Singapore: Thịnh vượng nhờ biết 'khích' và chăm dân

Thứ Tư, 28 Tháng Ba 201810:00 SA(Xem: 5590)
Singapore: Thịnh vượng nhờ biết 'khích' và chăm dân
bbc.com
Sarah Keating BBC Future

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

"Cho tôi món kopi lah," người đàn ông Singapore lớn tuổi tì người vào quầy hàng, nói.

Người bán hàng chìa ra một bịch đựng đầy cà phê pha với sữa đặc có đường ngọt khé.

"Khách hàng có bao giờ gọi những món lành mạnh hơn cho sức khỏe không?" tôi hỏi người phụ nữ đứng sau quầy. Bà cười.

"Mọi thứ càng ngày càng tốt hơn," bà nói, với ngụ ý rằng con người vốn hành động theo thói quen.


Tôi lang thang quanh chợ. Bầu không khí đặc quánh mùi hủ tíu, thịt heo nướng và gà nướng ngọt.

Tôi để ý thấy có những tấm dán màu đỏ nằm rải rác trên nhiều quầy hàng: "Ở đây có các món tốt hơn cho sức khỏe," một miếng dán viết. Miếng khác ghi: "Chúng tôi dùng dầu ăn tốt cho sức khỏe".

Đó là một phần của Chương trình Ăn uống Lành mạnh của Hội đồng Vận động Sức khỏe, theo đó các chủ quán ăn và quán giải khát sẽ được tiền thưởng nếu cung cấp cho thực khách những món tốt hơn cho sức khỏe.

Đó là dấu hiệu của một cách làm nhỏ nhưng đầy ý nghĩa của chính phủ Singapore nhằm 'thúc' người dân nước họ có lựa chọn tốt hơn.

Lịch sử gian nan

Kể từ khi quốc gia chỉ gồm một thành phố nằm ở mũi phía nam của bán đảo Mã Lai này kỷ niệm 50 năm ngày lập quốc, chính quyền đã sốt sắng nhìn ra thế giới bên ngoài để học hỏi và hợp tác với các quốc gia khác nhằm định hình tương lai đất nước.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Thủ tướng Lý Quang Diệu, người đặt nền móng xây dựng Singapore: "Chúng tôi biết rằng nếu chúng tôi chỉ giống như các nước láng giềng, chúng tôi sẽ chết"

Một trong những chiến lược này là hợp tác với Nhóm Thấu hiểu Hành vi của Chính phủ Anh vốn áp dụng quan niệm đạt giải Nobel về 'lý thuyết thúc đẩy'.

Quan niệm này dựa trên ý tưởng người dân sẽ có những lựa chọn tốt hơn cho mình thông qua các chính sách đơn giản, kín đáo trong khi vẫn giữ được quyền tự do lựa chọn điều mình muốn.


Vào lúc này, lý thuyết thúc đẩy chắc chắn là nguyên tắc nằm lòng của các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới nhưng Singapore thật sự đã áp dụng những chiến lược tương tự từ rất lâu trước khi chúng trở thành xu thế mới.

Và để hiểu lý do tại sao, chúng ta cần phải nhìn lại lịch sử nước này.

Singapore từ lâu đã được biết đến là hình ảnh thu nhỏ của trật tự và sự hiệu quả và, quan trọng hơn, là đất nước mà kẹo cao su bị cấm.

Ngày nay, Singapore là một trong những trung tâm tài chính thế giới nhưng để đạt được vị thế đó là một hành trình gian khổ.

Sau khi bị khai trừ khỏi Liên bang Malaysia và tuyên bố độc lập sau đó vào năm 1965, Singapore đã phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế-xã hội. Bên cạnh thất nghiệp, trình độ học vấn thấp và nhà ở dưới chuẩn, đây còn là một đất nước nghèo đất đai và tài nguyên thiên nhiên.

Người gánh vác sứ mạng khổng lồ, dẫn dắt đất nước, là cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.

Ông nhận ra rằng Singapore cần phải thay đổi để thành công.

"Chúng tôi biết rằng nếu chúng tôi chỉ giống như các nước láng giềng, chúng tôi sẽ chết. Bởi vì chúng tôi không có cái gì cả so với những thứ mà họ có. Do đó chúng tôi phải làm ra thứ gì đó khác biệt và tốt hơn những gì mà họ có. Đó là không tham nhũng. Đó là chính quyền hiệu quả. Đó là sự tưởng thưởng dựa trên sự xứng đáng. Và nó đã phát huy tác dụng," ông từng nói trên tờ New York Times.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Và để nó phát huy tác dụng, chính phủ Singapore cần phải nắm quyền kiểm soát để hướng tới tạo dựng một xã hội mà nhu cầu vật chất của người dân được đáp ứng. Họ đã xây những khu nhà ở xã hội cao tầng gọi là HDB's trong khi quá trình công nghiệp hóa và đầu tư nước ngoài giúp tạo ra việc làm. Dần dần quốc gia non trẻ đã bắt đầu thành hình.

Chiến dịch thay đổi xã hội

Nhiều chiến dịch thay đổi xã hội ra đời nhằm đặt nền tảng cũng như tạo dựng cho người dân cảm nhận về bản sắc văn hóa trong một xã hội đa văn hóa và rời rạc.


Các chiến dịch ban đầu là nhằm nâng cao sự sạch sẽ và cải thiện vệ sinh môi trường. "Hãy giữ cho Singapore sạch đẹp" và "Trồng cây" là những khẩu hiệu thường thấy để thúc đẩy chiến dịch này.

Các chiến dịch khác tập trung vào việc kế hoạch hóa gia đình để kêu gọi người dân "Dừng ở hai con".

Khi Singapore đã trở nên thịnh vượng hơn, chính quyền đưa ra chiến dịch ứng xử văn hóa và chiến dịch khuyến khích người dân nói tiếng Quan thoại để tạo dựng một xã hội gắn kết, yêu thương và văn minh.

Hồi 1986, ông Lý Quang Diệu nói: "Tôi thường bị cáo buộc là can thiệp quá mức vào đời sống cá nhân của người dân. Đúng, nếu tôi không làm vậy thì đất nước chúng tôi đã không được như ngày nay… chúng tôi đã không thể nào có những tiến bộ kinh tế, nếu chúng tôi không can thiệp vào những vấn đề hết sức riêng tư - chẳng hạn như hàng xóm của anh là ai, anh sống như thế nào, tiếng ồn anh tạo ra, anh khạc nhổ ra làm sao và ngôn ngữ nào anh sử dụng. Chúng tôi quyết định điều gì là đúng."

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Chiến lược này đã đem lại kết quả trong vòng 50 năm, và nền kinh tế của nước này đã trở thành một trong những nền kinh tế sáng tạo nhất, thân thiện với doanh nghiệp nhất thế giới.

Tuy Singapore vẫn thích các chiến dịch tạo ảnh hưởng lan tỏa trong xã hội, nhưng chính quyền đã chuyển hướng đến một cách làm tinh tế hơn để gây ảnh hưởng đến hành vi của người dân.

Khích người dân

Thúc người dân không phải là điều chỉ có ở Singapore; hơn 150 chính phủ trên toàn cầu đã thử áp dụng để tìm kiếm cách thức hoạt động tốt hơn.


Chẳng hạn như một trung tâm y khoa ở Qatar đã tăng được số lượng người tới kiểm tra bệnh tiểu đường bằng cách đề nghị làm xét nghiệm cho người dân trong tháng Ramadan. Dù sao đi nữa thì người dân Qatar cũng đang bước vào tháng nhịn ăn cho nên không còn nỗi phiền toái của việc không được ăn trước khi xét nghiệm nữa. Nó thuận lợi và đúng thời điểm - hai yếu tố then chốt của một sự thúc đẩy thành công.

Các thị trấn ở Băng Đảo, Ấn Độ và Trung Quốc đã thử nghiệm 'kẻ vạch nổi cho người đi bộ' - ảo ảnh thị giác 3D khiến cho lối băng qua đường trông có vẻ như là đang nổi lên ở phía trên mặt đất với mục đích làm cho cánh tài xế phải giảm tốc độ.

Để thúc người dân trả thuế ở Anh, người dân nhận được thư nói rằng đa số những người đóng thuế đã hoàn thành nghĩa vụ của họ đúng thời hạn và việc này đã có kết quả rất tích cực. Sử dụng các quy ước xã hội khiến cho người dân muốn tuân thủ.

Còn ở Singapore, một số việc thúc đẩy mà chúng ta gặp phải lại đơn giản đến không ngờ.

Các thùng rác được đặt xa các trạm xe buýt để cách ly những người hút thuốc khỏi những hành khách đi xe buýt khác. Hóa đơn tiền điện cho thấy mức tiêu thụ điện năng của bạn như thế nào so với hàng xóm. Các cơ sở tập thể hình ngoài trời được xây dựng gần lối ra vào các tòa chung cư để dễ dàng sử dụng và dễ nhìn thấy để lúc nào cũng nhắc nhở cư dân phải tập luyện. Các nhà ga xe điện có các mũi tên xanh và đỏ trên chỗ chờ tàu để cho thấy hành khách phải đứng ở đâu để việc lên xuống tàu được nhanh chóng. Nếu bạn chọn đi lại vào giờ thấp điểm (trước 7 giờ sáng), thì bạn sẽ được giảm giá vé.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Với sáu trong số 10 người dân Singapore đi ăn ở các khu ẩm thực food courts ít nhất bốn lần mỗi tuần, việc giúp cho họ có thói quen ăn uống lành mạnh hơn cũng là một ưu tiên.

Cùng với Chương trình Ăn uống Lành mạnh, một số nơi bán đồ ăn uống có lợi cho sức khỏe với giá rẻ hơn. Nếu bạn quyết ăn món bún xào ở Bệnh viện Khoo Teck Puat chẳng hạn thì bạn phải móc hầu bao ra nhiều hơn.

Đóng tiền và thưởng tiền

Chương trình Quốc gia Thử thách Bước đi (The National Steps Challenge), vốn khuyến khích người dân tập luyện bằng cách sử dụng bộ đếm bước đi miễn phí để đổi lấy tiền mặt và phần thưởng, đã thành công đến nỗi tên chương trình đã được đăng ký nhãn hiệu. Hình thức đưa kiểu trò chơi điện tử vào đời sống là một trong những phương cách hiệu quả để lôi cuốn người tham gia đạt được mục tiêu. Những hàng dài người xếp hàng để lãnh bộ theo dõi sức khỏe miễn phí cho thấy chương trình này có sức hút như thế nào.

Việc thúc đẩy người dân này được thực hiện không chỉ được thực hiện bằng những cách cụ thể. Người dân đóng tiền ở mức cao vào một chương trình tiết kiệm bắt buộc được gọi là Quỹ Tiết kiệm Trung tâm. Tiền quỹ này có thể được sử dụng cho chi phí y tế, nhà ở và lương hưu như một cách tiết kiệm về lâu dài bởi vì có bằng chứng cho thấy người dân không nhìn xa trong vấn đề lo đảm bảo tài chính cho tương lai.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Và khi mà chính quyền Singapore đang tìm cách gia tăng dân số lên 30% cho đến năm 2030, dân số ngày đang già đi của nước này và tỷ lệ sinh đang giảm là một vấn đề đau đầu.

Chương trình Thưởng tiền cho Em bé tiến đến khuyến khích cha mẹ sinh thêm nhiều con bằng cách thưởng tiền. Ra đời vào năm 2001, chương trình này cho tất cả công dân Singapore có em bé một phần thưởng bằng tiền mặt cũng như để tiền vào Tài khoản Phát triển Trẻ em (CDA) vốn có thể được sử dụng để chi trả cho việc nuôi trẻ và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Gia đình nào càng có nhiều con thì càng có được nhiều tiền - kể từ tháng 3/2016 gia đình nào có con đầu lòng sẽ nhận được tiền thưởng là 8.000 đô la Singapore (khoảng 4.340 bảng Anh) và được nhận đến 10.000 đô la Singapore (5.430 bảng Anh) nếu sinh con thứ ba hay có thêm con nữa cùng với tiền trả vào tiền quỹ CDA của họ.

Tương lai kỹ thuật số

Mặc dù Singapore không nằm trong nghiên cứu toàn cầu về sự ủng hộ của người dân đối với sự thúc đẩy đối với họ, mức độ tin tưởng chính quyền ở mức cao và nhiều khả năng cho thấy sự ủng hộ của người dân đối với các chương trình thúc đẩy cũng ở mức cao.

Vậy thì tương lai của các chương trình thúc đẩy ở Singapore sẽ ra sao? Theo Phòng thí nghiệm Sáng tạo - một nhóm đa ngành nằm trong Sở Công Chính vốn có chức năng thiết kế các chính sách và dịch vụ công từ quan điểm của công dân và các bên liên quan - tương lai sẽ là kỹ thuật số.

Một phát ngôn nhân của cơ quan này nói rằng người dân mong muốn các dịch vụ công theo kịp hay làm tốt hơn khu vực tư khi họ chuyển sang công nghệ số. Người dân nước này đã sử dụng các thiết bị hộp hội thoại chat box và giao diện thực tế ảo hoặc thực tế tăng cường trong khu vực tư. Họ muốn khu vực công phải làm theo.

Và mặc dù không phải ai cũng hâm mộ một dạng khế ước xã hội quá mức gần gũi như thế giữa chính quyền và công dân, không ai có thể phủ nhận rằng Singapore luôn làm chủ vận mệnh của mình. Bằng cách thúc đẩy và 'kiến trúc chọn lựa' cẩn thận, quốc gia được xem là Chấm Đỏ Nhỏ này đã tự tạo dựng đường đi cho mình.

Bản tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn