Nhật Bản từng là tương lai nhưng đang mắc kẹt trong quá khứ

Chủ Nhật, 29 Tháng Giêng 20232:00 CH(Xem: 1035)
Nhật Bản từng là tương lai nhưng đang mắc kẹt trong quá khứ
bbc.com

Nhật Bản từng là tương lai nhưng đang mắc kẹt trong quá khứ


  • Tác giả, Rupert Wingfield-Hayes
  • Vai trò, Phóng viên tại Tokyo

Kinh tế Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã bị trì trệ nhiều năm

Nguồn hình ảnh, JIRO AKIBA/ BBC

Chụp lại hình ảnh,

Kinh tế Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã bị trì trệ nhiều năm

Ở Nhật, nhà cũng giống như ô tô.

Ngay khi vừa dọn đến, ngôi nhà mới của bạn sẽ có giá trị thấp hơn những gì bạn đã bỏ ra để mua và sau khi bạn trả hết nợ thế chấp trong 40 năm, ngôi nhà gần như không còn giá trị gì nữa.

Lần đầu tiên chuyển đến đây với tư cách là phóng viên của BBC, tôi rất lúng túng - 10 năm trôi qua, khi tôi chuẩn bị rời đi, mọi thứ vẫn như vậy.

Đây là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Đây là một quốc gia hòa bình, thịnh vượng với tuổi thọ người dân cao nhất thế giới, tỷ lệ giết người thấp nhất, ít xung đột chính trị, hộ chiếu quyền lực và mạng lưới đường sắt cao tốc Shinkansen tốt nhất thế giới.

Mỹ và châu Âu từng lo sợ sức mạnh kinh tế của Nhật Bản giống như cách họ sợ sức mạnh kinh tế ngày càng phát triển của Trung Quốc hiện nay. Nhưng một Nhật Bản mà thế giới mong đợi đã không bao giờ đến. Vào cuối những năm 1980, người Nhật giàu hơn người Mỹ. Bây giờ thu nhập của họ ít hơn người Anh. 

Trong nhiều thập kỷ, Nhật Bản đã phải vật lộn với một nền kinh tế trì trệ, bị cản trở bởi sự phản đối sâu sắc để thay đổi và gắn bó ngoan cố với quá khứ. Bây giờ, dân số của Nhật Bản đang già đi và thu hẹp lại.

Nhật Bản đang bị mắc kẹt.

Từng là tương lai

Khi tôi đến Nhật Bản lần đầu tiên vào năm 1993, ấn tượng với tôi không phải là những con đường thắp đèn neon ở Ginza và Shinjuku - cũng không phải phong cách thời trang "Ganguro" hoang dã của các cô gái "Harajuku".

Đó là cảm giác Nhật Bản giàu có hơn bất kỳ nơi nào khác mà tôi từng đến ở châu Á; Tokyo sạch sẽ và trật tự quá mức so với bất kỳ thành phố châu Á nào khác. Ở Hong Kong là một cuộc tấn công vào các giác quan, ồn ào, hôi hám, một thành phố của những điều đối lập - từ những lâu đài xa hoa trên Victoria Peak đến những xưởng bóc lột sức lao động "ma quỷ đen tối" ở đầu phía bắc của Kowloon.

Ở Đài Bắc, nơi tôi học tiếng Trung, đường phố đông đúc trong tiếng xe tay ga hai thì phun khói cay xè, bao trùm thành phố trong một lớp sương mù dày đặc đến mức bạn thường chỉ có thể nhìn thấy trong khoảng cách hai dãy nhà.

Nếu coi Hong Kong và Đài Bắc là những thanh thiếu niên ồn ào của châu Á, thì Nhật Bản là người trưởng thành. Vâng, Tokyo là một khu rừng bê tông, nhưng là một khu rừng được cắt tỉa rất đẹp.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Quận Harajuku của Tokyo từ lâu đã là một thỏi nam châm thu hút các văn hóa và thời trang

Trước Cung điện Hoàng gia ở Tokyo, đường chân trời bị bao trùm bởi những tòa tháp bằng kính của những công ty khổng lồ - Mitsubishi, Mitsui, Hitachi, Sony. Từ New York đến Sydney, các bậc cha mẹ đầy tham vọng đều thúc giục con cái của họ "học tiếng Nhật". Tôi đã tự hỏi liệu mình có mắc sai lầm khi học tiếng Trung Quốc không.

Nhật Bản đã trỗi dậy từ sự tàn phá của Thế chiến thứ II và chinh phục ngành sản xuất toàn cầu. Tiền đổ lại đất nước mặt trời mọc, thúc đẩy bất động sản bùng nổ khi người ta mua bất cứ thứ gì họ có thể, thậm chí cả những khu rừng. Vào giữa những năm 1980, người ta nói đùa rằng khuôn viên của cung điện hoàng gia ở Tokyo có giá trị tương đương với toàn bộ California. Người Nhật gọi đó là "Baburu Jidai" hay kỷ nguyên bong bóng. 

Sau đó, vào năm 1991, bong bóng vỡ. Thị trường chứng khoán Tokyo sụp đổ. Giá bất động sản tụt dốc không phanh. Họ vẫn chưa phục hồi. 

Một người bạn của tôi mới đây đang trả giá để mua vài ha rừng. Chủ sở hữu muốn bán với giá 20 USD cho mỗi mét vuông. “Tôi đã nói với ông ta rằng đất rừng chỉ đáng giá 2 USD một mét vuông,” bạn tôi nói. “Nhưng ông ta khăng khăng rằng 20 USD một mét vuông, bởi vì đó là số tiền ông ta đã trả vào những năm 1970.”

Nếu nghĩ đến những chiếc tàu cao tốc kiểu dáng đẹp của Nhật Bản, hay sự kỳ diệu "rất đúng lúc" của Toyota với dây chuyền sản xuất lắp ráp - bạn có thể đúng nếu cho rằng Nhật Bản là một điển hình cho hiệu quả. Nhưng không hề.

Thay vào đó, bộ máy quan liêu có thể trở nên đáng sợ, trong khi một lượng lớn tiền công được chi cho các hoạt động mang lại lợi ích đáng ngờ.

Năm ngoái, tôi đã khám phá ra câu chuyện đằng sau những chiếc nắp cống tuyệt đẹp ở một thị trấn nhỏ trên dãy núi Alps của Nhật Bản. Năm 1924, xương hóa thạch của một loài voi cổ đại được tìm thấy ở chiếc hồ gần đó. Nó đã trở thành một biểu tượng của thị trấn - và một vài năm trước, ai đó đã quyết định thay thế tất cả các nắp cống bằng những cái mới có hình ảnh con voi nổi tiếng được đúc ở trên cùng.

Rồi việc này diễn ra trên khắp Nhật Bản. Hiện Hiệp hội nắp cống Nhật Bản tuyên bố có 6.000 kiểu dáng khác nhau. Tôi hiểu tại sao mọi người yêu thích những chiếc nắp này. Chúng là những tác phẩm nghệ thuật. Nhưng mỗi chiếc có giá lên tới 900 USD.

Chụp lại hình ảnh,

Những nắp cống tuyệt đẹp này có thể được thấy trên khắp Nhật Bản

Đây là manh mối cho thấy Nhật Bản đã đến với núi nợ công lớn nhất thế giới như thế nào. Và lạm phát không được hỗ trợ bởi dân số già không thể nghỉ hưu vì áp lực về chăm sóc sức khỏe và lương hưu. 

Khi tôi gia hạn giấy phép lái xe ở Nhật Bản, các nhân viên cực kỳ lịch sự đã đưa tôi từ kiểm tra mắt đến quầy chụp ảnh đến thanh toán lệ phí và sau đó yêu cầu tôi đến "phòng diễn thuyết 28". Những bài giảng về "an toàn" này là bắt buộc đối với bất kỳ ai đã từng vi phạm giao thông trong 5 năm trước đó.

Bên trong, tôi thấy một nhóm những người trông có vẻ chán nản đang chờ sự trừng phạt bắt đầu. Một người đàn ông ăn mặc lịch sự bước vào và nói với chúng tôi rằng "bài giảng" của chúng tôi sẽ bắt đầu sau 10 phút và kéo dài hai giờ!

Bạn thậm chí không cần phải hiểu bài giảng. Phần lớn không vào được đầu tôi. Khi sang đến giờ thứ hai, một số người đã ngủ thiếp đi. Người đàn ông bên cạnh tôi đã hoàn thành một bức vẽ phác thảo khá đẹp về tháp Tokyo. Tôi ngồi chán nản và bực bội, chiếc đồng hồ trên tường đang giễu cợt tôi.

"Ý nghĩa của việc đó là gì?" Tôi hỏi đồng nghiệp người Nhật khi tôi trở lại văn phòng. "Đó là hình phạt, phải không?"

"Không," cô cười. "Đó là một kế hoạch tạo việc làm cho cảnh sát giao thông đã nghỉ hưu." 

Nhưng nếu bạn sống ở đây càng lâu, ngay cả những điều bực bội cũng trở nên quen thuộc, thậm chí đáng yêu. Bạn bắt đầu đánh giá cao những điều kỳ quặc - chẳng hạn như bốn nhân viên trạm xăng lau sạch tất cả các cửa sổ ô tô của bạn trong khi họ đổ đầy bình xăng và đồng loạt cúi chào khi bạn lái xe đi.

Nước Nhật vẫn là nước Nhật, và không phải là bản sao của Mỹ. Đó là lý do tại sao thế giới lại rung động trước mọi thứ của Nhật Bản, từ bột tuyết đến thời trang. Tokyo là nơi có những nhà hàng bậc nhất; Studio Ghibli làm phim hoạt hình hấp dẫn nhất thế giới (xin lỗi, Disney); chắc chắn, J-pop thật tệ, nhưng Nhật Bản chắc chắn là một siêu cường quyền lực mềm. 

Người làm việc với máy tính và những kẻ lập dị yêu thích Nhật Bản vì sự kỳ lạ tuyệt vời của nước này. Nhưng cũng có những người ngưỡng mộ Nhật vì từ chối nhập cư và duy trì chế độ phụ hệ. Quốc gia này thường được mô tả là đã thành công trong việc trở nên hiện đại mà không từ bỏ những gì cổ xưa. Điều này đúng trong một số lĩnh vực, nhưng tôi cho rằng hiện đại là bề nổi. 

Khi Covid ập đến, Nhật Bản đã đóng cửa biên giới. Ngay cả những người nước ngoài thường trú cũng không được quay trở lại. Tôi gọi điện đến Bộ Ngoại giao để hỏi tại sao những người nước ngoài đã sống hàng chục năm ở Nhật Bản, có nhà và cơ sở kinh doanh ở đây, lại bị đối xử như khách du lịch. Câu trả lời thẳng thừng: "họ đều là người nước ngoài."

Một trăm năm mươi năm sau khi buộc phải mở cửa, Nhật Bản vẫn hoài nghi, thậm chí sợ hãi thế giới bên ngoài.

Yếu tố bên ngoài

Tôi nhớ lại lúc ngồi trong một hội trường làng trên Bán đảo Boso ở phía bên kia của Vịnh Tokyo. Tôi ở đó vì ngôi làng được liệt kê là có nguy cơ biến mất, một trong 900 ngôi làng ở Nhật Bản. Những người đàn ông lớn tuổi tập trung trong hội trường đã quan ngại. Kể từ những năm 1970, họ đã chứng kiến những người trẻ tuổi rời đi tìm việc làm ở các thành phố. Trong số 60 người còn lại, chỉ có một thiếu niên và không hề có trẻ em.

"Ai sẽ chăm sóc những ngôi mộ của chúng ta khi chúng ta chết đi?" một ông già than thở. Chăm sóc các linh hồn là công việc nghiêm túc ở Nhật Bản.

Nhưng đối với tôi, một người gốc Đông Nam nước Anh, việc ngôi làng này sẽ biến mất có vẻ vô lý. Nó được bao quanh bởi những cánh đồng lúa như ảnh in trên bưu thiếp và những ngọn đồi được bao phủ bởi khu rừng rậm rạp. Tokyo cách đó chưa đầy hai giờ lái xe.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn