Phúc Lai - Vài điểm về cuộc chiến tranh Nga tiến hành chống Ukraine ngày 01/02/2023

Thứ Năm, 02 Tháng Hai 202311:41 SA(Xem: 1692)
Phúc Lai - Vài điểm về cuộc chiến tranh Nga tiến hành chống Ukraine ngày 01/02/2023

pl_411

1. Nhà sản xuất vũ khí của Hoa Kỳ General Atomics đang đề nghị bán cho chính phủ Ukraine hai máy bay không người lái Reaper MQ-9 với giá một đô la, để giúp nước này tự vệ khi chuẩn bị cho một cuộc tấn công dự kiến của Nga.

Thỏa thuận sẽ yêu cầu Kyiv chi khoảng 10 triệu đô la để chuẩn bị và vận chuyển máy bay tới Ukraine, và khoảng 8 triệu đô la mỗi năm để bảo trì và duy trì các máy bay không người lái kiểu cũ, hiện không được sử dụng ở Ukraine.

Đề xuất sẽ bao gồm một trạm điều khiển mặt đất để vận hành máy bay không người lái ở hầu hết mọi nơi, theo một bức thư gửi cho The Wall Street Journal nghiên cứu. Đề xuất này được Linden Blue, giám đốc điều hành của General Atomics là công ty sản xuất Reapers, đưa ra cho tùy viên quân sự  Ukraine ở Washington vào tuần trước.

Bình loạn : Tui không biết cái món này hiệu lực đến đâu, nhưng thấy các chuyên gia quân sự nước ngoài bảo nếu Ukraine có nó thì Nga không có cách nào chống được.

2. Mỹ chuẩn bị gói vũ khí trị giá 2,2 tỉ USD cho Ukraine, lần đầu tiên sẽ bao gồm tên lửa tầm xa (Reuters)

1,725 tỉ USD từ quỹ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) sẽ được sử dụng để mua tên lửa tầm xa GLSDB – đạn cho HIMARS, chứa bom lượn GBU-39 ở tầng thứ hai, tầm bắn đạt 150 km.

Ngày giao hàng không được báo cáo chi tiết, nhưng được biết rằng tên lửa sẽ đến từ nhà máy chứ không phải từ kho hàng của Hoa Kỳ (điều này có vẻ hợp lý vì GLSDB là vũ khí mới).

Nhưng yêu cầu cung cấp tên lửa ATACMS với tầm bắn lên tới 300 km đã bị từ chối.

Ngoài ra, 400 triệu đô la khác sẽ được chuyển đến:

    - Thiết bị cho hệ thống phòng không Patriot;

    - Đạn pháo dẫn đường chính xác cao;

    - Tên lửa chống tăng Javelin;

    - MRAP

Bình loạn : “The Ground Launched Small Diameter Bomb” – Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) là thứ vũ khí do Boeing và Tập đoàn Saab hợp tác chế tạo. Trên cơ sở sửa đổi bom đường kính nhỏ GBU-39 (SDB) của Boeing với việc bổ sung động cơ tên lửa, họ đã cho ra một thứ vũ khí được phóng từ các hệ thống tên lửa mặt đất như hệ thống tên lửa phóng đa năng M270.

(Mine-Resistant Ambush Protected là thuật ngữ chỉ các phương tiện chiến đấu chiến thuật hạng nhẹ của quân đội Hoa Kỳ được thiết kế đặc biệt để chống lại các cuộc tấn công và phục kích bằng thiết bị nổ không lường trước (IED).)

Hôm trước tui đã ăn may được một phát khi phán một câu xanh rờn: chắc chắn sẽ có xe tăng, đặc biệt là Leopard-2. Bây giờ lại liều phát nữa: khả năng sẽ lại có F-16 sau vài tuần rập rình, dền dứ và sau đó thậm chí cả ATACMS.

Nhân tiện nói về dịch thuật, chuyện của cô Tấn Gánh Tây, không hiểu sao cái ATACMS được các hãng truyền thông của Việt Nam dịch là “hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội” thật không khá gì hơn “wbw” (word-by-word). “Army” ở đây không phải là “quân đội” mà là cấp từ quân đoàn đến tập đoàn quân. Căn cứ vào tầm bắn và mức độ tàn phá của nó, HIMARS được tính là vũ khí tấn công chiến thuật cấp sư đoàn còn ATACMS thì ở cấp cao hơn.

Trong các tài liệu quân sự theo hệ Liên Xô cũ phải chăng HIMARS được tính là vũ khí cấp chiến thuật còn ATACKS thì là vũ khí cấp chiến dịch? Cái này tui chịu nhưng nhìn chung dịch “Army” trong cụm này là không ổn. Đề xuất cô Tấn Gánh Tây tru tréo cho cả làng biết: nên dịch nó là “Hệ thống tên lửa tấn công chiến dịch.”

3. Ngày hôm qua quân Nga tiếp tục tấn công Ukraine:

• 3 đợt không kích, 3 đợt bắn tên lửa.

• Tấn công trên bộ vào Lyman và Bakhmut và bị tổn thất nặng nề.

• Trong ngày hôm qua, lực lượng Không quân của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã thực hiện 9 cuộc tấn công vào các khu vực tập trung nhân lực, vũ khí và thiết bị quân sự của kẻ thù và 2 cuộc tấn công vào các vị trí của hệ thống tên lửa phòng không.

• Tại Donetsk, số ca nhiễm trùng đặc biệt nguy hiểm đã tăng lên đáng kể trong các quân nhân của lực lượng chiếm đóng Nga và lính “Wagner”. Điều này chủ yếu gây ra bởi điều kiện vệ sinh tồi tệ tại các điểm đóng quân.

Bình loạn :

Theo thông tin trên mạng xã hội thì vài ngày trở lại đây lực lượng Wagner đã tấn công yếu đi có thể bởi nhiều lý do. Thứ nhất, thương vong quá cao đã làm thâm thủng quân số của họ. Do vậy quân đội Nga đã phải chấm dứt quá trình đứng ngoài xem để củng cố lực lượng, cho quân dù VDV tham chiến bên cạnh Wagner ở Bakhmut. Lý do họ phải dùng quân dù thiện chiến để đánh nhau ở chỗ vốn dành cho bộ binh thường, là do lực lượng bộ binh hiện nay chưa thực sự sẵn sàng. Thứ hai, Prigozhin đã tỏ ra khệnh khạng làm cho Putox có vẻ không vừa ý – bản thân Wagner dù có đông đến 50.000 người cũng không thể thay thế được quân đội và đến nay vẫn phải sử dụng nhiều hệ thống “khung công tác” của quân đội.

Có thể trong vài tuần tới phía Nga cũng sẽ có những điều chỉnh nhất định.

Diễn biến chiến trường hiện nay cho thấy:

(1) Mục tiêu: Hai điểm nóng chính là Bakhmut và Vulhedar, đều ở cấp thị xã nên theo tiêu chuẩn của quân sự Xô-viết trước đây, không thể coi là những hoạt động cấp chiến dịch.

(2) Từ điểm trên đây cho thấy tính phi đối xứng về mặt quy mô. Với người Ukraine là sự duy trì chiến tranh ở mức tối thiểu: sử dụng những lực lượng hạn chế, cả về nhân lực lẫn kỹ thuật. Điều này đáng nhẽ ra cũng sẽ đúng với người Nga, nhưng có lẽ do bộ máy chiến tranh quá kém hiệu lực nên vẫn phải sử dụng những lực lượng lớn hơn nhiều so với phía Ukraine. Đó là tính phi đối xứng của chiến trường hiện nay.

(3) Từ điểm (2) lại cho thấy: Nga muốn kéo dài chiến tranh. Trên chiến trường là ở mức độ xung đột hạn chế kết hợp với bắn phá (chiến tranh phá hoại) trên toàn lãnh thổ Ukraine để duy trì tình trạng chiến tranh ở mức độ quốc gia cho Ukraine. Điều đó làm cho Ukraine phải căng mình lên và rất khó để khôi phục sản xuất, đưa đất nước trở lại tình trạng tiệm cận bình thường ở nhiều lĩnh vực.

(4) Kéo dài chiến tranh đến bao giờ? Đầu tiên Nga muốn kéo dài đến khi họ chuẩn bị xong cho một chiến dịch mới, mà dự kiến là sẽ tiến hành vào mùa xuân đến đầu hè năm nay – có thể là đến hè mới tấn công (khoảng tháng Năm hoặc Sáu). Các diễn biến nội bộ của Nga cho thấy họ đang ráo riết chuẩn bị cho một đợt động viên mới. Kế hoạch sẽ gọi 500.000 người với độ tuổi mở rộng đến 30. Như thế chiến dịch tấn công mới sẽ có khoảng 200.000 quân mới được động viên tham gia.

Mọi chuyện sẽ phải kết thúc trong năm nay vì năm 2024 sẽ có bầu cử tổng thống ở Nga, họ sẽ cần phải có một năm “sạch sẽ” (ý là không đánh nhau) chứ không phải vừa đánh nhau vừa bầu cử được. Về tài chính, các chuyên gia nhận định lượng tiền dự trữ và các nguồn thu chưa bị cấm vận kỳ cùng của Nga cho phép kéo dài đến năm 2025, nhưng điều này chưa tính đến cái gọi là “gia tốc mất giá trị” hay “gia tốc thua lỗ”, có nghĩa là càng về sau mọi hoạt động của xã hội sẽ tổn hao nhiều hơn. Do vậy kinh tế có thể cạn kiệt tiền nong vào cỡ giữa năm 2024 trở đi chứ không lâu hơn. Đó cũng là một lý do để Putox phải cố thủ thắng trong năm nay.

pl_410

Từ 4 điểm trên đây, chúng ta sẽ hình dung được lý do tại sao chóp bu quân sự Nga lại vô cùng tức giận và hoảng loạn với tin sẽ có xe tăng của phương Tây viện trợ cho Ukraine. Các đặc điểm kỹ thuật – chiến thuật của hai bên chúng ta đã bàn với nhau rồi. Bản thân một vài trăm chiếc xe tăng hạng nặng của Tây đưa cho Ukraine, với hệ thống hậu cần kỹ thuật lằng nhằng phức tạp chưa thể đem lại bước ngoặt cho cuộc chiến ngay lập tức. Vậy thì có gì phải tức?

Như hôm trước tui đã viết: nó đánh dấu bước ngoặt sẽ diễn ra của cuộc chiến. Nếu người Ukraine không muốn chấp nhận sự kéo dài của Nga (đồng nghĩa với việc chơi theo luật của Nga, hay trả lại quyền chủ động chiến lược cho Nga) thì phải có phương án đối đầu. Tui không viết là chủ động tấn công trước, không nhất thiết mà có thể phòng ngự tích cực rồi phản công, nhưng kiểu gì cũng phải có những động thái thúc đẩy tình hình.

Năm 2024 cũng là năm ở Hoa Kỳ có bầu cử tổng thống, do vậy chính quyền của ông già Biden cân nhắc trong viện trợ vũ khí tấn công tầm xa cũng rất có lý. Nhưng chúng ta đã chứng kiến từ năm ngoái là Javelin, ai nghĩ đến M777 và HIMARS, lại còn Abrams và Leopards của ngày hôm nay? Ngày mai có gì bất ngờ đang chờ đợi, ai mà biết?

4. Người dân Nga sẽ tiếp tục không chống chiến tranh.

Vâng, người Nga không chỉ ôm chặt lấy lý luận cho rằng người Ukraine không phải là một dân tộc độc lập với dân tộc Nga của họ, mà thực chất “Ukraine chính là Nga.” Ngay cả việc gọi Ukraine là “Tiểu Nga” và người Ukraine là “người Tiểu Nga” đã cho thấy người Nga không thể chấp nhận được một ngày người Ukraine cùng quốc gia của mình sẽ hoàn toàn độc lập, xa rời hẳn thế giới Nga.

Đánh giá về người Nga, rất nhiều người Việt hiểu biết và có thời gian sinh sống ở nước Nga nhiều hơn thời gian ở Việt Nam (hàng chục năm) nói: tâm lý người Nga là một phức hợp. Cái phức hợp tự ti vì muốn là người châu Âu nhưng lại thua kém châu Âu, người Âu về văn hóa, tự ti vì có một lịch sử phức tạp nhưng không được... dài cho lắm. Phức tạp ở chỗ họ muốn phong thánh cho một ông vua cải cách, nhưng chính ông vua đó lại cải cách bằng mở cửa học tập văn minh châu Âu. Tự ti vì chính sự kết nối tổ tông với cái họ gọi là “nước Nga Kyiv” lại chẳng hề rõ ràng và chỉ có họ muốn tin như thế, lại có ngày nó ở bên một đất nước khác và đẩy họ vào tình trạng bị mất quê hương.

Còn nói về tự tôn, đã lâu chúng ta chưa chứng kiến nước Nga có thành tựu nào đáng kể đóng góp cho hòa bình và văn minh nhân loại, chỉ có lòng tự hào bấu víu vào một cuộc Chiến tranh các đây bảy mươi mấy năm. Vì thế, nước Nga thông qua tổng thống Putin của họ thường xuyên khoe vũ khí, thậm chí dọa nạt nhân loại.

Về mặt “tự tôn” này, không phải ai cũng có cái nhìn lạc quan về tâm tưởng của người Nga trước cuộc chiến tranh họ đang tiến hành ở Ukraine. Ông Tymofiy Mylovanov  Hiệu trưởng Trường Kinh tế Kyiv; Cố vấn Chính phủ Zelensky; Bộ trưởng kinh tế Ukraine 2019 – 2020; Phó giáo sư Đại học Pittsburgh viết trên Twitter  ngày 31 tháng Một năm 2023:

Sự kết thúc của cuộc chiến tranh Nga ở Ukraine sẽ như thế nào? Nga sẽ rệu rã nhưng điều đó sẽ có ý nghĩa như thế nào trong thực tế? Nhưng trước tiên, (chúng ta) hãy cùng phá tan một số huyền thoại.

Lầm tưởng 1. Sẽ có một kết thúc rõ ràng cho chiến tranh, sau đó Nga sẽ không còn là mối đe dọa đối với Ukraine và thế giới nữa. Để điều đó xảy ra, Nga phải thay đổi và lý do của cuộc chiến này phải biến mất. Theo quan điểm của tôi, lý do của chiến tranh là văn hóa, không phải Putin và một nhóm giới tinh hoa chính trị ủng hộ cuộc chiến này và sẽ có những người khác ủng hộ nó. Có hàng trăm nghìn người ở Nga tham gia vào việc lên kế hoạch một cách có chủ ý và thực hiện các tội ác chiến tranh, sát hại thường dân, tấn công tên lửa vào cơ sở hạ tầng, phá hủy các thành phố và làng mạc. Họ ổn với những điều đó, nếu không thì họ đã di cư trước khi được động viên hoặc là ngay bây giờ.

Ngoài ra còn có hàng chục triệu người không trực tiếp tham chiến nhưng ủng hộ, cổ vũ và tận hưởng cảm giác “vĩ đại và ưu việt” của nước Nga. Họ ổn với Putin, họ ổn với việc xâm chiếm một quốc gia khác, họ ổn với việc giết hàng trăm nghìn người. Những người này sẽ không biến mất sau khi chiến tranh kết thúc. Họ sẽ không thay đổi quan điểm của họ. Họ không phủ nhận, mà đồng tình với ý tưởng cai trị bằng vũ lực, với ý tưởng giết người khác để giành lấy một số lãnh thổ dưới danh nghĩa nước Nga vĩ đại.

Họ đã mất nhân tính, và sẽ rất khó để họ tìm lại nó. Ngay cả khi Putin chết hoặc bị ám sát, những người này sẽ cảm thấy bị sỉ nhục và sẽ muốn trả thù. Tuy nhiên, họ phải được kiềm chế, họ phải học cách thả lỏng (tâm hồn), họ phải biết rằng cách sống (cũ) của họ không còn nữa và họ không thể đạt được điều mình muốn bằng vũ lực. Họ phải học cách khiêm tốn và điều đó có nghĩa là họ sẽ phải được đặt về lại đúng chỗ.

Điều này đưa chúng ta đến Huyền thoại 2. Tất cả các cuộc chiến đều kết thúc bằng một giải pháp ngoại giao và do đó sẽ có một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến này. Không, bởi vì hàng chục triệu người này tin vào sự vĩ đại của họ, sẵn sàng giết người khác nhân danh nó (sự vĩ đại đó). Họ sống trong một thực tế sai lầm nơi cơ chế phản hồi học tập đã thất bại từ lâu. Vì vậy, thật không may, và dù đau đớn đến đâu khi phải thừa nhận điều này, không có lý do gì để họ phải giải thích.

Có nghĩa là chiến tranh sẽ không bao giờ kết thúc? Không. Nhưng chiến tranh sẽ phải kết thúc bằng vũ lực, bằng cách làm cạn kiệt khả năng tiến hành cuộc chiến này của Nga, bằng cách tước bỏ khả năng điều hành nền kinh tế của nước này, bằng cách đẩy Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraine. Khi điều đó được thực hiện, Nga có thể được kiềm chế. Về chính trị, quân sự, kinh tế. Ukraine và thế giới sẽ phải sẵn sàng cho một cuộc tấn công khác bất cứ lúc nào. Hơn nữa, các cuộc tấn công tên lửa, giao tranh, xâm nhập, tấn công cục bộ sẽ tiếp tục cho đến khi Nga không còn tên lửa và còn nhiều người sẵn sàng chiến đấu.

Để đến được lúc đó sẽ mất thời gian, một thời gian dài. Và chỉ khi đó người Nga mới có thể bắt đầu xem xét lại quan điểm của mình. Nhưng cho đến lúc đó chúng ta phải chiến đấu để ngăn chặn. Nhiều vũ khí hơn, nhiều biện pháp trừng phạt hơn, nhiều hỗ trợ hơn. Đây là cách để ngăn chặn sự điên rồ này và đưa chúng ta tiến lên về phía chiến thắng.

PHÚC LAI 01.02.2023

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn