Sau khi thổi bùng nỗi sợ hãi về Covid, giờ đây Trung Quốc đang phải cố gắng xoa dịu chúng (Phần 1,2)

Thứ Ba, 06 Tháng Mười Hai 202210:00 SA(Xem: 1352)
Sau khi thổi bùng nỗi sợ hãi về Covid, giờ đây Trung Quốc đang phải cố gắng xoa dịu chúng (Phần 1,2)

Sau khi thổi bùng nỗi sợ hãi về Covid, giờ đây Trung Quốc đang phải cố gắng xoa dịu chúng (Phần 1,2)


The New York Times

Cù Tuấn, dịch

3-12-2022

1-6
Một nhân viên phòng chống dịch đang quét dọn trước một khu nhà đang bị phong tỏa tại Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images

Tóm tắt: Bắc Kinh từ lâu đã cảnh báo rằng phản ứng hiệu quả chống Covid duy nhất là xét nghiệm, cách ly và phong tỏa. Khi thay đổi chính sách, chính quyền phải thay đổi cách mô tả các rủi ro.

Trong gần ba năm, chính phủ Trung Quốc đã triển khai bộ máy tuyên truyền đáng kể của mình để thổi bùng nỗi sợ hãi về Covid nhằm biện minh cho việc phong tỏa quy mô lớn, xét nghiệm hàng loạt, thường xuyên và theo dõi hơn một tỷ người. Khi các nhà chức trách hiện tại đang thay đổi cách tiếp cận đối với đại dịch, họ phải đối mặt với nhiệm vụ hạ thấp những nỗi sợ hãi đó.

Cho đến tuần trước, với các cuộc biểu tình bày tỏ sự phản đối mãnh liệt của công chúng đối với các quy tắc nghiêm ngặt “Zero Covid”, các quan chức chính phủ và truyền thông nhà nước Trung Quốc vẫn đang nhấn mạnh những tin tức y tế đáng lo ngại nhất về đại dịch. Có vô số câu chuyện về số người chết cao ngất ở những nơi khác – đặc biệt là ở Hoa Kỳ – và về những người mắc các vấn đề về hô hấp, suy giảm nhận thức và những khó khăn khác liên quan đến chứng Covid kéo dài.

Tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản, Nhân dân Nhật báo, cảnh báo vào ngày 15 tháng 11 rằng, bất kỳ sự nới lỏng nào đối với các biện pháp phòng chống Covid sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của người dân Trung Quốc: “Việc nới lỏng phòng ngừa và kiểm soát chắc chắn sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm của các nhóm dân cư dễ mắc bệnh”.

Chỉ một tuần rưỡi trước, Phó thủ tướng giám sát các phản ứng với Covid của chính phủ, bà Tôn Xuân Lan, nói rằng “bất kỳ ai cần được xét nghiệm đều phải được xét nghiệm. Không ai sẽ bị bỏ lại phía sau”.

Nhưng khi các chính quyền địa phương hiện tại đang vội vàng dỡ bỏ các yêu cầu xét nghiệm và bắt đầu dỡ bỏ các kiosk xét nghiệm bên lề đường, bà Tôn đã thay đổi chiến thuật vào ngày 30/11. Bà nói: “Công tác phòng chống đại dịch của Trung Quốc phải đối mặt với một tình huống mới và nhiệm vụ mới, do mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron đang suy yếu“.

Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang phải đối mặt với một thời điểm đầy thách thức trong việc ứng phó với đại dịch, phần lớn là do việc đưa thông điệp khá lộn xộn. Chính phủ thất bại trong việc thực hiện nhiều biện pháp y tế công cộng đã được chứng minh, chẳng hạn như không hoàn tất các chiến dịch tích cực tiêm chủng đầy đủ, khiến nhiều công dân của quốc gia đông dân nhất thế giới gặp nguy hiểm.

Nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã đích thân khẳng định rằng, cần phải có hy sinh để ngăn chặn sự lây lan của Covid. “Thà tạm thời ảnh hưởng một chút đến sự phát triển của nền kinh tế còn hơn để tính mạng, sự an toàn và sức khỏe của người dân bị tổn hại”, ông nói vào tháng 6.

Bắc Kinh hiện đang nhanh chóng thay đổi để giảm bớt gánh nặng của các hạn chế do Covid. Một số ủy ban khu phố bắt đầu cho cư dân ở nhà nếu họ hoặc thành viên gia đình của họ bị nhiễm bệnh, thay vì đưa họ đến bệnh viện dã chiến, các sân vận động rộng lớn hoặc hàng dài container, vốn là quy trình tiêu chuẩn kể từ những tháng đầu của đại dịch. Thành Đô, Quảng Châu, Thiên Tân, Bắc Kinh, Trùng Khánh và Thâm Quyến đều dỡ bỏ các yêu cầu trong vài ngày qua đối với người dân phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid trước khi đi tàu điện ngầm hoặc vào các địa điểm công cộng khác.

Tuy nhiên, việc xoa dịu những lo lắng kinh khủng về Covid của hàng triệu người, đặc biệt là những cư dân lớn tuổi, đang là một thách thức đối với Đảng Cộng sản và truyền thông nhà nước. Vấn đề phức tạp hơn nữa là các nhà lãnh đạo Trung Quốc có một lịch sử lâu dài là không muốn người dân thấy rằng, hình như họ đang đảo ngược chính sách vì sự tức giận của công chúng.

Trong suốt quá trình phản ứng kiên quyết của chính phủ, quốc gia này đã phải vật lộn để tiêm chủng đầy đủ cho một số đối tượng dễ bị tổn thương nhất: Trong số những người từ 80 tuổi trở lên, hai phần ba số người đã thực hiện quá trình tiêm chủng ban đầu, thường là hai liều, nhưng chỉ 40% được tiêm liều thứ 3.

Các nhà khoa học quốc tế nói rằng, cần phải tiêm ba mũi vắc xin của Trung Quốc để đạt được khả năng bảo vệ tương đương với hai mũi vắc xin mRNA của phương Tây.

Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc khi đưa tin mới về Covid đã bỏ qua bất kỳ đề cập nào về các cuộc biểu tình những ngày gần đây. Nội dung chính các bài báo đã chuyển sang nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc, rằng biến thể Omicron có thể không nguy hiểm như các phiên bản trước đó.

Nhật báo Nam phương, một tờ báo do nhà nước kiểm soát ở Quảng Châu, vào thứ Bảy đã xuất bản một báo cáo nhấn mạnh, ước tính của thành phố rằng, 90% các ca nhiễm Omicron là không có triệu chứng. Trích dẫn các cuộc phỏng vấn với bảy bác sĩ hàng đầu của Quảng Châu, tờ báo cũng trấn an độc giả rằng các trường hợp có triệu chứng hiếm khi nghiêm trọng, ngoại trừ những người lớn tuổi, chưa được tiêm phòng.

(Còn nữa)

Tiếp theo Phần 1

1-7
Một thanh niên đứng chờ người nhà trước một hàng rào phong tỏa khu dân cư tại Bắc Kinh ngày 2.12.2022. Ảnh: Getty Images

Nhiều quốc gia khác đã nhận thấy Omicron ít gây chết người hơn nhưng lại dễ lây lan hơn. Đã có gần 7 triệu ca tử vong vì Covid được xác nhận trên toàn thế giới, trong khi Trung Quốc nói rằng, họ chỉ có hơn 5.000 ca tử vong.

Hôm thứ Năm, Global Times, một ấn phẩm khác của Đảng Cộng sản, dẫn lời một bác sĩ tại Đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu, người đã đặt câu hỏi về sự tồn tại của Covid kéo dài, một nhóm phức tạp các triệu chứng sau nhiễm trùng, đôi khi gây suy nhược, đã được chính phủ Hoa Kỳ nói đến nhiều lần..

Không có di chứng nào được xác nhận của Covid-19”, bác sĩ Chong Yutian cho biết. Bác sĩ Chong đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Việc quay xe hướng dẫn dư luận theo một hướng mới sẽ không dễ dàng đối với Trung Quốc, bởi vì các phương tiện truyền thông nhà nước đã ngăn chặn hiệu quả bất kỳ ý kiến ​​nào nói rằng Covid có thể được kiểm soát.

Dali Yang, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Chicago, cho biết: “Cho đến gần đây, tất cả các chuyên gia đều hướng đến việc ủng hộ chính sách chống lại Covid. Các phương tiện truyền thông đã đột nhiên quay xe, mô tả virus đã biến đổi và ít gây bệnh hơn”.

Jin Dongyan, nhà virus học của Đại học Hồng Kông, cho biết, việc truyền thông tốt hơn, bao gồm cả tầm quan trọng của việc tiêm chủng, là điều cần thiết để Trung Quốc quản lý việc lây nhiễm tràn lan sau khi bỏ các hạn chế Covid. Ông cảnh báo, nhiều người ở Trung Quốc vẫn sợ virus đến mức họ có thể ở nhà, thậm chí không đến các cửa hàng tạp hóa khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa, điều này có thể gây tổn hại kinh tế hơn nữa.

“Việc giáo dục công chúng nói chung là thực sự quan trọng, và đó là điều họ cần tăng cường thực hiện, bởi vì hiện tại công chúng đang bối rối và chia rẽ”, ông nói.

Jiang Sigui, 60 tuổi, một nông dân trồng ngô ở Quảng Tây, một vùng nghèo khó ở cực nam Trung Quốc, nói rằng ông lo lắng rằng việc nới lỏng các hạn chế “Zero Covid” sẽ dẫn đến làn sóng lây nhiễm có thể tràn ngập các ngôi làng nông thôn như của ông, trong khi việc chăm sóc sức khỏe còn hạn chế ở cấp cơ sở. Ông lo sợ cho khả năng tiếp tục nuôi cháu của mình nếu bản thân ngã bệnh.

Tôi ủng hộ cuộc chiến chống lại Covid”, ông Jiang nói. “Hiện tại, tôi ở nhà nuôi cháu nhỏ. Tôi cực kỳ lo lắng về virus – có ai lại không lo chứ?

Tuy nhiên, nhiều cư dân trẻ và trung niên của Trung Quốc dường như ít sợ hãi hơn so với lo lắng trước những hạn chế mà Trung Quốc áp đặt để kiểm soát sự lây lan của nó. Việc ít lo đó trở nên rõ ràng trong các cuộc biểu tình gần đây.

Trung Quốc đã tạm dừng gần như tất cả các tuyến du lịch quốc tế trong thời gian xảy ra đại dịch và kiểm duyệt internet chặt chẽ hơn bao giờ hết, bao gồm cả việc chặn gần như hoàn toàn quyền truy cập vào các trang web nước ngoài. Nhiều cuộc biểu tình diễn ra ở các tỉnh ven biển, nơi người dân thường có công cụ internet để xem các trang web nước ngoài, cho họ thấy phần còn lại của thế giới đã điều chỉnh cuộc sống với Covid như thế nào.

Tuy nhiên, các cuộc phỏng vấn với người dân ở Lan Châu, thủ phủ một tỉnh ở miền tây Trung Quốc, cho thấy mong muốn thay đổi chính sách Covid cũng đã lan đến nội địa rộng lớn của Trung Quốc.

Zhang Zechen, một sinh viên đại học 20 tuổi, nói rằng cô đã bị giam giữ trong ký túc xá của mình vì phong tỏa trong phần lớn học kỳ vừa qua. Trường đại học yêu cầu cô phải làm xét nghiệm PCR vào ngày thứ tư. Khi trường đại học cho sinh viên cơ hội về sớm một tháng để đón Tết Nguyên đán nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm, cô đã chớp lấy cơ hội này.

Tôi cảm thấy mệt mỏi với xét nghiệm PCR”, cô Zhang nói. “Mọi người đều cảm thấy phát điên”.

Một công nhân nhập cư 24 tuổi nói rằng anh ta bị nhiễm Covid vào tháng 9 năm ngoái khi làm việc ở Tây Tạng, nhưng phát hiện ra rằng các triệu chứng duy nhất của bệnh là ho vài ngày. Anh chỉ trích các chính sách như nhốt cư dân trong nhà của họ trong nhiều tuần, đôi khi phong tỏa hơn một triệu người, dù chỉ phát hiện có vài ca nhiễm.

Việc phong tỏa không bao giờ nên được mở rộng ra toàn quận, ảnh hưởng đến việc đi lại và làm việc bình thường của mọi người”, một công nhân nói.

Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc áp dụng lập trường trấn an hơn về sự nguy hiểm của Covid, nhiều chuyên gia vẫn kêu gọi thận trọng. Họ cho rằng chính phủ nước này vẫn chưa tiêm phòng đầy đủ cho người già, chưa chuẩn bị sẵn sàng cho các bệnh viện và chưa giáo dục công chúng.

Andy Chen, nhà phân tích sức khỏe cộng đồng tại văn phòng Thượng Hải của công ty tư vấn Trivium China, cho biết: “Nếu họ dỡ bỏ tất cả các hạn chế quá nhanh, điều đó có thể dẫn đến một số lượng lớn ca nhiễm và gây ra gián đoạn kinh tế“.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn