Tê đầu ngón tay là bệnh gì?

Thứ Bảy, 14 Tháng Chín 20247:00 SA(Xem: 824)
Tê đầu ngón tay là bệnh gì?

Chèn ép thần kinh hoặc mạch máu, hội chứng cổ vai gáy hay ống cổ tay, thoái hóa khớp ngón tay, viêm khớp dạng thấp thường gây tê đầu ngón tay.

ThS.BS Calvin Q Trịnh, Giám đốc đơn vị HMR phục hồi chức năng và hình thể chuẩn Mỹ, cho biết tê là một tình trạng rối loạn cảm giác hay dị cảm một phần hoặc hoàn toàn. Bệnh nhân cảm thấy đầu ngón tay hoặc cả ngón tay bị tê rát, cảm giác như bị kim chích hay kiến cắn, mất cảm giác ở các đầu ngón tay. Ngón tay cũng có thể tê buốt, đau nhức, ban đầu thường xuất hiện ở đầu ngón rồi sau đó, có thể lan sang cả ngón tay hoặc bàn tay, cánh tay gây khó khăn trong sinh hoạt hay lao động.

Theo bác sĩ Calvin, tê đầu ngón tay thường gặp bởi các nguyên nhân phổ biến sau:

Do chèn ép thần kinh, mạch máu

Xảy ra khi duy trì tư thế tĩnh quá lâu, làm cản trở quá trình lưu thông máu, gây căng thẳng và chèn ép lên các dây thần kinh. Khi thực hiện các tư thế như chạy xe liên tục trong nhiều giờ liền, nằm ngủ một tư thế, kê đầu lên tay, ngồi gõ máy tính liên tục... trong một thời gian dài dẫn thường sẽ gây tê đầu ngón tay. Đối với loại này, vận động hay thay đổi tư thế, triệu chứng tê đầu ngón tay sẽ tự biến mất.

Bệnh rễ thần kinh cổ, hội chứng cổ vai gáy

Tình trạng sức khỏe này còn có tên gọi khác là bệnh lý rễ tủy cổ hoặc hội chứng cổ vai gáy cánh tay. Nguyên nhân gây bệnh rễ thần kinh cổ có mối liên hệ mật thiết với thoái hóa cột sống cổ và thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Mà nguyên nhân sâu xa hệ lụy trên từ việc mất cân bằng cơ vùng cổ vai gáy kéo dài trong nhiều năm. Do đó, khi bệnh xảy ra, những dây thần kinh chịu trách nhiệm dẫn truyền tín hiệu đi và đến ngón tay khó tránh khỏi liên lụy, dẫn đến hiện tượng các đầu ngón tay bị tê.

Dấu hiệu nhận biết tình trạng chèn ép đám rối thần kinh cổ là mỏi cổ, đau nhức vùng cổ gáy dai dẳng, thường đau tăng nặng khi ngửa cổ lên hay cúi gập cổ xuống. Đồng thời cảm giác khó chịu cũng xảy ra khi xoay cổ sang bên trái hoặc bên phải; đau lan từ cổ xuống bả vai, cánh tay và ngón tay; tê bì theo vùng đám rối thần kinh bị chèn ép.

Hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay xuất hiện khi có áp lực lặp đi lặp lại gây chèn ép thần kinh chày giữa trong ống cổ tay. Bệnh nhân tê bì, có cảm giác như kim châm, điện giật hoặc mất cảm giác ở đầu ngón tay. Những cơn đau này thường xảy ra đột ngột, tăng lên về đêm và lúc di chuyển, làm việc, giảm khi nghỉ ngơi.

Cơn đau buốt, tê liệt, cảm giác ngứa ran dọc theo dây thần kinh giữa làm mất dần khả năng vận động, cầm nắm của tay. Người bệnh phải cần đến sự can thiệp phẫu thuật hay điều trị phục hồi chức năng để tránh các biến chứng.

Thoái hóa khớp ngón tay

Lâm sàng của thoái hóa khớp ngón tay thường có tê ngón tay kèm đau và sưng khớp. Cơn đau tăng khi vận động, làm việc và giảm khi nghỉ ngơi, đau tăng dần trong ngày, đau nhiều về buổi chiều. Ngoài ra có thể sưng nhẹ khớp bàn ngón tay cái, khớp liên đốt gần và xa của ngón trỏ và ngón giữa cả bàn tay.

Thoái hóa khớp ngón tay là bệnh lý liên quan tới quá trình lão hóa chung của cơ thể, người cao tuổi có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn.

Kiểm tra đầu ngón tay
Lâm sàng của thoái hóa khớp ngón tay thường có tê ngón tay. (Ảnh: Mỹ Ý).

Viêm khớp dạng thấp

Ban đầu bệnh có xu hướng ảnh hưởng tới các khớp nhỏ. Điển hình như khớp ngón tay, bàn tay, ngón chân, bàn chân, sau đó mới bắt đầu tăng phạm vi ảnh hưởng tới các khớp lớn. Bệnh gây niêm mạc của khớp sưng đau và cuối cùng có thể dẫn tới xói mòn xương hay biến dạng khớp. Cảm giác tê bì xảy ra là do bệnh gây chèn ép lên các dây thần kinh xung quanh khớp.

Thường người bệnh có các biểu hiện cứng khớp buổi sáng thường kéo dài ít nhất một tiếng, viêm (sưng, nóng, đỏ, đau) các khớp bàn tay, cổ tay, có khi đối xứng cả hai bên.

Bệnh lý thần kinh ngoại biên

Bệnh lý thần kinh ngoại biên thường xảy ra do các nguyên nhân như chấn thương vật lý (nguyên nhân chủ yếu gây tổn thương dây thần kinh ngoại biên), thiếu hụt vitamin B12, đái tháo đường (tiểu đường), lạm dụng bia rượu, nhiễm trùng, yếu tố di truyền, bệnh lý chuyển hóa hay tiếp xúc với hóa chất độc hại...

Biểu hiện của bệnh thường tùy thuộc vào vị trí của dây thần kinh bị tổn thương mà sẽ có triệu chứng khác nhau ở mỗi người, có thể biểu hiện qua rối loạn cảm giác, thực vật hay vận động. Trường hợp bị tê đầu ngón tay thường liên quan đến dây thần kinh cảm giác, cũng là triệu chứng thường gặp nhất.

Bệnh đái tháo đường

Tê đầu ngón tay cũng có thể xuất hiện kèm các triệu chứng điển hình của đái tháo đường như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân.

Tê đầu ngón tay là một biến chứng nghiêm trọng của tiểu đường type 1 và type 2. Các yếu tố rủi ro liên quan đến biến chứng này có thể bao gồm bệnh tiểu đường tiến triển mạn tính, thường xuyên hút thuốc lá, thừa cân, béo phì và thiếu vitamin B12.

Hội chứng Raynaud

Hội chứng Raynaud là tình trạng mạch máu nhỏ ngoại biên co thắt nhanh và dữ dội một cách đột ngột khi gặp lạnh hay stress. Lúc này các mạch máu có thể bị thu hẹp lại và cản trở sự lưu thông tuần hoàn máu tới các mô trong cơ thể. Lâu ngày, dẫn đến tình trạng tê đầu ngón tay.

Tình trạng này có thể xảy ra ở ngón tay, ngón chân, tai, mũi hoặc núm vú. Tỷ lệ mắc bệnh ở cả nam và nữ giới là 1:1. Đôi khi thiếu máu dẫn tới loét da và hoại tử ngón tay, chân.

Một số nguyên nhân khác

Chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ngã... nếu không được điều trị triệt để, lâu dần cũng gây nên hiện tượng tê đầu ngón tay.

Stress, áp lực công việc, cuộc sống kéo dài cũng có nguy cơ gây tê đầu ngón tay.

Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin B12, canxi, sắt, kali, magie, kẽm, gây thiếu chất nghiêm trọng, có thể dẫn đến hiện tượng tê bì ở nhiều người.

Tuổi càng cao, khả năng bơm máu từ tim tới các chi không còn nhanh như trước nên dễ gây ra hiện tượng tê đầu ngón tay cho người già. Thời tiết thay đổi, lạnh cũng ảnh hưởng đến hệ thống mạch máu, gây tê đầu ngón tay và chân.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo