Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ công bố tài liệu liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Kennedy

Thứ Bảy, 17 Tháng Mười Hai 20224:00 SA(Xem: 2245)
Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ công bố tài liệu liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Kennedy

Cuối tháng 11/1963, tổng thống Mỹ Kennedy háo hức tới Texas trong hành trình vận động gây quỹ mà không biết rằng định mệnh nghiệt ngã đang chờ ông.

Chính phủ Mỹ ngày 15/12 công bố 13.000 tài liệu trong hồ sơ mật liên quan đến cuộc điều tra vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy. Đây là đợt giải mật thứ hai trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden liên quan đến thảm kịch từng làm rúng động nước Mỹ và thế giới gần 60 năm trước.

Trước đó, vào năm 2021, ông Biden cũng giải mật hơn 1.400 trang hồ sơ liên quan đến sự việc. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lúc bấy giờ tỏ ra bất bình vì những tài liệu này thực chất không mang lại thông tin gì mới nhằm giúp gạt bỏ những thuyết âm mưu liên quan đến vụ ám sát.

Hồi năm 2017, tổng thống Mỹ Donald Trump bị buộc phải công bố thông tin về vụ ám sát theo một đạo luật được ban hành hồi năm 1992. Ông Trump sau đó đã cho giải mật hơn 53.000 tài liệu, nâng tỷ lệ công bố tài liệu lưu trữ liên quan vụ ám sát lên 88%.

Giới nghiên cứu cho rằng việc các tài liệu được giải mật và công bố chậm trễ là nguyên nhân chính khiến nhiều thuyết âm mưu, như có tay súng thứ hai đứng sau vụ ám sát, vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Tổng thống John F. Kennedy và đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy mỉm cười trước đám đông xếp hàng dọc tuyến đường đoàn xe của ông đi qua ở Dallas, Texas, ngày 22/11/1963. Ảnh: Bettmann Archive.

Tổng thống John F. Kennedy và đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy mỉm cười trước đám đông xếp hàng dọc tuyến đường đoàn xe của ông đi qua ở Dallas, Texas, ngày 22/11/1963. Ảnh: Bettmann Archive.

Ngày 21/11/1963, tổng thống Mỹ John F. Kennedy cùng đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy và phó tổng thống Lyndon B. Johnson thực hiện hành trình gây quỹ kéo dài hai ngày tới 5 thành phố của bang Texas.

Chuyến đi cũng được coi là nỗ lực nhằm đưa đảng Dân chủ đang chia rẽ xích lại gần nhau tại một bang rất quan trọng đối với cơ hội tái đắc cử của Kennedy vào năm 1964. Tổng thống Kennedy đã được chào đón nồng nhiệt tại hai điểm dừng chân đầu tiên, thành phố San Antonio và Houston, cũng như tại Fort Worth.

Sáng 22/11, sau khi có bài phát biểu tại bãi đậu xe phía trước khách sạn mà ông lưu trú, tổng thống Kennedy cùng đoàn tùy tùng đáp chuyến bay ngắn đến sân bay Love Field của Dallas. Sau Dallas, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến đi dự kiến là Austin.

Tại sân bay Love Field, tổng thống và đệ nhất phu nhân bắt tay giao lưu với một đám đông chào đón họ trước khi bước lên ghế sau của một chiếc xe mui trần để cùng vợ chồng Thống đốc Texas John Connally đến Trade Mart, điểm dừng tiếp theo trong chuyến đi, nơi ông dự kiến có một bài phát biểu khác. Khoảng 200.000 người đã xếp hàng dài 16 km dọc con đường tới Trade Mart để được nhìn thấy tổng thống.

Khoảng 12h30, đoàn xe hộ tống rẽ về phía tây nam trên phố Elm và bắt đầu đi qua Dealey Plaza ở vùng rìa trung tâm thành phố Dallas. Khi chiếc xe mui trần chở tổng thống Kennedy đi qua tòa nhà cao tầng Kho lưu trữ Sách giáo khoa Texas, nhiều tiếng súng vang lên.

Một viên đạn bắn xuyên qua cổ tổng thống Kennedy, trúng thống đốc Connally ngồi ở ghế trước. Một viên đạn khác găm vào gáy Kennedy. Đoàn xe lập tức lao đến bệnh viện Parkland Memorial gần đó, nhưng nỗ lực cứu chữa của bác sĩ không đem lại kết quả. Tổng thống Kennedy được xác nhận qua đời vào 13h.

Một giờ sau, khi cả nước Mỹ và thế giới bàng hoàng về cái chết của Kennedy, màn truy lùng kẻ ám sát diễn ra. Vỏ đạn được tìm thấy gần cửa sổ trên tầng 6 của tòa nhà Kho lưu trữ Sách giáo khoa Texas nhìn ra quảng trường. Các điều tra viên còn phát hiện một khẩu súng trường cũng trên tầng 6 tòa nhà.

Báo cáo cho thấy chỉ có hai người rời khỏi tòa nhà, một người đàn ông ra ngoài để xem đoàn xe hộ tống và bị cảnh sát cấm vào lại bên trong, người còn lại là Lee Harvey Oswald, nhân viên đã làm việc tại đây khoảng một tháng.

Có người đã nhìn thấy Oswald xuất hiện trên tầng 6 khoảng nửa giờ trước khi vụ nổ súng xảy ra. Cảnh sát lập tức phác thảo một bản mô tả về anh ta.

Trong lúc đó, Oswald tìm đường về khu nhà trọ nơi anh ta ở. Khoảng 15 phút sau khi rời khu nhà trọ, anh ta chạm trán cảnh sát Dallas J.D. Tippit, người nhận ra Oswald khớp với bản mô tả. Oswald đã bắn chết Tippit bằng một khẩu súng lục trước mặt một số nhân chứng và sau đó bước vào Nhà hát Texas, nơi anh ta bị cảnh sát bắt lúc 13h50.

Lee Harvey Oswald (giữa) sau khi bị bắt. Ảnh: AFP.

Lee Harvey Oswald (giữa) sau khi bị bắt. Ảnh: AFP.

Phó tổng thống Johnson, lo sợ rằng vụ ám sát tổng thống Kennedy chỉ là bước đầu tiên trong một chiến dịch lớn hơn của Liên Xô hay những kẻ thù khác nhằm gây bất ổn cho chính phủ Mỹ, đã đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền lực và lên máy bay rời Dallas.

Vào 14h38, trước khi cất cánh, với thi hài của tổng thống Kennedy trên chuyên cơ Không lực Một, Johnson tuyên thệ nhậm chức. Phu nhân Jacqueline Kennedy, vẫn mặc bộ trang phục vấy máu, đứng bên cạnh ông.

Oswald ban đầu không nhận tội. Sau khi bị giam hai ngày hai đêm, Oswald được chuyển từ Tòa thị chính Dallas, nơi có trụ sở và nhà tù của Sở Cảnh sát Dallas, đến nhà tù hạt vào sáng 24/11. Nghi phạm thu hút sự quan tâm của dư luận đến mức sự kiện được phát trực tiếp trên truyền hình.

Lúc này, Jack Ruby, chủ quán bar nơi các cảnh sát thường lui tới, đã lẻn vào nhà để xe bên trong tầng hầm tòa thị chính. Tại đây, Ruby bắn Oswald bằng một khẩu súng ngắn. Ruby sau đó nói rằng anh ta ra tay để giúp Jacqueline Kennedy không phải làm chứng tại phiên tòa xét xử Oswald.

Oswald được đưa đến Bệnh viện Parkland Memorial song không qua khỏi. Ruby bị xét xử và kết án tử hình vào ngày 14/3/1964. Tháng 10/1966, tòa phúc thẩm Texas đã đảo ngược bản án, song Ruby đã chết vào ngày 3/1/1967, trước khi phiên tòa mới có thể diễn ra.

Jack Ruby trả lời các câu hỏi của phóng viên sau phiên điều trần trước khi xét xử vào tháng 2/1964. Ảnh: Texas Monthly.

Jack Ruby trả lời các câu hỏi của phóng viên sau phiên điều trần trước khi xét xử vào tháng 2/1964. Ảnh: Texas Monthly.

Sau cái chết của tổng thống Kennedy, Ủy ban Warren được thành lập với nhiệm vụ điều tra mọi chi tiết liên quan đến vụ ám sát. Sau khoảng 10 tháng điều tra, dựa trên một báo cáo dài từ FBI, lời khai của nhân chứng và chuyên gia, cũng như các bằng chứng và kết quả khám nghiệm tử thi, Ủy ban Warren kết luận Oswald đã hành động một mình.

Báo cáo 888 trang của Ủy ban Warren cho biết Oswald đã được rèn luyện kỹ năng bắn súng và trở thành thiện xạ sau quãng thời gian phục vụ trong lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. Vào ngày ra tay ám sát tổng thống Kennedy, y đã bắn ba phát súng: Một phát xuyên qua cổ, một phát chí mạng vào sau đầu Kennedy và một phát bắn trượt.

Nhưng nhiều người lại tỏ ra hoài nghi với những phát hiện này. Họ cho rằng có một tay súng thứ hai trên bãi cỏ ở gò đất trên bãi cỏ tại Dealey Plaza, nơi đoàn xe của tổng thống Kennedy đang tiến đến. Một số nhân chứng nói rằng họ đã nghe thấy tiếng súng phát ra từ hướng này. Tuy nhiên, Ủy ban Warren khẳng định đây đều là những thông tin không chính xác.

Những người hoài nghi về các phát hiện của Ủy ban Warren bắt đầu đặt ra những thuyết âm mưu, là tiền đề cho một thị trường sách, phim điện ảnh, tài liệu liên quan đến vụ ám sát vẫn phát triển cho tới tận ngày nay.

Vũ Hoàng (Theo Britannica)

Ý kiến bạn đọc
Chủ Nhật, 18 Tháng Mười Hai 20221:10 SA
Khách
Một TT Mỹ bị ám sát mà cả FBI,CIA cùng chịu bó tay không tìm ra thủ phạm.Đây mới chính là câu hỏi mà người dân Mỹ muốn biết.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo