Dương Quốc Chính - Tứ giáo đồng nguyên

Thứ Hai, 06 Tháng Hai 202311:59 SA(Xem: 1692)
Dương Quốc Chính - Tứ giáo đồng nguyên

chua_10 

Phật giáo ở Việt Nam bây giờ cũng gần như quốc giáo. Đảng tuy không chính thức công nhận điều đó, nhưng nhìn cách ứng xử của lãnh đạo đảng và chính phủ là biết lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam rất được trọng vọng.

Các vị trưởng lão hòa thượng, lãnh đạo Giáo hội, khi viên tịch là có tứ trụ đến viếng, là đủ hiểu.

Trên lý thuyết thống kê, Công giáo mới có lượng tín đồ đông nhất cả nước, tầm 7 triệu, đây là giáo dân “xịn”. Tức là có khai lý lịch tôn giáo. Còn Phật giáo, nhiều người nhầm tưởng là nhiều Phật tử nhất, nhưng thực tế chỉ có khoảng 4,5 triệu. Phần còn lại, tầm 80% dân số, đều sẵn sàng đi chùa và chém Nam mô a di đà Phật, có vẻ giống Phật tử, thì thực ra chỉ theo phong tục thờ cúng tổ tiên. Vì phong tục này dựa trên nền tảng của triết lý Phật giáo nên nhiều người lẫn lộn hai cái với nhau.

Phật giáo ở Việt Nam chủ yếu có hai phái Bắc Tông (đại thừa) và Nam Tông (tiểu thừa – nguyên thủy). Nam Tông từ Ấn Độ truyền sang nên gần với Phật giáo nguyên thủy hơn. Bắc Tông từ Trung Quốc sang nên đã bị độ chế nhiều, bị lẫn lộn với Lão giáo (Đạo giáo) và Nho giáo, trong giới bình dân không rành Nho giáo thì được thay bởi đạo Mẫu (không gọi là Mẫu giáo nha!), được gọi chung là Tam giáo đồng nguyên. Tam giáo đồng nguyên mạnh mẽ nhất vào thời Lý – Trần, khi Phật giáo là quốc giáo. Các nhà sư còn tham chính (thời Lý), có vị vua còn đi tu (thời Trần).

Tam giáo đồng nguyên là một thủ thuật cai trị của nhà nước phong kiến Đại Việt, học theo Trung Quốc, lúc đó chưa có miền Nam và tất nhiên chưa có Phật giáo Nam Tông (chỉ có ở miền Nam từ khoảng 1930). Tam giáo này đều có triết lý hài hòa với phong tục thờ cúng tổ tiên, nên bám rễ rất chặt chẽ vào đa số dân Đại Việt cho đến hiện nay.

Đa số dân Việt Nam có lẽ không đủ kiến thức để phân biệt được tam giáo nói trên, nên đều quy về Phật giáo. Thậm chí hài hước hơn nữa, nhiều người hiện nay lẫn lộn luôn cả thuật Phong thủy, cúng bái trừ tà ma, bói toán với Phật giáo, thầy chùa đi xem Phong thủy kiếm tiền như thật! Thực ra những thứ đó thuộc về Đạo giáo, không phải Phật giáo. Các nhân vật như Thái thượng lão quân hay việc cúng bái, trấn yểm, giải hạn…của Cao Biền hay Khổng Minh là thuộc về Đạo giáo. Đạo giáo khởi nguồn từ triết lý của Lão tử (Đạo đức kinh…) sau đó bổ sung bởi Trang tử (Nam hoa kinh…). Ai muốn tìm hiểu sâu thì có thể hỏi giáo sư tiến sĩ Gúc gồ tử.

Việc thờ cúng tổ tiên dựa trên nền tảng của Đạo giáo rất nhiều, nhất là việc cúng bái tang ma. Việc này lẽ ra là do các thày cúng (đạo sĩ) chủ trì. Nhưng bây giờ nhiều vị sư cũng đi làm lễ cúng bái ma chay, cướp việc của thầy cúng, đây cũng là sự lẫn lộn giữa Phật giáo với Đạo giáo.

Nho giáo (hay Khổng giáo) thực ra khá là khác biệt với hai tôn giáo trên, nó là hệ thống triết lý do Khổng tử khởi xướng, phạm vi ảnh hưởng của nó rộng lớn, bao trùm lên toàn bộ xã hội. Nên nhiều người cho rằng Nho giáo cũng có tính chất toàn trị (như cộng sản). Mình thì thấy nó chưa toàn trị được vì chủ yếu mới chỉ quản lý triệt để được các nho sĩ, những người có học (gọi chung là người quân tử), còn dân đen (bị coi là tiểu nhân) thì Nho giáo không quản lý được. Còn triết thuyết của Cộng sản hay Phát xít thì mới là toàn trị thực thụ.

Từ thời nhà Hán, Nho giáo đã trở thành trung tâm cho việc quản lý xã hội. Nhờ đạo Nho, các triều đình ít phải can thiệp vào đời sống của dân, cho các làng tự lập hương ước mà gần như tự trị. Các Nho sĩ là những người quân tử, thấm nhuần đạo Nho và là tấm gương cho đại chúng noi theo. Khái niệm Sĩ phu Bắc Hà cũng bắt nguồn từ các Nho sĩ, sẵn sàng chịu chết chứ không chịu nhục!

Nhờ có Nho giáo mà chính quyền phong kiến quản lý xã hội rất dễ dàng thông qua các Nho sĩ và hệ thống triết thuyết Nho giáo. Nho giáo trở thành chuẩn mực đạo đức xã hội và Nho sĩ là các tấm gương cho nhân dân.

Nhưng Tam giáo đồng nguyên còn khiến nhà nước phong kiến Trung Quốc và Việt Nam (cái bóng của Trung Quốc) càng dễ dàng cai trị người dân hơn nữa. Vì nếu dùng Nho sĩ (Nho giáo) để quản dân không hiệu quả thì nhà vua sẽ dùng tới các nhà sư (Phật giáo) hoặc đạo sĩ (với các thuật trừ tà ma, trấn yểm) thì không có dân nào cưỡng lại nổi Phật, thần tiên, ma quỷ!

Tam giáo đồng nguyên nó lợi hại như vậy trong việc quản lý xã hội, nắm cả hồn lẫn xác thần dân. Nhưng đã có thời gian dài nó bị đánh bật ra khỏi xã hội Trung Quốc cũng như Việt Nam bởi chủ nghĩa Marx Lenin trong giai đoạn cộng sản 1.0 (nguyên bản), là thời Mao Trạch Đông và Lê Duẩn. Giai đoạn này Tam giáo nói trên bị coi là mê tín (Phật và Lão giáo), đền chùa cũng bị phá hủy một phần. Còn Nho giáo thì bị coi là tàn dư của phong kiến thối nát.

Đến thời cộng sản 2.0, bên Trung Quốc là từ Đặng Tiểu Bình và Việt Nam là từ Nguyễn Văn Linh đến nay, người ta mới khôi phục lại Tam giáo đồng nguyên và đưa nó lên một tầm cao mới trong việc trị quốc và duy trì chế độ. Chùa chiền được xây dựng nhiều, to đẹp, hoành tráng, thầy cúng được tự do hành nghề, tư tưởng Nho gia được khuếch trương với đạo quân – thần, đề cao tinh thần trung quân ái quốc. Kết hợp tam giáo với chủ nghĩa cộng sản sẽ thành Tứ giáo đồng nguyên thì vô địch thiên hạ về việc trị quốc an dân.

Từ khi tứ giáo đồng nguyên được công nhận không chính thức thì anh em quan lại và công chức có lẽ 99% tỏ ra sùng đạo Phật. Anh em đi lễ chùa, cúng dường (hoặc sai đệ tử, sân sau cúng dường) hàng ngàn tỉ như không. Anh em doanh nghiệp sân sau cũng vậy, chắc 99% “sùng” Phật giáo, thậm chí nhận là Phật tử. Hầu hết anh em củi vào lò hay doanh nghiệp sân sau (góp phần giúp đại ca vào lò) đều luôn mồm ra rả Adidas Phật.

Ví dụ gần đây nhất là chị Cục trưởng Cục lãnh sự, chém gió up ảnh Facebook đến tận Tây Tạng lễ Phật thỉnh kinh, A di phò phò! Mấy năm trước thì cư sĩ Nhật Vũ (phó Ban Truyền thông của Giáo hội Phật giáo) cùng một hòa thượng khác cũng là Phó Ban là Thích Trúc Thái Minh, người thì đi tù, người bị “kỷ luật” Phật! Thiện tai, thiện tai! Phật giáo chắc là tôn giáo mà có nhiều tu sĩ, Phật tử, cư sĩ đi tù nhất.

Còn dân đen thì chắc không dưới 90% luôn mồm chém gió Adidas Phật trên Facebook, ra tết 100% đi chùa thì 99% cũng chỉ là đi cầu tài, cầu lộc, cầu an và chắc cũng 99% không phân biệt được tam giáo nói trên.

Chính vì có tứ giáo đồng nguyên nên các nhà sư mới giàu có và dễ suy thoái. Vừa rồi có vụ thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch thì anh em ào ào bênh thầy vô điều kiện cơ bản cũng nằm trong thành phần trên. Phật giáo Làng Mai còn có phần self help nên càng dễ có nhiều “đệ tử”.

Tóm lại, Tam giáo và Tam giáo đồng nguyên hay cả Tứ giáo đồng nguyên và tục thờ cúng tổ tiên đều xuất phát từ Trung Quốc rồi lan sang Việt Nam cùng Phật giáo Bắc Tông. Chính vì vậy nên Phật giáo Việt Nam mà muốn chống suy thoái chắc chỉ còn con đường khuếch trương Phật giáo Nam Tông (do không bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc).

Ngày tết là ngày mà Tứ giáo được thể hiện rõ nét nhất, từ việc thờ cúng tổ tiên, đạo Mẫu, đi chùa, đền, lễ cầu an, cầu tài lộc, cầu duyên, cầu tự và…kỷ niệm thành lập đảng!!! Nhiều người cho rằng những thứ trên là nền tảng đạo đức của người Việt. Tết nhất mà đi chơi, lễ bái tổ tiên không đầy đủ, không cắm quốc kỳ là vô trách nhiệm! Không có con trai để thờ cúng tổ tiên là bất hiếu! Thực ra Phật giáo nguyên thủy không nặng nề chuyện đó đâu. Nhưng bây giờ là thời của tứ giáo đồng nguyên, Phật giáo suy đồi, nên nó mới thế.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 05.02.2022

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn