• Tác giả, Frances Mao
  • Vai trò, BBC News
China

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Giới trẻ Trung Quốc lớn lên ở một đất nước bóp nghẹt bất đồng chính kiến nhưng giờ đây họ đang tìm được tiếng nói

Cuối tuần trước ở Trung Quốc, một thế hệ mới đã nổi lên; nhiều người tham gia vào cuộc biểu tình công khai đầu tiên của họ.

Trên đường phố, họ yêu cầu dỡ bỏ chính sách zero-Covid đã có hiệu lực trong gần ba năm.

Tại Thượng Hải, người biểu tình ban đầu im lặng. Họ đã tụ tập để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ cháy khu chung cư ở phía tây khu vực Tân Cương. Nhiều người tin rằng các biện pháp Covid đã ngăn cản những nạn nhân này thoát khỏi ngọn lửa.

Vì vậy, dưới sự bảo vệ dày đặc của công an, họ đau buồn. Họ giơ cao những tờ giấy trắng để phản đối, đặt hoa, giữ im lặng.

Sau đó, một số người bắt đầu hét lên: "Tự do! Chúng tôi muốn tự do! Chấm dứt phong tỏa!"

Khi màn đêm buông xuống, đám đông ngày càng lớn hơn và táo bạo hơn. Vào lúc 03:00 sáng Chủ nhật giờ địa phương (19:00 GMT thứ Bảy), họ hô vang: "Tập Cận Bình, hãy từ chức! Tập Cận Bình, hãy từ chức!"

Một người tham gia ở độ tuổi ngoài 20 cho biết anh ấy đã chạy ra đường sau khi nghe thấy đám đông từ phòng của mình.

"Tôi đã thấy rất nhiều người tức giận trên mạng nhưng chưa từng có ai đứng ra đường để biểu tình," anh nói với BBC.

Anh ấy đã mang theo máy ảnh để ghi lại những gì anh ấy cảm thấy là những sự kiện lịch sử. "Tôi thấy nhiều người - cảnh sát, sinh viên, người già, người nước ngoài. Họ có những ý kiến khác nhau nhưng ít nhất họ có thể nói ra.

"Cuộc tụ tập này rất có ý nghĩa. Tôi cảm thấy đây sẽ là một kỷ niệm quý giá đối với tôi."

Một phụ nữ trẻ đứng ở rìa đám đông cho biết cô thấy đó là một khoảnh khắc xúc động nhưng mong manh. "Tôi chưa bao giờ chứng kiến điều gì như thế này trong đời ở Trung Quốc," cô nói với BBC.

"Tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Cuối cùng thì chúng tôi cũng có thể cùng nhau, và tụ tập bên nhau - để nói điều mà chúng tôi đã muốn nói từ lâu."

Cô ấy nói Zero Covid đã đánh cắp những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời của họ. Thế hệ của cô đã mất thu nhập và sinh kế, cơ hội giáo dục và du lịch. Đôi khi bị mắc kẹt trong lệnh phong tỏa hàng tháng trời, họ bị tách khỏi gia đình và các kế hoạch cuộc sống bị trì hoãn hoặc hủy bỏ.

Họ "tức giận, buồn bã, bất lực" - trong tình trạng đau khổ.

Các lời kêu gọi tương tự cũng xuất hiện ở một số thành phố lớn trên cả nước vào cuối tuần đó. Tại Đại học Thanh Hoa danh tiếng ở Bắc Kinh, sinh viên được truyền cảm hứng từ các cuộc biểu tình mà họ thấy trên mạng cũng tập hợp lại.

Một đoạn video - hiện đang được lan truyền rộng rãi - cho thấy một cô gái nói nhanh một cách sợ hãi vào loa phóng thanh. Đôi khi giọng cô ấy vỡ ra và cô ấy rơi nước mắt. Nhưng đám đông thuyết phục cô: "Đừng sợ! Tiếp đi!" họ nói.

“Nếu chúng ta không lên tiếng bởi vì chúng ta sợ bị mang tai tiếng, tôi nghĩ mọi người sẽ thất vọng về chúng ta”, cô nói giọng khàn khàn. "Là một sinh viên của Đại học Thanh Hoa, tôi sẽ hối hận vĩnh viễn."

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Một cuộc biểu tình của sinh viên tại đại học hàng đầu của Trung Quốc hôm Chủ Nhật

Lương tri hay khờ dại?

Đối với những người quan sát lớn tuổi hơn, các cuộc biểu tình chính trị - một cảnh tượng chưa từng thấy trong nhiều thập niên - đã gợi lại ký ức về các cuộc biểu tình năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn, cũng do các sinh viên lãnh đạo kêu gọi một Trung Quốc tự do hơn.

Nhưng một số người nói rằng sự nhiệt tình của thế hệ này xuất phát từ việc họ không biết những cuộc biểu tình đó đã kết thúc như thế nào - trong một cuộc đàn áp đẫm máu.

“Sự kết hợp giữa chủ nghĩa lý tưởng của tuổi trẻ - sự dũng cảm mà không mang theo ký ức đau buồn - có nghĩa là những người trẻ tuổi đang xuống đường và đòi hỏi quyền lợi của họ,” nhà nghiên cứu về Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) Yaqiu Wang nói.

Wen-ti Sung, nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Úc, ngạc nhiên trước "sự hiểu biết về chiến thuật" của họ. Ông nói, những người biểu tình trẻ tuổi ngày nay "là thế hệ được giáo dục tốt nhất mà Trung Quốc từng chứng kiến".

“Họ biết những lằn ranh đỏ. Họ đang cố vượt qua giới hạn mà không phá vỡ nó,” ông nói.

Người biểu tình ở Thượng Hải hô to lời kêu gọi phế truất Tập. Nhưng tại hầu hết các cuộc biểu tình khác, những người biểu tình đã giảm bớt các yêu cầu mà họ sợ là quá mang tính chính trị.

Tờ giấy trắng đã trở thành biểu tượng của họ. Khi được công an yêu cầu ngừng các lời kêu gọi chấm dứt zero-Covid, họ đáp trả một cách mỉa mai, kêu gọi thử nghiệm nhiều hơn và thêm nhiều hạn chế hơn nữa.

Những người biểu tình cũng cảnh giác với những tiếng nói phá hoại thông điệp của họ.

Ở Bắc Kinh, khi một người cảnh báo về "ảnh hưởng của nước ngoài", anh ta đã bị chế giễu bởi những người hét to lên rằng: "Do ảnh hưởng nước ngoài, ý anh là Marx và Engels à? Có phải là Stalin không? Có phải là Lênin không?"

Đảng Cộng sản Trung Quốc coi chủ nghĩa Mác là hệ tư tưởng chỉ đạo của mình.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Cuộc biểu tình ở Thượng Hải leo thang thành đụng độ và bắt giữ người biểu tình

Đám đông Bắc Kinh nhấn mạnh: "Có phải lực lượng nước ngoài đã phóng hỏa ở Tân Cương không? Có phải lực lượng nước ngoài đã làm lật xe buýt ở Quý Châu?"

"Có phải lực lượng nước ngoài đã lôi kéo mọi người ra đây tối nay không?" một người đàn ông hét lên trước đám đông. Họ hét vang trả lời: "Không!"

'Những người theo chủ nghĩa dân tộc tự do'

Trước đại dịch, giới trẻ Trung Quốc hầu như hài lòng với viễn cảnh tương lai của họ. Covid đã thay đổi tất cả những điều đó, áp đặt các hạn chế và làm suy yếu nền kinh tế.

"Tôi không thể đi du lịch vòng quanh thế giới, tôi không thể gặp gia đình mình", chàng trai trẻ cầm máy ảnh ở Thượng Hải nói. Anh nói với BBC rằng anh lo sợ cho mẹ mình, đang bị ung thư, ở thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc. Các quan chức thành phố đã dỡ bỏ các hạn chế Covid ở hầu hết các quận của thành phố vào thứ Tư.

"Tôi rất muốn gặp mẹ. Đã lâu rồi tôi không gặp mẹ, không chạm vào mặt mẹ, không ăn tối với mẹ", anh nói. "Tôi hy vọng chính sách phong tỏa này sẽ được bãi bỏ. Càng sớm càng tốt."

Anh ấy đã bị công an giam giữ vào cuối ngày hôm đó, BBC sau đó được cho biết.

Nhiều người đã nói chuyện với BBC hoặc được nhìn thấy đang phát biểu trong các cảnh quay trên mạng nói rằng họ muốn thấy đất nước của họ tiến bộ.

Tại các cuộc biểu tình, đám đông đã hát đi hát lại quốc ca Trung Quốc - đặc biệt là đoạn điệp khúc kêu gọi mọi người "Đứng lên! Đứng lên! Đứng lên!" và bảo vệ đất nước của họ.

Một cách mà thế hệ này thực sự khác biệt là lòng yêu nước mãnh liệt của họ, lớn lên trong thời kỳ Trung Quốc trỗi dậy, ông Sung nói.

Ông gán cho nhiều người trong số họ là "những người theo chủ nghĩa dân tộc tự do" - mà tin tưởng mãnh liệt vào hệ thống, yêu cầu trách nhiệm giải trình khi nó thất bại.

“Tình cảm có thể chuyển từ ủng hộ chính phủ sang chống tổ chức rất nhanh chóng," ông nói.

Nhưng vẫn có một mong muốn chung là chứng minh các cuộc biểu tình của họ hợp pháp và đứng về phía luật pháp.

Trong video quay trong khuôn viên trường Thanh Hoa, sau khi người phát biểu bày tỏ lo ngại rằng cuộc biểu tình có thể bị chiếm đoạt bởi những kẻ gây rối, đám đông đã hét lên "Không có kẻ vi phạm pháp luật nào ở đây! Không có kẻ vi phạm pháp luật nào ở đây!"

Sau đó, một giọng nam vang lên, lo lắng: "Nếu chúng ta mất kiểm soát điều này, thì chúng ta sẽ thực sự thua cuộc."

"Chúng ta không có kinh nghiệm làm việc này... nhưng chúng ta sẽ từ từ giải quyết."