Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhát 16 - 7 -2024

Thứ Ba, 16 Tháng Bảy 20246:41 SA(Xem: 5200)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhát 16 - 7 -2024

Hoaluc 3*************
rfi.fr

Khai mạc Nghị Viện Châu Âu khóa mới, với trọng tâm là bầu các lãnh đạo chủ chốt

Trọng Thành

Hơn một tháng sau bầu cử, Nghị Viện Châu Âu khóa mới khai mạc hôm nay, 16/07/2024. Bầu các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Liên Hiệp Châu Âu là trọng tâm của kỳ họp kéo dài đến ngày thứ Sáu 19/07.

Đăng ngày:

3 phút

Chủ tịch mãn nhiệm của Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen tái ứng cử, sau khi được lãnh đạo khối 27 nước bật đèn xanh. Bà Ursula von der Leyen trên nguyên tắc được sự ủng hộ của liên minh ba đảng, gồm đảng cánh hữu châu Âu PPE (188 ghế), đảng Xã hội Dân chủ châu Âu (136 ghế) và đảng cánh trung Renew (77 ghế), vẫn có được đa số quá bán tại Nghị Viện nhiệm kỳ 2024 – 2029.

Tuy nhiên, để đề phòng việc nhiều nghị sĩ trong liên minh ba đảng không ủng hộ bà Ursula von der Leyen tái cử trong cuộc bỏ phiếu kín này, chủ tịch mãn nhiệm của Ủy Ban Châu Âu phải nỗ lực vận động thêm nhiều nghị sĩ thuộc các phe khác.

Đặc phái viên Julien Chavanne tường trình từ Bruxelles:

‘‘Ursula von der Leyen lẽ ra phải dự thượng đỉnh NATO tại Washington hồi tuần trước, nhưng nhân vật số một của Liên Âu đã quyết định ở lại Bruxelles. Điện đàm, gặp gỡ không chính thức và hội họp…, nữ chính khách người Đức liên tục có các cuộc hẹn để tìm cách thuyết phục ít nhất 361 nghị sĩ châu Âu bỏ phiếu cho bà vào ngày thứ Năm tới.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu mãn nhiệm đã nỗ lực tối đa để nhận được nhiều ủng hộ, rộng hơn liên minh của mình, giúp bà tái đắc cử. Phương tiện đánh đổi chủ yếu là các vị trí lãnh đạo trong Ủy Ban Châu Âu, như các chức vụ phó chủ tịch Ủy Ban, chủ tịch các ban trong Ủy Ban các ủy viên châu Âu.

Trong cuộc mặc cả quy mô lớn này, dĩ nhiên là trọng lượng chính trị của mỗi phe có một vai trò quan trọng, đặc biệt là các đảng cực hữu. Tuy đã mạnh hơn sau cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu vừa qua, các đảng cực hữu châu Âu đang bị chia rẽ. Thay vì đoàn kết lại như hy vọng của thủ tướng Ý Giorgia Meloni, lực lượng cực hữu châu Âu tại Bruxelles giờ đây bị tách thành hai nhóm. Nhóm ‘‘Những người Yêu nước vì châu Âu’’ (Patriotes pour l'Europe), đứng đầu là chủ tịch đảng cực hữu Pháp Tập Hợp Dân Tộc Jordan Bardella, và nhóm ‘‘Châu Âu của các nước chủ quyền’’ (l'Europe des nations souveraines), với thành phần chủ yếu là đảng cực hữu Đức AfD.

Nghị Viện Châu Âu họp lại hôm nay cho cuộc bỏ phiếu đầu tiên. Chức chủ tịch Nghị Viện Châu Âu dự kiến sẽ tiếp tục do chính khách người Malta, bà Roberta Metsola, nắm giữ.’’

Việc bầu chọn 14 phó chủ tịch Nghị Viện Châu Âu hứa hẹn rất căng thẳng. Nhóm các đảng cực hữu ‘‘Những người Yêu nước vì châu Âu’’ (quy tụ đảng Tập hợp Dân tộc Pháp, đảng của thủ tướng Hung Viktor Orban, đảng Vox Tây Ban Nha…), với 84 ghế, trở thành nhóm lớn thứ ba của Nghị Viện Châu Âu. Theo truyền thống, liên minh này có thể nhận được hai ghế phó chủ tịch Nghị Viện Châu Âu. Tuy nhiên, phần lớn các đảng của liên minh đa số tại Nghị Viện muốn ngăn chặn phe này đảm nhiệm các chức vụ nói trên.


***********
rfi.fr

Công nghệ cao : Mỹ và Liên Âu đã giúp Trung Quốc cất cánh ? - Tạp chí kinh tế

Thanh Hà

Quá trễ để « tách » khỏi Trung Quốc ? Trong ít nhất 4 lĩnh vực công nghệ cao, qua các dự án đầu tư chồng chéo, Liên Âu và Mỹ đã « gắn kết » quá chặt với Trung Quốc. Tại sao chỉ với 12% đầu tư vào công nghệ cao của Trung Quốc, các doanh nghiệp Âu Mỹ bị cho là đã giúp một « đối thủ » cất cánh, để rồi Hoa Kỳ không còn là tâm điểm của thế giới về công nghệ mũi nhọn, châu Âu thì hoàn toàn mờ nhạt trong cuộc đua ?

Âu-Mỹ không chỉ lo những con chim đầu đàn trong những lĩnh vực công nghệ mũi nhọn của mình bị một đối thủ đáng gờm như Trung Quốc thâu tóm. Từ 2018 Bruxelles và Washington theo dõi chặt chẽ hơn các dự án đầu tư của Âu-Mỹ vào Hoa Lục, Hồng Kông và Macao.

Chuyên nghiên cứu về các công nghệ mới, về chính sách công nghệ của Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, tháng 7/2024 Mathilde Velliet công bố nghiên cứu mang tựa đề « Tài trợ cho đối thủ. Khi Mỹ và châu Âu đầu tư vào công nghệ Trung Quốc ». Tác giả tập trung vào những khoản đầu tư của châu Âu và Hoa Kỳ tại Trung Quốc trong giai đoạn 2003-2023. Đấy là thời điểm công nghệ mới tại Trung Quốc đã cất cánh rất nhanh. Công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc là hai lĩnh vực sớm được các đối tác phương Tây quan tâm.

Ngoài ra, Mathilde Velliet đã nêu bật những khác biệt trong chính sách đầu tư của Mỹ và của Liên Hiệp Châu Âu và không mấy ngạc nhiên khi thấy một số nhà đầu tư châu Âu và Mỹ đã dễ dàng hợp tác với những đối tác Trung Quốc đang trong tầm ngắm của các giới chức an ninh Hoa Kỳ.

Tuy nhiên trong nghiên cứu, bà Velliet giải thích bà căn cứ vào số lượng các dự án mà tránh đề cập đến các trị giá các các dự án đầu tư vì các dữ liệu liên quan đến trị giá các khoản đầu tư thường được các bên tài trợ và nhận tài trợ giấu kín.

1.602 dự án của Mỹ

Trả lời ban Việt ngữ RFI Mathilde Velliet trước hết cho biết mục đích chính của công trình là nhằm điểm lại xem rằng trong số những dự án đầu tư của Âu, Mỹ vào Trung Quốc có thuộc diện « đặt ra vấn đề » đối với an ninh, chiến lược của Washington cũng như Bruxelles hay không, chẳng hạn như do liên hệ giữa các công ty Trung Quốc với quân đội nước này.

Mathilde Velliet : « Tôi đã tập trung vào bốn lĩnh vực công nghệ mang tính chiến lược, gồm trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học và thông tin lượng tử. Đây là bốn chìa khóa của toàn bộ ngành công nghiệp trong tương lai, liên quan đến cả vế thương mại lẫn quân sự. Bốn lĩnh vực này cũng đang là tâm điểm của những mối căng thẳng tại Washington và Bruxelles chung quanh chính sách đầu tư của Âu, Mỹ ra nước ngoài ».

Trong số các nhà đầu tư ngoại quốc vào công nghệ cao Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu bị bỏ xa lại phía sau. Trong Liên Hiệp Châu Âu, thì Đức dẫn đầu với 49 dự án, Pháp về nhì với 36 thương vụ và Hà Lan đứng hạng 3, với 12 dự án. Tập đoàn Trung Quốc Didi, (tương đương với Uber), ông trùm về data center Tenglong Holding, hay Alibaba trong ngành mua bán trên mạng internet, đều đã phát triển nhờ có ít nhất là một nhà đầu tư Hoa Kỳ (Mathilde Velliet, p.49).

Nhìn về tổng thể, trên 100 dự án đầu tư vào công nghệ cao tại Trung Quốc, 75 % do nước chủ nhà đảm nhiệm. Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu chỉ hiện diện trong 12 % các dự án và gần như luôn phải « đồng hành », dưới nhiều khía cạnh khác nhau, với các đối tác Trung Quốc.

Mathilde Velliet : « Khác biệt chính giữa Mỹ và châu Âu là về số lượng các dự án đầu tư. Trong cả bốn lĩnh vực vừa nêu (trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, công nghệ bán dẫn, tin học lượng tử), Hoa Kỳ là nguồn đầu tư ngoại quốc lớn nhất vào Trung Quốc với tổng cộng 1602 dự án trong hai thập niên qua. Con số này cao hơn rất nhiều so vớ 149 dự án của Liên Hiệp Châu Âu trong cùng thời kỳ. Ngoài ra, châu Âu chú ý nhiều vào các chương trình hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo để sử dụng trong một vài lĩnh vực công nghiệp cụ thể, như trong ngành sản xuất xe hơi hay ngành kỹ thuật hóa học. Thí dụ như Đức đầu tư vào các dự án với Trung Quốc giúp ích cho công ngành sản xuất xe hơi.

Trái lại, các dự án của Mỹ đa dạng hơn, bao gồm cả bốn lĩnh vực tôi đã nêu bật trong nghiên cứu của mình. Khác biệt thứ ba giữa các dự án đầu tư của châu Âu và Mỹ vào Trung Quốc mang tính chiến lược : Đành rằng cả Bruxelles lẫn Washington cùng cân nhắc về mức độ rủi ro trong các dự án đầu tư vào Trung Quốc. Nhưng Nhà Trắng đã thông qua sắc lệnh để hạn chế đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Mỹ vào Trung Quốc, trong lúc Liên Âu thì vẫn còn đang trong giai đoạn suy nghĩ và tránh nhắm thẳng vào Trung Quốc ».

Bắc Kinh kiểm soát đầu tư nước ngoài

Vẫn bài nghiên cứu của Mathilde Velliet, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp ghi nhận : trong 4 lĩnh vực then chốt bà quan tâm, Âu-Mỹ đặc biệt chú ý đến trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học. Nhưng phương Tây chỉ chiếm thiểu số trong cả 4 mảng công nghệ mới nói trên. Trung Quốc và các ngân hàng của nước này đài thọ 78 % các dự án phát triển công nghệ sinh học và bán dẫn ; 77 % trí tuệ nhân tạo ; Trung Quốc đảm nhiệm 84 % đầu tư vào các phương tiện tin học lượng tử. Đến nay Mỹ trực tiếp tham gia vào hai chương trình đầu tư phát triển tin học lượng tử cho Bắc Kinh, Ý là một dự án. Tuy nhiên trong tất cả những lĩnh vực nhậy cảm vừa nêu, 3/4 trong số các dự án Âu, Mỹ được phép tham gia, đều là những mối « liên doanh » với các hãng của Trung Quốc.

Câu hỏi kế tiếp là tại sao Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu lo ngại về các khoản đầu tư dù khá ít ỏi (so sánh về số lượng dự án) vào Trung Quốc ? 

Mathilde Velliet : « Các dữ liệu được thống kê trong 20 năm qua cho thấy, Mỹ và Liên Âu đầu tư vào công nghệ bán dẫn, vào trí tuệ nhân tạo, vào công nghệ sinh học và bất ngờ hơn cả là vào công nghệ thông tin lượng tử của Trung Quốc. Bất ngờ do chúng ta biết công nghệ thông tin lượng tử là một chìa khóa trong các cuộc chạy đua về công nghệ cao. Điều đó không cấm cản Mỹ đã đầu tư vào hai dự án và Liên Âu tham gia vào một chương trình hợp tác với Trung Quốc. Giờ đây điều khiến Washington lo ngại không vì Trung Quốc đã phát triển nhờ gặt hái được những thành quả từ các khoản đầu tư trực tiếp của Mỹ. Mối nguy hiểm, theo đánh giá của Washington, nằm ở chỗ qua 1 dự án hợp tác, phía Trung Quốc tiếp cận được nhiều đối tác của Mỹ, với nhiều nhà đầu tư Mỹ, tạo được uy tín để thu hút thêm các dự án đầu tư khác … Chính hiện tượng vết dầu loang đó đã giúp cho công nghệ cao của Trung Quốc nhanh chóng phát triển ».

Thế còn về phía châu Âu ?

Mathilde Velliet « Bruxelles đặc biệt quan ngại trước viễn cảnh đầu tư của châu Âu cho phép Trung Quốc nâng cao khả năng quân sự, phát triển những công cụ để tấn công tin học … và đó có thể là những mối đe dọa trực tiếp nhắm vào an ninh và hòa bình của thế giới. Chính điều này khiến Liên Hiệp Châu Âu trăn trở. Bruxelles ít quan tâm hơn đến vế cạnh tranh trực tiếp về công nghệ. Tôi xin lưu ý, thông thường, không phải lúc nào Liên Hiệp Châu Âu cũng tuân thủ những đòi hỏi của Hoa Kỳ nhưng riêng trên hồ sơ công nghệ, thì sở dĩ Bruxelles quan tâm đến các khoản đầu tư của châu Âu vào Hoa Lục do phía Mỹ khẩn khoản kêu gọi Liên Âu đề cao cảnh giác với Trung Quốc ».

Chính châu Âu và Mỹ phá rào ?

Nghiên cứu mang tựa đề « Tài trợ cho đối thủ. Khi Mỹ và châu Âu đầu tư vào công nghệ Trung Quốc », Mathilde Velliet ghi nhận :

Có ít nhất hai dự án của Đức tại Trung Quốc liên quan trực tiếp đến các thực thể bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen, do hoặc có liên hệ với quân đội Trung Quốc, hoặc do vi phạm nhân quyền, hoặc do hoạt động trong một lĩnh vực « trái ngược với lợi ích của Mỹ ».

Pháp đầu tư vào Trung Quốc qua trung gian Cathay Capital nhưng từ đầu tháng 1/2024, một trong những thành viên của Cathay bị Washington đưa vào danh sách trừng phạt.

Ngay bản thân Hoa Kỳ, cũng có không ít các nhà đầu tư Mỹ - như quỹ đầu tư GGV Capital - trong tầm ngắm của Hạ Viện Hoa Kỳ;  « 7 trong số 10 nhà đầu tư lớn nhất của Mỹ đã bỏ vốn vào 4 lĩnh vực chiến lược của Trung Quốc, cộng tác với các doanh nghiệp Trung Quốc bị Washington trừng phạt ».

Trong số 1.602 dự án đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, có 12 thực thể Trung Quốc trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn trong « danh sách đen ».

Phần lớn các hợp đồng được ký kết trước khi bộ Ngân Khố Hoa Kỳ công bố danh sách trừng phạt. Tuy nhiên nghiên cứu của viện IFRI cũng chỉ ra rằng, không ít các khoản đầu tư của Mỹ đã được đổ vào một số các doanh nghiệp nổi tiếng là hoạt động trong quỹ đạo của quân đội Trung Quốc, như Megvii, 4Paradigm, hay Intellifusion … Trường hợp một doanh nghiệp Mỹ hợp tác với 1 thực thể Trung Quốc đã có tên trong danh sách bị Hoa Kỳ trừng phạt cũng không phải là hiếm.

5 điểm kết luận

Trong phần kết luận, Mathilde Velliet đưa 5 điểm chính : Thứ nhất, trong tất cả 4 lĩnh vực công nghệ cao bà nghiên cứu, trọng lượng của đầu tư Âu, Mỹ vào Trung Quốc là « rất ít », 75 % vẫn phụ thuộc vào Bắc Kinh. Qua đó « tác động rất hạn chế » khi cho rằng đầu tư của phương Tây giúp công nghệ cao của Trung Quốc cất cánh và đây là kết luận thứ nhì của tác giả bài nghiên cứu.

Điểm thứ ba là trong 2 thập niên, châu Âu chỉ hiện diện trong 149 dự án đầu tư vào công nghệ cao của Trung Quốc, đó là một con số quá thấp để cho rằng Liên Hiệp Châu Âu đã biến Trung Quốc thành một mối đe dọa tiềm tàng …

Để trả lời câu hỏi tại sao dù với vị trí khiêm tốn Liên Hiệp Châu Âu và nhất là Hoa Kỳ lại sợ rằng đã « tài trợ cho một đối thủ » để giờ đây bị Trung Quốc bỏ lại phía sau, Mathilde Velliet tiếc rằng do thiếu một sự minh bạch cả từ hai phía (Âu - Mỹ và Trung Quốc) những dữ liệu bà khai thác không cung cấp những thông tin đáng tin cậy để giải đáp một cách nghiêm túc. Đó là kết luận thứ tư của tác giả.

Nhưng bài nghiên cứu của viện IFRI cho thấy mức độ phức tạp và chồng chéo trong mối liên hệ giữa các tập đoàn của Mỹ, của châu Âu với lại Trung Quốc. Đó là kết luận thứ 5 được tác giả nêu bật. Điểm cuối cùng này phần nào cho phép nghĩ rằng, không dễ áp dụng những sắc lệnh trừng phạt các công ty Trung Quốc khi mà số này đã gắn kết quá chặt chẽ với chính những tập đoàn công nghệ cao hàng đầu của Mỹ, với các quỹ đầu tư lớn nhất của Hoa Kỳ.


*************
voatiengviet.com

Hà Nội tính tu bổ phù điêu về McCain, người từng oanh tạc VN rồi giúp nối lại quan hệ Việt-Mỹ

VOA Tiếng Việt

Quận Tây Hồ thuộc Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam cộng sản, đang có bước đi nhằm tôn tạo bức phù điêu về ông John McCain, phi công Mỹ từng ném bom xuống Việt Nam, bị bắt làm tù binh rồi trở thành thượng nghị sĩ ủng hộ việc bình thường hóa, thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ trước khi ông qua đời vào năm 2018.

Các báo Việt Nam trong đó có VnExpress và Dân Trí đưa tin hôm 16/7 rằng phù điêu sẽ được cải tạo để có kích thước to thêm và nhìn trang trọng hơn với chất liệu là đá nguyên khối. Dự kiến kinh phí dự án là gần 2 tỷ đồng từ ngân sách quận Tây Hồ, thời gian thực hiện từ năm 2024 đến 2025.

Hiện ủy ban nhân dân quận đã nộp tờ trình đến hội đồng nhân dân quận để được chuẩn thuận, VnExpress, Dân Trí và một số trang tin cho hay.

Việc chỉnh trang, tu bổ phù điêu về cố thượng nghị sĩ Mỹ có mục đích “lưu giữ lâu dài những giá trị lịch sử, văn hóa của sự kiện diễn ra tại khu vực; tạo không gian phù hợp để phát huy những giá trị trong đời sống tinh thần của nhân dân”, UBND quận Tây Hồ nói trong tờ trình, được báo chí trong nước dẫn lại.

Theo VnExpress, Dân Trí và một số trang tin, hình thức bức phù điêu được giữ nguyên nhưng sẽ có kích cỡ lớn hơn và được dịch chuyển từ gần mặt đường về phía sát với hồ Trúc Bạch, nơi ông McCain nhảy dù xuống trong tình trạng bị thương nặng, sau khi máy bay chiến đấu của ông bị bắn rơi vào tháng 10/1967.

Bức phù điêu hiện tại làm bằng xi măng-cát vàng, thể hiện hình ảnh phi công không quân thuộc Hải quân Mỹ McCain quỳ gối giơ tay hàng, khói lửa bốc lên quanh người; bên trái của phi công là hình ảnh tượng trưng về mảnh vỡ máy báy; bên phải là những dòng chữ mô tả sự kiện.

“Ngày 26-10-1967, tại hồ Trúc Bạch, quân và dân Hà Nội bắt sống phi công John Sydney McCain, thiếu tá không quân thuộc lực lượng Hải quân Hoa Kỳ đã lái chiếc máy bay A4 bị bắn rơi tại Nhà máy điện Yên Phụ. Đây là một trong 10 chiếc máy bay bị bắn rơi cùng ngày”, là nội dung dòng chữ.

Ông McCain bị giam giữ trong nhà tù của Việt Nam trong 5 năm cho đến khi được trao trả theo Hiệp định Paris ký giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ hồi năm 1973.

Cuộc chiến được Mỹ gọi là Chiến tranh Việt Nam kéo dài từ tháng 11/1955 đến 30/4/1975. Mỹ nói họ tham chiến để ngăn chặn Cộng sản Bắc Việt, tức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xâm chiếm đồng minh của Mỹ là Nam Việt Nam, tức Việt Nam Cộng Hòa.

Mỹ chính thức đưa quân vào Nam Việt Nam hồi tháng 3/1965. Nhiều diễn biến bất lợi về quân sự, chính trị, dư luận đã dẫn đến việc Mỹ rút quân năm 1973. Bắc Việt giành chiến thắng, thống nhất toàn bộ đất nước Việt Nam sau đó 2 năm.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Mỹ cấm vận Việt Nam trong nhiều năm. Ông McCain đã trở thành một thượng nghị sĩ vào năm 1987 và có nhiều hoạt động ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ vào năm 1995 và sau đó là thúc đẩy mối quan hệ này.

Trong những dịp khác nhau, một số vị lãnh đạo và nhà ngoại giao cao cấp của Việt Nam đã cảm ơn và đánh giá cao những đóng góp của ông cho mối quan hệ hai nước.

Bản thân ông đã nhiều lần quay lại thăm Việt Nam, bao gồm cả ghé thăm tấm phù điêu về chính ông.

Một số vị lãnh đạo Mỹ bao gồm tổng thống, phó tổng thống, bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng ngoại giao… từng đến thăm bức phù điêu trong các chuyến công cán tới Việt Nam, mà gần đây nhất là Tổng thống Mỹ Joe Biden đã làm như vậy vào tháng 9/2023.


***********
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

6 phút

(Reuters) – Việt Nam : Dịch tả lợn châu Phi lan rộng và có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thực phẩm cũng như gây áp lực lạm phát. Theo văn bản ngày 14/07/2024 của chính phủ Việt Nam, nguy cơ dịch tả lợn lây lan là rất cao và có thể “ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, giá tiêu dùng và môi trường”. Tài liệu này cho biết từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã tiêu hủy 42.400 con lợn nhiễm bệnh, tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng ổ dịch được phát hiện trên toàn quốc cũng đã tăng gấp 3, lên tới 660 ổ dịch.

(NHK) – Nhật Bản ước tính thiếu hụt 570.000 điều dưỡng viên hỗ trợ người già trong năm 2040. Theo báo cáo do bộ Y Tế, Lao Động và Phúc Lợi Nhật Bản công bố mới đây, nước này sẽ cần khoảng 2,4 triệu điều dưỡng viên cho năm 2026 và 2,72 triệu cho năm 2040 khi mà nhóm đầu tiên của thế hệ bùng nổ dân số thứ hai sẽ bước sang tuổi 65. Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường số lượng điều dưỡng viên bằng cách cải thiện điều kiện làm việc và tạo điều kiện tuyển dụng lao động nước ngoài làm việc trong lĩnh vực này, nhưng những biện pháp trên vẫn không đủ để giải quyết được tình trạng thiếu hụt.

(AFP) – Tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng vẫn duy trì ở mức thấp hơn so với trước đại dịch Covid-19 : Liên Hiệp Quốc lo ngại. Trong thông cáo chung, Quỹ Nhi Đồng LHQ Unicef và Tổ Chức Y Tế Thế Giới hôm nay 15/07/2024 báo động là trên thế giới, số trẻ em không được tiêm chủng hoặc được tiêm không đầy đủ trong năm 2023 đã tăng thêm 2,7 triệu so với hồi năm 2019. Điều này cho thấy nhiều nước phớt lờ việc tiêm chủng cho trẻ em : 14,5 triệu em không được tiêm chủng 1 liều vac-xin nào. Một nửa số em không được tiêm chủng là ở 31 nước đang có xung đột.

(AFP) – Pháp : Hơn một nửa số quyền cơ bản của con người bị đe dọa do thiếu hụt chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu. Báo cáo của tổ chức phi chính phủ Oxfam, chi nhánh Pháp, hôm nay 15/07/2024 lưu ý trong số các quyền bị ảnh hưởng có quyền được chăm sóc y tế, giáo dục, và có chỗ ở. Oxfam khuyến cáo chính phủ mới của Pháp phải khẩn trương hành động, bởi những tác động tiêu cực nhất đặc biệt liên quan đến những người dễ bị tổn thương nhất : phụ nữ, trẻ em, người già và người sống đơn độc. Chẳng hạn, từ nay đến năm 2030, khoảng 1,3 triệu học sinh cấp 1 sẽ phải chịu cái nóng trên 25 độ C trong lớp học. Hiện nay, 36% người lao động đã phải làm việc trong điều kiện nắng nóng nguy hiểm, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp hay nhân viên chăm sóc y tế.

(Reuters) – Pháp : Lãnh đạo Paris và vùng phụ cận, đô trưởng Paris và chủ tịch ủy ban tổ chức thế Vận Hội Paris 2024 xuống sông Seine bơi ngày thứ Tư 17/07/2024. Tỉnh trưởng Paris Marc Guillaume hôm nay 15/07 thông báo như trên trên đài phát thanh France Bleu. Cách nay 2 ngày, hôm 13/07, bộ trưởng Thể Thao Pháp, Amélie Oudéa-Castéra, cũng đã bơi ở sông Seine. Sông Seine là nơi diễn ra các môn thi bơi lội trong Thế Vận Hội năm nay nên vấn đề làm sạch sông Seine được đặc biệt chú ý, trong bối cảnh nước sông bị ô nhiễm nặng từ nhiều năm nay. Chính quyền Pháp đề ra mục tiêu từ năm 2025 nước sông Seine được làm sạch đủ để người dân bơi lội trên sông như cách nay vài chục năm.

(AFP) – Airbus dự báo số máy bay thương mại trên thế giới sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới. Tính đến cuối năm 2023, toàn thế giới có 24.260 máy bay. Theo báo cáo thường niên được công bố hôm nay 15/07/2024, tập đoàn máy bay Airbus của châu Âu dự báo đến năm 2043, thế giới sẽ cần thêm hơn 42.300 máy bay thương mại mới có trên 100 chỗ và máy bay vận tải. Nhu cầu tăng là do tăng trưởng kinh tế và dân số, chủ yếu là ở châu Á - Thái Bình Dương và đặc biệt liên quan đến Trung Quốc và Ấn Độ.

(AFP) – Một nhà báo Mỹ gốc Nga bị kết án vắng mặt 8 năm tù giam. Nhà báo Masha Gessen vốn có nhiều chỉ trích nhắm vào tổng thống Vladimir Putin, bị một tòa án Matxcơva hôm nay 15/07/2024 kết tội có những phát biểu dối trá về quân đội Nga. Trên thực tế, Masha Gessen đã bị Matxcơva truy tố hồi cuối năm 2023 về những phát biểu về vụ thảm sát Boutcha tại Ukraina. Cũng trong ngày hôm nay, trong một vụ khác, một tòa án ở thủ đô Nga tuyên án vắng mặt một cựu dân biểu thành phố, Elena Kotionotchkina. Bà Kotionotchkina bị kết án 7,5 năm tù về cũng về tội lan truyền các thông tin mà Matxcơva xem là dối trá về quân đội Nga.

(AFP) – Gaza : Hamas tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hưu chiến sau vụ “tàn sát dân thường” của quân đội Israel. Thông báo trên được phía Hamas đưa ra vào hôm qua, 14/07/2024, sau khi Israel mở cuộc oanh kích vào một khu tị nạn của người Palestine ở Al-Mawasi, cướp đi sinh mạng của ít nhất 92 thường dân, nhằm hạ sát nhân vật số hai của Hamas. Tuy nhiên theo một quan chức trong Hamas, tổ chức này vẫn sẽ “sẵn sàng nối lại đàm phán” khi Israel thể hiện “sự nghiêm túc trong việc ký kết thỏa thuận ngừng bắn và trả tự do cho các con tin”.

(AFP) – Irak phát hiện hố chôn tập thể với khoảng 140 hài cốt. Chính quyền hôm 14/07/2024 khẳng định với AFP đây là các nạn nhân chủ yếu là người Hồi giáo theo hệ phái Shia, sắc tộc Yazidis và Turcomans. Họ là nạn nhân của Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo. Hố chôn tập thể được phát hiện tại vùng Tal Afar, cách Mossoul khoảng 70 km. Mossoul từng là thủ phủ của của Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo ở miền bắc Irak hồi năm 2024-2017. Hố chôn này thực chất là giếng tự nhiên, sâu 12-14 m. Các xác chết đã bị quẳng xuống giếng. Theo Liên Hiệp Quốc, tính đến khi thất thế ở Irak hồi năm 2017, Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo có thể đã chôn vùi 12.000 người trong 200 hố chôn tập thể. Ngoài ra, còn có những hố chôn tập thể từ thời Saddam Hussein.


*************

Hoa Kỳ sao nhãng vấn đề Biển Đông vì bị kéo sang các điểm nóng khác

RFA

Chương trình Đông Nam Á và Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm CSIS, một think tank ở Washington DC vừa tổ chức Hội nghị thường niên về Biển Đông lần thứ 14 vào ngày 11/7/2024. 

Hoa Kỳ xoay trục về Châu Á: còn nhiều bất cập  

Tại hội thảo, nhiều thính giả đã đặt câu hỏi với Dân biểu Darrell Issa, thuộc Hội đồng Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, về nhiều vấn đề liên quan đến chính sách của Hoa Kỳ liên quan đến Biển Đông. RFA đặt câu hỏi về khả năng Hoa Kỳ cân bằng sức mạnh của Trung Quốc khi mà Trung Quốc chủ yếu chỉ tập trung sức mạnh nhắm vào Đài Loan, Biển Đông, trong khi đó, Hoa Kỳ phải dàn trải sức mạnh của mình khắp thế giới, không chỉ Đông Bắc Á, Đông Nam Á mà cả Trung Đông và Ukraine. Ông Greg Poling, Chương trình Đông Nam Á và Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm CSIS, đặt câu hỏi rằng liệu vị Dân biểu Cộng hòa có nhiều ảnh hưởng tại Hội đồng Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ có cảm thấy là ở châu Á, Hoa Kỳ bị thu hút vào điểm nóng Đài Loan và do đó chú ý không đúng mức tới Biển Đông. 

Dân biểu Darrell Issa cho biết đó chính là điều ông lo lắng. Một thập kỷ trước, Hoa Kỳ công bố chính sách xoay trục về châu Á. Đó là một tuyên bố rất hay nhưng theo ông Issa, nó thiếu các cơ sở hành động đi kèm. Nó không có nhiều ý nghĩa. Ngoài ra, điều đó làm NATO ở châu Âu bận tâm. Nga của Putin thấy vậy mà nghĩ “ồ ta có thể lấn tới ở châu Âu.” Vì lý do đó, Dân biểu Issa cho biết ông đã khuyến khích các thành viên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện là hãy đi ít nhất hai lần, một lần về phía Tây, một về phía Đông để nắm tình hình và chia sẻ với các dân biểu khác. Theo ông, Thượng viện Hoa Kỳ cũng cần làm như vậy. Ông giải thích:

“Bởi vì thách thức lớn nhất đối với chúng ta là phải nhìn vào một đối tượng phức tạp. Hầu hết chúng tôi có thể cũng không biết rằng biết đâu Việt Nam cũng chịu sự ép rất lớn từ Trung Quốc giống như Philippines. Cả hai nước đều có lịch sử lâu dài chịu sức ép từ Trung Quốc và các nước khác. Vì vậy chúng tôi phải tìm cách cho các thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện thấy được bức tranh tổng thể.” 

Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung Quốc tăng cường phong tỏa bãi Cỏ Mây của Philippines. Những hoạt động của Hoa Kỳ tại Biển Đông chủ yếu là tăng cường hợp tác với Philippines. Các phát biểu của Dân biểu Darrell Issa và ông Ely Ratner, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng đều tập trung vào mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Philippines. 

Ông Issa cho biết các hoạt động hợp tác quân sự của Hoa Kỳ với Philippines chủ yếu là hoạt động viện trợ. Philippines không đủ khả năng bảo vệ vùng biển và quyền đánh cá của mình trước sức ép của Trung Quốc. Hoa Kỳ không hành động tại hiện trường mà thực hiện các hoạt động huấn luyện, nâng cao khả năng phòng vệ của Philippines và cả khu vực. Tất cả nhắm đến mục tiêu bảo vệ luật pháp quốc tế trong vùng. Cụ thể, đó là năng lực của lực lượng cảnh sát biển, bao gồm các phương tiện hỗ trợ như máy bay không người lái và các phương tiện viễn thám khác. Phát triển năng lực của các nước trong khu vực là cơ sở bước đầu để tìm kiếm khả năng giải quyết hòa bình đối với chính sách hung hăng của Trung Quốc. 

Philippines đứng mũi chịu sào

Điểm lại các diễn biến nóng nhất trên Biển Đông năm qua, ông Harrison Prétat, Phó Giám đốc và Nghiên cứu viên, Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), CSIS, cho biết năm 2018 đánh dấu là năm đầu tiên Trung Quốc triển khai lực lượng hải cảnh và dân quân biển với số lượng lớn xuống khu vực Trường Sa, sau khi hoàn thành các cơ sở quân sự ở quần đảo này. Mục đích của Trung Quốc là đẩy lùi hoạt động của các nước khác ra khỏi khu vực đường 9 đoạn. 

Nhìn lại hoạt động của Trung Quốc năm 2023, ông Harison cho rằng cần nhìn vào 5 thực thể là bãi cạn Scarborough, bãi Cỏ Mây, cụm bãi cạn Luconia, bãi Tư Chính và đảo Thị Tứ. Trong năm 2023, Trung Quốc đã tuần tra khu vực này tổng cộng 1652 ngày quy đổi. AMIT đã đã chụp hàng ngàn ảnh vệ tinh để theo dõi lực lượng dân quân biển của Trung Quốc. Có khoảng 250 tàu dân quân biển của Trung Quốc được nhận diện trong quần đảo Trường Sa. Ngày cao điểm lên tới 375 tàu. Như vậy, con số thực tế có thể lên tới 400 đến 500 chiếc tàu dân quân biển Trung Quốc đang hoạt động ở Trường Sa. 

Năm 2021 xảy ra vụ tấn công bằng vòi rồng của Trung Quốc đối với tàu Philippines tiếp tế cho binh sĩ đồn trú trên bãi Cỏ Mây. Từ đó căng thẳng ngày càng tăng và hiện nay AMTI vẫn đang theo dõi thấy có khoảng 30 - 40 tàu Trung Quốc vẫn đang chờ đợi các tàu tiếp tế của Philippines đến để đánh chặn. 

Tại sao từ đầu năm 2023 đến nay, Trung Quốc chọn Philippines để gây căng thẳng bằng cách bao vây bãi Cỏ Mây mà không chọn một nước nào khác, chẳng hạn như Việt Nam? Đó là câu hỏi ông Mary Hebert Eli, nhà nghiên cứu không thường trú tại CSIS, dành cho bà Hong Nong, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ - Trung Quốc, một think tank ở Washington DC. Các nghiên cứu của bà công bố quan điểm ủng hộ Chính phủ Trung Quốc, phản bác phán quyết của Tòa PCA năm 2016. Theo bà Hong Nong, Tổng thống Philippines muốn xử lý mối quan hệ với Trung Quốc bằng cách công bố các hình ảnh, video về các sự kiện xung đột. Hong Nong cho biết bà cũng đã xem nhiều video trên mạng Trung Quốc về các sự kiện xung đột của Trung Quốc với Philippines. Cho rằng phải so sánh từng video mới thấy ai mới là bên kích động cuộc xung đột, bà Hong Nong cho rằng Trung Quốc thay đổi chính sách là do sự kích động của Philippines. Cho rằng Philippines đã mang theo cả thiết bị và vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng thay vì chỉ mang theo thực phẩm cho binh sĩ đồn trú trên Bãi Cỏ Mây, bà Hong Nong nói đó là điểm gây ra sự thay đổi chính sách của Trung Quốc đối với Philippines.

Các khả năng hợp tác trong vùng 

Ông Mary Hebert Eli đặt câu hỏi với Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Ely Ratner rằng mặc dù năm qua, hoạt động của Mỹ ở Biển Đông chủ yếu là hỗ trợ Philippines, nhưng liệu Mỹ có hoạt động gì thúc đẩy quan hệ với Việt Nam hay không. Ông Ely Ratner nhắc lại sự kiện Việt Mỹ nâng cấp mối quan hệ lên thành “đối tác chiến lược toàn diện” trong năm 2023. Ông coi điều đó thể hiện một tầm nhìn mới của lãnh đạo hai nước để gỡ bỏ các vướng mắc và xây dựng các hình thức hợp tác mới. 

Theo ông Ely, quan hệ Việt Mỹ tập trung vào việc giải quyết các “di sản chiến tranh”, bao gồm vấn đề chất độc màu da cam, tìm kiếm hài cốt binh sỹ hai bên mất tích trong chiến tranh. Các trường Đại học Mỹ đã giúp phân tích bộ dữ liệu còn lại từ thời chiến để tìm ra những thông tin hữu ích cho việc tìm kiếm hài cốt binh sỹ mất tích trong cuộc chiến kết thúc gần 50 năm trước. Ông tin rằng những điều này sẽ giúp củng cố niềm tin để thúc đẩy những cuộc thảo luận về các lĩnh vực khác như hợp tác bảo vệ an ninh trên biển. Ở lĩnh vực hợp tác an ninh trên biển, Hải quân và Lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò chủ đạo ở phía Mỹ. Nhìn từ góc độ lịch sử thì mối quan hệ Việt Mỹ là phức tạp nhưng nhìn vào hiện tại thì hai bên chia sẻ nhiều lợi ích chung. 

Trả lời câu hỏi của RFA về những khả năng hỗ trợ của Chương trình Viện trợ An ninh Chính thức (OSA) của Nhật Bản năm 2024 đối với sáu nước, trong đó có Việt Nam, Philippines và Indonesia, Giáo sư Saya Kiba, Trường Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kobe, Nhật Bản,  cho biết khả năng thành công của chương trình Viện trợ An ninh Chính thức sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chương trình này cũng giống như chương trình viện trợ phát triển ODA. Nó dựa trên yêu cầu cụ thể của phía quốc gia muốn nhận viện trợ và dựa trên các thỏa thuận song phương. Nếu các quốc gia đó muốn phát triển những năng lực liên quan đến viện trợ OSA thì chúng ta có thể thảo luận. Dĩ nhiên, tài chính có giới hạn. Nếu các quốc gia muốn nhận viện trợ những thiết bị quá đắt đỏ thì việc viện trợ không hoàn lại sẽ khó khăn mà có thể phải mua. Bà Saya Kiba bày tỏ lòng rằng chương trình viện trợ OSA sẽ không loại trừ ai và không gây thêm căng thẳng trong khu vực. 

RFA đặt câu hỏi với Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Nghiên cứu Luật biển và Bang giao trên biển, Đại học Quốc gia Philippines, về khả năng hợp tác giữa Philippines và Việt Nam khi mà hai nước cũng có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn lên nhau. Giáo sư Jay cho rằng mặc dù hai nước có những tranh cãi về chủ quyền, mối quan hệ giữa hai nước vẫn rất tốt và vững chắc. Đó thực sự là một mô hình để cho các nước khác thấy xung đột trên Biển Đông nên được giải quyết như thế nào. Hai nước đã trao đổi các mối quan hệ kinh tế và chính trị ở cả cấp độ cá nhân và quốc gia. Ông cho rằng đó là điều các nước khác, trong đó có Trung Quốc, nên làm để xử lý xung đột trên Biển Đông. 


**********

Bộ Công an đề nghị Trung Quốc và Anh tương trợ pháp lý vụ bà Trương Mỹ Lan

2024.07.15

Bộ Công an Việt Nam đã gửi yêu cầu tương trợ tư pháp tới Trung Quốc, Hong Kong và hai vùng lãnh thổ thuộc Anh để xác minh pháp lý và mối quan hệ của 11 tổ chức, hai cá nhân trong vụ án bà Trương Mỹ Lan - cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao hôm 15/7 đã tống đạt cáo trạng đối với bà Trương Mỹ Lan và 34 người khác về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền", "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Bà Lan và đồng phạm bị cáo buộc có hành vi lừa đảo hơn 30.000 tỷ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư, rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng và chuyển trái phép qua biên giới hơn 4,5 tỷ đô la.

Bộ Công an đã gửi công văn yêu cầu tương trợ pháp lý tới Trung Quốc, Hong Kong và Tổng trưởng lý các quần đảo British và Cayman thuộc Anh, đề nghị xác minh về pháp lý của 11 tổ chức và giám đốc đại diện của họ. Những tổ chức này được cho là có quan hệ với vợ chồng bà Trương Mỹ Lan và ông Chu Lập Cơ (Chu Nạp Kee).

Hai cá nhân cũng bị đề nghị xác định là Chiu Bing Keung Kenneth, Chen Yi Chung. Tuy nhiên hiện tại chưa có trả lời gì từ các nơi được gửi công văn.

Truyền thông Nhà nước dẫn cáo trạng của Viện Kiểm sát cho biết, người tên Chiu Bing Keung Kenneth (có quốc tịch Anh và Bắc Ireland) là luật sư, đại diện cho bà Trương Mỹ Lan quản lý các công ty, tổ chức nước ngoài thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát.

Theo cáo trạng, Chiu Bing Keung Kenneth có hành vi tạo lập loạt hợp đồng khống giữa các công ty trong nước với công ty nước ngoài để làm hồ sơ chuyển tiền đi và ngược lại.

Ông này bị cáo buộc đã chuyển đi hơn 556 triệu đô la và nhận về hơn 940 triệu đô la trong giai đoạn từ 2014 - 2022.

Chen Yi Chung (quốc tịch Hong Kong) - quyền Tổng giám đốc SCB - bị cáo buộc đã thực hiện 13 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài hoặc nhận về Việt Nam cho các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát trong giai đoạn từ 10/2020 - 5/2021. Tổng số tiền là hơn 700 triệu đô la.

Cáo trạng mới nhất dành cho bà Trương Mỹ Lan là giai đoạn hai của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ở giai đoạn 1 của vụ án đã bị đưa ra xét xử vào tháng ba năm nay. Bà Lan bị tuyên án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và 20 năm tù về “Đưa hối lộ”. 


**********

Ý : Báo động đỏ về nắng nóng ở Roma

Người dân thủ đô Roma của Ý đang phải chịu đựng những ngày nắng như đổ lửa. Chính quyền từ cuối tuần qua đã nâng báo động lên mức đỏ, mức cao nhất, tức là nắng nóng có nguy cơ gây hại cho tất cả mọi người. Theo đo lường của tổ chức Hòa bình Xanh Greenpeace, nhiệt độ mặt đường ở Vatican và nhiều nơi tại Roma lên tới hơn 50 độ C.

Ảnh minh họa : Roma là thành phố có nhiều đài phun nước nhất ở Ý.
Ảnh minh họa : Roma là thành phố có nhiều đài phun nước nhất ở Ý. © Cecilia Fabiano / La Presse via AP
Quảng cáo

Đối với người dân và du khách ở Roma, vào những ngày nắng nóng như vậy, các đài phun nước là cứu tinh. Trong khoảng 2000 đài phun nước ở thủ đô Roma, nhiều nhất cả nước, nước của 250 đài phun nước ở khu trung tâm lịch sử là nước sạch, uống được. Từ năm 1874, có những vòi nước hình chiếc mũi gọi là nasoni, rất tiện cho mọi người uống nước trực tiếp từ vòi.

Từ Roma, thông tín viên Anne Le Nir gửi về bài phóng sự :

« Cách quảng trường Navona lộng lẫy chỉ vài mét, dưới cái nắng nóng như thiêu đốt, hai người phụ nữ Úc, là bạn của nhau, tên là Jennifer và Jane, đang vội vã hứng đầy nước trong vắt từ các đài nước vào các chai nhỏ. Jennifer nói « Thật tuyệt khi được đổ đầy các chai nước ». Jane thì nói : « Ôi trời nóng quá. Đây là thành phố tuyệt vời nên chúng tôi sẽ quay lại vào mùa thời tiết mát mẻ ». Xa hơn một chút, về phía điện Pantheon, ông James, người Anh, nhưng sống tại Roma đã lâu, khoảng 70 tuổi, một người biết mọi đài nước sạch uống được tại Roma, chia sẻ : « Tôi liên tục sử dụng các đài nước này, nước thật là tuyệt ! Ngoài ra, còn có các vòi nước nhỏ - nasoni. Khi du khách nhìn thấy tôi uống nước, các bà mẹ thường hét lên « Ôi không, không! ».

Quả thực là không phải du khách nào cũng biết rằng họ có thể uống nước sạch từ các vòi hay đài phun nước đó. François, sống ở Anh cùng vợ con, giải thích : « Chúng tôi luôn mua nước đóng chai vì chúng tôi đến từ Luân Đôn, nơi từng xảy ra một vụ tai tiếng về nước máy nên chúng tôi cứ phải mua nước khoáng đóng chai ».

Xin nhắc lại là chất lượng nước trong các đài phun nước của Roma được cơ quan y tế kiểm soát cực kỳ chặt chẽ.


***********
rfa.org

Du học sinh Việt Nam ở Mỹ bị kết án tù vì sở hữu các vật phẩm khiêu dâm trẻ em

2024.07.15

Một nam công dân Việt Nam đang ở Mỹ theo visa du học sinh vừa bị toà án ở South Dakota kết án tù 240 ngày và nộp phạt 2.000 đô la vì sở hữu các vật phẩm khiêu dâm trẻ em.

Báo Dakota News Now cho biết phiên toà xử Than Dat Nguyen - 28 tuổi - diễn ra vào hôm 11/7 vừa qua. Bị cáo bị xã định có tội và vụ việc được xác định xảy ra ở hạt Hughes vào năm 2021.

Bản án của Than Dat Nguyen sẽ được thực hiện ngay lập tức và người này sẽ bị trục xuất về Việt Nam sau khi thi hành xong bản án.

Trường hợp công dân Việt Nam bị cáo buộc mua dâm trẻ em đã từng xảy ra trước đây ở Mỹ khi diễn viên hài Hồng Quang Minh (biệt danh Minh Béo) bị toà án ở bang California, mỹ, kết án tù 18 tháng hồi năm 2016 với hai tội: quan hệ tình dục bằng miệng với trẻ vị thành niên và cố gắng thực hiện hành vi dâm ô với trẻ em dưới 14 tuổi

Thông cáo của Văn Phòng Biện Lý Quận Cam cho biết diễn viên Minh Béo bị ghi tên suốt đời vào danh sách của những người tấn công tình dục.


***********

Dân biểu Mỹ Michelle Steel kêu gọi phóng thích Y Quynh Bdap, Nguyễn Thúy Hạnh

VOA Tiếng Việt

Phát biểu trước Hạ viện hôm 11/7, Dân biểu liên bang Hoa Kỳ Michelle Steel kêu gọi trả tự do cho hai nhà hoạt động “can đảm” Y Quynh Bdap và Nguyễn Thúy Hạnh, đồng thời bà yêu cầu Việt Nam ngừng “chà đạp” nhân quyền đối với chính công dân của nước này.

Nữ dân biểu đại diện khu vực bầu cử 45 của bang California nói trong một đoạn video đăng trên X hôm 11/7:

“Ông Y Quynh Bdap là một nhà hoạt động tôn giáo thiểu số của Việt Nam, sống tị nạn ở Thái Lan từ năm 2018, nơi ông đang chờ bị dẫn độ về Việt Nam. Ông có thể sẽ phải đối mặt với sự tra tấn và án tù dài hạn. Việc dẫn độ này vi phạm nghiêm trọng những cam kết về nhân quyền mà Thái Lan đưa ra”.

“Bà Nguyễn Thúy Hạnh là nhà hoạt động nhân quyền hiện đang bị tạm giam ở Việt Nam. Việc giam giữ bà không chỉ bất công mà còn khủng khiếp hơn khi bà còn đang phải hóa trị vì căn bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn 2”, vẫn lời bà Steel.

Ngoài ra, nữ dân biểu Mỹ còn kêu gọi các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và Thái Lan hãy đảm bảo việc trả tự do cho hai nhà hoạt động “dũng cảm” này, cũng như thúc giục chính phủ Việt Nam “ngừng chà đạp nhân quyền của chính công dân của họ”.

Trước đó, hôm 10/7, bà Steel công bố hai bức thư gửi Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper về việc yêu cầu nhà ngoại giao Mỹ can thiệp để bà Hạnh được đi chữa bệnh, và thư gửi Đại sứ Thái Lan tại Mỹ Suriya Chindawongse hối thúc chính quyền Thái Lan ngừng dẫn độ ông Y Quynh về Việt Nam.

“Quyết định bắt giữ và có khả năng dẫn độ ông Y Quynh Bdap sẽ vi phạm các cam kết quốc tế về nhân quyền và mâu thuẫn với các nghĩa vụ với tư cách là Thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC)”, bà Steel viết trong thư gửi ông Chindawongse. Bà cũng hối thúc Thái Lan, “đồng minh thâm niên nhất của chúng tôi ở châu Á”, hãy thả ngay ông Y Quynh và “làm việc với các đồng minh toàn cầu để đảm bảo ông ấy có thể tái định cư ở nước thứ ba”.

Bà Steel viết trong thư gửi Đại sứ Knapper: “Tôi yêu cầu ông sử dụng khả năng ngoại giao của mình để đảm bảo việc phóng thích bà Nguyễn Thúy Hạnh ra khỏi trại tạm giam Việt Nam để được điều trị một cách thích hợp”. Ngoài ra, bà còn bày tỏ trong thư sự quan ngại về việc chính quyền giam cầm các tù nhân lương tâm bị mắc bệnh “sẽ tạo ra một tiền lệ mới ở đất nước có các quyền tự do ngày càng suy thoái”.

VOA đã liên lạc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Đại sứ quán Thái Lan tại Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ đưa ra bình luận về những lời kêu gọi của Dân biểu Steel, nhưng chưa được phản hồi.

“Việc ông Y Quynh Bdap - một nhà hoạt động ôn hòa cho quyền người bản địa - phải đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ là một minh chứng cho sự đàn áp ngày càng tăng đối với tiếng nói bất đồng trong khu vực”, ông Y Phic Hdok, ở bang California, Mỹ, nêu ý kiến với VOA.

“Tôi kêu gọi chính phủ Thái Lan hãy tôn trọng luật pháp quốc tế và nghĩa vụ nhân quyền của họ”, ông Y Phic nhấn mạnh.

Cả ông Y Phic lẫn ông Y Quynh đều là đồng sáng lập viên của nhóm Người Thượng vì Công lý, một tổ chức hoạt động ôn hòa cho nhân quyền và tôn giáo, nhưng bị chính quyền Việt Nam tố cáo là đã “kích động những người thiếu hiểu biết trong nước vi phạm pháp luật”.

Ngày 11/6, ông Y Quynh Bdap, 32 tuổi, bị chính quyền Thái Lan bắt giữ vì “ở quá hạn” thị thực tại Bangkok. Bộ Ngoại giao Thái Lan xác nhận với VOA rằng yêu cầu dẫn độ ông có căn cứ là tòa án Việt Nam đã kết án ông 10 năm tù về tội “khủng bố” hồi tháng 1/2024. Phiên tranh tụng về việc dẫn độ đối với ông dự kiến diễn ra vào ngày 15/7.

“Trong nhiều tháng qua, gia đình đã nỗ lực gửi khẩn cầu đến lãnh đạo các cấp chính quyền, yêu cầu các cơ quan điều tra chiếu theo luật để bà Hạnh được tại ngoại, được ra ngoài để chữa bệnh”, ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng của bà Hạnh, chia sẻ với VOA. “Bức thư của bà dân biểu gửi Đại sứ Hoa Kỳ cũng như lời kêu gọi tại Quốc hội Mỹ, yêu cầu chính quyền Việt Nam tạo điều kiện cho bà Hạnh được ra ngoài trị bệnh, là điều mà tôi rất hoan nghênh và biết ơn”.

Bà Hạnh, 61 tuổi, bị công an Việt Nam bắt hồi đầu tháng 4/2021 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” sau nhiều năm bà đấu tranh cho tự do, dân chủ, đồng thời là người sáng lập và điều hành Quỹ 50k chuyên giúp đỡ gia đình của các tù nhân lương tâm.

Gia đình bà nói rằng trong hơn 3 năm qua bà bị tạm giam mà vẫn chưa được đưa ra xét xử và gần đây bà phát hiện đã bị ung thư cổ tử cung giai đoạn giữa.

Hồi tháng 12/2022, Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Ro Khanna cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho bà Hạnh.

Ông Khanna, đại diện cho cử tri khu vực bầu cử Quận 17 của bang California, cũng khuyến cáo rằng “những cuộc tấn công ác ý vào những người bảo vệ nhân quyền phải chấm dứt”.


************
rfi.fr

Hội nghị Trung ương 3 khóa XX của ĐCS Trung Quốc khai mạc trong bối cảnh tăng trưởng chậm

Thùy Dương

Sáng hôm nay 15/07/2024, đảng Cộng Sản Trung Quốc khai mạc Hội nghị Trung ương 3 khóa XX. Hội nghị kéo dài đến ngày 18/07, được cho là tập trung vào hồ sơ kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng bị chậm lại.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

2 phút

Trích dẫn Tân Hoa Xã, AFP cho biết, trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 3, tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã thông báo dự thảo nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cuộc cải cách sâu rộng và toàn diện hơn nữa, cũng như thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc.

Hội nghị Trung ương 3 diễn ra vào lúc các số liệu thống kê chính thức được công bố sáng hôm nay 15/07 cho thấy tăng trưởng quý 2 năm 2024 của Trung Quốc chỉ đạt 4,7%, tăng thêm 0,7% so với quý 1, trong khi chỉ tiêu ban đầu đề ra là tăng 1,1%.

Bắc Kinh ấn định mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là 5%. Nhiều nhà phân tích cho rằng tỷ lệ này quá cao và cần nhiều biện pháp hỗ trợ.

Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, cũng không nên kỳ vọng là Trung Quốc sẽ có sự « thay đổi màu sắc ». Nhân Dân Nhật Báo, tờ báo chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc, hồi tuần trước cũng đã nói rõ là « cải cách không phải là thay đổi đường hướng và chuyển đổi không có nghĩa là thay đổi màu sắc ». Lục Đĩnh (Ting Lu), kinh tế gia trưởng về Trung Quốc tại tập đoàn tài chính toàn cầu Nomura, phân tích, hội nghị lần này có mục tiêu « tạo ra và thảo luận những ý tưởng lớn dài hạn và cải cách cơ cấu thay vì thực hiện những điều chỉnh chính sách ngắn hạn ».

AFP nhắc lại Hội nghị trung ương 3 các khóa trước đây là dịp để giới lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng Sản Trung Quốc công bố những thay đổi lớn về chính sách kinh tế. Chẳng hạn năm 1978, lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã nhân hội nghị trung ương 3 để công bố những cải cách, mở cửa thị trường với thế giới bên ngoài, đưa Trung Quốc vào con đường tăng trưởng kinh tế nhanh chóng mặt. Hồi năm 2013, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng đã cam kết trao cho thị trường tự do vai trò mang tính « quyết định » về phân bổ nguồn lực, cũng như những thay đổi sâu rộng khác về chính sách kinh tế và xã hội.



***************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Giao Kèo
Web tham khảo