Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất ngày 29 -11-2022 ( Cập nhật nhiều lần )

Thứ Ba, 29 Tháng Mười Một 20221:51 SA(Xem: 2141)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất ngày 29 -11-2022 ( Cập nhật nhiều lần )
Linh Nga_cuoiduong*************

Trung Quốc siết chặt kiểm soát ở nhiều nơi để ngăn biểu tình chống "Zero Covid"

Trọng Thành

Hôm nay, 29/11/2022, các lực lượng an ninh có mặt dày đặc tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc để ngăn chặn các cuộc biểu tình chống chính sách Zero Covid. Biểu tình dự kiến tại nhiều nơi ở Trung Quốc tối hôm qua, 28/11, đã không diễn ra.  

Theo hãng tin Pháp AFP, tại Thượng Hải, các nhóm an ninh túc trực sẵn tại mỗi cửa ra vào metro. Phố Urumqi, Thượng Hải, trung tâm của các cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật, bị kiểm soát chặt. Ít nhất 12 xe cảnh sát túc trực tại chỗ, theo ghi nhận của một phóng viên. Nhiều người biểu tình cho biết đã bị công an gọi đến để điều tra về việc tham gia vào các cuộc tuần hành những ngày vừa qua. Tình hình tương tự tại Bắc Kinh, công an được triển khai khắp nơi để sẵn sàng trấn áp bất cứ cuộc tập hợp nào. Riêng tại Hàng Châu, thành phố miền đông, cách Thượng Hải 170 km về phía nam, bất chấp sự hiện diện của công an, nhiều cuộc biểu tình nhỏ vẫn nổ ra.  

Việc chính quyền Trung Quốc kiểm soát chặt thông tin khiến truyền thông quốc tế khó thẩm định được số lượng các cuộc biểu tình trên toàn Trung Quốc trong kỳ nghỉ vừa qua. Hãng tin Mỹ CNN hôm nay đưa ra con số 20 cuộc biểu tình lớn tại 15 thành phố, bao gồm Bắc Kinh và Thượng Hải. Theo tạp chí Times Higher Education, có trụ sở tại Luân Đôn, chuyên theo dõi giáo dục đại học toàn cầu, biểu tình, phản kháng đã diễn ra tại tổng cộng 79 đại học tại Trung Quốc.  

Nhiều Đại học cho sinh viên về quê 

Theo hãng tin Mỹ AP, nhiều đại học đã quyết định mở cửa cho sinh viên về quê và phong tỏa trở lại, để tránh nguy cơ bùng lên các hoạt động phản kháng mới. Cách nay hơn 30 năm, các đại học tại Trung Quốc từng là nơi diễn ra nhiều cuộc vận động thúc đẩy cải cách dân chủ, với đỉnh điểm là cuộc phản kháng tại quảng trường Thiên An Môn 1989. 

Tại nhà ga phía nam Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde, cho biết tình hình sinh viên sáng nay:  

Nhiều xe buýt lớn màu xám đậu tại ga phía nam Bắc Kinh sáng nay. Cả một đoàn dài vali kéo. Người sinh viên này của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh không lưỡng lự tranh thủ cơ hội này để rời khỏi trường, trước khi trường phong tỏa trở lại.

Anh nói : ‘‘Sáng nay, họ cho chúng tôi một giờ để ra đi trước khi phong tỏa. Nếu chúng tôi muốn đi thì phải trước 11 giờ. Tôi cho rằng chính quyền phải thay đổi chính sách này.’’ 

Không phải tất cả các sinh viên lên tàu để về quê sáng nay đều đã tham gia biểu tình đòi thay đổi chính sách Zero Covid trong những ngày gần đây. Nhưng một nữ sinh viên Đại học Giao Thông (Jiao Tong) cho chúng tôi biết cô không muốn bỏ lỡ cơ hội này.

Cô nói : ‘‘Chúng tôi đã xét nghiệm Covid liên tục bốn ngày, bây giờ họ để chúng tôi đi. Tôi thật sự sung sướng được trở về nhà. Năm nay tôi đã chỉ có mặt tại trường trong ba tháng. Tôi cũng không biết có thể trở lại trường vào 6 tháng tới hay không. Vì vậy, tôi mang tất cả mọi thứ đi’’.  

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1989, các khẩu hiệu phản kháng được giương lên tại các trường đại học, bao gồm Đại học Thanh Hoa (Tsing Hua) ở Bắc Kinh, đại học của giới tinh hoa của chế độ.

Người sinh viên môn toán này đến từ Đại học Thanh Hoa cho biết tâm trạng hết sức chán ngán của anh:  ‘‘Yêu sách của những người phản đối là hợp lý. Các sinh viên đã phản ứng, và họ đã có câu trả lời. Giờ đây, đa số sinh viên muốn ra đi, nếu không người ta sẽ buộc chúng tôi phải đón Tết tại ký túc xá Đại học. Tất cả mọi người đều lo sợ cho tương lai. Có một tâm trạng hoảng hốt bao trùm’’.  

Nỗi lo ngại cũng có thể thấy ở thượng đỉnh quyền lực : sáng hôm nay, an ninh mặc thường phục hiện diện đông đảo tại những nơi đã diễn ra các cuộc biểu tình cuối tuần qua.  

Đẩy mạnh tiêm chủng với người trên 60 tuổi

Chính quyền Trung Quốc hôm nay quyết định tăng cường chích ngừa Covid-19 cho người cao tuổi. Cho đến nay, mới chỉ có 65,8% người ở độ tuổi trên 80 được tiêm chủng. Việc tiêm chủng chưa đủ mức, đặc biệt ở người cao tuổi, là một nguyên nhân chính mà chính quyền nêu ra để biện minh cho chính sách phong tỏa nghiêm ngặt từ gần 3 năm nay. AFP dẫn thông tin từ Ủy ban Y tế Quốc gia cho hay chính quyền sẽ đẩy mạnh tiêm chủng với cả hai nhóm tuổi, từ 80 trở lên, và từ 60 đến 79. Tiêm chủng đủ mức có thể cho phép Bắc Kinh chấm dứt chính sách Zero Covid
**************
rfi.fr

Chiến tranh Ukraina : Liên Âu tìm cách chống luồn lách trừng phạt Nga

Thùy Dương

Song song với việc viện trợ Ukraina chống quân xâm lược, Liên Hiệp Châu Âu đang tìm cách phát huy hiệu quả các biện pháp trừng phạt Nga. Quả thực, các trừng phạt mà Liên Hiệp Châu Âu ban hành kể từ khi Vladimir Putin điều quân xâm lược Ukraina hôm 24/02/2022 đã nhiều lần bị lách.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet ngày 29/11/2022 gửi về bài tường trình :

Biện pháp chống luồn lách sẽ được áp dụng đối với mọi loại trừng phạt mà Liên Âu ban hành, nhắm vào Iran, Miến Điện, rồi Venezuela hoặc Somalia, nhưng dĩ nhiên và trên hết là nước Nga bị đưa vào tầm ngắm của Liên Âu. Trước khi Nga xâm lược Ukraina, Liên Âu đã ban hành các biện pháp trừng phạt sau khi Matxcơva công nhận các nước Cộng Hòa ly khai Donetsk và Lugansk. Cho đến nay, Liên Âu đã ban hành liên tiếp 8 loạt biện pháp trừng phạt, một nửa số đó bao gồm các biện pháp lấp lỗ hổng của các trừng phạt đã được ban hành trước đó.

Thế nhưng, dĩ nhiên là các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu chỉ có thể nhắm vào những đối tượng mà Liên Âu muốn trừng phạt. Do vậy, từ nay, nếu các nước khác lách các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu, họ sẽ bị Liên Âu xem là phạm tội hình sự. Ví dụ được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua là việc Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc vận chuyển dầu lửa của Nga đến châu Âu.

Trước mắt, đó là một quyết định mang tính nguyên tắc, bởi vì các định chế của Liên Hiệp Châu Âu hiện giờ phải lập một danh sách các biện pháp trừng phạt áp dụng với những đối tượng vi phạm. Và nhất là phải có một quy định chung về hành vi lách lệnh trừng phạt vì hiện giờ 27 nước thành viên vẫn có định nghĩa khác nhau.


**********

Chiến tranh Ukraina: Nga dồn tàu chiến về Biển Đen, biển Azov và Địa Trung Hải

Thùy Dương

CHIẾN TRANH UKRAINA - TÀU CHIẾN

Đăng ngày:

Ảnh minh họa: Một tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình vào một mục tiêu ở Ukraina. Ảnh do bộ Quốc Phòng Nga công bố ngày 11/10/2022.
Ảnh minh họa: Một tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình vào một mục tiêu ở Ukraina. Ảnh do bộ Quốc Phòng Nga công bố ngày 11/10/2022. AP

Bà Natalia Houmenyuk, phát ngôn viên của bộ chỉ huy miền nam của quân đội Ukraina, ngày 28/11/2022 khẳng định trên truyền hình Ukraina là Nga đang tập trung các tàu chiến ở Biển Đen để chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới.

Theo báo Le Monde, phát ngôn viên của bộ chỉ huy miền nam của quân đội Ukraina nói đến sự hiện diện của một tàu tuần dương « phóng tên lửa, mang theo 8 hỏa tiễn loại Kalibr ». Đối với bà Natalia Houmenyuk, điều này cho thấy Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới nhắm vào Ukraina.

Theo Hải Quân Ukraina, 11 tàu chiến Nga, trong đó có cả tàu tuần dương trang bị tên lửa nói trên hiện giờ đang tập trung ở Biển Đen, ngoài khơi Ukraina. Ngoài ra, còn có nhiều tàu khác của Nga hiện diện ở vùng biển Azov và Địa Trung Hải, với tổng số 76 tên lửa có thể được phóng đi.

Trước đó, tối Chủ Nhật, trên video phát thường nhật, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã cảnh báo là tình hình tuần này có thể cũng nhiều khó khăn như tuần trước, ý nói tới các vụ pháo kích của Nga khiến Ukraina mất điện trên diện rộng trong khi mùa đông đã bắt đầu, nhiệt độ xuống rất thấp.

Trong khi đó, sau cuộc họp với tổng thống Rumani Klaus Iohannis, tại Bucarest, tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg hôm qua lưu ý : « Chúng ta phải chuẩn bị đối phó với các cuộc tấn công mới nhắm vào Ukraina ». 

Lãnh đạo NATO cảnh báo, tổng thống Nga Vladimir Putin đang « cố sử dụng mùa đông như một loại vũ khí chiến tranh chống lại Ukraina ». Ông Stoltenberg nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc NATO phải đầu tư vào quốc phòng, bởi vì Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đang phải « đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất từ một thế hệ nay ».

Về phía Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học, giám đốc cơ quan này nói chiến tranh ở Ukraina làm gia tăng mối đe dọa về việc « sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm cả vũ khí hóa học ».

AFP nhắc lại các mối đe dọa và cáo buộc về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học đã được nhắc đến kể từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra, nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy các loại vũ khí này đã được triển khai
************
rfi.fr

Tổng thống Pháp tới Washington để thảo luận về Ukraina và chính sách thương mại

Minh Anh

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay, 29/11/2022 đã đến Washington và sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước hai ngày, từ sáng thứ Tư 30/11.  

Năm 2018, ông Macron đã có chuyến công du Mỹ cấp Nhà nước theo lời mời của tổng thống Donald Trump. Do vậy, lần này là chuyến thăm cấp Nhà nước thứ hai của ông Macron, một « vinh dự » mà nguyên thủ Pháp hy vọng có thể tận dụng để thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến tại Ukraina, bảo vệ châu Âu trước chính sách bảo hộ thương mại Mỹ. Nguyên thủ Pháp cũng hy vọng củng cố lại mối quan hệ song phương Paris - Washington bị rạn nứt sau vụ phá vỡ hợp đồng bán tầu ngầm cho Úc. 

Từ Washington, đặc phái viên đài RFI, Valerie Gas tường thuật : 

Đây là cuộc thăm viếng cấp Nhà nước đầu tiên trong nhiệm kỳ của tổng thống Joe Biden và chính Emmanuel Macron là người được hưởng. Tại điện Elysée, người ta không quên nhắc lại điều đó để chứng tỏ tầm quan trọng của sự kiện, bởi vì Emmanuel Macron còn là vị tổng thống Pháp đầu tiên đã được Washington hai lần mời đến thăm Mỹ ở cấp Nhà nước, nấc cao nhất trong nghi thức lễ tân, một biểu hiện trọng thị hiếm có và đánh giá cao theo như những người thân cận của tổng thống Pháp. Họ ca tụng một mối quan hệ "vô cùng đặc biệt" giữa Pháp và Mỹ, một mối quan hệ từng trải qua một thời kỳ giá lạnh khi Úc hủy bỏ một hợp đồng quan trọng với Pháp và chuyển sang hợp tác với Mỹ, liên quan đến việc cung cấp tàu ngầm.  

Thế rồi, thời gian cũng trôi qua và Emmanuel Macron thực hiện chuyến công du này với tham vọng củng cố một "mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương" mới, rút ra từ những hệ quả cuộc chiến tranh tại Ukraina và bảo đảm cho châu Âu có một chỗ đứng trong cuộc tranh đua toàn cầu nhất là với Trung Quốc. 

Với Joe Biden, tổng thống Macron vào thời điểm hiện tại, ít dùng tới lá bài mối quan hệ cá nhân như ông đã từng làm với Donald Trump dù rằng những người thân cận của ông mô tả mối quan hệ với Biden là thuận hòa và hữu nghị. Tại Washington, một trong số các thách thức đối với Macron là làm thế nào thể hiện sự gần gũi của ông với tổng thống Mỹ.


**************

Rộ tin Mỹ gửi bom cho Ukraine, ông Zelensky cảnh báo đợt tập kích mới từ Nga


Trang The Guardian dẫn lời ba nguồn tin giấu tên cho biết, Lầu Năm Góc đang tính đề nghị Tập đoàn quốc phòng Boeing cung cấp cho Ukraine các loại bom chính xác “nhỏ và rẻ”.

Các nguồn tin giấu tên nói rằng, kho khí tài của Mỹ và nhiều quốc gia đồng minh đang dần cạn kiệt trong khi nhu cầu vũ khí của Ukraine ngày càng tăng. Do vậy, đề xuất mà Lầu Năm Góc dành cho Boeing “về bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) chỉ là một trong nhiều kế hoạch đưa vũ khí mới sản xuất cho Ukraine và những quốc gia đồng minh của Mỹ ở Đông Âu”. 

“GLSDB có thể sẽ được chuyển giao cho Ukraine sớm nhất vào mùa xuân 2023. Nó bao gồm bom dẫn đường chính xác GBU-39 cùng động cơ tên lửa M26, những thứ phổ biến trong kho khí tài của Mỹ”, các nguồn tin giấu tên nói. 

f22-gbu39-900x598-1078
Các quả bom dẫn đường chính xác GBU-39 được xếp ngay ngắn. Ảnh: Không quân Mỹ 

Theo hãng tin Reuters, phát ngôn viên Boeing đã từ chối trả lời khi được hỏi về tính xác thực của thông tin trên. Trong khi đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Tim Gorman chỉ tuyên bố rằng, Mỹ và đồng minh “đang xác định và xem xét những hệ thống khí tài phù hợp nhất có thể gửi cho Kiev”.

The Guardian nhận định, Mỹ trước đây từng nhiều lần từ chối chuyển giao cho Ukraine Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (Army Tactical Missile System/ATACMS) với tầm bắn lên tới 300km. Tuy nhiên nếu GLSDB, với tầm bắn chỉ 150km, được Washington viện trợ cho Kiev, thì lực lượng vũ trang Ukraine sẽ có thể tấn công nhiều mục tiêu quan trọng nằm sâu bên trong khu vực mà quân đội Nga kiểm soát.

Ông Zelensky cảnh báo đợt tập kích mới từ Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, nước này sẽ sớm phải đối mặt với nhiều đợt tập kích mới bằng tên lửa từ Nga.

“Chúng tôi hiểu rằng đối phương đang chuẩn bị cho những đòn tấn công mới. Chúng tôi biết chắc điều đó, và quân đội Nga sẽ không ngừng lại chừng nào họ còn tên lửa. Thật tiếc là như vậy. Tình hình trong tuần tới sẽ có thể khó khăn, và lực lượng vũ trang Ukraine đang chuẩn bị. Chúng tôi đang chuẩn bị cho mọi tình huống”, trang President.gov.ua dẫn lời ông Zelensky nói đêm 27/11.

Theo ông Zelensky, tiền tuyến hiện vẫn hết sức khó khăn, nhất là tại tỉnh Donetsk. “Chúng tôi đang và sẽ làm mọi thứ trong khả năng để tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ của Ukraine”.

Thông tin được Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Ukraine công bố sáng nay (28/11) cho biết, các đơn vị quân đội Ukraine triển khai tại tỉnh Donetsk trong 24 giờ qua đã đẩy lui nhiều hướng tiến công của binh sĩ Nga tại nhiều thành phố và thị trấn như Bakhmut, Andriivka, Opytne, Vodiane…


*************

Nghi vấn Nga đưa tên lửa tới Belarus


Nghi vấn Nga đưa tên lửa tới Belarus  - 1

Hệ thống tên lửa đất đối không Tor-M2 (Ảnh: Tass).

Truyền thông Ukraine dẫn thông tin từ Belarusian Hajun, một nhóm độc lập chuyên theo dõi hoạt động của vũ khí Nga, hôm 28/11 cho biết Nga có thể đã chuyển lô thiết bị quân sự lớn tới Belarus, trong đó bao gồm ít nhất 15 hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2 và 10 đơn vị thiết bị kỹ thuật.

Theo các nhân viên đường sắt Belarus, đây không phải lô thiết bị quân sự cuối cùng của Nga được đưa tới Belarus.

Trước đó, ông Yurii Ihnat, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Lực lượng Không quân Ukraine, thông báo Nga được cho là đã triển khai tên lửa Iskander và hệ thống phòng không S-400 tới quốc gia đồng minh thân cận Belarus. Đồng thời, quan chức Ukraine nói rằng, Nga hiện không cần tới S-300 để bảo vệ không phận Belarus nên họ quyết định chuyển các tổ hợp này sang vùng Donbass ở miền Đông Ukraine. Hồi tháng 6, Nga tuyên bố sẽ chuyển cho Belarus các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine hôm 27/11 cáo buộc, Nga dường như đang lên kế hoạch chuyển một số đơn vị và nhân sự đang đóng tại Belarus tới các vùng lãnh thổ mà Moscow đang kiểm soát ở Ukraine. Phía Ukraine nhận định, lực lượng Nga tác chiến trong các vùng lãnh thổ do Moscow đang kiểm soát sẽ được củng cố khi Nga chuyển các đơn vị từ lãnh thổ Belarus sang.

Nga chưa lên tiếng về tuyên bố từ phía Ukraine.

Thông tin này diễn ra trong bối cảnh cả Nga và Ukraine đều đối mặt với thương vong về mặt quân số sau hơn 9 tháng chiến sự và mùa đông khắc nghiệt đang tới gần.

Căng thẳng giữa Nga, Belarus với Kiev và phương Tây leo thang dồn dập trong thời gian qua khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ cuối tháng 2. Belarus xác nhận họ đã tham gia chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng không điều quân tham chiến trực tiếp.

Belarus khẳng định, mục tiêu quan trọng nhất của nước này là ngăn chặn xung đột lan sang lãnh thổ Belarus, đồng thời bảo vệ người dân nước này khỏi nguy cơ bị tấn công từ các quốc gia không thân thiện trong khu vực.

Tháng trước, Belarus tuyên bố thành lập lực lượng quân sự liên hợp với Nga nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ phía NATO ở biên giới phía tây. Ukraine kêu gọi Belarus không tham gia vào chiến sự của Nga, cảnh báo sẽ đáp trả nếu kịch bản trên xảy ra.

Belarus có chung đường biên giới dài 1.085km với Ukraine và cách thủ đô Ukraine tại điểm gần nhất chưa đầy 100km. Belarus cũng là đồng minh thân cận của Nga, từng cho Nga triển khai hàng chục nghìn binh sĩ diễn tập quân sự không lâu trước khi Moscow mở chiến dịch ở Ukraine.

Cuối tháng 10, Belarus thông báo 9.000 binh sĩ Nga và khoảng 170 xe tăng được triển khai tới Belarus như một phần lực lượng quân sự hiệp đồng giữa hai nước. Giới chức Belarus khẳng định, nhiệm vụ của lực lượng hiệp đồng với Nga chỉ là phòng thủ và bảo vệ biên giới.


**************

Tin thế giới 29-11: Nga phản ứng ngoại giao với Na Uy; Siêu núi lửa Hawaii phun trào


Tin thế giới 29-11: Nga phản ứng ngoại giao với Na Uy; Siêu núi lửa Hawaii phun trào - Ảnh 1.

Các thành viên quân đội Na Uy tham gia cuộc tập trận quân sự mang tên "Phản ứng lạnh 2022", quy tụ khoảng 30.000 binh sĩ từ các quốc gia thành viên NATO cùng với Phần Lan và Thụy Điển, gần Bjerkvik ở Vòng Bắc Cực, Na Uy hồi tháng 3 - Ảnh: REUTERS

* Nga triệu đại sứ Na Uy sau khi nhiều người Nga bị bắt. Theo Hãng tin AFP, ngày 28-11, Matxcơva đã triệu tập đại sứ Na Uy sau khi nhiều người Nga bị bắt giữ và xét xử ở quốc gia Bắc Âu này vì sử dụng máy bay không người lái (drone).

Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã nói với Đại sứ Na Uy tại Nga Robert Kvile rằng Oslo nên ngừng ngược đãi "công dân Nga trên cơ sở quốc tịch của họ".

Tuần trước, một người đàn ông Nga bị kết án 90 ngày tù ở Na Uy vì điều khiển drone trên lãnh thổ Na Uy, vi phạm lệnh cấm vốn được thông qua để đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Gần chục người Nga cũng bị bắt ở Na Uy những tuần gần đây vì vi phạm lệnh cấm bay hoặc lệnh cấm chụp ảnh các địa điểm được coi là nhạy cảm, khi Na Uy tăng cường an ninh quanh cơ sở hạ tầng chiến lược.

* Nga đang "xoay trục" sang các thị trường mới trong bối cảnh khủng hoảng thương mại quốc tế. Đó là thông tin được Tổng thống Nga Vladimir Putin cung cấp tại một diễn đàn hợp tác liên khu vực với Kazakhstan vào ngày 28-11, theo Hãng tin Tass.

"Sự chú ý đặc biệt đang được dành cho việc phát triển cơ sở hạ tầng vận tải và hậu cần chung, loại bỏ các biện pháp hạn chế vốn cản trở trao đổi thương mại và đầu tư. 

Điều này đặc biệt quan trọng hiện nay, do thương mại quốc tế đang gặp khủng hoảng. Xem xét điều này, Nga đang thực hiện các biện pháp quy mô lớn để chuyển hướng hoạt động xuất nhập khẩu sang các thị trường mới" - ông Putin nói.

* Người Ukraine không ký hợp đồng với Nga bị cấm làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ngày 28-11, quân đội Ukraine cáo buộc Matxcơva đã cấm các kỹ thuật viên Ukraine nào từ chối ký hợp đồng với Công ty năng lượng nguyên tử Rosatom của Nga bước vào nhà máy điện hạt nhân rộng lớn Zaporizhzhia mà lực lượng Nga đã kiểm soát từ hồi tháng 3. Hiện tại phía Nga chưa lên tiếng, theo Hãng tin Reuters.

Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này vẫn được vận hành bởi các kỹ thuật viên người Ukraine trong suốt cuộc chiến mặc dù nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Tin thế giới 29-11: Nga phản ứng ngoại giao với Na Uy; Siêu núi lửa Hawaii phun trào - Ảnh 3.

Hình ảnh do USGS công bố vào ngày 28-11 cho thấy dung nham trong miệng núi lửa Mauna Loa ở Hawaii. Núi lửa này phun trào lần đầu tiên sau gần 40 năm - Ảnh: AFP/USGS

* Núi lửa đang hoạt động lớn nhất thế giới phun trào lần đầu tiên sau gần 40 năm. Theo Hãng tin Reuters, Mauna Loa - ngọn núi lửa đang hoạt động lớn nhất trên thế giới ở Hawaii (Mỹ), bắt đầu phun trào trở lại vào đêm chủ nhật 27-11 theo giờ địa phương (sáng 28-11 theo giờ Việt Nam), lần đầu tiên kể từ năm 1984, chấm dứt thời kỳ "ngủ yên" dài nhất trong lịch sử được ghi nhận của núi lửa này.

Bầu trời đêm phía trên hòn đảo lớn nhất của Hawaii phát sáng một màu đỏ như địa ngục khi dung nham nóng, sáng phun ra từ đỉnh núi lửa vào khoảng 23h30 khuya 27-11 (giờ địa phương). Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), hiện tại dòng dung nham vẫn giới hạn trong khu vực đỉnh núi và chưa đe dọa người dân Hawaii sống dưới chân núi.

* Ireland phạt Công ty Meta 275 triệu USD. Ngày 28-11, Ủy ban Bảo vệ dữ liệu (DPC) của Ireland đã phạt Meta - công ty mẹ của Facebook - số tiền 265 triệu euro (275 triệu USD) sau khi thông tin chi tiết của hơn nửa tỉ người dùng bị rò rỉ trên một trang web liên quan tin tặc, theo Hãng tin AFP.

DPC cho biết họ đã đưa ra quyết định nói trên theo sau "quy trình điều tra toàn diện, trong đó có việc hợp tác với tất cả các cơ quan giám sát và bảo vệ dữ liệu khác trong EU".

* Trung Quốc hoãn thi công chức và nhiều kỳ thi khi số ca COVID-19 trong ngày vượt 40.000. Theo Thời báo Hoàn Cầu ngày 28-11, kỳ thi tuyển công chức quốc gia của Trung Quốc - dự kiến diễn ra vào ngày 3 và 4-12, với hơn 2,5 triệu người đăng ký vào 37.100 vị trí trống - đã bị hoãn và chưa lên lịch thi mới. 

Một số kỳ thi và hoạt động khác cũng đã bị hoãn khi số ca bệnh COVID-19 hằng ngày của Trung Quốc vượt mốc 40.000 vào hôm 27-11.

* 8 thường dân thiệt mạng khi khách sạn Somalia bị vây hãm nhiều giờ. Theo Hãng tin AFP, ngày 28-11, lực lượng an ninh Somalia đã giúp chấm dứt cuộc vây hãm kéo dài hàng giờ do các chiến binh nhóm Al-Shabaab có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda tiến hành. 

Các phần tử nổi dậy này đã giết chết 8 thường dân sau khi xông vào khách sạn Villa Rose - khách sạn nổi tiếng với các chính trị gia và quan chức chính phủ - ở thủ đô Mogadishu.

* Mỹ cảnh báo các thành phố bang California chuẩn bị cho năm hạn hán thứ 4. Ngày 28-11, các nhà quản lý nước liên bang của Mỹ kêu gọi nhiều thành phố và người sử dụng công nghiệp ở bang California chuẩn bị đối mặt năm hạn hán thứ 4. Họ cảnh báo về "các hành động duy trì" có thể diễn ra khi tình trạng hạn hán tiếp tục bất chấp những cơn mưa sớm, theo Hãng tin Reuters.

Cục Khai hoang Mỹ cho biết lượng nước dự trữ đang gần mức thấp lịch sử tại các hồ chứa mà cơ quan này vận hành ở bang California - những hồ chứa phục vụ "vựa lúa" thung lũng Trung tâm California cũng như các thành phố Sacramento và San Francisco.

Đi nghĩa vụ quân sự ở Nga

nghia vu

Lính nghĩa vụ Nga ngồi bên trong tàu hỏa chào tạm biệt người thân ở thành phố Omsk, tây nam Siberia (Nga) hôm 27-11, trước khi khởi hành đến đơn vị đồn trú - Ảnh: REUTERS


***********

LHQ nói tình hình ‘nguy cấp’ ở nam Ukraine, Kiev bác tin Nga bao vây miền đông


Liên Hợp Quốc tuyên bố, tình hình ở các thành phố Mykolaiv và Kherson ở miền nam Ukraine vẫn "thảm khốc" và "nguy cấp".

Phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) Stéphane Dujarric hôm 28/11 cho biết, điều phối viên nhân đạo Denise Brown đã đến thăm Mykolaiv và Kherson cuối tuần qua. Ông Brown báo cáo rằng, những người sơ tán khỏi Kherson sẽ đến Mykolaiv, trong bối cảnh gần 250.000 người ở Mykolaiv cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu điện, nước và nhiệt sưởi ấm giữa mùa đông buốt giá.

dan-mykolaiv-xach-nuoc-209
Người dân ở Mykolaiv đang phải dùng các chai nhựa đi xách nước từ một bể chứa công cộng về dùng. Ảnh: AP

CNN dẫn lời ông Dujarric nói, nhà chức trách Ukraine đã thiết lập một số điểm sưởi ấm ở Mykolaiv để trợ giúp người dân. Các nhân viên cứu trợ đang cung cấp vật tư và máy phát điện để giúp những nơi này hoạt động. Ở Kherson, LHQ hy vọng, với sự hỗ trợ của chính quyền, tổ chức có thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản của những người ở lại thành phố nếu duy trì được mức viện trợ tương tự 2 tuần qua.

"Tuy nhiên, tình hình về điện, nước và sưởi ấm vẫn rất nghiêm trọng, mặc dù nguồn cung cấp điện đang dần được khôi phục", ông Dujarric nói thêm.

Các nhà tài trợ đã cung cấp 3,1 tỷ USD viện trợ nhân đạo cho Ukraine thông qua LHQ trong năm nay. Song, ông Dujarric tin việc tiếp tục tài trợ rất quan trọng để duy trì tình hình hoặc phản ứng, đặc biệt là trong những tháng mùa đông.

Ukraine áp cắt điện khẩn cấp

Nhà chức trách Ukraine tuyên bố, họ buộc phải cắt điện khẩn cấp thường xuyên ở nhiều khu vực khắp cả nước vì chưa thể khôi phục cơ sở hạ tầng năng lượng bị tàn phá do các cuộc tấn công của Nga.

kiev-mat-dien-ap-210
Nhiều khu vực ở thủ đô Kiev đang bị cắt điện do cơ sở hạ tầng năng lượng bị tàn phá. Ảnh: AP

Trong một tuyên bố ngày 28/11, Ukrenergo, nhà điều hành lưới điện quốc gia Ukraine cho biết, các máy phát tại nhiều nhà máy điện đã phải ngưng hoạt động khẩn cấp, giữa lúc nhu cầu điện tăng cao do trời mùa đông có tuyết rơi ở thủ đô Kiev và những nơi khác.

Reuters trích dẫn lời đại diện Ukrenergo nói, mức thâm hụt công suất điện của hệ thống lưới điện quốc gia Ukraine hiện là 27%. Công ty này cáo buộc 7 làn sóng tập kích bằng tên lửa của các lực lượng Moscow thời gian qua là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Ukrenergo hy vọng, thâm hụt nguồn cung điện năng sẽ giảm xuống khi các tổ máy phát điện được sửa chữa và trở lại vận hành bình thường.

DTEK, nhà sản xuất điện tư nhân lớn nhất Ukraine, thông báo sẽ giảm 60% lượng điện cung cấp cho các khách hành ở Kiev, nơi nhiệt độ đang dao động quanh mức 0 độ C. Trong số nguồn cung còn lại, việc cung cấp điện cho các cơ sở hạ tầng thiết yếu như bệnh viện, các trạm bơm nước và sưởi ấm chiếm tới 58%.

Công ty tiết lộ sẽ cố gắng cung cấp điện cho mỗi khách hàng ở thủ đô trong khoảng 2 – 3 giờ/ngày.

Kiev bác tin Nga bao vây thành phố miền đông Bakhmut

linh-ukraine-gan-bakhmut-207
Bệ phóng tên lửa đa năng Grad của quân đội Ukraine đang nhắm bắn vào các vị trí của quân Nga ở tiền tuyến gần Bakhmut, Donetsk. Ảnh: AP

Giao tranh ác liệt tiếp tục diễn ra quanh thành phố Bakhmut thuộc vùng Donetsk, miền đông Ukraine. Các video chia sẻ trên mạng xã hội trong những ngày gần đây cho thấy mức độ tàn phá nghiêm trọng ở Bakhmut, nơi hàng ngàn cư dân đang sinh sống trong tình trạng không có điện và nước máy.

Tuy nhiên, theo CNN, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine lên tiếng bác bỏ việc để mất quyền kiểm soát bất kỳ lãnh thổ nào, dù thừa nhận các vụ tập kích của người Nga trong khu vực.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia hôm 28/11, Serhii Cherevatyi, phát ngôn viên của quân đội Ukraine ở miền đông cho hay: "Bakhmut vẫn là tâm điểm của giao tranh chính ở Ukraine. Đối phương hành động quyết liệt nhất theo hướng này. Họ tiến hành các vụ tập kích và bắn phá bằng hỏa lực. Trung bình, đối phương tiến hành khoảng 180-200 cuộc tấn công bằng pháo binh mỗi ngày”.


**********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn