Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói các nước cần phải bảo vệ trật tự pháp luật quốc tế và bảo vệ những tuyến đường hàng hải quan trọng

Đức trong năm 2024 sẽ gửi hai tàu chiến tới vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng nước này tuyên bố hôm Chủ Nhật.

Tuyên bố được ông Boris Pistorius đưa ra tại Đối thoại Shangri-La, giữa lúc căng thẳng đang dâng cao giữa Trung Quốc và Đài Loan cũng như quanh các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Hôm 4/6, tại hội nghị an ninh quan trọng nhất của vùng Á châu, được tổ chức tại Singapore, ông Pistorius nói các nước cần phải bảo vệ trật tự pháp luật quốc tế và bảo vệ những tuyến đường hàng hải quan trọng.

"Để đạt mục tiêu nay, Chính phủ Liên bang Đức đã gửi một tàu khu trục tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hồi năm 2021, và trong 2024 sẽ lại triển khai, mà lần này sẽ là một tàu khu trục và một tàu tiếp vận, tới khu vực," ông được Reuters trích lời từ bài phát biểu được Bộ Quốc phòng gửi đi từ Berlin.

Ông nói thêm rằng việc triển khai các tàu không nhằm trực tiếp chống lại bất kỳ quốc gia nào, điều được cho là rõ ràng nhằm nhắc tới Trung Quốc.

"Ngược lại, chúng nhằm bảo vệ trật tự pháp luật quốc tế mà tất cả chúng ta đều đã ký kết và tất cả chúng ta đều được hưởng lợi từ điều đó - dù là ở Địa Trung Hải, Vịnh Bengal hay ở Biển Đông."

Với việc hiện diện nhiều hơn tại khu vực, Đức đang đi dây giữa vấn đề an ninh và lợi ích kinh tế của mình, bởi Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Berlin.

Hồi 2021, Đức đã lần đầu tiên trong vòng gần 20 năm gửi tàu chiến tới Biển Đông, một động thái cho thấy Berlin gia nhập vào hàng ngũ các quốc gia phương Tây mở rộng hiện diện quân sự tại khu vực vào lúc đang có những báo động ngày càng gia tăng về tham vọng của Trung Quốc trong việc tuyên bố chủ quyền ở những vùng có tranh chấp.

Khu trục hạm Bayern là chiến hạm đầu tiên của Đức vào Biển Đông kể từ 2002.

Là vùng biển giàu tài nguyên và cũng nắm giữ vị trí giao thương then chốt toàn cầu, Biển Đông cũng là nơi gây tranh chấp gay gắt giữa Bắc Kinh với các quốc gia trong khu vực.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết vùng biển này, bất chấp nội dung phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế hồi 7/2016, theo đó bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc.

Biển Đông là vùng biển mà 40% tổng giá trị ngoại thương của EU cần đi qua.