Tự kỷ ‘không phải do cha mẹ thiếu quan tâm’

Thứ Năm, 19 Tháng Tư 20185:00 CH(Xem: 6881)
Tự kỷ ‘không phải do cha mẹ thiếu quan tâm’

Một tình nguyện viên chơi với một trẻ tự kỷ tám tuổi ở trung tâm cho trẻ tự kỷ Lud'Eveil ở Paris, Pháp. Bản quyền hình ảnh MARTIN BUREAU/AFP/Getty Images
Image caption Một tình nguyện viên chơi với một trẻ tự kỷ tám tuổi ở Trung tâm cho trẻ tự kỷ Lud'Eveil ở Paris, Pháp.

Chứng tự kỷ ở trẻ em là vấn đề được quan tâm ở Việt Nam những năm gần đây.


Nhân Ngày thế giới nhận biết về chứng tự kỷ (World Autism Awareness Day) 2/4, BBC hỏi chuyện hai người làm việc với trẻ tự kỷ ở Việt Nam để tìm hiểu thêm vấn đề này.

Định nghĩa tự kỷ

Trang web Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam định nghĩa tự kỷ là một "hội chứng đa khuyết tật, biểu hiện sự rối loạn phát triển trong hành vi, nhận thức, ngôn ngữ và quan hệ xã hội".

Còn Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN) dẫn lại nguồn Liên Hiệp Quốc, theo đó, tự kỷ là "một loại khuyết tật phát triển suốt đời được phát hiện trong vòng 3 năm đầu đời".

Cũng nguồn này nói tiếp: "Tự kỷ là do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ và có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo hay địa vị xã hội."

p05snj9v

Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem

Những thách thức y tế toàn cầu trong 2018

"Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội; khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ/phi ngôn ngữ và hành vi, sở thích mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại nhiều lần."

Tự kỷ có phải là bệnh không?

Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam đã khuyến nghị báo chí nên dùng cụm từ "chứng tự kỷ" thay thế cho cụm từ "bệnh tự kỷ", vì "tự kỷ là một khuyết tật phát triển suốt đời do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng tới hoạt động của não bộ".

Trong khi đó, Tiến sĩ Phan Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Phát triển Kỹ năng Con người Tâm Việt, có bằng tiến sĩ toán-lý nhưng bắt đầu giáo dục trẻ tự kỷ từ bốn năm qua ở Hà Nội.

Trả lời BBC, ông Việt cũng nói không nên gọi tự kỷ là bệnh.

"Đã là bệnh là phải dùng thuốc. Nhiều người chuyên môn thấp cho đây là bệnh động kinh nên cho các con uống thuốc triệt tiêu vận động (chữa triệu chứng) nên các con thường bị hiệu ứng phụ rất nặng: tham ăn, phù nước…"

Cô giáo và chuyên gia điều trị chơi ghi ta cho một trẻ tự kỷ tại Trường đặc biệt Dora Alonso ở Havana, Cuba. Bản quyền hình ảnh ADALBERTO ROQUE/AFP/Getty Images
Image caption Cô giáo và chuyên gia điều trị chơi ghi ta cho một trẻ tự kỷ tại Trường đặc biệt Dora Alonso ở Havana, Cuba.

Có thể chữa khỏi tự kỷ?

Nói với BBC, Tiến sĩ Vũ Song Hà, phó giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), Hà Nội, nhấn mạnh cho đến nay, chưa có phương pháp nào 'chữa khỏi' tự kỷ.

"Nhưng can thiệp sớm và đúng cách (các phương pháp có kiểm chứng khoa học) có thể giúp trẻ cải thiện, đi học, hoà nhập và lớn lên đi làm, đóng góp cho xã hội."

Bà Song Hà nói thêm: "Một số các trường hợp can thiệp tốt, các biểu hiện về tự kỷ còn lại không còn đủ trong tiêu chuẩn chẩn đoán, nhưng khoa học vẫn không xếp là 'chữa khỏi' tự kỷ."

Với Tiến sĩ Phan Quốc Việt, ông cho rằng cũng nên định nghĩa lại thế nào là "chữa khỏi".

"Ai cũng có một khiếm khuyết nào đó. Chúng ta thường lấy tiêu chuẩn như biết đọc, biết làm toán… làm tiêu chí đánh giá. Khác gì bắt tất cả các loài vật cùng thi leo cây hoặc cùng thi lặn. Mỗi sinh linh sinh ra là một thiên thần theo cách riêng của mình."

"Hãy định nghĩa 'bình thường' hay 'chữa khỏi' là làm được một việc gì đó mang lại ý nghĩa cho xã hội mà nhiều người 'bình thường' khác không làm được," ông Việt chia sẻ.

Theo ông Việt, "hãy tiếp cận trẻ tự kỷ như tiếp cận một chủ thể tiềm năng thực thụ có biệt tài".

Corey Weiss, một người Mỹ bị chuẩn đoán chứng tự kỷ khi còn nhỏ, nay làm nhà phân tích cho hãng công nghệ MindSpark ở California, Mỹ. Bản quyền hình ảnh FREDERIC J. BROWN/AFP/Getty Images
Image caption Corey Weiss, một người Mỹ bị chuẩn đoán chứng tự kỷ khi còn nhỏ, nay làm nhà phân tích cho hãng công nghệ MindSpark ở California, Mỹ.

Tự kỷ 'không phải do cha mẹ thiếu quan tâm'

Tiến sĩ Vũ Song Hà bác bỏ suy nghĩ này. Trang web Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) của bà viết rằng tự kỷ là "một rối loạn sinh học có thể xảy đến với bất cứ cá nhân nào, không liên quan đến sự chăm sóc sau khi sinh ra".

CCIHP cũng bác bỏ suy nghĩ trẻ tự kỷ không có cảm xúc, tình cảm, và không có khả năng kết bạn.

Theo Trung tâm, "khi lớn lên trẻ vẫn có sự gắn bó với người thân, gia đình, và có thể kết bạn".

Tiến sĩ Vũ Song Hà nói thêm chưa có bằng chứng cho thấy xem tivi gây ra tự kỷ, mặc dù các nhà khoa học khuyến cáo cha mẹ cần kiểm soát thời gian xem tivi cho trẻ nhỏ để trẻ có thể tương tác và phát triển tốt.

Một bé trai 13 tuổi, người đã qua bảy năm trị liệu tại Trung tâm đào tạo và giáo dục đặc biệt ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, TQ, bước vào lớp học. Bản quyền hình ảnh LIU JIN/AFP/Getty Images
Image caption Một bé trai 13 tuổi, người đã qua bảy năm trị liệu tại Trung tâm đào tạo và giáo dục đặc biệt ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, TQ, bước vào lớp học.

Các phương pháp giúp trẻ tự kỷ?

Tiến sĩ Phan Quốc Việt chia sẻ hiện có 33 trẻ có chứng tự kỷ tại trung tâm của ông.

"Chúng tôi cho các con tập vận động để giải phóng năng lượng, tự thăng bằng cuộc sống. Chúng tôi cho các con tập đứng thăng bằng trên con lăn. Tung bóng để tập trung. Đội chai trên đầu đi lại. Đi xe đạp một bánh."

"Những bài tập này rất khó, nhất là với trẻ tự kỷ, tăng động, giảm tập trung, khó hơn là phối hợp đội chai, đứng trên con lăn, tung bóng, hoặc đội chai tung bóng trên xe đạp một bánh. Điều này đòi hỏi sự tận tâm, kiên tâm và kiên gan."

"Khó nhất đối trẻ phổ tự kỷ là giao tiếp xã hội. Chúng tôi cho các con được đi biểu diễn mọi nơi, từ trường học đến các công sở. "

Theo ông Việt, trẻ tự kỷ thường thích ngồi một mình nghịch máy tính hay điện thoại di động.

Vì vậy, trung tâm của ông Việt cho các trẻ "hoạt động cùng nhau, xen kẽ với các thầy cô, theo phương pháp cài răng lược để bắt chước nhau".

Với phụ huynh, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) đề nghị bảy chiến lược can thiệp:

  • Ngang tầm trẻ
  • Nương theo sở thích của trẻ
  • Nói chuyện ngắn gọn rõ ràng
  • Đưa ra lựa chọn phù hợp
  • Chơi luân phiên cùng trẻ
  • Bắt chước
  • Sắp xếp môi trường phù hợp

CCIHP nói linh hoạt sử dụng cả 7 chiến lược can thiệp này sẽ giúp các phụ huynh thu hút và dạy con các kỹ năng mới, duy trì các kỹ năng con đã học được.

Truyền thông Việt Nam cho biết hiện tại có nhiều trung tâm chuyên điều trị cho trẻ tự kỷ ra đời, chẳng hạn bệnh viện Tâm thần TPHCM hay Nhi đồng 2 ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn