Việc uống rượu xã giao không mang lợi ích trong công việc

Thứ Sáu, 02 Tháng Sáu 202311:00 CH(Xem: 1199)
Việc uống rượu xã giao không mang lợi ích trong công việc

Nghiên cứu chung do các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan chỉ ra rằng những người uống rượu xã giao nhiều hơn không hẳn gặt hái được nhiều lợi ích hơn trong công việc so với người uống ít.

Bạn đã bao giờ cảm thấy áp lực phải tham gia một bữa tiệc rượu với đồng nghiệp sau giờ làm dù bạn chỉ thích uống trà hơn là say xỉn?

Một tạp chí về sức khỏe tại Australia đăng bài viết về truyền thống uống rượu với đồng nghiệp như một phần gần như thiết yếu trong "văn hóa làm việc" tại một số nước, đặc biệt ở khu vực Đông Á.

Uống rượu xã giao nhiều hơn không hẳn luôn gặt hái được nhiều lợi ích trong công việc.Uống rượu xã giao nhiều hơn không hẳn luôn gặt hái được nhiều lợi ích trong công việc.

Phóng viên tại Sydney dẫn bài viết cho rằng ở các nước nói trên, các bữa tiệc rượu sau giờ làm được coi là dịp để xây dựng lòng tin, gần gũi hơn với cấp trên hoặc cấp dưới cũng như các đồng nghiệp và là nơi thảo luận các chủ đề một cách thẳng thắn hơn so với ở nơi làm việc.

Tuy nhiên, một nghiên cứu chung do các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) tiến hành chỉ ra rằng những người uống rượu xã giao nhiều hơn không hẳn luôn gặt hái được nhiều lợi ích hơn trong công việc so với những người uống ít.

Theo Giáo sư Daiji Kawaguchi, nhà kinh tế tại Trường Cao học Chính sách công tại Đại học Tokyo (Nhật Bản), mặc dù tồn tại nhận thức rộng rãi rằng uống rượu xã giao đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp kinh doanh ở Đông Á, nhóm nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng nào chứng minh cho nhận định này, trong khi nghiên cứu về sức khỏe cho thấy uống nhiều rượu không có lợi cho sức khỏe, vì vậy đây là kiến thức quan trọng khi một người quyết định có uống rượu hay không.

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát khoảng 3.500 người lao động nam giới ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) trong độ tuổi từ 25-59, với một bảng khảo sát gồm 45 câu hỏi, trong đó có những câu hỏi về tình trạng sức khỏe, thói quen uống rượu, tình hình tài chính và giờ làm việc mỗi tuần.

Những người tham gia khảo sát cũng được kiểm tra mức độ dung nạp rượu của họ thông qua sử dụng một miếng dán cồn đơn giản.

Các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến nam giới ở châu Á không chỉ vì "văn hóa uống rượu" liên quan đến công việc mà còn vì “hội chứng đỏ mặt khi uống rượu bia” (Asian Flush) - hiện tượng xuất hiện mảng đỏ hoặc ban đỏ trên mặt, cổ, thậm chí toàn thân, cùng với các triệu chứng nôn mửa, đau đầu, nhịp tim nhanh sau khi uống một lượng đồ uống có cồn do gene không có khả năng tiêu hóa rượu.

Giáo sư Kawaguchi giải thích: “Chúng tôi muốn tìm hiểu xem liệu những người dung nạp được nhiều rượu hơn có mức lương cao hơn hay không”.

Theo kết quả nghiên cứu, mặc dù những người có “tửu lượng" cao uống rượu thường xuyên hơn và uống nhiều hơn so với những người không dung nạp được rượu, song không có sự khác biệt đáng kể về số giờ làm việc hoặc thu nhập giữa họ.

Khoảng 52% người tham gia khảo sát ở Nhật Bản và Đài Loan, cùng với khoảng 60% ở Hàn Quốc không dung nạp được rượu. Các nhà nghiên cứu cho rằng những con số này phù hợp với các số liệu được ghi nhận trong các tài liệu y khoa.

Một hạn chế của nghiên cứu là quy mô thử nghiệm ở Hàn Quốc chỉ giới hạn ở thủ đô Seoul (khoảng 500 người), ít hơn so với ở Đài Loan (1.000 người) và ở Nhật Bản (2.000 người), với số người trả lời có trình độ học vấn là đại học (92%) không tương xứng với mức trung bình giáo dục ở Hàn Quốc.

Giáo sư Kawaguchi cho biết ông muốn thực hiện một cuộc phân tích tương tự nhưng với bộ dữ liệu lớn hơn, trong đó có sự phối hợp với các chuyên gia các ngành khác, nhằm xem xét chi tiết hơn dữ liệu từ ngân hàng dữ liệu gene, khả năng tiêu hóa rượu với năng suất kinh tế xã hội.

Giáo sư Kawaguchi chia sẻ: “Tôi thích uống rượu giao lưu mặc dù tôi không uống được rượu. Tuy nhiên, việc uống rượu bia không nên ép buộc”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn