung Israel.
Tại một cuộc họp nội các hàng tuần, ông Netanyahu nói rằng Houthi đáng lẽ phải biết rằng Israel sẽ đòi "giá đắt" cho các cuộc tấn công vào Israel.
"Bất kỳ ai cần nhắc nhở về điều đó thì mời đến thăm cảng Hodeida", ông Netanyahu nói, ám chỉ đến cuộc không kích trả đũa của Israel vào Yemen vào tháng 7 vì một máy bay không người lái của Houthi đã tấn công Tel Aviv.
Houthi đã bắn tên lửa và đưa máy bay không người lái vào Israel nhiều lần để theo điều họ nói là thể hiện sự đoàn kết với người Palestine, kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu sau một cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào tháng 10 năm ngoái.
Máy bay không người lái tấn công Tel Aviv lần đầu tiên vào tháng 7 đã giết chết một người đàn ông và làm bị thương bốn người. Các cuộc không kích của Israel để đáp trả các mục tiêu quân sự của Houthi gần cảng Hodeidah đã giết chết sáu người và làm bị thương 80 người.
Trước đây, tên lửa của Houthi chưa xâm nhập sâu vào không phận Israel, và tên lửa duy nhất được báo cáo là đã tấn công lãnh thổ Israel rơi xuống một khu vực trống gần cảng Eilat trên Biển Đỏ vào tháng 3.
Israel nên chờ đợi nhiều cuộc không kích hơn trong tương lai "khi chúng ta tiến gần đến kỷ niệm một năm của chiến dịch ngày 7 tháng 10, bao gồm cả việc đáp trả hành động xâm lược của họ vào thành phố Hodeidah", ông Sarea cho biết.
Phó giám đốc văn phòng truyền thông của Houthi, Nasruddin Amer, viết trong một bài đăng trên X hôm 15/9 rằng tên lửa đã bay đến Israel sau khi "20 tên lửa không đánh chặn được" nó, mô tả đó là "sự khởi đầu"***********