Cán bộ đểu cáng chính trị, có hay không?

Thứ Hai, 13 Tháng Ba 20232:00 CH(Xem: 1485)
Cán bộ đểu cáng chính trị, có hay không?

Ngô Huy Cương

12-3-2023

Cách đây hơn chục năm, đoàn chúng tôi gồm khoảng chục người sang Mỹ tham quan và học hỏi do phía bạn tài trợ (xem ảnh dưới đây).

3-2
Ảnh: FB tác giả

Đoàn có mấy “học giả chính trị” đang làm ở một hai cơ sở đào tạo quan trọng nhất xứ ta về chính trị. Một hôm tới thăm một cơ sở bảo vệ nhân quyền do phía bạn bố trí. Ông giáo sư người Mỹ thân thiện tiếp đón chúng tôi.

Rất thực tế, sau màn chào hỏi xã giao, ông giáo sư đưa ra một bài báo tiếng Việt mới phát hành nói về hai người Việt mới bị bắt ở Việt Nam vì lý do chính trị và đề nghị trao đổi với chúng tôi về quan điểm.

Bầu không khí trở nên im lặng bất ngờ đến mức tôi còn nghe rõ tiếng thở khò khè của mấy “học giả chính trị” Việt Nam ngồi đó.

Anh em tôi từ phía Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội thì chẳng liên quan gì đến chính trị, nên tôi (không phải là một đảng viên) cũng cứ ngồi im xem sao.

Bị hỏi mãi mà chẳng ai nói gì trong khi mang tiếng là đi học hỏi, tôi đành phải lên tiếng rằng tôi sẵn sàng tranh luận với giáo sư tới cùng nếu biết rõ các tình tiết của vụ án, còn với một vài thông tin chưa được kiểm chứng trong mẩu báo đó thì không đủ để có nhận định về mặt pháp lý.

Mọi người thở phào nhẹ nhõm.

Ông giáo sư lại đặt vấn đề để bàn về cách ứng xử đối với danh dự, nhân phẩm của người đã khuất thể hiện qua bài báo đó, và cho rằng xúc phạm người đã khuất không phải là một vấn đề quan trọng để phải gánh chịu hậu quả này, hậu quả khác…

Bầu không khí lại trở nên im ắng lạ thường.

Chót nói là tranh luận đến cùng về mặt pháp lý, vậy mà vấn đề này không nói cũng thấy kỳ, tôi đành phải tranh luận.

Tôi nói đại loại rằng: Người Việt Nam chúng tôi có một văn hóa khác, đó là thờ cúng ông bà, tổ tiên, coi trọng người đã khuất, và chúng tôi làm điều đó để dạy cho chính những người đang còn sống nhớ tới cội nguồn của mình để sống sao cho tốt, không quên nghĩa tình; vì vậy nhiều khi bản thân chúng tôi bị chửi, bị sỉ nhục, chúng tôi cảm thấy không uất ức bằng việc lôi ông bà, tổ tiên, cha mẹ chúng tôi ra chửi.

Mọi người đều cảm thấy thoải mái, kể cả anh phiên dịch cho đoàn là người của phía bạn cũng gật đầu lia lịa, có lẽ vì văn hóa là vấn đề khó thuyết phục nhau về đúng, sai.

Ông giáo sư kết thúc trao đổi và vui vẻ giới thiệu với chúng tôi tổ chức, rồi cùng nhau chụp ảnh dưới cờ.

Khoảng hai năm sau, có một anh học trò của tôi được lựa chọn đi học cao học ở “đấy” có lẽ vì anh ta có tý chức vụ.

Nhớ tới tôi, anh ta làm đề cương nhờ tôi hướng dẫn luận văn. Một hôm anh ta rủ mấy anh bạn cùng học mời tôi ra khu vực sau trường tôi gần chỗ “đấy” để nhậu.

Biết “học giả chính trị” kia quen tôi, mấy anh em đó vô tư mời luôn “học giả chính trị” đó tới.

Vừa tới nơi, nhìn thấy tôi, “học giả chính trị” đó tỏ rõ không vui, có lẽ vì không muốn cho học trò bên đó bị giáo viên bên này chi phối và để tỏ ra mình có cái oai của chức quyền bên “đấy”.

“Ông có ở trong nhóm 72 không đấy? Nghi lắm!”- “học giả chính trị” đó hỏi tôi rất to để tất cả học viên bên “đấy” nghe thấy.

Tôi vốn phản ứng không đến nỗi chậm, nhưng như bị gáo nước lạnh dội bất ngờ để chia rẽ tôi với mọi người, nên rất tức mà chưa biết nói gì vì “nhóm 72” đều ký tên kiến nghị công khai một bản Hiến pháp khác bản Hiến pháp được Nhà nước soạn thảo 2013.

Thế là “học giả chính trị” đó nói: Thôi về nhà tôi uống rượu, chứ không uống ở đây.

Tất cả các học viên im lặng rút hết, còn tôi thì không biết nhà của “học giả chính trị” đó ở đâu.

Cho đến nay thỉnh thoảng TS Trần Anh Tú (hiện là đảng uỷ viên, nhân chuyến đi Mỹ cùng đoàn với tôi, làm cùng trường tôi) còn nhắc lại rằng, tôi có bản lĩnh chính trị vững vàng.

Tôi thì không nghĩ gì tới chính trị mà chỉ nghĩ tới cái nhục của người Việt khi ở trong nước thì oai phong bắt nạt người yếu thế, nhưng ra ngoài thì hèn hạ, lại còn giở trò đểu cáng chính trị.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn