Viktor Bout ảnh tư liệu 2010

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Viktor Bout ảnh tư liệu 2010

Vụ trao đổi tù nhân giữa Hoa Kỳ và Liên bang Nga đã chấm dứt sau mấy tháng đàm phán. 

Viktor Bout đã xuống sân bay Moscow, ôm hôn mẹ và vợ, còn nữ vận động viên Mỹ Brittney Griner cũng đã về tới quê hương trong cảm xúc của nhiều người Mỹ. 

Vợ của Brittney, Cherelle Griner (cả hai là nữ) đã cảm ơn tổng thống Joe Biden về nỗ lực cứu vận động viên bóng rổ cao 2,06 mét.

Brittney Griner bị bắt ở sân bay Moscow vào tháng 2/2022 vì “mang trong người 1 gram dầu cần sa” dùng cho mục đích y tế, và bị tống vào trại trừng giới Nga. 

Nhưng cô đã trở thành “đối tượng” để Nga mặc cả, nhằm đón về bằng được tay buôn vũ khí đầy uy lực Viktor Bout, bị Mỹ bỏ tù từ 2011. 

Được biết chính phủ Mỹ đã vào cuộc để đàm phán với Nga từ tháng 7, trong bối cảnh cuộc chiến của Nga ở Ukraine tiếp diễn, để đưa người của mình về. 

Truyền thông quốc tế đăng tải hình video từ sân bay Abu Dhabi, nơi quan chức hai nước Nga và Mỹ đưa tù nhân của phía bên kia tới.

Vì sao Putin muốn Bout về nước?

Cuộc trao đổi tù nhân chớp nhoáng xảy ra khi Griner nhìn thấy Bout được phía Mỹ trao cho phía Nga. Rồi mỗi người lên máy bay về quê hương của mình, để lại rất nhiều câu hỏi về việc “Vì sao Hoa Kỳ chấp nhận thả Viktor Bout?”, và quan trọng hơn là “Bout quan trọng thế nào với Vladimir Putin?” 

Bản thân ông Biden phải ký một lệnh đặc biệt thả Bout, xóa án 25 năm tù cho người Nga này. 

Điều này cho thấy việc đón Brittney Griner về cũng có tầm quan trọng lớn với Hoa Kỳ. 

Alla, vợ của Viktor Bout nói với truyền hình Nga bà được nói chuyện qua điện thoại lần đầu sau nhiều năm hai hôm trước với chồng.

 Từng là kẻ bị truy nã khắp thế giới dù chính thức chỉ là doanh nhân ngành vận tải quốc tế, cựu phi công Viktor Bout đã thành nhân vật nổi tiếng tới mức Hollywood đã làm phim về ông ta. 

Năm 2005, phim ‘Lord of War’ ra mắt công chúng với Nicolas Cage thủ vai Viktor Bout. 

Nhà báo của CNN, Nick Paton Walsh vừa có bài phân tích vì sao Victor Bout lại quan trọng đến thế với ông Putin.

Theo ông, Vladimir Putin cần “lấy lòng phe nhóm có quan hệ riêng chặt chẽ với Viktor Bout” vì người ảnh hưởng sâu rộng của nhân vật này.

Từng là phi công Liên Xô, Viktor Bout bác bỏ mọi cáo buộc buôn vũ khí ở châu Phi, Mỹ Latin, châu Á khi trả lời phỏng vấn nhà báo Walsh ở Bangkok năm 2010.

Vụ Thái Lan chấp nhận cho Mỹ dẫn độ Bout về Hoa Kỳ để xử và bỏ tù khiến Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov công khai lên án toà án Thái Lan.

Khác với “hàng nghìn lính Nga bỏ xác lại chiến trường Ukraine”, Bout là kẻ mà Putin “không thể bỏ rơi”, theo Nick Paton Walsh.

Còn bài trên BBC News trích lời ông Vladimir Osechkin – một cựu nghị sĩ quốc hội Nga, nay là nhà bất đồng chính kiến ở Pháp, nói Putin muốn Bout về vì “những gì ông ta biết”. 

"Putin và các tướng Nga lo ngại Viktor Bout có thể tiết lộ ra bằng chứng đầy đủ và chi tiết mà ông ta biết về hoạt động của tình báo Nga giúp các tổ chức khủng bố và phá hoại ở nước ngoài.”  

Ông Osechkin từng phụ trách một cuộc điều tra của Duma về hoạt động của Viktor Bout.

Nay ông nói với lãnh đạo Nga “việc đưa điệp viên của họ về là điều mang tính danh dự”.  

Sinh ra tại Dushanbe, Tajikistan năm 1967 trong gia đình có cha mẹ là người Nga, Viktor Bout đã tốt nghiệp một trường ở Moscow chuyên dạy ngoại ngữ, lò ấp sĩ quan an ninh Liên Xô. 

Theo CNN nhiều nguồn tin nói ông ta có thể mang hàm trung tá trong không quân Liên Xô.

Năm 2010, Bout bị dẫn độ từ Thái Lan sang Mỹ năm 2010, sau chiến dịch truy quét gắt gao của Cơ quan chống ma túy Hoa Kỳ (DEA). 

Ông ta tuyên bố mình chỉ đơn giản là một doanh nhân kinh doanh vận tải quốc tế hợp pháp, và coi lời buộc tội ‘bán vũ khí cho phiến quân ở Colombia’ mà tòa Mỹ đưa ra chỉ là một âm mưu chính trị do giới chức Hoa Kỳ tạo dựng. 

Bộ Ngoại giao Nga hôm 9/12 chỉ ra thông báo ngắn gọn về việc “một công dân Nga đã được về nhà”.