Phương pháp “chăm sóc cuối đời” là gì?

Chủ Nhật, 18 Tháng Mười Hai 20225:00 SA(Xem: 2668)
Phương pháp “chăm sóc cuối đời” là gì?

Các bác sĩ quyết định Pele sẽ chuyển sang chăm sóc cuối đời. Đây là phương pháp giúp xoa dịu cơn đau về thể chất lẫn tinh thần cho những người mắc bệnh hiểm nghèo.

Ngày 3/12, ngôi sao bóng đá 82 tuổi Pele thông báo ông quyết định dừng mọi phương pháp điều trị ung thư đầy đau đớn và chuyển sang giai đoạn “chăm sóc cuối đời”. Ít giờ sau đó, cựu cầu thủ của Brazil trấn an người hâm mộ bản thân vẫn “bình tĩnh và tích cực”. Việc ủng hộ đội bóng quê hương tại World Cup 2022 cùng với những lời động viên từ người hâm mộ là nguồn năng lượng tích cực cho ông, Deadline đưa tin.

Bệnh viện Albert Einstein nơi Pele đang điều trị cũng cho biết tình trạng sức khỏe của “Vua bóng đá” khá ổn định. Ông vẫn đang được điều trị, phản ứng tốt với liệu pháp chữa nhiễm trùng đường hô hấp.

Phương pháp "chăm sóc cuối đời" là gì?
Pele vẫn lạc quan và trấn an người hâm mộ dù tình hình sức khỏe nghiêm trọng. (Ảnh: Benoit Tessier/Reuters).

Vì sao Pele chọn giảm đau để chuẩn bị cho cái chết?

Siêu sao bóng đá người Brazil Pele (tên thật là Edson Arantes do Nascimento) đã bước vào khu chăm sóc giảm đau hôm 3/12. Theo báo Brazil Folha de Sao Paulo, Pele sẽ không thực hiện bất cứ biện pháp nào để điều trị ung thư ruột, hay kiểm tra tình hình sức khỏe. Ông chỉ còn được điều trị các cơn đau và khó thở.

Pele đang được điều trị ung thư ruột kết. Ông còn mắc thêm bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Ngôi sao bóng đá 82 tuổi phải nhập viện Albert Einstein vào ngày 29/11 vì những gì được miêu tả là “đánh giá lại quá trình điều trị hóa trị”.

Theo báo cáo của Bệnh viện Sao Paulo, Pele phát hiện mình mắc bệnh vào tháng 9/2021. Từ đó, sức khỏe của ông có chuyển biến xấu nhanh. Đầu năm 2022, các tế báo ung thư đã lan đến ruột, gan và phổi của ông. Hồi tháng 2, “Vua bóng đá” được chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu trong một đợt kiểm tra định kỳ khác.

Phương pháp "chăm sóc cuối đời" là gì?
Pele phải chịu nhiều đau đớn vì bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn cuối đời. (Ảnh: UOL).

Trước khi mắc bệnh ung thư, trong những năm gần đây, Pele trải qua một số cuộc phẫu thuật ở hông và các vấn đề sức khỏe khác khiến việc đi lại khó khăn. Ngoài ra, Pele cũng được chẩn đoán có vấn đề cột sống và đầu gối, bên cạnh suy thận.

Gần đây, cơ thể của ông bị phù nề nghiêm trọng, gây nhiều đau đớn. Đó có lẽ là những lý do khiến ông quyết định lựa chọn chăm sóc cuối đời.

Sau cuộc đánh giá của bệnh viện ngày 29/11, các bác sĩ quyết định Pele sẽ chuyển sang chăm sóc cuối đời. Điều này có nghĩa là người bệnh sẽ được cung cấp hỗ trợ y tế và sự thoải mái về thể chất cho những người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc nan y.

Phương pháp này thường được dùng cho các bệnh nhân không còn khả năng cứu chữa, để họ chuẩn bị cho cái chết.

Phương pháp “lấy con người làm trung tâm”

Theo WHO, chăm sóc cuối đời và chăm sóc giảm nhẹ là một phần quan trọng của các dịch vụ y tế tích hợp, lấy con người làm trung tâm. Giảm bớt những đau khổ nghiêm trọng liên quan sức khỏe như thể chất, tâm lý, xã hội hoặc tinh thần, là trách nhiệm đạo đức toàn cầu.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, ngày càng có nhiều người chọn dịch vụ chăm sóc cuối đời. Đây là dịch vụ tập trung vào việc chăm sóc, tạo sự thoải mái và chất lượng cuộc sống cho người nào đó mắc bệnh hiểm nghèo sắp qua đời.

Tại một số thời điểm, bệnh nhân có thể không thể chữa khỏi bệnh hiểm nghèo hoặc họ chọn không trải qua một số phương pháp điều trị nhất định. Chăm sóc cuối đời được thiết kế cho tình huống này. Bệnh nhân bắt đầu được chăm sóc cuối đời cũng là lúc họ không đáp ứng với các nỗ lực y tế để chữa trị hoặc làm chậm tiến triển của bệnh.

Cho dù nguyên nhân gây đau khổ cho bệnh nhân là bệnh tim mạch, ung thư, suy nội tạng, lao kháng thuốc, bỏng nặng, mạn tính giai đoạn cuối, chấn thương cấp tính, sinh non hoặc tuổi già yếu ớt, chăm sóc giảm nhẹ đều có thể cần thiết và phải có sẵn ở tất cả cấp độ chăm sóc.

  • 14% bệnh nhân cần chăm sóc giảm nhẹ
  • 40 triệu người đang cần chăm sóc giảm nhẹ mỗi năm
  • 78% người lớn cần chăm sóc giảm nhẹ sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình

Chăm sóc giảm nhẹ là cần thiết cho rất nhiều bệnh. Đa số người lớn cần chăm sóc giảm nhẹ đều mắc các bệnh mạn tính như tim mạch (38,5%), ung thư (34%), bệnh hô hấp mãn tính (10,3%), AIDS (5,7%) và tiểu đường (4,6%).

Nhiều tình trạng khác có thể cần chăm sóc giảm nhẹ như suy thận, gan mãn tính, đa xơ cứng, Parkinson, viêm khớp dạng thấp, bệnh thần kinh, chứng mất trí nhớ, dị tật bẩm sinh và bệnh lao kháng thuốc.

Đau và khó thở là hai trong số các triệu chứng nghiêm trọng và thường xuyên nhất mà bệnh nhân cần được chăm sóc giảm nhẹ gặp phải. Cụ thể, con số này ở bệnh nhân AIDS và ung thư là 80%, tim mạch, phổi tắc nghẽn mạn tính là 67%. Họ phải trải qua những cơn đau từ trung bình đến nặng vào cuối đời và cần dùng opioids để kiểm soát cơn đau.

Opioids cũng có thể làm giảm bớt các triệu chứng khó chịu về thể chất phổ biến khác như khó thở.

Chăm sóc giảm nhẹ do nhóm bác sĩ, y tá và các chuyên gia được đào tạo đặc biệt thực hiện. Họ sẽ làm việc với bác sĩ chính của bệnh nhân để có tất cả thông tin hỗ trợ cần thiết, đảm bảo người bệnh có được những ngày cuối đời thoải mái nhất, giảm bớt các triệu chứng và căng thẳng của bệnh tật.

Cả hai phương pháp này đều dựa trên nhu cầu của bệnh nhân, không dựa trên tiên lượng. Nó phù hợp ở mọi lứa tuổi và ở mọi giai đoạn của bệnh.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn