Một tên lửa do Mỹ sản xuất đã đi lạc hướng ở Ukraine, làm dân thường bị thương

Thứ Năm, 24 Tháng Mười Một 20222:43 CH(Xem: 1531)
Một tên lửa do Mỹ sản xuất đã đi lạc hướng ở Ukraine, làm dân thường bị thương
The New York Times

Cù Tuấn, dịch

24-11-2022

Tóm tắt: Một tên lửa AGM-88B phóng từ trên không, được chế tạo để tiêu diệt radar của địch, dường như đã bắn trượt mục tiêu và lao vào một tòa nhà chung cư ở Kramatorsk vào tháng 9.

Một tên lửa do Mỹ sản xuất do quân Ukraine bắn ra đã làm bị thương ba thường dân ở miền đông Ukraine vào tháng 9, theo người dân và các mảnh vỡ được thu hồi từ hiện trường, đánh dấu một trường hợp hiếm hoi khi vũ khí do Mỹ cung cấp có liên quan đến thương vong dân sự trong cuộc xung đột đã kéo dài 9 tháng qua.

Cuộc tấn công — do Tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88B, được bắn từ máy bay chiến đấu nhằm vào các mục tiêu mặt đất như radar và hệ thống phòng không — xảy ra vào khoảng 6 giờ chiều ngày 26 tháng 9, ở thành phố Kramatorsk phía đông Ukraine, người dân cho biết. Thành phố công nghiệp ở vùng Donbas của Ukraine này là nơi thường xuyên xảy ra các cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo binh kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai.

Khi cuộc chiến trên bộ của Nga tại Ukraine đã bị sa lầy, Nga đã duy trì một cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái hạng nặng, và nó đã phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng và giết chết hoặc làm bị thương nhiều thường dân Ukraine. Đáp lại, Ukraine đã phải phụ thuộc rất nhiều vào các hệ thống phòng không, một số mới được gửi đến từ các đồng minh phương Tây.

Trong một trường hợp đặc biệt trong tháng này, các quan chức của Mỹ và Ba Lan nói rằng, một tên lửa do Nga thiết kế đã vượt qua biên giới phía tây của Ukraine vào lãnh thổ Ba Lan và giết chết hai người, rất có thể lại là một loại đạn phòng không do quân Ukraine bắn để đáp trả một cuộc tấn công dữ dội của Nga từ trên không.

Cuộc chiến ở Ukraine nổi bật với nguồn đạn dược gần như bất tận, và đôi khi không thể xác minh được kiểu dáng và nguồn gốc của hàng ngàn viên đạn, đạn pháo và tên lửa đã bắn vào tiền tuyến trong cuộc chiến này.

Nhưng các phóng viên của New York Times đã có thể thu thập và xác định các mảnh kim loại khác lạ còn sót lại tại địa điểm của một cuộc tấn công trước đó, vào tháng 9 ở miền đông Ukraine. Các mảnh vỡ này cho người đọc một cái nhìn vào nơi mà hàng tỷ đô la viện trợ quân sự của Mỹ gửi cho Ukraine đã có thể rơi xuống.

“Ba người bị thương, họ nói. Không có ai chết. Tên lửa này đánh trúng một căn hộ không có ai sinh sống, và trong căn hộ bên cạnh đó, đã có người bị thương”, Olga Vasylivna, một cư dân sống gần nơi có tên lửa tấn công, cho biết. Lời kể của cô đã được các nhân chứng xác nhận. “Chỗ chúng tôi đã bị tấn công, trong khu phố này trước đây. Bây giờ chúng tôi sợ cả những tiếng động nhỏ.”

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Ukraine đã không trả lời các câu hỏi về cuộc tấn công tên lửa trên.

Nỗ lực bảo vệ bầu trời Ukraine và việc tiêu diệt các hệ thống phòng không của quân Nga đã trở nên cấp bách hơn đối với Ukraine trong những tuần gần đây.

Trong tháng này, Mỹ thông báo rằng hai Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (National Advanced Surface-to-Air Missile Systems), hay NASAMS, chuyên bắn các tên lửa mà các đồng minh của Ukraine có nguồn cung cấp lớn, đã được chuyển đến Kiev. Sáu hệ thống tên lửa nữa sẽ được cung cấp cho Ukraine trong những năm tới.

Sự xuất hiện của vũ khí phương Tây, được bổ sung vào kho vũ khí của quân đội Ukraine, đôi khi đòi hỏi một mức độ gian lận và ứng biến – trong trường hợp này, là để cho phép các máy bay chiến đấu MiG thời Liên Xô của Ukraine có thể bắn AGM-88, một loại tên lửa mà MiG không được thiết kế để mang theo.

Không có trường hợp nào được ghi nhận về việc quân đội Ukraine cố tình nhắm mục tiêu vào các thành phố hoàn toàn do họ kiểm soát, cho thấy tên lửa có khả năng đã bị chệch mục tiêu và có thể đã bị trục trặc. Tuy nhiên, quân đội Nga thường nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự và các trung tâm dân cư như một chiến thuật trọng tâm và điều này lặp đi lặp lại.

Để che giấu các cuộc tấn công của họ vào dân thường, Điện Kremlin thường quy kết một số thương vong như vậy một cách sai lầm, rằng thương vong là do hệ thống phòng không của Ukraine bị trục trặc, chúng đã tấn công vào các khu dân cư thay vì đánh chặn các tên lửa và máy bay không người lái của Nga.

Trong trường hợp này, tên lửa Mỹ đã bắn trúng tầng trên cùng của một tòa nhà chung cư năm tầng cũ từ thời Xô viết, phát nổ khi va chạm và khoét một lỗ lớn ở mặt bên của tòa nhà.

Vào cuối tháng 9, Kramatorsk chỉ cách tiền tuyến khoảng 20 dặm, nơi mà các lực lượng Ukraine đang cố chiếm lại trung tâm đường sắt chiến lược Lyman từ tay quân Nga. Không rõ liệu tên lửa trên đã tấn công tòa nhà chung cư vì nó trượt mục tiêu đã định và tiếp tục bay, hay là tên lửa này đã bị trục trặc theo một cách nào đó.

Theo hai quan chức quốc phòng Mỹ, không có dấu hiệu nào cho thấy lực lượng Nga ở Ukraine đã chiếm được hoặc sử dụng tên lửa HARM kể từ khi Mỹ bắt đầu cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Gần như ngay lập tức sau vụ nổ, hình ảnh các mảnh vỡ và mảnh đạn được đăng lên kênh Telegram địa phương do Ukraine điều hành, cho thấy số nhà sản xuất và đề can. Các thông tin trên khẳng định tên lửa là Tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88B (AGM-88B High Speed Anti-Radiation Missile), hay HARM, do Mỹ sản xuất.

Sáng hôm sau, các phóng viên của The New York Times đã kiểm tra thực tế một mảnh đạn tại hiện trường có chứa số lắp ráp liên kết mảnh vỡ với cụm thẻ mạch điện tử, vốn chỉ được sử dụng trong AGM-88B, theo cơ sở dữ liệu trực tuyến cho phép công chúng tra cứu dữ liệu về tài sản của chính phủ Mỹ. Các mảnh khác của quả đạn đã bị phá hủy cũng xuất hiện tại địa điểm vụ nổ tỏ ra phù hợp với các tên lửa cũ này do Mỹ sản xuất.

AGM-88 được Hải quân và Không quân Mỹ tạo ra sau Chiến tranh Việt Nam, dành cho các máy bay chiến đấu chuyên dụng thực hiện các nhiệm vụ tiêu diệt các trận địa tên lửa phòng không của đối phương. Sau khi được phóng, tên lửa tìm kiếm một số dạng bức xạ điện từ phát ra từ các radar gắn với các vị trí tên lửa đất đối không, và căn cứ vào nguồn của những tín hiệu vô tuyến đó từ hơn 30 dặm, sẽ kích nổ 40 pound chất nổ trong đầu đạn của nó khi chạm tới mục tiêu.

Không rõ Lầu Năm Góc bắt đầu cung cấp tên lửa AGM-88 cho quân đội Ukraine từ khi nào. Nhưng vào tháng 8, các quan chức quốc phòng Mỹ thừa nhận rằng quân đội Ukraine đang sử dụng vũ khí này trong chiến đấu. Các video được đăng trên phương tiện truyền thông xã hội cũng xác nhận việc sử dụng chúng.

Mục tiêu dự định của AGM-88 khi tấn công tòa nhà chung cư ở Kramatorsk vẫn chưa rõ ràng, nhưng có thể là nó không tìm thấy radar của đối phương và tấn công tòa nhà chung cư sau khi đã hết nhiên liệu. Tên lửa sẽ tiếp tục bay nếu trượt mục tiêu ban đầu và tìm kiếm các mục tiêu radar khác của kẻ địch.

Lầu Năm Góc từ lâu đã sử dụng các kho thiết bị cũ kỹ để cung cấp cho Kiev, đôi khi để lại cho lực lượng quân đội Ukraine những trang thiết bị hết đát này. Một sĩ quan Mỹ giấu tên vì ông không được phép nói công khai về việc sử dụng tên lửa, nói thêm rằng AGM-88B tấn công căn hộ ở Kramatorsk gần như chắc chắn đến từ kho dự trữ cũ, vì hiện tại nó đã được thay thế bằng một mô hình mới hơn phục vụ cho các lực lượng Mỹ.

Tên lửa này chỉ là một trong số rất nhiều loại vũ khí do Mỹ và các quốc gia khác cung cấp viện trợ sát thương trị giá hàng tỷ đô la cho Ukraine, và Lầu Năm Góc đã công bố bốn gói viện trợ quân sự riêng biệt cho Kiev kể từ tháng 8 bao gồm cả tên lửa AGM-88.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn