Lưỡi lê, AK, 12ly7 vs quần đùi, áo ba lỗ, cuốc, xẻng, tay không

Thứ Năm, 15 Tháng Ba 20184:15 SA(Xem: 6712)
Lưỡi lê, AK, 12ly7 vs quần đùi, áo ba lỗ, cuốc, xẻng, tay không

Nhà báo Đỗ Hùng

Ngay khi viên chỉ huy nổ súng, tất cả 50 binh sĩ Trung Quốc có mặt trên bãi đá đồng loạt tiến vào giáp lá cà để cướp cờ. Hai bên chênh lệch về quân số, Việt Nam khi ấy chỉ có 25 người, gồm 5 lính tác chiến thuộc Lữ đoàn 146 và 20 lính công binh thuộc Trung đoàn E83. Cuộc giằng co ban đầu hoàn toàn không có súng. Quân đội Trung Quốc dùng lê xông thẳng vào đâm lực lượng bộ đội Việt Nam. Về phía Việt Nam, bấy giờ chỉ có hai người có súng AK là trung sĩ Lê Hữu Thảo và hạ sĩ Đậu Xuân Tư. Số còn lại đang làm nhiệm vụ vận chuyển vật liệu nên chỉ có cuốc xẻng, xà beng tận dụng để chống trả.

Quân Trung Quốc tiếp tục thắt chặt vòng vây, áp sát lực lượng Việt Nam. Các chiến sĩ Việt Nam tụ lại với nhau, kề vai sát cánh tập trung bảo vệ ngọn cờ. Hạ sĩ Ngô Văn Luận, thuộc Trung đoàn công binh E83, lúc này cũng dùng cuốc xẻng đánh nhau với lính Trung Quốc: “Chúng cứ áp dần, áp dần vòng vây.

Khoảng cách lúc đầu là mười mét, rồi chúng ép sát hơn và tiến đánh giáp lá cà khi chỉ còn cách bộ đội Việt Nam vài mét. Chúng thắt chặt vòng vây, bao quanh lá cờ, hai bên giằng co quyết liệt”.

Tình hình ngày càng hỗn loạn. “Lúc căng thẳng giằng co qua lại thì một tên Trung Quốc cầm lấy dây súng của đồng chí Đậu Xuân Tư, một tên nắm chặt vai trái cậu ấy. Tôi một tay cầm súng, một tay kéo mạnh vai phải của Tư. Tên thứ ba dùng lê đâm vào ngực tôi nhưng may mà không trúng”, trung sĩ Thảo kể lại khoảnh khắc mình thoát chết trong gang tấc.

Lá cờ Tổ quốc vào buổi sáng định mệnh ấy được những người chiến sĩ trên bãi đá Gạc Ma chuyền tay nhau, quyết chí bảo vệ trong thế trận giáp lá cà, không cho bất kỳ lính Trung Quốc nào cướp được. Sau khoảng năm, sáu phút tấn công bằng lưỡi lê nhưng không đẩy lùi được binh sĩ Việt Nam, quân Trung Quốc bắt đầu lùi lại rồi nổ súng. Những loạt đạn AK xả thẳng vào lực lượng Việt Nam trên bãi cạn. Tiếng súng rền vang xé toạc nền trời trước đó vài giây còn yên ắng. Đạn bay như mưa mù mịt đâm về phía những người lính Việt Nam vốn hầu như không được vũ trang. Lúc này, lá cờ được những người lính công binh chuyền tới tay thiếu úy Trần Văn Phương. Giữa lúc anh cố tìm cách giữ cờ thì bị quân Trung Quốc dùng súng bắn thẳng vào bụng.

Khi cuộc cận chiến xảy ra, bên phía Việt Nam có hai lá cờ. Một lá do một người lính công binh giữ và đã hy sinh nên không còn ai nhớ rõ. Một lá các chiến sĩ Việt Nam chuyền tay nhau để nhanh chóng cắm lên bãi Gạc Ma. Rồi Trung Quốc lùi cách lực lượng Việt Nam khoảng 10 mét thì bắt đầu nổ súng. Lá cờ lúc này đang trong tay thiếu úy Trần Văn Phương. “Anh Phương khi ấy tay cầm chặt lá cờ, đang chạy về phía tôi thì bị một viên đạn bắn trúng bụng, anh Phương ngả ngửa ra, kêu lên: (*)! Chúng bắn thêm vào đầu và khi ngã xuống anh còn bị bắn thêm phát nữa. Lúc này lá cờ vẫn trong tay anh ấy, cuốn chặt vào người”, trung sĩ Lê Hữu Thảo chứng kiến cận cảnh. “Khi trông thấy đồng đội mình ngã xuống, tôi run lên vì căm thù, không kịp nghĩ chuyện sống chết mà cứ lao đến giằng co với kẻ địch.”

Cảnh lính Trung Quốc bắn gục thiếu úy Trần Văn Phương trong khi anh cố gắng cắm lá cờ Tổ quốc lên bãi đá Gạc Ma để xác định chủ quyền hôm ấy có nhiều người chứng kiến. Hạ sĩ Ngô Văn Lục, lính công binh phụ trách giữ sợi dây vận chuyển vật liệu bị lính Trung Quốc chĩa súng vào đầu, lúc này nhìn về phía thiếu úy Phương nên trông rõ từng nhát đạn xuyên thủng người đồng đội mình: “Lúc giằng nhau trên đảo cắm cờ thì quân Trung Quốc bẻ cờ ta, cắm cờ chúng vào và ta cũng bẻ cờ chúng, cắm cờ Việt Nam vào. Tôi, anh Phương, anh Lanh giằng co với tụi nó. Anh Phương bị chúng bắn khuỵu xuống và khi đó tôi có nghe anh kêu lên: (**), rồi anh ngã xuống dưới nước lúc này đã lên quá đầu gối.”

Hạ sĩ Nguyễn Tuân, thuộc Trung đoàn công binh E83, đứng gần thiếu úy Trần Văn Phương liền nhào người tới đỡ đồng đội. Lòng căm hờn dâng tới cực điểm, lúc này Tuân chỉ muốn có súng để bắn trả lại. Tuân nhớ lại: “Khi anh Phương ngã xuống, tôi đứng cạnh và kéo anh ấy đi. Vừa ôm anh kéo đi vừa phải né súng của địch. Lúc đó ngâm nước lâu nên chân cẳng cũng yếu, phải ráng kéo anh Phương đi. Lính công binh chúng tôi hoàn toàn không xác định sẽ chiến đấu nên khi nhảy vào bãi đá hỗ trợ, anh em giản dị toàn mang quần cộc, áo lót. Áo quần lúc đó rách tả tơi vì phải xé áo để băng bó cho đồng đội.”

Lá cờ rơi xuống, thấm ướt máu của thiếu úy Trần Văn Phương. Nhưng một người ngã xuống thì lại có người khác tiếp tục tiến lên bảo vệ lá cờ. Binh nhất Nguyễn Văn Lanh vừa chạm được vào bờ đã vội chạy đến chỗ thiếu úy Trần Văn Phương, ôm lấy lá cờ và vùng chạy tiến tới cắm cờ. “Trong đầu tôi khi ấy chỉ có quyết tâm bảo vệ cờ cho dù có hy sinh. Thêm anh Phong trước đó có dặn ‘giao cho chú mày’ nên tôi cứ thế đâm đầu mà chạy”. Ngay lập tức, viên chỉ huy Trung Quốc chĩa súng vào Lanh, anh vội lấy xà beng chống trả loạn xạ và khẩu súng bị đánh văng một đoạn xa: “Tôi tính lượm khẩu súng của tên chỉ huy để bắn chết nó nhưng vì có lệnh không được nổ súng nên thôi. Nếu cho thì tôi đã bắn chết nó rồi, rốt cuộc bị nó đâm lê vào người và bị đạn bắn ngã ngửa.”

Khi thiếu úy Trần Văn Phương hy sinh và binh nhất Nguyễn Văn Lanh bị trọng thương, hàng trăm mũi đạn liên hoàn của Trung Quốc vẫn tiếp tục ồ ạt đổ về phía những chiến sĩ đang bao quanh cột cờ. Lúc này, nhiều binh sĩ Việt Nam đã bị thương nhưng không ai rời bỏ vị trí, vẫn tiếp tục kề vai sát cánh bên nhau chiến đấu, chống chọi với cơn mưa đạn. Có những binh sĩ quần áo rách tả tơi sau cuộc giáp lá cà vẫn cố gắng chiến đấu. Hầu hết số này là lính công binh vì khi nhận được lệnh nhảy khỏi tàu, họ đều chưa kịp ăn sáng, bụng rỗng và nhiều người chỉ mặc quần đùi, áo lót, không hề được giáp bảo hộ. Dù thế, bất chấp hiểm nguy, những người lính thuộc Trung đoàn E83 vốn chỉ biết xây dựng đó vẫn lao tới giằng co và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Phía trên tàu, chỉ huy cụm đảo là trung tá Trần Đức Thông ra lệnh phải ra sức giữ lấy cờ. Ngay lập tức, khoảng 20 người lính công binh từ tàu vượt sóng biển bơi vào bãi đá ứng trợ, quyết liệt cùng đồng đội chống trả lại sự đàn áp của binh sĩ Trung Quốc. Nhưng có những người chưa bơi tới bờ thì đã gặp lính Trung Quốc lùi lại, nổ súng. Cuộc xả súng kéo dài khoảng bảy, tám phút thì lính Trung Quốc nhảy lên tàu và tiếp đó là những loạt đạn 12,7 mm lia về phía các chiến sĩ Việt Nam. Lúc này, tổng cộng trên bãi đá Gạc Ma có 43 người và hầu như không một ai là không trúng đạn nhưng tất cả vẫn cố gắng bám trụ, không cho quân Trung Quốc giật được lá cờ.

Những người lính trên biển sáng hôm ấy, nhiều người mặc áo lót và quần đùi, cùng nắm tay nhau, mỏng manh trước họng súng quân thù. Vòng tròn bất tử Gạc Ma đã in hằn một vòng đau thương và bi tráng trong lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo.
30 năm rồi…

__________________________

(*) (**) Ghi chú: Những lời cuối cùng của liệt sĩ Phương, theo các cựu chiến binh mà mình có dịp phỏng vấn (có ghi hình và ghi âm) kể lại, có nội dung khác với những lời mà báo chí và chính sử trích dẫn lâu nay. Cái này vốn là rất khó xác minh nên tạm thời mình để trống.

(Cái này Bùi Thư và mình ghi lại theo lời kể của một số cựu chiến binh Gạc Ma còn sống và có tên trong bài)

Ảnh: Đây là mình đang nói chuyện với thượng úy Chương trong một lần anh hạ sơn xuống phố. Sau khi rời quân ngũ, anh Chương sống trên miền Tây Nguyên và bặt tin bạn bè. Cách đây vài năm anh mới kết nối lại được.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn