Nga, sa lầy trong chiến tranh, đối mặt với nỗi đau kinh tế và chế tài

Thứ Tư, 07 Tháng Mười Hai 202210:00 SA(Xem: 1453)
Nga, sa lầy trong chiến tranh, đối mặt với nỗi đau kinh tế và chế tài
voatiengviet.com

Nga, sa lầy trong chiến tranh, đối mặt với nỗi đau kinh tế và chế tài

Reuters

Cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine đã đẩy châu Âu vào cuộc chiến tranh trên bộ lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai, châm ngòi cho một cuộc xung đột khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người phải sơ tán, phá hủy các thành phố của Ukraine và gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu.

Bất chấp những cảnh báo từ tình báo Hoa Kỳ trước ngày 24/2, nhiều quan chức châu Âu và Ukraine không tin điều đó sẽ xảy ra. Còn lâu quân đội Nga mới tấn công, nhiều người nghĩ như vậy.

Tuy nhiên, ông Putin, bước sang tuổi 70 hồi tháng 10, đã vô cùng tức giận trước điều mà ông coi là trục quay về phía Tây nguy hiểm của Ukraine, và đã ra lệnh tiến hành một cuộc xâm lược mà ông gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Mục tiêu của ông là nhổ tận gốc cái mà ông coi là ảnh hưởng quá mức và có khả năng gây nguy hiểm của phương Tây trong một khu vực mà Moscow từng nắm giữ và đẩy nhanh điều mà ông coi là sự chuyển dịch lịch sử tất yếu sang một thế giới đa cực.

Vào tháng 9, khi ông tuyên bố sáp nhập bốn khu vực của Ukraine mà quân đội của ông kiểm soát một phần, một động thái mà phương Tây tuyên bố là bất hợp pháp, tham vọng của ông muốn mở rộng nước Nga, vốn đã là quốc gia lớn nhất thế giới tính theo lãnh thổ, đã trở nên rõ ràng.

Cuộc chiến cho đến nay đã không diễn ra tốt đẹp đối với ông Putin. Lực lượng của ông đã bị đánh lui khỏi thủ đô Ukraine và sau đó là vùng đông bắc Kharkiv. Vào tháng 11, họ buộc phải rời khỏi thành phố Kherson ở phía nam và bờ tây của sông Dnipro.

Khi mùa đông bắt đầu, quân đội của ông Putin, vốn vẫn kiểm soát một phần lớn của Ukraine, đã thành công hơn trong việc phá hủy cơ sở hạ tầng của Ukraine, gây ra tình trạng mất điện và nước kéo dài, điều mà Moscow cho là có mục đích quân sự nhưng Ukraine gọi là khủng bố.

Sau khi giám sát cuộc rút quân Kherson, chỉ huy lực lượng Nga chịu áp lực phải giao chiến trên chiến trường.

Ở quê nhà, nơi không gian dành cho những người bất đồng chính kiến đã giảm xuống gần như bằng không và hàng trăm nghìn thanh niên mất tích sau khi trốn ra nước ngoài để tránh bị gọi nhập ngũ, mọi người đang cố gắng tiếp tục cuộc sống của họ.

Nhưng họ không thể thoát khỏi những lời nhắc nhở về chiến tranh.

Lịch trình của truyền hình nhà nước bị chi phối bởi các chương trình trò chuyện mà khách mời giải thích tại sao chiến tranh là cần thiết và tang lễ cho những người chết trong chiến tranh. Nga giữ bí mật về số quân tử trận nhưng phương Tây ước tính lên đến hàng chục nghìn.

Bất chấp những thất bại quân sự và đấu đá chính trị, tám nguồn tin nói với Reuters vào tháng 10 rằng quyền lực của Putin vẫn vững chắc và các cuộc thăm dò không chính thức cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông là 70-80%. Một số người nói rằng điều đó có thể thay đổi nhanh chóng nếu thất bại vẫy gọi.

Tại sao quan trọng?

Cuộc xâm lược của Nga làm đảo ngược địa chính trị.

NATO, một liên minh mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói vào năm 2019 là đang trong tình trạng “chết não”, sẵn sàng bổ sung thêm Phần Lan và Thụy Điển mặc dù việc mở rộng hơn nữa là điều mà ông Putin phản đối.

Hoa Kỳ, mà Đảng Dân chủ lo ngại đã trở nên quá cô lập dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, đã cung cấp cho Ukraine phần lớn viện trợ tài chính và quân sự cần thiết.

Trước ngày 24/2, Ukraine đôi khi phải vật lộn để khiến phương Tây quan tâm đến một cuộc chiến âm ỉ chống lại các lực lượng ủy nhiệm của Nga ở phía đông. Sau ngày 24/2, Ukraine nhận được viện trợ và hỗ trợ của phương Tây mà trước đây dường như không thể tưởng tượng được.

Và Nga, một trong những nhà sản xuất hàng hóa và năng lượng lớn nhất thế giới, đã phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất của phương Tây trong lịch sử hiện đại của nước này.

Chế tài Nga và các biện pháp trả đũa của chính Nga đã làm thu hẹp vai trò của Nga là một trong những nhà cung cấp dầu khí lớn nhất của châu Âu, làm gián đoạn thị trường ngũ cốc và phân bón toàn cầu, thúc đẩy lạm phát toàn cầu và làm gia tăng căng thẳng hạt nhân lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng phi đạn Cuba.

Ý nghĩa gì cho năm 2023?

Với việc Ukraine kiên quyết yêu cầu Nga rút khỏi lãnh thổ của mình trước khi bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào diễn ra, kể cả rút ra khỏi bán đảo Crimea mà Nga đã sáp nhập từ 2014, thì ngay cả một lệnh ngừng bắn tạm thời cũng khó đạt được.

Đối với Nga, năm 2023 có thể sẽ là năm nước này cố gắng ngăn chặn các nỗ lực cô lập thêm nữa của phương Tây.

Các nhà lãnh đạo chính trị ở Iran, Triều Tiên và Belarus vẫn là những người ủng hộ trung thành. Trung Quốc và Ấn Độ đã can thiệp để mua dầu giảm giá mạnh của Nga, mặc dù Bắc Kinh đã không hoàn toàn ủng hộ Moscow như mong đợi.

Trong khi đó, các rạn nứt đã bắt đầu lộ ra ở Liên Xô cũ, nơi ảnh hưởng của Moscow đang chịu sức ép khi một số nước cố gắng thay đổi nguyên trạng trong khi Nga bận rộn với Ukraine.

Ít nhất hai quốc gia Trung Á đã bày tỏ sự bất đồng công khai với Moscow và vai trò trung gian hòa giải của Nga trong cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia đang bị EU và Washington siết chặt.

Mosow cũng sẽ phải xoay sở nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt, một nhiệm vụ trở nên khó khăn hơn sau cuộc di cư của những người đàn ông trẻ tuổi. Ổn định kinh tế có liên quan đến ổn định chính trị, mà chính quyền đã cố gắng đảm bảo bằng cách tăng cường đàn áp bất kỳ ai bị xem là mối đe dọa.

Reuters tháng rồi loan tin Nga có kế hoạch chi tiêu gần một phần ba ngân sách năm 2023 cho quốc phòng và an ninh nội địa trong khi cắt giảm tài trợ cho trường học, bệnh viện và đường sá.

Trong lúc Putin chi tiền để tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine, việc quản lý hậu quả của cuộc chiến trong và ngoài nước có thể sẽ trở nên khó khăn hơn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn