"Ngân hàng tinh trùng thiên tài" - ý tưởng bị chỉ trích bậc nhất và số phận của 200 đứa trẻ

Chủ Nhật, 15 Tháng Tư 20189:00 CH(Xem: 7288)
"Ngân hàng tinh trùng thiên tài" - ý tưởng bị chỉ trích bậc nhất và số phận của 200 đứa trẻ

Chúng ta có bối cảnh thường thấy trong phim Hollywood như sau: một phòng thí nghiệm lưu trữ tinh trùng của những cá nhân kiệt xuất nhất thế giới. Đó là những vận động viên, những nhà khoa học từng đạt giải Nobel, hoặc người sở hữu mức IQ top đầu.

Ngân hàng tinh trùng thiên tài - ý tưởng bị chỉ trích bậc nhất và số phận của 200 đứa trẻ - Ảnh 1.

Một phòng lưu trữ gene của những cá nhân kiệt xuất nhất nhân loại?

Mục đích của phòng thí nghiệm trong phim ấy thì đương nhiên là để "cải giống" cho nhân loại. Tất cả vì một thế hệ thông minh hơn, khỏe mạnh hơn, đem lại nhiều giá trị thực cho xã hội.

Chỉ có điều, đây không chỉ là một ý tưởng trong phim, mà đã từng xuất hiện ngoài đời thực rồi. Đó là "ngân hàng tinh trùng thiên tài" do Robert K. Graham thành lập vào thập niên 80.

Ngân hàng tinh trùng của thiên tài - ý tưởng cải tiến bộ gene của con người

Graham vốn là một doanh nhân thành đạt, với phát minh đỉnh cao là kính có khả năng chống vỡ đã đem lại cho ông một khối tài sản khổng lồ. Nhưng trước thập kỷ 80, Graham dồn tài sản của mình để thỏa mãn một ý tưởng thực sự ấn tượng: cải tiến quần thế gene của loài người.

Ngân hàng tinh trùng thiên tài - ý tưởng bị chỉ trích bậc nhất và số phận của 200 đứa trẻ - Ảnh 2.

Robert K. Graham - người đàn ông dồn cả gia sản để "cải giống cho loài người"

Và đến năm 1980, ông đã thành lập một ngân hàng tinh trùng mang tên Repository for Germinal Choice (Tạm dịch: Kho lưu trữ gene chọn lọc). Trong đó đúng như ý tưởng của Hollywood, ngân hàng chỉ lưu trữ tinh trùng của những cá nhân kiệt xuất nhất trong nhiều lĩnh vực mà thôi.

Ông đã dành nhiều năm để thực hiện kế hoạch. Cuối thập niên 70, Graham đã thuyết phục một số vĩ nhân đạt giải Nobel hiến tinh trùng cho ông, rồi tuyển dụng các nhà khoa học xuất sắc làm việc cho ngân hàng lưu trữ. 

Ngân hàng tinh trùng thiên tài - ý tưởng bị chỉ trích bậc nhất và số phận của 200 đứa trẻ - Ảnh 3.

Ngân hàng được quảng bá trên nhiều tạp chí dành cho phụ nữ, trong đó thậm chí có những mục "quảng cáo tinh trùng". Khi ấy, không khó để thấy những lời quảng cáo dạng như: "Fuschia: VĐV đạt huy chương vàng Olympic"; "Doanh nhân, tác giả đẹp trai, cao ráo, da rám nắng"; "Giáo sư: đẹp trai, quảng giao, tích cực..."

Để trở thành mẹ của một đứa trẻ thiên tài - không khó!

Những người phụ nữ muốn đăng ký trở thành mẹ của những "thế hệ thiên tài" không hề khó. Theo New York Times năm 1984, họ chỉ mất $50 phí đăng ký (giá trị tương đương $161 - tức hơn 3,5 triệu đồng ở thời điểm hiện tại), cộng thêm $10 phí duy trì mỗi tháng.

Người mẹ không cần phải là thiên tài kiệt xuất gì, cũng chẳng cần kiểm tra IQ hay xét nghiệm gene. Yêu cầu duy nhất là họ phải đã lập gia đình. Dù vậy, cũng có một trường hợp ngoại lệ dành cho một bà mẹ đơn thân.

Sự phản đối khủng khiếp từ xã hội

Thực tế cũng không quá bất ngờ khi ngân hàng tinh trùng của Graham gần như ngay lập tức gây ra những tranh luận khủng khiếp trong xã hội. Mầm mống của sự tranh luận xuất phát ngay từ ý tưởng của ông.

"Quần thể gene càng đẹp hơn, những cá nhân ra đời của thế hệ sau sẽ càng xuất sắc" - trích lời Graham khi trả lời phỏng vấn. "Và nếu quần thể gene yếu kém, những cá nhân ra đời sau đó cũng thất bại."

Ngân hàng tinh trùng thiên tài - ý tưởng bị chỉ trích bậc nhất và số phận của 200 đứa trẻ - Ảnh 4.

Graham tin rằng những đứa trẻ ra đời nhờ bộ gene kiệt xuất cũng là người kiệt xuất

Rất nhiều nhà xã hội đã chỉ trích ý tưởng này, cho rằng đây là một hành vi phân biệt chủng tộc, giống như những gì Phát xít Đức đã làm. Tất nhiên, Graham phủ nhận, nhưng không vì thế mà sự phản đối bị được giảm bớt.

Graham trở thành đối tượng bị lên án và nhiếc móc, nổi lên như một kẻ phân biệt chủng tộc kinh khủng nhất. Báo chí dần bỏ qua ông, nhường chỗ cho những bài phân tích về đạo đức.

Rốt cục thì đến năm 1999 - 2 năm sau khi Graham qua đời, ngân hàng đã phải đóng cửa đúng như mong đợi. Chỉ có điều trong 19 năm hoạt động đã có những đứa trẻ được sinh ra - những đứa trẻ mang trong mình bộ gene của thiên tài.

229 đứa trẻ có gene thiên tài - số phận của chúng thế nào?

Năm 2014, CNN đã liên hệ được với một số nhân vật là kết quả của ngân hàng tinh trùng thiên tài. Họ có tư chất - kết quả học tập đã chỉ ra điều đó. Rất nhiều đạt GPA tối đa tại phổ thông và đại học.

Một số tỏ ra nổi trội ở nhiều lĩnh vực, như Gage (California) đã làm mưa làm gió trên thị trường chứng khoán và tỏ ra là một doanh nhân tài ba ngay trong trường đại học. Jacob (California) đã đủ trình độ tiếp thu kiến thức vật lý lượng tử khi còn học phổ thông. Hay những đứa trẻ là con sinh học của VĐV Fuschia rất có năng khiếu về thể thao.

Tuy nhiên ở thực tại, cũng rất nhiều người chỉ có cuộc sống bình thường, không quá nổi bật. Như Tom là giám đốc điều hành công ty xây dựng nhỏ chuyên lợp mái nhà; Leandra là ca sĩ opera, Courtney là vũ công. Còn Logan, anh mắc bệnh tự kỷ bẩm sinh - đứa trẻ duy nhất mắc bệnh số những người được liên hệ.

Ngân hàng tinh trùng thiên tài - ý tưởng bị chỉ trích bậc nhất và số phận của 200 đứa trẻ - Ảnh 5.

Leandra - ca sĩ Opera

Đặc biệt, nhiều người cho biết họ gặp áp lực phải làm được những điều vĩ đại, vì nguồn gốc thiên tài của mình. "Tôi phải làm được điều gì đó cho đời với những gì được ban tặng." - Tom cho biết.

Rõ ràng từ thực tế có thể thấy được rằng di truyền không phải là yếu tố quyết định đến một cuộc sống hạnh phúc viên mãn. Có quá nhiều yếu tố tác động chứ không chỉ là bộ gene. Như Adrienne - mẹ của Leandra, Courtney và Logan chia sẻ: "Điều quan trọng là gia đình làm gì cho chúng."

Thành tựu của Graham đã đem lại một ngành dịch vụ đột phá ngày nay

Dù bị chỉ trích, nhưng chính Graham đã đặt ra nền móng cho những ngân hàng tinh trùng ngày nay. Ý tưởng của Graham đã cho phép những cặp đôi hiếm muộn có thêm lựa chọn trong hình thức sinh sản.

Tuy nhiên, cũng cần biết rằng để được hiến tinh trùng ở thời điểm hiện tại không phải dễ. Như tại Fairfax Cryobank - ngân hàng tinh trùng rất nổi tiếng của Anh Quốc, sẽ có những xét nghiệm cực kỳ nghiêm ngặt trước khi một người được phép hiến tinh trùng.

"Đơn giản là vì chúng tôi muốn những anh chàng "chất lượng" trong ngân hàng" - Michelle Ottey, giám đốc phòng thí nghiệm Fairfax Cryobank cho biết. Theo cô, chỉ 1% những người đăng ký được phép hiến mà thôi.

"Xét về mặt số liệu, vào các trường trong Ivy League còn dễ hơn tham gia vào chương trình hiến tinh trùng của Fairfax."

*Ivy League: nhóm 8 trường đại học hàng đầu nước Mỹ, bao gồm Harvard, Yale, Princeton, Columbia, Brown, Cornell, Dartmouth, Pennsylvania.

Tham khảo: Slate, CNN...
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn